Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai theo quy định mới nhất. Quy định về các hình thức xử phạt hành vi vi phạm pháp luật đất đai năm 2021.
Theo quy định của pháp luật quyền sử dụng đất của người dân luôn phải tuân thủ theo các nguyên tắc, quy định và chỉ đạo của Nhà nước. Người dân có quyền được sử dụng, mua bán, khai thác đất đai nhưng không được trái quy định của luật.
1. Nguyên tắc sử dụng đất theo quy định của pháp luật
Đất đai là một tài sản đặc biệt, nó không phải là của riêng ai và Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu. Mỗi một cá nhân, tổ chức muốn xác lập quyền sử dụng đất thì phải được Nhà nước trao quyền sử dụng đất thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đó. Việc Nhà nước thống nhất quản lý đất đai được thực hiện thông qua nguyên tắc sử dụng đất được quy định tại Điều 6
Điều 6. Nguyên tắc sử dụng đất
“1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
2. Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
3. Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Việc thực hiện theo quy tắc này nhằm đảm bảo cho việc sử dụng đất có hiệu quả, tránh tình trạng đất trống đồi trọc hay đất bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
2. Về quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai
Hành vi bị nghiêm cấm được hiểu là những hành vi không được pháp luật cho phép thực hiện bởi những lý do khác nhau, và nếu vi phạm thì sẽ có các chế tài để xử lý. Theo quy định tại điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai như sau:
“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
5. Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.
6. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.
9. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.
10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.”
Cụ thể các hành vi này đều là những hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích của người khác.
– Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai: là hành vi thay đổi mốc giới thửa đất theo hướng là tăng diện tích đất so với diện tích có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc hủy hoại đất đã vi phạm nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh được quy định tại khoản 2 Điều 6
-Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố: việc thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố tại địa phương góp phần sử dụng đất có hiệu quả và đảm bảo quản lý thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền. Chính vì vậy, việc vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình quản lý và sử dụng đất.
-Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích: để tránh tình trạng lãng phí tài nguyên thiên nhiên làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của Nhà nước, việc không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích được coi là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong việc sử dụng đất là hoàn toàn phù hợp.Căn cứ Điều 6 Luật Đất đai năm 2013, một trong những nguyên tắc (bắt buộc phải thực hiện) là phải sử dụng đất đúng mục đích; trường hợp người sử dụng đất muốn chuyển mục đích sử dụng trong một số trường hợp phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
-Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất:
Quy định về thực hiện quyền của người sử dụng đất gồm nhiều quy định khác nhau và một trong số đó là điều kiện thực hiện quyền.
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
– Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai năm 2013;
– Đất không có tranh chấp;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Ngoài 04 điều kiện trên, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện khác như: Điều kiện bán, mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm quy định tại Điều 189 Luật Đất đai năm 2013; trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất theo Điều 191 Luật Đất đai năm 2013,
-Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật đất đai: đối với mỗi loại đất sẽ có một hạn mức giao đất khác nhau để đảm bảo cho việc sử dụng đất có hiệu quả; đồng thời nhằm đảm bảo công bằng cho các cá nhân, tổ chức… trong việc sử dụng đất. Do đó, việc chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức sẽ gây khó khăn trong quá trình quản lý và sử dụng.
-Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền: cá nhân, tổ chức… được Nhà nước trao quyền sử dụng đất thông qua việc cấp giấy chứng nhận, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thể hiện việc ghi nhận những quyền và nghĩa vụ của các chủ thể đối với diện tích đất đó. Và cũng từ đó mà Nhà nước có thể quản lý dễ dàng các thông tin cũng như ghi nhận quyền cho người sử dụng đất.
Nếu không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì hiển nhiên sẽ không được ghi nhận quyền từ đó làm ảnh hưởng tới quyền lợi cũng như khó khăn trong quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Theo khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Nếu không đăng ký sẽ vi phạm pháp luật và việc chuyển đổi, chuyển nhượng đó không có hiệu lực.
-Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước: không thể phủ nhận việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực đất đai góp phần không nhỏ trong khoản ngân sách nhà nước; điều này góp phần đảm bảo thực hiện các hoạt động của các cơ quan; từ đó nâng cao công tác quản lý.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 63
Như vậy, nếu người sử dụng đất không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính là hành vi vi phạm và không được nhận kết quả thực hiện thủ tục hành chính.
-Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai:
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Được hiểu là việc sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao như là một phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm.Lạm dung chức vụ, quyền hạn. Được hiểu là việc người phạm tội thực hiện những công việc vượt quá quyền hạn, trách nhiệm của họ. (ví dụ: Chủ tịch ủy ban nhân dân xã ra quyết định thu hồi đất, trong khi việc thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện).Giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Được hiểu là hành vi thực hiện các nội dung này không đúng quy định của pháp luật vể đất đai. (ví dụ: Quyết định thu hồi đất nhưng không căn cứ vào các quy định của Luật Đất đai về căn cứ thu hồi đất).
-Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật: việc cung cấp thông tin không chính xác thể hiện việc làm gian dối, sai lệch trong vấn đề quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, đây được xem là hành vi bị nghiêm cấm trong việc sử dụng đất là hoàn toàn phù hợp.
-Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác là việc cố tình gây rối, không cung cấp thông tin hoặc cố tình gây khó khăn cho quyền sử dụng đất của người khác. Theo đó nếu thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.
. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp đưa chất thải, chất độc hại lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.
3. Quy định về việc xử lý vi phạm đất đai
– Theo quy định tại Điều 206 Luật Đất đai 2013 về xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai:
“+ Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
+ Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.“
Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.