Các hình thức hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng? Vai trò của hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng được thể hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Các hình thức hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng:
Hoạt động thanh tra xây dựng là cách thức thể hiện vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra xây dựng. Hoạt động thanh tra xây dựng theo quy định của pháp luật bao gồm: xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra; quyết định việc thanh tra; tiến hành thanh tra trên thực tế; báo cáo kết quả thanh tra; kết luận thanh tra và xử lý kết luận thanh tra ... Hoạt động thanh tra xây dựng được tiến hành trên cơ sở hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Hoạt động của cơ quan thanh tra xây dựng được thể hiện thông qua chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của theo quy định Nghị định số 26/2013/NĐ–CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng, Thông tư liên tịch số 06/2014/TTLT–BXD–BNV ngày 14/5/2014 của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của thanh tra Sở xây dựng, Quyết định 985/QĐ–BXD ngày 9/10/2013 của Bộ trưởng bộ xây dựng về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng có thể được thực hiện bằng hình thức thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất. Trong đó, thanh tra thường xuyên là hình thức chỉ có cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Xây dựng thực hiện.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng được thực hiện trên cơ sở quyết định thanh tra chuyên ngành do người có thẩm quyền ra quyết định hoặc do Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập trên cơ sở phân công. Hoạt động thanh tra chuyên ngành được tiến hành theo Đoàn thanh tra hoặc do Thanh tra viên, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành độc lập.
Thanh tra theo Đoàn
Thanh tra theo Đoàn được tiến hành theo chương trình kế hoạch hằng năm và thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Điều này đồng nghĩa với quyền chủ động tiến hành thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực. Để thực hiện được hình thức thanh tra này, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành phải xây dựng kế hoạch thanh tra, trình thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ cho hoạt động của mình.
Theo kế hoạch thanh tra hằng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cấp có thẩm quyền ban hành các Quyết định thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra. Đoàn thanh tra chuyên ngành được thành lập để tiến hành cuộc thanh tra theo phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, thời hạn ghi trong quyết định thanh tra. Đoàn thanh tra chuyên ngành có Trưởng đoàn Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên Đoàn thanh tra, công chức thanh tra chuyên ngành; trường hợp cần thiết có Phó Trưởng đoàn Đoàn thanh tra.
Về thẩm quyền quyết định thành lập Đoàn thanh tra: Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết, Bộ trưởng, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.
Việc thành lập Đoàn thanh tra được thực hiện trong trường hợp tiến hành thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch hoặc thanh tra đột xuất. Thời hạn thanh tra của Đoàn thanh tra chuyên ngành do Thanh tra Bộ, Tổng cục, Cục thuộc bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày. Cuộc thanh tra chuyên ngành do Thanh tra sở, Chi cục thuộc sở tiến hành không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.
Thanh tra độc lập
Ngoài hai hình thức thanh tra theo chương trình, kế hoạch và thanh tra đột xuất, pháp luật thanh tra quy định hình thức thanh tra độc lập của Thanh tra viên chuyên ngành là thanh tra thường xuyên.
Thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đây là hình thức thanh tra mang tính đặc thù của hoạt động thanh tra chuyên ngành Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập theo sự phân công của Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trong trường hợp phân công Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập thì Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành phải xác định rõ phạm vi, nhiệm vụ, thời hạn tiến hành thanh tra.
Thời hạn thanh tra chuyên ngành độc lập đối với mỗi đối tượng thanh tra là 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiến hành thanh tra. Trường hợp cần thiết, Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chi cục trưởng thuộc Sở gia hạn thời gian thanh tra nhưng thời gian gia hạn không được vượt quá 05 ngày làm việc.
Thanh tra đột xuất
Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc phòng, chống tham nhũng hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh Thanh tra bộ, Giám đốc sở, Chánh Thanh tra sở.
Thẩm quyền ra quyết định thanh tra đột xuất là Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở và báo cáo Bộ trưởng, Giám đốc sở. Trường hợp người ra quyết định thanh tra là Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chi cục trưởng thuộc Sở thì báo cáo Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở.
Đối với vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra đột xuất và thành lập Đoàn thanh tra.
2. Vai trò của hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng:
Thanh tra nói chung và thanh tra chuyên ngành Xây dựng nói riêng làm cho chu trình quản lý nhà nước được khép kín, các hoạt động ban hành và tổ chức thực hiện quyết định quản lý được gắn bó chặt chẽ hơn, từ việc xem xét, đánh giá, kiểm chứng việc thực hiện các chủ trương, chính sách của đối tượng bị quản lý, đến việc đề xuất các biện pháp hoàn thiện chủ trương, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý của chủ thể. Đó là quy trình, quy luật tất yếu trong bất cứ hoạt động quản lý của Nhà nước nào. Ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó phải có thanh tra. Quản lý nhà nước mà không có thanh tra sẽ dẫn tới quan liệu và xa rời thực tiễn. Để thực hiện đổi mới kinh tế và cải cách nền hành chính quốc gia thì vai trò của công tác thanh tra ngày càng cần thiết và quan trọng để quản lý nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vai trò của hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng được thể hiện các nội dung sau:
Thứ nhất, hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng cũng như hoạt động thanh tra nói chung là chức năng thiết yếu của quản lý, là công cụ phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Hoạt động thanh tra luôn luôn gắn liền với quản lý, là một nội dung của quản lý. Hoạt động thanh tra còn là một phương thức phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, phát hiện và xử lý những biểu hiện quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí và những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý. Tại Hội nghị tổng kết thanh tra toàn miền Bắc tháng 4 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các cấp địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai, hoặc làm chậm. Cho nên trách nhiệm của công tác thanh tra là quan trọng”.
Thứ hai, hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng còn là một biện pháp quan trọng trong việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong ngành, lĩnh vực xây dựng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nói chung cũng như đối với ngành, lĩnh vực xây dựng nói riêng mà thiếu sự kiểm tra, thanh tra thì sẽ dẫn đến tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, tham ô, lãng phí và chỉ có tăng cường kiểm tra, kiểm soát thì mới chống được các tình trạng này. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:
Nếu Trung ương Đảng, Chính phủ có nghị quyết, chỉ thị đưa về các ngành, các địa phương, kết quả thế nào không có thanh tra khó mà biết được địa phương nào làm tốt, làm vừa, làm xấu; có làm hay không làm trên không biết; địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết, trên không thấu dưới; dưới không thấu trên. Thanh tra là để theo dõi xem các kế hoạch, chỉ thị, chính sách đó, các địa phương đã chấp hành thế nào.
Thứ ba, hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật chuyên ngành Xây dựng, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật chuyên ngành Xây dựng; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật chuyên ngành Xây dựng, phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực xây dựng; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thứ tư, hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng cũng như hoạt động thanh tra nói chung còn nhằm tìm ra những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, phát hiện những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu thực tế khách quan, từ đó có các biện pháp sửa đổi, bổ sung, khắc phục kịp thời có ý nghĩa tích cực trong việc củng cố trật tự, kỷ cương, hoàn thiện cơ chế quản lý.
Thứ năm, hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng góp phần nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân. Thông qua các quy định của pháp luật về thanh tra chuyên ngành Xây dựng và áp dụng trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật chuyên ngành Xây dựng, người dân nhận thức được thái độ cụ thể của pháp luật đối với những người cố ý vi phạm, từ đó nhận thức pháp luật được nâng lên, ý thức pháp luật của nhân dân, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức được nâng cao, niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật và sức mạnh của nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc.