Hoạt động M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp) bị cấm khi doanh nghiệp thực hiện hoạt động M&A gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về M&A:
M&A là một phần của tập trung kinh tế. Theo đó, tập trung kinh tế bao gồm: sát nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh giữa các doanh nghiệp và các hình thức khác theo luật định. M&A theo nghĩa hẹp hơn chỉ bao gồm hoạt động mua lại, sáp nhập, hợp nhất giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, giống như tập trung kinh tế, hoạt động M&A cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật Cạnh tranh. Theo đó, hoạt động M&A bị cấm khi doanh nghiệp thực hiện hoạt động M&A gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.
2. Các đánh giá tác động tiêu cực liên quan đến giao dịch M&A:
- Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan luôn là một tiêu chí quan trọng được đánh giá xem xét đầu tiên. Thị phần kết hợp là tổng thị phần trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia vào hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của thị trường liên quan, thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định theo một trong các phương pháp sau đây: (1) Tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu bán ra của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm; (2) Tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm; (3) Tỷ lệ phần trăm giữa số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra của doanh nghiệp này với tổng số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm; (4) Tỷ lệ phần trăm giữa số đơn vị hàng hóa, dịch vụ mua vào của doanh nghiệp này với tổng số đơn vị hàng hóa, dịch vụ mua vào của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm. Từ cách tính thị phần có thể dễ dàng đánh giá mỗi quan hệ giữa doanh nghiệp với tất cả các doanh nghiệp khác trên thị trường. Thông thường, thị phần và sức mạnh thị trường tỷ lệ thuận với nhau. Nếu một doanh nghiệp trên thị trường liên quan nắm giữ thị phần đặc biệt cao trong một thời gian dài, thì doanh nghiệp đó sẽ sử dụng quy mô sản xuất và tiêu thụ của mình để trở thành một loại sức mạnh, sức mạnh này sẽ làm cho doanh nghiệp trở thành một chủ thể tham gia thị trường mà không chịu bất kỳ sự hạn chế nào. Sức mạnh này chính là vị trí thống lĩnh thị trường.
- Để xác định khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường liên quan, pháp
luật cạnh tranh đưa ra khái niệm mức độ tập trung trên thị trường như một chỉ số để dự báo tác động của việc tập trung kinh tế trên một thị trường liên quan cụ thể. Nhìn chung, thị trường có mức độ tập trung càng cao thì áp lực cạnh tranh trực tiếp đối với doanh nghiệp hình thành sau TTKT càng thấp. Các chỉ số cơ bản để đánh giá mức độ tập trung của thị trường bao gồm: thị phần, mức độ tích tụ thị trường (chỉ số CR) và chỉ số Herfindahl – Hirschmann Index (HHI). Theo đó, chỉ số CR được sử dụng đánh giá mức độ tập trung thị phần xác định liệu có rơi vào nhóm một số doanh nghiệp hay không, chỉ số HHI được sử dụng để nhận biết mức độ cạnh tranh của thị trường là hoàn hảo hay độc quyền cao, chỉ số này được cơ quan cạnh tranh sử dụng để đánh giá mức độ độc quyền hay độc quyền nhóm trong hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp.
- Một tiêu chí quan trọng không kém đó là mối quan hệ giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động M&A trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng. Thực tế đã chứng minh, các doanh nghiệp thông qua việc kiểm soát chuỗi vật tư, nguyên liệu đầu vào, chuỗi cung ứng sản phẩm đầu ra có thể sử dụng lợi thế đó để triệt tiêu những đối thủ cạnh tranh, dẫn đến độc quyền.
- Rào cản gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp mới cũng là một tiêu chí đánh giá thị trường. Thông thường với một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, hoặc thị trường cạnh tranh độc quyền thì việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp mới là tương đối dễ. Tuy nhiên khi trên thị trường đã xuất hiện doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, hoặc vị trí độc quyền làm cho thị trường cạnh tranh hoàn hảo, hoặc thị trường cạnh tranh độc quyền biến chuyển trở thành thị trường độc quyền hoàn toàn, hoặc độc quyền nhóm thì rào cản gia nhập thị trường trở nên vô cùng lớn. Các doanh nghiệp mới tham gia thị trường thường có quy mô sản xuất nhỏ, dễ dàng bị các doanh nghiệp lớn triệt hạ thông qua các hoạt động cạnh tranh về giá.
- Bên cạnh đánh giá các tác động tiêu cực, cần thiết phải xem xét và đánh giá các tác động tích cực do hoạt động M&A đưa lại. Bởi lẽ trong nhiều trường hợp, những tác động tích cực này vượt xa những tác động tiêu cực.
Luật Cạnh tranh 2018 đưa ra ba tiêu chí đánh giá tác động tích cực:
- Tác động tích cực đến việc phát triển của ngành, lĩnh vực và khoa học, công nghệ theo chiến lược, quy hoạch của Nhà nước. Hoạt động M&A nói riêng và tập trung kinh tế nói chung góp phần tập trung tư bản. Nhờ có tập trung tư bản mà có thể tổ chức lao động sản xuất hợp tác từ rời rạc, thủ công thành một quy trình có quy mô lớn và được xếp đặt một cách khoa học để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời việc tập trung tư bản cũng tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, tìm tòi, phát triển khoa học kỹ thuật.
- Tác động tích cực đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông qua hoạt động M&A, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tập trung sức mạnh để cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn hơn đã tồn tại sẵn trong thị trường.
- Yếu tố cuối cùng cần xem xét đó là tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bởi lẽ, một doanh nghiệp lớn trên thị trường Việt Nam vẫn có thể chỉ là một doanh nghiệp rất nhỏ bé trên thị trường quốc tế. Thông qua hoạt động M&A có thể hình thành những doanh nghiệp lớn hơn, nhiều sức mạnh hơn về vốn, kỹ thuật... từ đó tăng thêm lợi thế, khả năng cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn của nước ngoài trên trường quốc tế.
Trên đây là một số yếu tố tác động tiêu cực và tích cực liên quan đến giao dịch mua bán, sáp nhập doanh nghiệp hay còn gọi là Hợp đồng M&A.