Cơ sở của việc quy định về những hành vi bị nghiêm cấm khi người nước ngoài xuất, nhập cảnh? Các hành vi bị nghiêm cấm khi người nước ngoài xuất nhập cảnh?
Việc đi lại của các cá nhân giữa các quốc gia là hoạt động diễn ra vô cùng mạnh mẽ, sôi nổi giữa các quốc gia. Khi thực hiện việc di chuyển giữa các quốc gia đó thì các cá nhân sẽ phải thực hiện hoạt động nhập cảnh hoặc xuất cảnh. Pháp luật các quốc gia cũng như pháp luật các quốc gia khác trên thế giới đều có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi người nước ngoài xuất nhập cảnh. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin về hành vi bị nghiêm cấm khi người nước ngoài xuất, nhập cảnh.
1. Cơ sở của việc quy định về những hành vi bị nghiêm cấm khi người nước ngoài xuất, nhập cảnh
Pháp luật quy định về những hành vi bị nghiêm cấm khi người nước ngoài xuất nhập cảnh trên cơ sở sự quản lý nhà nước về an ninh quốc gia. Quản lý nhà nước về an ninh quốc gia là một bộ phận của quản lý nhà nước nói chung, có đặc trưng chung là mang tính quyền lực đặc biệt, buộc mọi người phải tuân theo và có sự cách biệt giữa người quản lý và người bị quản lý; gắn chặt với quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khác như quản lý kinh tế, văn hoá tư tưởng, đối ngoại…
Quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất nhập cảnh là một bộ phận của quản lý nhà nước về an ninh quốc gia; là hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức xã hội được nhà nước ủy quyền, được tiến hành trên cơ sở pháp luật để thi hành pháp luật nhằm thực hiện trong đời sống hàng ngày các chức năng của nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; duy trì trật tự an ninh và thỏa mãn nhu cầu tự do cư trú, xuất cảnh, nhập cảnh hàng ngày của công dân. Quản lý xuất nhập cảnh góp phần to lớn vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, đề cao tính độc lập tự chủ, đảm bảo việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực cho các mặt của công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an.
Thông qua các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan an ninh có thể chủ động bịt kín sơ hở, tước bỏ điều kiện, ngăn chặn kịp thời các âm mưu, ý đồ phạm tội của đối tượng; chủ động phát hiện các đối tượng có lệnh truy nã, đối tượng chú ý khi nhập cảnh, đối tượng cấm nhập… Quản lý xuất nhập cảnh là hoạt động quản lý dựa trên cơ sở pháp luật để thực hiện quyền lực Nhà nước; là một bộ phận trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đồng thời nó là một trong những biện pháp quản lý hành chính của ngành Công an. Nó góp phần vào công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội khác, đồng thời hỗ trợ tích cực cho công tác trinh sát của lực lượng Công an.
Hoạt động xuất, nhập cảnh là hoạt động liên quan trực tiếp đến chủ quyền quốc gia, để bảo vệ chủ quyền đó, thì pháp luật – hành lang pháp lý, phải có những quy định bảo vệ chủ quyền quốc gia đó. Trong đó, việc quy định trực tiếp các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện hoạt động xuất nhập cảnh chính là một trong những cách thức bảo vệ chủ quyền quốc gia.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm khi người nước ngoài xuất nhập cảnh
Các hành vi bị nghiêm cấm khi người nước ngoài xuất nhập cảnh được quy định tại Điều 5 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019. Cụ thể bao gồm các hành vi sau:
Thứ nhất, cản trở người nước ngoài và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Khoản 1).
Quyền tự do đi lại, tự do cư trú là một trong các quyền cơ bản của con người. Quyền tự do đi lại, tự do cư trú thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị, đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế cũng pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, quyền tự do đi lại, tư do cư trú đó không phải là quyền tuyệt đối, do đó, khi thực hiện các quyền tự do của mình, mọi người phải chịu những hạn chế do luật định. Quyền tự do đi lại, tự do cư trú của công dân có thể bị hạn chế bởi các quyết định của cơ quan nhà nước của thẩm quyền theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Trên cơ sở đó, không một cá nhân, tổ chức hay cơ quan nào có thể ngăn cản việc cá nhân là người nước ngoài thực hiện các hoạt động xuất nhập cảnh nếu không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền hạn chế việc xuất, nhập cảnh của cá nhân đó.
