Các điều kiện để đảm bảo tính khả thi của văn bản pháp luật được thể hiện như sau.
– Tính khả thi của văn bản pháp luật phải phù với giữa nội dung của văn bản với các điều kiện kinh tế – xã hội hiện tại.
Tính khả thi thường được đánh giá ở sự phù hợp giữa nội dung văn bản với các điều kiện kinh tế – xã hội hiện tại. Sự phù hợp này phản ánh rất rõ mối tương quan giữa trình độ pháp luật với trình độ pháp triển kinh tế – xã hội. Pháp luật và kinh tế có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nếu văn bản phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, chứa đựng nội dung phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và yêu cầu các quản lý nhà nước sẽ tạo những “đòn bẩy” tăng trưởng kinh tế – xã hội góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Ngược lại, những trường hợp văn bản không phù hợp, không phản ánh đầy đủ các hướng vận động của đời sống xã hội, của kinh tế – xã hội, là nguyên nhân làm giảm sút hiệu quả của quản lý nhà nước. Văn bản pháp luật cũng có thể có tác động tiêu cực nếu nó đi ngược lại sự vận động phát triển của đời sống xã hội sẽ làm kìm hãm pháp luật, không phù hợp với sự phát triển kinh tế. Do vậy, yêu cầu đặt ra là văn bản pháp luật phải vừa phản ánh được những quy định chung về sự phát triển của xã hội, vừa phản ánh được những quy luật mang tính đặc thù trong từng giai đoạn, lĩnh vực. Trên thực tế, chỉ một quy định nhỏ hoặc một khoản, một điểm của khoản cũng có tác động tới tình hình phát triển kinh tế. Ví dụ, để đảm bảo an toàn giao thông, người ta dự kiến phải quy định một số địa phương sẽ không được đăng kí phương tiện giao thông là xe máy nữa. Những quy định này có thể làm các nhà sản xuất xe máy giảm sản xuất xe máy trong tình trạng số lượng người mua giảm nhanh. Việc này ảnh hưởng đến đầu tư cơ bản của nhà máy và giải quyết công ăn việc làm cho công nhân trong nhà máy. Về phía người dân, họ sẽ phản ứng khi thấy rằng trong điều kiện các phương tiện giao thông công cộng (như xe buýt) chưa phục vụ tốt và còn nhiều yếu kém, chỉ có ở thành thị, thì xe máy là phương tiện đi lại thông dụng nhất, vẫn cần được sản xuất và dân chúng phải được tạo điều kiện về mặt pháp lý để sử dụng. Vì vậy, do tác động qua lại mà văn bản pháp luật phải là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Một quốc gia có hung mạnh được hay không cũng là do hệ thống pháp luật của họ có phù hợp với quốc gia đó không.
– Tính khả thi của văn bản thể hiện ở sự phù hợp của nội dung văn bản pháp luật với đường lối chính sách của Đảng, và lợi ích của các bên có liên quan.
Với tư cách là phương tiện cơ bản của Nhà nước trong quản lý, các văn bản pháp luật phải có nội dung phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình thể chế hóa thành pháp luật hoặc trong việc tổ chức thực hiện trên thực tế các đường lối, chính sách đó, có như vậy mới bảo đảm thực hiện có hiệu quả và mới bảo vệ hữu hiệu lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác. Tuy nhiên, trong xã hội mỗi giai cấp lại có một lợi ích khác nhau nhiều khi còn mâu thuẫn. Vì vậy, với bản chất của mình Nhà nước là chủ thể duy nhất đại diện hợp pháp có nhiệm vụ xem xét để tạo ra sự hợp lý về lợi ích của tất cả các giai tầng trong xã hội. Khi văn bản pháp luật đảm bảo được lợi ích của các bên liên quan trực tiếp hay gián tiếp thì văn bản đó sẽ được tự giác thực hiện và nhờ đó có khả năng tác động cao nhất. Trong trường hợp ngược lại, thì khó có thể tránh khỏi sự lẩn tránh thực hiện, thậm chí chống đối lại sự tác động của Nhà nước, văn bản có hiệu lực thấp và muốn được hiện trong thực tế thì Nhà nước phải sử dụng sức mạnh cưỡng chế.
Vì vậy, văn bản pháp luật còn đòi hỏi phải có các quy định, các mệnh lệnh chi tiết, cụ thể để dễ dàng triển khai thực hiện trong thực tế, phù hợp với khả năng của các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức và thực hiện văn bản và phù hợp với nhận thức pháp luật của đối tượng có liên quan đồng thời cũng cần tạo ra sự kịp thời đồng bộ giữa các cơ quan Nhà nước có liên quan trong hoạt động ban hành văn bản và tổ chức thực hiện văn bản. Văn bản có tính khả thi cao khi các quy định của văn bản không chỉ có tính cưỡng chế với người dân mà người dân cũng phải thấy rằng sự cưỡng chế đó là hợp lý, “hợp lòng dân” và vì lợi ích chung mà pháp luật cần có để tạo ra các chuẩn mực chung áp dụng cho mọi người.
– Nội dung văn bản pháp luật phải phù hợp với đối tượng tác động và truyền thống đạo đức, phong tục tập quán, văn hóa, lối sống.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Nội dung văn bản pháp luật phải phù hợp với thực trạng ý thức xã hội, đặc biệt là các quy phạm đạo đức, tôn giáo, phong tục, tập quán trong xã hội. Vì muốn tác động vào các đối tượng quản lý, trước hết chủ thể có thẩm quyền phải sử dụng văn bản để tác động tới nhận thức của những đối tượng có liên quan, qua đó mới điều chỉnh hành vi của họ, trong khi đó nhận thức của các đối tượng này bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau thuộc đời sống ý thức xã hội nên giữa ý thức xã hội với nội dung văn bản pháp luật có mối liên hệ mật thiết, có sự tác động qua lại rất sâu sắc. Nhà nước dung văn bản để tác động và có thể tạo ra sự thay đổi từng bộ phận của ý thức xã hội, nhưng về nguyên tắc vẫn phải được bảo vệ, phát triển và cao hơn nữa là phải tạo ra sự phù hợp với các quy phạm đạo đức, tôn giáo, những phong tục, tập quán trong xã hội. Khi xây dựng văn bản và dự thảo từng quy định quan trọng của văn bản nếu người soạn thảo đánh giá được tác động kinh tế – xã hội cũng như dự kiến nguồn lực bảo đảm thi hành văn bản (khía cạnh tích cực, tiêu cực) thì văn bản khi được áp dụng, chắc chắn sẽ có tính khả thi cao. Việc dự kiến nguồn lực bảo đảm tổng thể các yếu tố thi hành gồm các vấn đề tài chính, con người, bộ máy. Ví dụ: đưa ra chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi cho nông dân nghèo, cần phải tính đến phát sinh trong hệ thống cơ quan tín dụng, các nhân viên tín dụng, bộ máy địa phương, hoạt động của các trung tâm khuyến nông… và cả việc Nhà nước sẽ có chính sách ưu đãi và chi phí.
– Tính khả thi của văn bản pháp luật còn được thể hiện nội dung của văn bản phải phù hợp với pháp luật của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế và mở rộng giao lưu hợp tác nhiều mặt với các nước, các tổ chức quốc tế như hiện nay, sự phù hợp này là cần thiết, đặc biệt là đối với các quy định về quản lý kinh tế, tuy nhiên cũng cần xác định rõ những vấn đề nào có thể tiếp thu có chọn lọc để nội luật hóa, những vấn đề nào mang tính nguyên tắc bất di bất dịch, không thể tiếp thu “nội hóa”, có như vậy mới có thể vừa tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới mở rộng quan hệ nhiều mặt. Vừa giữa vững lập trường, không bị chệch hướng phát triển đã lựa chọn và không làm mất đi bản sắc dân tộc trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
– Tính khả thi của văn bản pháp luật còn thể hiện trong kỹ thuật soạn thảo văn bản pháp luật.
Tính khả thi của văn bản pháp luật còn được xem xét dưới góc độ pháp lý thông qua việc sử dụng ngôn ngữ, xây dựng kết cấu văn bản, bố cục logic, chặt chẽ. Các thuật ngữ pháp lý được sử dụng chính xác, một nghĩa; cách diễn đạt, trình bày nội dung văn bản phải cô đọng, khoa học, dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của đông đảo quần chúng nhân dân để tạo ra sự thuận lợi trong việc thực hiện văn bản pháp luật trên thực tế. Trong các yếu tố thuộc kỹ thuật soạn thảo văn bản thì việc sử dụng ngôn ngữ có tác động trực tiếp và khá sâu sắc tới tính khả thi của văn bản. Vì ngôn ngữ là phương tiện biểu đạt ý chú của cơ quan ban hành văn bản nên sự thể hiện ý chí đó có được rõ ràng, chặt chẽ, chính xác hay không là lệ thuộc vào kỹ năng của người soạn thảo trong việc sử dụng ngôn ngữ. Bên cạnh đó, việc phân chia, sắp xếp văn bản thành đề mục nhỏ hơn, có phối hợp với việc đánh số, đặt tên, đặt nhan đề cho các đề mục đó; việc xác lập cơ cấu hình thức của văn bản cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới tính logic, sự hoàn thiện của văn bản, ảnh hưởng tới tâm lý, tình cảm của đối tượng quản lý và vì vậy cũng gián tiếp ảnh hưởng tới hiệu lực thực tế của văn bản pháp luật.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Các văn bản pháp luật về lĩnh vực văn hóa thông tin
– Quy định về thời hạn đăng tải văn bản pháp luật
– Nội dung kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6568 hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại
– Tư vấn luật miễn phí qua điện thoại
– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại