Luật môi trường quốc tế có một hệ các nguyên tắc pháp lý đa dạng. Các nguyên tắc của luật môi trường quốc tế về quyền được sống trong môi trường trong lành?
Từ Tuyên bố Stockholm 1972, nhiều văn kiện quốc tế khác đã được soạn thảo nhằm chi tiết hơn các khái niệm và nguyên tắc phát triển bền vững, nhằm hài hòa vấn đề phát triển kinh tế với quyền được hưởng thụ môi trường sống trong lành của con người. Ví dụ như khái niệm về phát triển bền vững trong báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” do Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (RCED) thông qua vào năm 1987. WCED đã định nghĩa phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Theo đó, WCED đã đề xuất một danh sách các nguyên tắc, trong đó bao gồm việc công nhận quyền có một môi trường trong lành như một quyền cơ bản của con người, nghĩa vụ bảo tồn môi trường cho các thế hệ hiện tại và tương lai, sự cần thiết phải duy trì các quá trình sinh thái, đa dạng sinh học.
Năm 1989, Tuyên bố La Hay về Môi trường nhấn mạnh tới “quyền được sống có phẩm giá trong điều kiện môi trường toàn cầu khả thi” 8. Sau đó một năm sau, Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu một báo cáo bao gồm các đề xuất và khuyến nghị về phương thức và các tiêu chí để xác định khi nào sự suy thoái môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc , triển vọng phát triển và sự tồn tại của sự sống trên hành tinh. Năm 1999, Tuyên bố Bizkaia tái khẳng định mối liên hệ nhân quản giữa việc hưởng thụ các quyền và tự do cơ bản của con người với quyền được sống trong môi trường trong lành.
Tiếp nối các tuyên bố quốc tế về môi trường trên, ngày càng có nhiều văn kiện quốc tế, khu vực và của từng quốc gia giúp củng cố cơ sở pháp lý cho quyền con người về môi trường và làm chặt chẽ hơn các nguyên tắc nhằm đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành. Nhìn chung, luật môi trường quốc tế có một hệ các nguyên tắc pháp lý đa dạng. Mặc dù được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế khác nhau, các nguyên tắc này có thể được tóm gọn lại như sau:
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc tiếp cận tổng hợp và phối hợp:
Nguyên tắc tiếp cận tổng hợp và phối hợp là nguyên tắc cực kỳ quan trọng trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đối với lĩnh vực môi trường, nguyên tắc này được đề cập trong Tuyên bố Rio (Nguyên tắc 3, 4 và 25) và chương trình hành động 21 (Chương Vm), nguyên tắc 13 của Tuyên bố Stockholm, Công ước 1982 của Liên hợp quốc về luật biển . Về tổng thể, các thành phần của môi trường có mối quan hệ gắn bó trong một chỉnh thể thống nhất để tạo thành môi trường sống cho con người. Do đó, trong lĩnh vực môi trường, cần có sự tiếp cận tổng hợp và phối hợp để không làm mất đi tính chất đặc thù của từng lĩnh vực mà coi chúng như đối tượng nghiên cứu của cách tiếp cận từ mọi phía, trong một tổng thể không chia cắt của vấn đề môi trường và phát triển.
2. Nguyên tắc phát triển bền vững:
Đây là một trong những nguyên tắc nền tảng của luật môi trường quốc tế. Uỷ ban môi trường và phát triển thế giới định nghĩa phát triển bền vững là: “Sự phát triển nhằm thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ mai sau”. Nguyên tắc này thể hiện những nội dung sau:
– Các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ môi trường để đảm bảo cho thế hệ hiện tại và mai sau được sống trong một môi trường trong lành. Sự ghi nhận quyền này dựa trên quan điểm cho rằng, con người là trung tâm của các mối quan tâm phát triển bền vững và họ được quyền có một cuộc sống hữu ích và lành mạnh, hài hoà với thiên nhiên. Xét về bản chất pháp lý, quyền nói trên xuất phát từ bản chất của quyền con người về cả phương diện các quyền cá nhân và quyền tập thể, tức quyền của dân tộc, quốc gia, đã được thừa nhận trong luật quốc tế về quyền con người. Vì vậy, quyền được sống trong môi trường trong sạch và phát triển bền vững là một trong những quyền cơ bản của con người, suy rộng ra là quyền của các thế hệ hiện tại và tương lai.
– Công nhận quyền được phát triển của tất cả các quốc gia trên cơ sở bình đẳng chủ quyền. Theo đó, các quốc gia đang phát triển có quyền được hưởng các ưu đãi để đảm bảo quyền phát triển và các quốc gia phát triển có nghĩa vụ phải hợp tác, giúp đỡ các quốc gia đang phát triển cả về phương diện tài chính và kỹ thuật.
– Phải xem xét sự phụ thuộc lẫn nhau của các khía cạnh xã hội, kinh tế, môi trường và quyền con người trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo có một sự phát triển bền vững từ cả hai góc độ, kinh tế–xã hội và môi trường, để không làm tổn hại đến môi trường, đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau và hiện tại, phù hợp với các nguyên tắc chung của luật quốc tế.
– Các quốc gia có nghĩa vụ phải sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thuộc quyền tài phán quốc gia cũng như nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Đối với các quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng bởi các thiệt hại môi trường xuyên biên giới có thể áp dụng các biện pháp tự vệ bảo vệ môi trường của mình trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia nơi các mối đe dọa và thiệt hại tiềm ẩn về môi trường xuất phát.
3. Nguyên tắc bình đẳng:
Trong lĩnh vực môi trường, nguyên tắc bình đẳng thể hiện:
– Bình đẳng giữa các thế hệ trong sử dụng và bảo vệ môi trường.
– Bình đẳng giữa các thành viên của thế hệ hiện tại trong việc đáp ứng quyền được phát triển và được sống trong môi trường trong lành của tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế.
– Các quốc gia có quyền bình đẳng và trách nhiệm chung nhưng khác biệt nhau đối với các vấn đề môi trường, về nguyên tắc, các quốc gia cần hợp tác để bảo vệ môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, vì có sự khác nhau trong việc làm thoái hoá môi trường toàn cầu, các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển phải chịu trách nhiệm khác biệt nhau. Trách nhiệm bảo vệ môi trường giữa các quốc gia có trình độ phát triển khác nhau, có các nhu cầu và ưu tiên phát triển và môi trường khác nhau, có mức độ đóng góp khác nhau đối với từng vấn đề riêng biệt sẽ khác nhau. Các nước phát triển phải có trách nhiệm trong các nỗ lực quốc tế về phát triển bền vững do những áp lực mà xã hội của họ gây ra cho môi trường toàn cầu và do những công nghệ và những nguồn tài chính của họ chi phối, điều khiển.
– Sự đại diện công bằng theo khu vực địa lý giữa các thành viên của các tổ chức quốc tế trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách liên quan đến môi trường.
– Chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên và trách nhiệm không gây tổn hại tới môi trường của các quốc gia khác hoặc các vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia là nội dung quan trọng của nguyên tắc bình đẳng áp dụng đối với mỗi quốc gia.
Nghĩa vụ không gây hại không có nghĩa là tuyệt đối không gây hại hay gây ra những rủi ro nào mà là ngăn ngừa và làm giảm các tác động gây hại đáng kể hay gây ra rủi ro cho các quốc gia khác. Trong trường hợp gây tổn hại tới môi trường của các quốc gia khác, quốc gia có hành vi vi phạm luật môi trường quốc tế phải có nghĩa vụ chấm dứt ngay các hành vi gây hại và chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế về các hành vi đó.
4. Nguyên tắc ngăn ngừa và giảm thiểu tổn hại môi trường:
Nguyên tắc này được xây dựng trên cơ sở môi trường sẽ được bảo vệ một cách tốt nhất thông qua các biện pháp phòng ngừa thiệt hại hơn là thông qua các nỗ lực sửa chữa hoặc đền bù, sau khi tổn hại xảy ra cho môi trường. Các biện pháp ngăn ngừa sẽ trở nên hữu hiệu hơn khi chúng nhằm giảm thiểu các nguồn gây hại môi trường nhiều hơn là nhằm giải quyết hậu quả của các tác động gây hại. Sự thay đổi quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu các chất gây hại ngay từ ban đầu sẽ hiệu quả và đỡ tốn hơn là việc đầu tư cho hệ thống kiểm tra, xử lý, thu gom các chất gây tổn hại môi đường ở cuối quy trình sản xuất. Áp dụng nguyên tắc này cũng nhằm ngăn ngừa sự lan truyền tổn hại môi trường từ vùng này sang vùng khác hoặc chuyển từ trạng thái tổn hại môi trường này sang trạng thái tổn hại môi trường khác.
