Quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật công chức, viên chức? Các nguyên tắc xử lý kỷ luật công chức, viên chức? Thẩm quyền xử lý kỷ luật công chức, viên chức? Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức?
Công chức, viên chức trong quá trình hoạt động tại các cơ quan nhà nước khi vi phạm về nghĩa vụ có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Vậy, các nguyên tắc, thẩm quyền xử lý kỷ luật công chức, viên chức như thế nào?
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 112/2020/NĐ – CP về xử lý kỷ luật công chức, viên chức
Dịch vụ Luật sư
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật công chức, viên chức?
Liên quan đến vấn đề xử lý kỷ luật công chức, viên chức, hiện tai pháp luật đã quy định rất cụ thể tại nghị định 112/2020/NĐ – CP, theo đó ta có thể hiểu rằng công chức,viên chức bị xem xét xử lý kỷ luật khi họ có các hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ.
Công chức và viên chức sẽ có các hình thức xử lý kỷ luật khác nhau. Cụ về căn cứ theo quy định tại điều 7 nghị định 112/2020/NĐ –CP ta có thể xác định được các hình thức kỷ luật đối với công chức bao gồm: Khiển trách,Cảnh cáo,Hạ bậc lương (Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý), Buộc thôi việc (Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý), Giáng chức (Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý), Cách chức(Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý), Buộc thôi việc(Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý)
Còn đối với viên chức căn cứ theo quy định tại điều 7 nghị định 112/2020/NĐ –CP ta có thể xác định được các hình thức kỷ luật đối với viên chức bao gồm: Khiển trách,Cảnh cáo, Buộc thôi việc (Áp dụng đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý), Cách chức (Áp dụng đối với viên chức quản lý),Buộc thôi việc (Áp dụng đối với viên chức quản lý)
Ngoài ra, đối với viên chức thì pháp luật lại có quy định khắt khe hơn rằng nếu viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức nêu trên thì còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
2.Các nguyên tắc xử lý kỷ luật công chức, viên chức?
Khi thực hiện việc xử lý kỷ luật công chức, viên chức các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện theo những nguyên tắc nhất định mà pháp luật quy định. Cụ thể căn cứ theo quy định tại điều 2
Một là, khi xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo sư khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật.
Hai là, mỗi hành vi vi phạm của công chức, viên chức chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, buộc thôi việc thì trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, công chức, viên chức có từ 2 hành vi vi phạm trở lên thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất.
Các cơ quan xử lý kỷ luật công chức, viên chức phải đảm bảo không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.
Ba là, nếu công chức, viên chức đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;
Bốn là, nếu công chức, viên chức đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.
Năm là, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra để ra quyết định kỷ luật đối với công chức, viên chức.
Sáu là, cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính và tương tự như vậy nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự không áp dụng xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự
Bảy là, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.
Tám là, khi thực hiện việc xử lý kỷ luật công chức, viên chức không thực hiện các hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần, danh dự, nhân phẩm của họ.
Chín là, trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực mà công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà lại có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.
3.Thẩm quyền xử lý kỷ luật công chức, viên chức?
Trước hết về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức, ta căn cứ theo quy định tại điều 24, nghị định 112/2020/NĐ- CP có thể xác định được các cơ quan sau có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức:
Một là, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm có thẩm quyền xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Hai là, người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp quản lý công chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý,
Ba là, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với công chức cấp xã,
Bốn là, người đứng đầu cơ quan nơi công chức được cử đến biệt phái có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức biệt phái,
Năm là, cơ quan cũ nơi công chức đã công tác có thẩm quyền xử lý kỷ luật công chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ mà khi chuyển sang cơ quan mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật
Về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức, ta căn cứ theo quy định tại điều 31, nghị định 112/2020/NĐ- CP có thể xác định được các cơ quan sau có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức:
Một là, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức
Cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định công nhận kết quả bầu cử có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức giữ chức vụ, chức danh do bầu cử thì
Hai là, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý,
Ba là, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi viên chức được cử đến biệt phái có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức biệt phái
Bốn là, cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ nơi viên chức công tác có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ mà khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm luật và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật
4. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức?
Trước hết về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức ta căn cứ theo quy định tại điều 25 Nghị định 112/2020/NĐ-CP có thể xác định được trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức như sau:
Cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật công chức tiến hành tổ chức họp kiểm điểm công chức vi phạm;
Sau đó thành lập Hội đồng kỷ luật công chức đó;
Và cuối cùng cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
Còn đối với thủ tục xử lý kỷ luật đối với viên chức ta căn cứ theo quy định tại điều 32 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, từ đó có thể xác định được trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với viên chức như sau:
Cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức tiến hành tổ chức họp kiểm điểm viên chức vi phạm;
Sau đó các cơ quan này phải thành lập hội đồng kỷ luật theo quy định của pháp luật;
Và cuối cùng là cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật viên chức vi phạm
Như vậy, từ những lập luận, phân tích và các căn cứ pháp lý nêu ra ở trên thì có thể thấy hiện tại pháp luật đã có những quy định rất cụ thể về vấn đề nguyên tắc và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức.