Các nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội? Quy định của pháp luật về sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội?
Bảo hiểm xã hội có vai trò vô cùng quan trọng đối với an sinh xã hội, có thể nói bảo hiểm xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối bới các thành viên tham gia bảo hiểm xã hội thông qua việc huy động các nguồn đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội. Vậy các nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội còn bao gồm những nguồn nào và việc sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội được quy định ra sao? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung liên quan đến: ” Các nguồn hình thành và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội”.
– Cơ sở pháp lý:
1. Các nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội.
Tại Điều 82 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội, theo đó, có năm nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội, bao gồm: người sử dụng lao động đóng, người lao động đóng, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ, hỗ trợ của Nhà nước, các nguồn thu hợp pháp khác.
– Người sử dụng lao động đóng: theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội khi sử dụng người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
+ Về mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động hiện nay được quy định tại Điều 86 Luật bảo hiểm xã hội như sau: người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc các khoản: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Riêng đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí thì đơn vị sử dụng phải đóng trên mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Ngoài ra, từ ngày 01/01/2016, người sử dụng lao động là Nhà nước sử dụng người lao động hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn hằng tháng phải đóng 14% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất cho người lao động.
+ Như vậy, phương thức đóng hiện nay chủ yếu là đóng hằng tháng bằng cách hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng bảo hiểm xã hội (phần của người sử dụng lao động và của người lao động theo mức quy định), chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, đối với đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đóng theo phương thức hằng tháng hoặc 3 tháng, 6 tháng một lần.
– Người lao động đóng: Đối với người lao động, tùy theo đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là bắt buộc hay tự nguyện mà nghĩa vụ đóng góp phí bảo hiểm xã hội sẽ khác nhau. Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, thông thường hằng tháng phải đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất. Việc đóng góp như vậy được thực hiện gián tiếp thông qua việc người sử dụng lao động trích từ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của từng người lao động theo mức như trên để chuyển vào tài khoản chuyên thu của cơ quan bảo hiểm xã hội cùng với khoản phí bảo hiểm xã hội mà mình phải đóng.
+ Đối với đối tượng người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trước đây thường được quy định riêng trong văn bản hướng dẫn của Chính phủ song hiện nay
+ Về phương thức đóng được thực hiện 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng bằng cách đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký HĐLĐ mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo phương thức trên hoặc truy nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội sau khi về nước.
+ Theo đó nghĩa vụ của các bên phải được xác định trên mức lương thực tế (gồm cả phụ cấp lương và các khoản bổ sung chứ không chỉ là lương cơ bản). Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện cũng như giúp các doanh nghiệp có sự điều chỉnh từng bước, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế như hiện nay, Luật bảo hiểm xã hội đã xây dựng lộ trình phù hợp (chia làm hai giai đoạn gồm giai đoạn 2016 – 2017 và giai đoạn 2018 trở về sau) để đảm bảo đến năm 2018, người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội trên cơ sở mức lương thực tế.
+ Việc quy định cụ thể, chi tiết về cơ cấu tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nói trên vừa đảm bảo sự phủ hợp với pháp luật lao động, vừa đảm bảo mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội tương xứng với mức thu nhập, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và thu nhập thực tế của người lao động, giảm tình trạng khai thấp mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, trên cơ sở đó góp phần bảo đảm tốt hơn đời sống của người lao động khi nghỉ hưu.
+ Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, theo Điều 87 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, hằng tháng phải đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Hiện nay, mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng được giảm xuống bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn đã tạo điều kiện để mọi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu hút ngày càng nhiều người tham gia.
+ Về phương thức đóng, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức: đóng hằng tháng; 03 tháng một lần; 06 tháng một lần; 12 tháng một lần hoặc một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng. Như vậy, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bổ sung thêm phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm một năm một lần, một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu. Quy định này rất phù hợp với thực tế và có ý nghĩa làm tăng sức hấp dẫn cũng như sự linh hoạt của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. .
– Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ: Số dư tạm thời nhàn rỗi của Quỹ bảo hiểm xã hội có thể được sử dụng để đầu tư dưới các hình thức khác nhau theo quy định của Điều 91 và 92 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 . Đây cũng là một nguồn thu quan trọng nhằm mục đích bảo toàn và tăng quy mô của quỹ bảo hiểm xã hội, góp phần cải thiện cho các trợ cấp bảo hiểm xã hội, đồng thời đảm bảo cho các hoạt động của bảo hiểm xã hội được tốt hơn cả trong hiện tại và tương lai.
– Hỗ trợ của Nhà nước: Mặc dù Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho quỹ BHXH để đảm bảo cân đối thu – chi nhưng chưa quy định cụ thể là phần hỗ trợ của Nhà nước được xác định rõ là bao nhiêu phần trăm trong tổng quỹ lương quốc gia.
– Các nguồn thu hợp pháp khác: Ngoài các nguồn đóng góp từ người sử dụng lao động, người lao động, tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ và sự hỗ trợ của Nhà nước, hiện nay nguồn hình thành quỹ BHXH còn có một phần từ các nguồn thu hợp pháp khác như khoản nộp phạt của tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BHXH; thu từ các nguồn tài trợ, viện trợ quốc tế, trong nước; giá trị tài sản của quỹ được định giá lại theo quy định của pháp luật (nếu có)…
Trong năm nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội nói trên, nguồn chủ yếu nhất là từ sự đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động, nguồn thu này không ngừng tăng lên qua từng năm song vẫn còn tồn tại khá phổ biến tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, đòi hỏi phải có giải pháp tích cực và toàn diện để giải quyết trong thời gian tới.
2. Quy định của pháp luật về sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội.
Tại Điều 84 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, theo đó, quỹ bảo hiểm xã hội được sử dụng vào những mục đích như sau:
– Quỹ bảo hiểm xã hội được dùng để chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật như: chế độ thai sản, chế độ ốm đau, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất,…
– Quỹ bảo hiểm xã hội được dùng để đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
– Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 90 của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
– Như vậy, hiện nay quỹ bảo hiểm xã hội chủ yếu được sử dụng để chi trả các chế độ cũng như đảm bảo quyền lợi liên quan cho người lao động trong thời gian hưởng bảo hiểm xã hội; mặt khác được dùng để đầu tư sinh lời và cung cấp kinh phí cho hoạt động quản lý bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng bổ sung nội dung sử dụng quỹ để chi trả chi phí giảm định mức suy giảm khả năng lao động cho người lao động (khoản 4 Điều 84).
– Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ thành phần của Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ phải chi trả các khoản giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng v về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên); trả phí khám giám định đối với trường hợp người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động (giám định lại khi tái phát hoặc giám định tổng hợp) mà kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; còn người sử dụng lao động chi trả phí khám giám định đối với những trường hợp do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mà Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động dưới 5%.
– Quy định này được đánh giá là phù hợp hơn bởi lẽ hằng tháng người sử dụng lao động đã phải đóng 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc quỹ bảo hiểm xã hội để cho người lao động hưởng nên nếu người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì chi phí giám định phải do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.