Quy định về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư? Phân tích các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư?
Các dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Chính bởi vì vậy mà cần tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư đẻ thông qua hoạt động này nhà thầu phát hiện ra những nhà đầu tư không đủ điều kiện đồng thời tìm ra nhà đầu tư có tiềm năng, phù hợp với điều kiện đặt ra cho gói thầu của mình. Để có thể tiến hành việc lựa chọn nhà đầu tư đạt hiệu quả cao nhất pháp luật đã đưa ra những quy định cụ thể về vấn đề này. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Quy định về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư:
Theo quy định pháp luật thì nhà đầu tư được hiểu là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Khoản 1 Điều 29
“Điều 29. Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư
1. Lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:
a) Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
c) Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.”
Như vậy, pháp luật hiện hành đã đưa ra quy định về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư. Cụ thể đó là ba hình thức sau đây: Đấu giá quyền sử dụng đất; Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
2. Phân tích các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư:
Như đã phân tích ở trên thì hiện nay có ba hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Lựa chọn nhà đầu tư là hoạt động được thực hiện để xác định nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án đầu tư.
Lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện thông qua một trong các hình thức sau theo khoản 1 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 cụ thể như sau:
Thứ nhất: Đấu giá quyền sử dụng đất là một trong số các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Trước khi các nhà đầu tư lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, các dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư trừ trường hợp không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đấu giá quyền sử dụng đất sẽ phải được thực hiện theo một nguyên tắc nhất định, đảm bảo quyền lợi của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật này. Quy định về nguyên tắc đấu giá dựa trên nguyên tắc hoạt động đấu giá nói chung và đặc điểm riêng của hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.
– Theo quy định Điều 117
“Điều 117. Nguyên tắc đấu giá quyền sử dụng đất
1. Đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.
2. Việc đấu giá quyền sử dụng đất phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đấu giá tài sản.”
Đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thuộc diện phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và khu đất dự kiến thực hiện dự án đầu tư đã được giải phóng mặt bằng. Trong trường hợp cụ thể này, cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đấu giá tài sản.
– Theo khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai năm 2013, để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cần phải đáp ứng các điều kiện cụ thể sau đây:
+ Để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cần phải có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện.
+ Để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thì đất đã được giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản này thuộc sở hữu Nhà nước.
+ Để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thì cần có phương án đấu giá quyền sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia/đấu giá không thành, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư nếu nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật liên quan theo quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020.
Thứ hai: Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là một trong số các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Cũng giống như hình thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, trước khi lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất, các dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư trừ trường hợp không thuộc diện.
Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về xã hội hóa, pháp luật chuyên ngành và không đáp ứng điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời là Quyết định phê duyệt Danh mục dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Dự án đầu tư có sử dụng đất phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 11 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính Phủ:
– Thuộc một trong các dự án sau đây, cụ thể:
+ Dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng khu đô thị; công trình dân dụng có một/nhiều công năng gồm: nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ không sử dụng vốn đầu tư.
+ Dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại; trụ sở văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ phân loại theo pháp luật xây dựng.
– Thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt, thuộc khu đất do Nhà nước đang quản lý, sử dụng sẽ được UBND cấp tỉnh/Ban quản lý khu kinh tế giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư được chấp thuận.
– Thuộc chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; chương trình phát triển đô thị (nếu có).
– Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000.
– Không đủ điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất.
– Không thuộc trường hợp chỉ định thầu (do chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện), lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhà đầu tư khi đáp ứng điều kiện có liên quan.
Lưu ý rằng đối với việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu được thực hiện sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.
Thứ ba: Chấp thuận nhà đầu tư là một trong số các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Theo Khoản 3 Khoản 4 Điều 29
Trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá không thành theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Trường hợp dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu trong trường hợp:
– Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất (trừ trường hợp bị thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh/phát triển kinh tế – xã hội).
– Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp bị thu hồi đất.
– Nhà đầu tư thực hiện dự án trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
– Trường hợp khác không thuộc diện đấu giá, đấu thầu theo quy định.
Như vậy, trên đây là ba hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2020. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà các hình thức này sẽ được nhà đầu tư lựa chọn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.