Ở cấp quốc gia, nguyên tắc này yêu cầu các quốc gia cần ban hành luật pháp hữu hiệu về môi trường, các tiêu chuẩn môi trường, những mục tiêu quản lý và những ưu tiên, phản ánh nội dung môi trường và phát triển, các biện pháp phòng ngừa áp dụng cho các hoạt động công cộng và tư nhân có thể gây ra các tổn hại tiềm năng cho môi trường. Các quốc gia cần khuyến khích sự tham gia của các công dân vào giải quyết các vấn đề môi trường và đánh giá tác động môi trường đối với các biện pháp được áp dụng.
Các quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng bởi các thiệt hại môi trường xuyên biên giới có thể áp dụng các biện pháp tự vệ bảo vệ môi trường của mình trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia nơi các mối đe dọa và thiệt hại tiềm ẩn về môi trường xuất phát.
5. Nguyên tắc hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực môi trường:
Nguyên tắc hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực môi trường đòi hỏi sự hợp tác trên tất cả các cấp độ toàn cầu, khu vực, song phương, không chỉ giữa các quốc gia mà còn đối với tất cả các thực thể khác, từ các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ tới các thành phần khác trong xã hội. Các nội dung chính của nghĩa vụ hợp tác trong lĩnh vực môi trường là:
– Hợp tác nhằm thực hiện các biện pháp cần thiết (thông báo trước, tham khảo ý kiến và đàm phán, đánh giá tác động môi trường) để bảo vệ môi trường và thực hiện phát triển bền vững, sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng chia sẻ, đề phòng, ngăn ngừa và giảm thiểu các tổn hại môi trường, ngăn chặn và giải quyết hòa bình các tranh chấp về môi trường.
– Hợp tác trong chuyển giao công nghệ và cung cấp tài chính, thực hiện các cam kết trong các điều ước quốc tế.
– Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và quan trắc có hệ thống. – Hợp tác trong lĩnh vực thông tin.
– Hợp tác trong xây dựng những quy định pháp lý thống nhất về vấn đề môi trường.
– Hợp tác để sử dụng một cách công bằng và hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới.
Các nguyên tắc trên đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực luật môi trường quốc tế, nhưng do chúng được xây dựng trên các tuyên bố về tầm quan trọng của môi trường nên không mang giá trị pháp lý rõ ràng. Điều này chưa phải là hạn chế lớn. Đối với các lĩnh vực khó khăn và phức tạp ở tầm vĩ mô, chẳng hạn như bảo vệ khí hậu và tầng ôzôn, không tồn tại một giải pháp nào là đơn giản và dễ thực hiện, và cách xác định quá cứng nhắc nghĩa vụ môi trường sẽ chỉ dẫn đến sự kém hiệu quả khi một số lượng đáng kể các quốc gia trở nên e ngại việc thực hiện bất kỳ cam kết nào. Trong trường hợp này, các nguyên tắc mang lại sự cân bằng giữa hai thái cực là không có luật và quá nhiều luật.
Thách thức mà các nguyên tắc trong luật quốc tế nói chung phải đối mặt là tính “mềm” của luật, dẫn tới việc phải thường xuyên xem xét và đánh giá lại trong quá trình xây dựng luật quốc tế. Điều này đã minh họa cho những khó khăn trong việc giải thích luật quốc tế bằng cách không chỉ dựa vào lý thuyết cổ điển về các nguồn chính thức của công pháp quốc tế. Chúng cũng làm sáng tỏ bản chất không chắc chắn của quá trình xây dựng luật tập quán quốc tế, tức là câu hỏi về cách thức các quy tắc của luật tập quán quốc tế được hình thành. Ví dụ, ngày càng có nhiều tranh cãi về sự việc hình thành tập quán quốc tế, hay tính “cứng” hay “mềm” của luật, đặc biệt là mối liên hệ của luật quốc tế đến các giá trị đặc biệt quan trọng hoặc lợi ích cộng đồng.
Gạt qua những tranh cãi trên, không thể phủ nhận rằng các nguyên tắc của luật môi trường quốc tế đã giúp thiết lập khuôn mẫu hành vi ở cấp ngoại giao và thực tiễn ở cấp quốc gia liên quan tới bảo vệ môi trường. Điều này đã dẫn tới sự hình thành chuẩn mực của luật pháp quốc tế và của từng quốc gia về bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của con người.