Khái niệm tổ chức tín dụng và phân loại mô hình tổ chức tín dụng? Tổ chức tín dụng là ngân hàng? Tổ chức tín dụng phi ngân hàng? Quỹ tín dụng nhân dân? Tổ chức tài chính vi mô?
Trong nền tài chính Việt Nam hiện nay tồn tại rất nhiều các tổ chức tín dụng, cá tổ chức tín dụng đóng vai trò quan trọng trong nền tài chính, phát triển kinh tế ở nước ta. Các tổ chức tín dụng được tổ chức dưới các mô hình khác nhau mà mỗi mô hình lại có những đặc điểm, quy định riêng biệt cho loại mô hình đó. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về đặc điểm và quy định về các loại mô hình tổ chức tín dụng.
Luật sư
1. Khái niệm tổ chức tín dụng và phân loại mô hình tổ chức tín dụng
Tại Luật Tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017 giải thích khái niệm tổ chức tín dụng như sau: “Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.” (Khoản 1 Điều 4). Như vậy, tổ chức tín dụng là chủ thể kinh doanh đặc thù có đối tượng kinh doanh là tiền tệ- vật ngang giá, có hoạt động thường xuyên là nhận tiền gửi và sử dụng tiền gửi, và cung cấp các dịch vụ thanh toán,…và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
Và cũng theo quy định trên, thì mô hình tổ chức tín dụng tại Việt Nam được chia thành các loại hình đó chính là tổ chức tín dụng là ngân hàng; tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
2. Tổ chức tín dụng là ngân hàng
Tại Luật Tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau: “Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã.” Như vậy, Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh khác có liên quan. Hoạt động của ngân hàng là kinh doanh có tiền tệ, ngân hàng tổn tại và phát triển tạo ra một mức chênh lệch dương giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động, đây chính là hoạt động tạo ra lợi nhuận. Bên cạnh đó ngân hàng còn thực hiện các nghiệp vụ khác như dịch vụ thanh toán, dịch vụ tư vấn tài chính, dịch vụ bảo lãnh; thuê mua; bảo hiểm; môi giới đầu tư, chứng khoán,….
Tổ chức tín dụng là ngân hàng được chia thành ba loại hình chính đó chính là ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách và ngân hàng hợp tác xã.
2.1. Ngân hàng chính sách
Ngân hàng Chính sách chủ yếu là ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước hoặc ngân hàng của Chính phủ, được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao như phục vụ cho việc thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội của Nhà nước. Ngân hàng Chính sách có vị trí độc lập với các ngân hàng thương mại trong hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Chính sách thực hiện theo chỉ định của Chính phủ để hỗ trợ chính sách phát triển kinh tế, xã hội theo từng vùng hoặc theo từng thời kỳ mà các tiêu chí hoạt động của các Ngân hàng thương mại không thể đáp ứng được.
Hiện nay, ở Việt Nam ngân hàng có mô hình ngân hàng chính sách là Ngân hàng chính sách xã Hội Việt Nam. Ngân hàng chính sách xã hội được hiểu thống nhất là một tổ chức tín dụng đặc thù, có nhiệm vụ chủ yếu là thực thi tín dụng chính sách của Chính phủ đối với nhóm đối tượng chính sách xã hội. Ngân hàng chính sách xã hội có bộ máy quản lý và điều hành trong phạm vi cả nước, là một pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu, có tài sản, hệ thống giao dịch và được Chính phủ bảo trợ.
Đối với loại hình ngân hàng chính sách, Chính phủ sử dụng hoạt động của ngân hàng, sử dụng phương thức có hoàn trả dể cung ứng vốn nhằm đạt mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng đó chính là
– Cho vay chính sách hỗ trợ vốn lớn như:
+ Cho vay các ngành công nghiệp có tầm chiến lược quốc gia quan trọng.
+ Cho vay các công trình có khả thi về tài chính nhưng khối lượng vốn quá lớn hoặc thời gian hoàn trả quá dài như đường cao tốc, đường dây tải, các dự án BOT,…
+ Cho vay các Doanh nghiệp Nhà nước chưa thể giải thể, bán khoán và cho thuê được.
+ Cho vay các tổ chức kinh tế ở vùng nghèo.
– Cho vay chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo:
+ Cho vay các hộ gia đình nghèo để sản xuất và ổn định đời sống.
+ Cho vay tạo việc làm;
+ Cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
+ Cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
2.2. Ngân hàng thương mại
Theo quy định tại Luật Tổ chức tín dụng hiện hành thì “Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu lợi nhuận.” Như vậy, ngân hàng tín dụng hiểu đơn giản nhất là ngân hàng hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Ở Việt Nam hiện tại tồn tại rất nhiều các ngân hàng thương mại dưới hình thức là công ty cổ phần.
Các hoạt động chính của ngân hàng thương mại bao gồm:
Thứ nhất, hoạt động huy động vốn. Ngân hàng thương mại được nhận tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác; được phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu tín phiếu trái phiếu để huy động vốn trong nước và nước ngoài, Ngân hàng thương mại được vay vốn của Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của
Thứ hai, Ngân hàng thương mại có hoạt động cấp tín dụng Ngân hàng thương mại được cấp tín dụng dưới hình thức: Cho vay, chiết khấu tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác, bao thanh toán trong nước, bao thanh toán quốc tế đối với các ngân hàng được phép thực hiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế.
Thứ ba Ngân hàng thương mại hoạt động cung cấp dịch vụ thanh toán. Ngân hàng thương mại phải mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và duy trì trên tài khoản tiền gửi mà số dư bình quân không thấp hơn mức dự trữ bắt buộc. Ngân hàng thương mại được mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng khác và được mở tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán ở nước ngoài theo quy định pháp luật về ngoại hối; Ngân hàng thương mại mở tài khoản thanh toán cho khách hàng cung ứng các phương tiện thanh toán, cung ứng dịch vụ thành toán có tính chất quốc tế;
Thứ tư, Ngân hàng thương mại chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần.
Thứ năm, Ngân hàng thương mại tham gia hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và sản phẩm phái sinh.
Thứ sáu Ngân hàng thương mại được tham gia hoạt động kinh doanh khác như đầu tín phiếu kho bạc, mua bán công cụ chuyển nhượng trái phiếu chính phủ, được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản, thực hiện dịch vụ quản lý tiền mặt,, tư vấn ngân hàng tài chính các dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản,….
2.3. Ngân hàng hợp tác xã
Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân. ( Khoản 7 Điều 4 Luật Tổ chức tín dụng). Ngân hàng hợp tác xã có đặc điểm của tổ chức tín dụng là hợp tác xã, đó chính là tổ chức tín dụng thuộc sở hữu tập thể, hoạt động với mục tiêu vì thành viên và xuất phát từ thành viên. Do đó, ngân hàng hợp tác cho vay chủ yêu là các thành viên trong tổ chức mình, việc cho người không phải là thành viên vay là rất hạn chế.
3. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một số hoạt động ngân hàng như là nội dung kinh doanh thường xuyên, nhưng không được nhận tiền gửi không kỳ hạn, không làm dịch vụ thanh toán
Tổ chức tín dụng phi ngân hàng gồm các loại hình đó là Công ty tài chính và Công ty cho thuê tài chính.
Công ty tài chính là doanh nghiệp được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng theo quy định của pháp luật. Công ty tài chính là một loại hình trung gian tài chính với chức năng cơ bản là chuyển vốn từ nơi dư thừa tới nơi thiếu hụt vốn. Công ty tài chính có hoạt động kinh doanh chính, chủ yếu, thường xuyên và mang tính nghề nghiệp một số các hoạt động ngân hàng. Công ty tài chính chịu sự quản lý nhà nước của ngân hàng nhà nước và thuộc phạm vi áp dụng pháp luật ngân hàng.
Công ty cho thuê tài chính chính là doanh nghiệp có hoạt động chính là cho thuê tài chính, tức các công ty cho các cá nhân, tổ chức thuê một khoản tiền, tài sản nhất định để thu lại lợi nhuận. Hoạt động cho thuê tài chính là có thể là hoạt động cho thuê trung hạn hoặc cho thuê dài hạn tùy thuộc vào nội dung hợp đồng giữa bên cho thuê và bên thuê.
4. Quỹ tín dụng nhân dân
Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức kinh tế do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân thành lập để tiến hành các hoạt động kinh doanh tiền tệ và làm các dịch vụ ngân hàng, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, thực hiện mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên, nhằm phát huy sức mạnh của tập thể và của từng thành viên, giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống.
Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức kinh tế mang tính chất xã hội sâu sắc, mục tiêu hoạt động chính của nó đó chính là tương trợ giúp các thành viên trong quỹ. Quỹ tín dụng nhân dân góp phần đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời góp phần quan trọng trong hoạt động thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo,….
5. Tổ chức tài chính vi mô
Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ. (Khoản 5 Điều 4 Luật Tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017). Như vậy, loại hình tổ chức tín dụng này hướng tới các đối tượng là có thu nhập thấp, với cơ cấu tài chính nhỏ, do vậy nhìn chung các tổ chức tài chính vi mô này cũng có cơ cấu nhỏ và thực hiện một số hoạt động nghiệp vụ theo luật định.