Tương tự, các cơ quan nhà nước thực hiện trách nhiệm của mình về hoạt động xuất, nhập cảnh thì không có chủ thể nào có quyền hạn chế việc các cơ quan thực hiện hoạt động đó. Việc thực hiện các hoạt động liên quan đến xuất, nhập cảnh của người nước ngoài được pháp luật bảo vệ thực hiện tối đa.
Thứ hai, đặt ra thủ tục, giấy tờ, các khoản thu trái với quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan; sách nhiễu, gây phiền hà trong việc làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam.
Pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã xây dựng các quy định rất cụ thể, chi tiết đối với thủ tục thực hiện hoạt động xuất nhập cảnh cho người nước ngoài tại Việt Nam. Việc xây dựng thủ tục đã căn cứ trên chủ trương của Đảng, đảm bảo các yêu cầu cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và dựa trên các yêu cầu thực tiễn đặt ra,… Do đó, việc đặt ra thêm các thủ tục phiền hà, sách nhiễu,… chính là hành vi vi phạm pháp luật, không tuân thủ pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đồng thời, chính sách về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là chính sách mang tính chính trị và ngoại giao, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề về chính trị và ngoại giao của đất nước với các quốc gia khác trên thế giới, nên khi có những rắc rối, nhũng nhiễu trong thủ tục xuất nhập cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam trong quan hệ thế giới. Và nếu những thủ tục xuất, nhập cảnh nhũng nhiễu, gây phiền hà sẽ không thu hút được người nước ngoài đến Việt Nam, từ đó làm giảm việc thu hút đầu tư, thu hút du lịch,…. Với các lý do trên, việc quy định nhóm hành vi này là hành vi bị nghiêm cấm là hoàn toàn hợp lý.
Thứ ba, nhập cảnh, xuất cảnh trái phép tại Việt Nam; làm giả, sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam. Xuất nhập cảnh trái phép là hành vi diễn ra rất nhiều, đặc biệt là ở các khu vực biên giới quốc gia, hay còn gọi là vượt biên trái phép. Hành vi xuất nhập cảnh còn thể hiện ở nhiều hành vi khác. Khi xuất nhập cảnh trái phép chính là hành vi không tôn trọng pháp luật, đồng thời, khi xuất nhập cảnh trái phép khiến cho việc quản lý nhà nước đối với các cá nhân đó không được đảm bảo, đặc biệt là việc cá nhân thực hiện các hành vi phạm tội hay cá nhân bị truy nã,… Hay việc làm giả, sử dụng giấy tờ giả cũng chính là một trong các cách thức để “qua mắt” các cơ quan nhà nước khi các cá nhân không đủ điều kiện xuất nhập cảnh nhưng cố tình thực hiện để có thể xuất, nhập cảnh tại Việt Nam.
Thứ tư, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam. Đây cũng chính là việc gian dối để được xuất nhập cảnh tại Việt Nam khi người nước ngoài không đủ các điều kiện để được xuất nhập cảnh. Việc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật làm cho các cơ quan nhà nước không thể quản lý chính xác được việc xuất, nhập cảnh và hoạt động của các cá nhân đó tại Việt Nam.
Thứ năm, lợi dụng việc nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam để chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây là một dấu hiệu của việc chống phá nhà nước. Nhà nước là chủ thể bất khả xâm phạm, các hành vi chống phá nhà nước, hành vi làm tiền đề cho hành vi chống phá nhà nước phải được ngăn chặn từ khi còn manh nha. Nhà nước Việt Nam đã và đang quyết liệt các hành vi chống phá nhà nước, đặc biệt là hành vi lợi dụng việc xuất nhập cảnh để chống phá nhà nước.
Thứ sáu, mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, tẩy, xóa, sửa chữa nội dung giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh để người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam. Đây là nhóm hành vi gần tương tự như nhóm hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật. Nhưng chủ thể của nhóm hành vi này không phải là người nước ngoài xuất, nhập cảnh vào Việt Nam mà là các cá nhân khác- đó có thể là các chủ thể hành nghề môi giới xuất nhập cảnh. Việc thực hiện hành vi này thể hiện sự không trung thực, gian đối trong xuất nhập cảnh, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.