Hiến máu là gì? Các lưu ý và cần chuẩn bị như thế nào để hiến máu an toàn? Các quyền lợi của người đi hiến máu? Nguyên tắc thực hiện hoạt động hiến máu?
Hiến máu nhân đạo không những không có ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có những tác dụng, lợi ích nhất định cho người hiến máu. Việc hiến máu phải được thực hiện đúng quy trình trong y tế đưa ra. Và những lưu ý cũng như người đi hiến máu cần chuẩn bị như thế nào để hiến máu một cách an toàn nhất? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Hiến máu là gì?
Hiến máu là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp của toàn xã hội. Người hiến máu theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2013/TT-BYT quy định là người đủ điều kiện hiến máu theo quy định tại Thông tư này và tự nguyện hiến máu toàn phần hoặc một số thành phần máu. Trong đó, thành phần máu là một hoặc một số loại tế bào máu và hoặc huyết tương được lấy trực tiếp từ người hiến máu bằng gạn tách và được chống đông. Máu toàn phần là máu được lấy từ tĩnh mạch người hiến máu có chứa các loại tế bào máu, huyết tương và được chống đông.
Việc hiến máu nhân đạo không chỉ là việc làm hữu ích, san sẻ với cộng đồng mà còn là nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, trách nhiệm cộng đồng cũng như truyền thống của dân tộc “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”.
2. Các lưu ý và cần chuẩn bị như thế nào để hiến máu an toàn?
Thứ nhất, lưu ý về điều kiện, tiêu chuẩn hiến máu:
Căn cứ tại Điều 4 Thông tư số 26/2013/TT-BYT quy định tiêu chuẩn người hiến máu, cụ thể:
Về độ tuổi: từ đủ 18 tuổi đến 60 tuổi.
Về sức khỏe:
– Người có cân nặng ít nhất là 42 kg đối với phụ nữ, 45 kg đối với nam giới được phép hiến máu toàn phần; người có cân nặng từ 42 kg đến dưới 45 kg được phép hiến không quá 250 ml máu toàn phần mỗi lần; người có cân nặng 45 kg trở lên được phép hiến máu toàn phần không quá 09 ml/kg cân nặng và không quá 500ml mỗi lần.
– Người có cân nặng ít nhất là 50 kg được phép hiến các thành phần máu bằng gạn tách; người hiến máu có thể hiến một hoặc nhiều thành phần máu trong mỗi lần gạn tách, nhưng tổng thể tích các thành phần máu hiến không quá 500 ml; Người có cân nặng ít nhất là 60 kg được phép hiến tổng thể tích các thành phần máu hiến mỗi lần không quá 650 ml.
– Không mắc các bệnh mạn tính hoặc cấp tính về thần kinh, tâm thần, hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu, tiêu hoá, gan mật, nội tiết, máu và tổ chức tạo máu, bệnh hệ thống, bệnh tự miễn, tình trạng dị ứng nặng; không mang thai vào thời điểm đăng ký hiến máu (đối với phụ nữ); không có tiền sử lấy, hiến, ghép bộ phận cơ thể người; không nghiện ma tuý, nghiện rượu; không có khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại Luật Người khuyết tật; không sử dụng một số thuốc được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này; không mắc các bệnh lây truyền qua đường máu, các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại thời điểm đăng ký hiến máu
– Về khám lâm sàng:
+ Tỉnh táo, tiếp xúc tốt
+ Huyết áp tâm thu trong khoảng từ 100 mmHg đến dưới 160 mmHg và tâm trương trong khoảng từ 60 mmHg đến dưới 100 mmHg
+ Nhịp tim đều, tần số trong khoảng từ 60 lần đến 90 lần/phút
+ Không có một trong các biểu hiện sau: gày, sút cân nhanh (trên 10% cân nặng cơ thể trong thời gian 6 tháng); da xanh, niêm mạc nhợt; hoa mắt, chóng mặt; vã mồ hôi trộm; hạch to xuất hiện nhiều nơi; sốt; phù; ho, khó thở; tiêu chảy; xuất huyết các loại; có các tổn thương, dấu hiệu bất thường trên da
– Về khám xét nghiệm:
+ Đối với người hiến máu toàn phần và hiến các thành phần máu bằng gạn tách: nồng độ hemoglobin phải đạt ít nhất bằng 120 g/l; nếu hiến máu toàn phần thể tích trên 350 ml phải đạt ít nhất 125 g/l.
+ Đối với người hiến huyết tương bằng gạn tách: nồng độ protein huyết thanh toàn phần phải đạt ít nhất bằng 60g/l và được xét nghiệm trong thời gian không quá 01 tháng
+ Đối với người hiến tiểu cầu, bạch cầu hạt, tế bào gốc bằng gạn tách: số lượng tiểu cầu phải lớn hơn hoặc bằng 150´109/l.
