Khái niệm hợp đồng hợp tác kinh doanh? Hinh thức đầu tư trong hợp đồng hợp tác kinh doanh? Ưu điểm và hạn chế của các hình thức đầu tư trong hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì?
Khái niệm
Hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (hay hợp đồng BCC) là một hình thức đầu tư trực tiếp, được ký kết giữa các nhà đầu tư theo hợp đồng BCC. Điều 28 Luật Đầu tư 2014 quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC như sau:
“Điều 28. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này.
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.”
Hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC có nhiều ưu điểm, như:
Thứ nhất, hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC có thể giúp các nhà đầu tư tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền bạc do không phải thành lập tổ chức kinh tế.
Thứ hai, với hình thức đầu tư này, các bên có thể hỗ trợ lẫn nhau những thiếu sót, yếu điểm của nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh. Các nhà đâu tư bằng sự am hiểu về thị trường quen thuộc của mình và những thị trường mà bên đối tác chưa nắm rõ có thể giúp đỡ nhau trong việc chiếm lĩnh thị trường, ngoài ra có thể chuyển giao kỹ thuật, công nghệ hiện đại, hướng dẫn về mô hình tổ chức quản lý… Để hai bên cùng hoạt động hiệu quả, cùng đạt được lợi ích mà mình mong muốn.
Thứ ba, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư nhân danh tư cách pháp lý độc lập của mình để chủ động thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ. Tư cách pháp lý độc lập giúp các bên không phụ thuộc vào nhau, tạo sự linh hoạt chủ động trong hoạt động kinh doanh trên cơ sở bình đẳng, không ràng buộc.
Bên cạnh đó, hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC vẫn có những hạn chế nhất định, chẳng hạn như:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ nhất, ưu điểm không phải thành lập tổ chức kinh tế cũng đã chứa đựng sự hạn chế của hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC. Vì không phải thành lập một tổ chức kinh tế mới, do vậy trong khi thực hiện dự án đầu tư việc ký kết các hợp đồng phục vụ cho việc thực hiện hợp đồng BCC. Không thành lập tổ chức kinh tế chung đồng nghĩa với việc các bên không có một con dấu chung, mà con dấu trong thực tế ở Việt nam thì việc sử dụng trong nhiều trường hợp là bắt buộc. Do đó, hai bên phải tiến hành thỏa thuận sử dụng con dấu của một bên để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh, qua đó làm tăng trách nhiệm của một bên so với bên còn lại.
Thứ hai, hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC dễ tiến hành, thủ tục đầu tư không quá phức tạp do vậy chỉ phù hợp với những dự án cần triển khai nhanh mà thời hạn ngắn. Trong thực tế hình thức này được lựa chọn để áp dụng trong một dự án đầu tư cụ thể mà nhanh chóng hồi vốn, dễ sinh lợi nên những dự án có thời gian dài, cần triển khai theo từng giai đoạn mà việc quản lý, kinh doanh phức tạp thực sự không phù hợp.
Thứ ba, mặc dù Luật Đầu tư 2014 đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015, nhưng hiện chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành và thời gian trước đó cũng không có một văn bản nào quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên trong hợp đồng BCC khi một bên giao kết hợp đồng với bên thứ ba trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC. Do vậy, rủi ro của hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC khá cao khiến cho nhiều nhà đầu tư e ngại và cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi lựa chọn hình thức này.