Thứ hai, lưu ý trước khi hiến máu:
– Với những người sức khỏe bình thường, đủ điều kiện để hiến máu thì phải có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp trước khi đi hiến máu. Khoảng 3-5 ngày trước khi hiến máu phải ăn uống đủ chất, ăn đủ bữa, không bỏ bữa, ăn uống đồ có màu xanh, màu đỏ để bổ sung vitamin, giữ tinh thần thoải mái, hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc và sâu giấc.
– Buổi tối trước khi đi hiến máu: ăn uống đủ chất, không uống rượu bia và các chất kích thích gây hại, ăn thanh đạm, không ăn đồ có nhiều dầu mỡ.
– Vào ngày trước đi hiến máu: ăn nhẹ trước khi đi hiến máu, có thể uống nước đường trước khi đo huyết áp
– Khi đi mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân: người hiến máu, thành phần máu phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy chứng minh quân đội, công an, giấy phép lái xe, thẻ công tác, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hiến máu hoặc giấy xác nhận nhân thân do cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương cấp.
– Người đăng ký hiến máu, thành phần máu phải điền đầy đủ thông tin vào Bảng hỏi tình trạng sức khỏe người hiến máu được quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 26/2013/TT-BYT
Thứ ba, lưu ý ngay sau khi hiến máu:
– Sau khi hiến máu, khi bị mất một lượng máu thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe. Lưu ý là ngay sau khi hiến máu, bạn phải nghỉ ngơi một lúc, không được đứng dậy và rời khỏi vị trí ngay tức khắc.
– Sau đó, hạn chế tham gia các môn thể thao đòi hỏi thể lực mạnh, các hoạt động vận động nhiều mất sức như: đá bóng, chạy bộ, leo núi…
– Người hiến máu sau đó phải có chế độ ăn uống hợp lý để bổ sung máu và sức khỏe tốt: ăn thịt bò, trứng, sữa, gan, hoa quả như bơ, cà rốt, cà chua, măng cụt… hoặc có thể sử dụng các thực phẩm chức năng bổ sung máu như sắt.
Thứ tư, lưu ý về khoảng thời gian tối thiểu giữa các lần hiến máu và các thành phần máu:
– Khoảng thời gian tối thiểu giữa hai lần liên tiếp hiến máu toàn phần hoặc khối hồng cầu bằng gạn tách là 12 tuần.
– Khoảng thời gian tối thiểu giữa hai lần liên tiếp hiến huyết tương hoặc hiến tiểu cầu bằng gạn tách là 02 tuần.
– Hiến bạch cầu hạt trung tính hoặc hiến tế bào gốc bằng gạn tách máu ngoại vi tối đa không quá ba lần trong 07 ngày.
– Trường hợp xen kẽ hiến máu toàn phần và hiến các thành phần máu khác nhau ở cùng một người hiến máu thì khoảng thời gian tối thiểu giữa các lần hiến được xem xét theo loại thành phần máu đã hiến trong lần gần nhất.
3. Các quyền lợi của người đi hiến máu:
Căn cứ tại Điều 12 Thông tư số 26/2013/TT-BYT quy định về quyền lợi của người hiến máu:
– Được cung cấp thông tin về các dấu hiệu, triệu chứng bệnh lý do nhiễm các vi rút viêm gan, HIV và một số bệnh lây truyền qua đường máu khác.
– Được giải thích về quy trình lấy máu, các tai biến không mong muốn có thể xảy ra, các xét nghiệm sẽ thực hiện trước và sau khi hiến máu.
– Được bảo đảm bí mật về kết quả khám lâm sàng, kết quả xét nghiệm; được tư vấn về các bất thường phát hiện khi khám sức khoẻ, hiến máu; được hướng dẫn cách chăm sóc sức khoẻ; được tư vấn về kết quả xét nghiệm bất thường theo quy định tại Khoản 4 Điều 17 Thông tư số 26/2013/TT-BYT
– Được chăm sóc, điều trị khi có các tai biến không mong muốn xảy ra trong và sau hiến máu theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 26/2013/TT-BYT . Được hỗ trợ chi phí chăm sóc, điều trị khi có các tai biến không mong muốn xảy ra trong và sau hiến máu. Kinh phí để hỗ trợ chăm sóc điều trị người hiến máu theo quy định tại Khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật.
– Được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định tôn vinh, khen thưởng và bảo đảm các quyền lợi khác về tinh thần, vật chất của người hiến máu theo quy định của pháp luật.
4. Nguyên tắc thực hiện hoạt động hiến máu:
Nguyên tắc thực hiện hoạt động hiến máu được quy định tại Điều 3 Thông tư số 26/2013/TT-BYT, cụ thể:
– Vì mục đích nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.
– Bảo đảm tự nguyện đối với người hiến máu; không ép buộc người khác hiến máu, thành phần máu
– Chỉ sử dụng máu và các chế phẩm máu phục vụ chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học
– Giữ bí mật các thông tin có liên quan đến người hiến máu, người nhận máu và chế phẩm máu
– Bảo đảm an toàn cho người hiến máu, người bệnh được truyền máu, chế phẩm máu và nhân viên y tế có liên quan
– Thực hiện truyền máu hợp lý đối với người bệnh.