Các dấu hiệu định khung tăng nặng Tội giết người theo BLHS 2015: Giết nhiều người, giết người có tính chất côn đồ, giết người bằng phương pháp có thể chết nhiều người,....
Tội giết người như đã nói ở trên tùy từng trường hợp mà tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Xét theo cơ cấu khung hình phạt của Tội giết người so với các tội phạm khác trong BLHS năm 2015 có điểm khác nhau cơ bản đó là: Các tội phạm khác thường sắp xếp theo khung hình phạt tăng dần với khoản 1 là cấu thành cơ bản, còn đối với Tội giết người thì khung cấu thành tăng nặng lại quy định tại khoản 1 của Điều luật.
Khoản 1 Điều 123 BLHS quy định hình phạt từ mười hai đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình, áp dụng đối với trường hợp phạm tội thuộc một trong các tình tiết định khung tăng nặng từ điểm a đến điểm q. Các Dấu hiệu định khung tăng nặng:
Mục lục bài viết
- 1 1. Giết hai người trở lên:
- 2 2. Giết người dưới 16 tuổi (Trẻ em):
- 3 3. Giết phụ nữ mà biết là có thai:
- 4 4. Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân:
- 5 5. Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình:
- 6 6. Giết người mà liền trước đó hoặc ngày sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng:
- 7 7. Giết người để thực hiện hoặc che dấu tội phạm khác:
- 8 8. Giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân:
- 9 9. Thực hiện tội phạm một cách man rợ:
- 10 10. Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp:
- 11 11. Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người:
- 12 12. Thuê giết người hoặc giết người thuê:
- 13 13. Giết người có tính chất côn đồ:
- 14 14. Giết người có tổ chức:
- 15 15. Giết người thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm:
- 16 16. Giết người vì động cơ đê hèn:
- 17 17. Quy định về chuẩn bị phạm tội:
- 18 18. Quy định về hình phạt bổ sung:
1. Giết hai người trở lên:
Là trường hợp (có ý định giết người hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả chết người xảy ra) đối với hai người trở lên, có thể cùng một lần hoặc nhiều lần khác nhau. Về trường hợp phạm tội này hiện nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau, có quan điểm cho rằng chỉ coi giết nhiều người nếu có từ hai người chết trở lên. Còn nếu người phạm tội có ý định giết nhiều người nhưng chỉ có một người chết thì không coi là giết nhiều người. Quan điểm này không có cơ sở khoa học và thực tiễn, không đúng với lý luận về cấu thành tội phạm trong trường hợp ý thức chủ quan được xác định rõ là mong muốn tước đoạt tính mạng nhiều người. Bởi vì, thực tiễn xét xử không ít trường hợp không có ai bị giết cả, nhưng vẫn có người bị xét xử Tội giết người. Đó là trường hợp giết người chưa đạt, chỉ cần xác định người phạm tội có ý định giết nhiều người là thuộc trường hợp phạm tội này rồi mà không nhất thiết phải có nhiều người chết mới là giết nhiều người. Ví dụ: A có mâu thuẫn với gia đình B và biết B và gia đình (có nhiều người) đang ở nhà nên A khóa trái cửa nhà rồi đổ 10 lít xăng và châm lửa đốt nhưng gia đình B đã đập tường nhà để thoát chạy và chỉ bị bỏng.
Nếu người phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp thì hậu quả chết người có thể chỉ là chết một người (chỉ cần người phạm tội mong muốn giết nhiều người) cũng xem là giết nhiều người. Tuy nhiên, nếu là lỗi cố ý gián tiếp thì hậu quả “chết nhiều người” là dấu hiệu bắt buộc để áp dụng tình tiết này. Trong trường hợp người phạm tội chỉ giết một người do cố ý, người khác là làm chết người do vô ý sẽ xét xử người phạm tội theo tội danh khác (vô ý làm chết người, sẽ bàn sau). Ngoài ra, nếu có từ hai người chết trở lên, nhưng chỉ có một người chết do sự cố ý của người phạm tội, những người còn lại chết do người phạm Tội giết người trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh, hoặc giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng… thì người phạm tội cũng không bị áp dụng tình tiết “Giết nhiều người”, trường hợp này sẽ định nhiều tội.
2. Giết người dưới 16 tuổi (Trẻ em):
Là trường hợp người phạm tội cố ý tước đoạt tính mạng của trẻ em. Theo Điều 1 của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. Giết trẻ em được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, không chỉ xuất phát quan điểm bảo vệ trẻ em là bảo vệ tương lai của đất nước mà còn bảo vệ người không có khả năng tự vệ. Như vậy, những hành vi giết người dưới 16 tuổi, theo quy định của BLHS 2015, đều bị coi là tình tiết định khung tăng nặng theo khoản 1 Điều 123, bất kể người phạm tội có nhận thức được điều đó hay không (tình tiết mang tính khách quan). Khi áp dụng tình tiết này, chúng ta cần hết sức chú ý phải xác định tuổi của bị hại theo các tài liệu liên quan đến ngày sinh của bị hại. Trường hợp không có tài liệu để xác định và việc xác minh cũng không chính xác thì áp dụng cách tính tuổi của bị hại theo hướng có lợi cho người phạm tội.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, khi không có cơ sở chính xác để xác định tuổi của bị hại thì theo nguyên tắc:
Nếu chỉ biết được tháng sinh mà không xác định được ngày sinh thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh. Nếu chỉ biết được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng của tháng của quý đó làm ngày, tháng sinh. Nếu chỉ biết được nửa năm nhưng không xác định được ngày tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày sinh. Trường hợp xác định được năm sinh nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng của năm đó làm ngày tháng năm sinh. Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định để xác định tuổi của họ.
3. Giết phụ nữ mà biết là có thai:
Là trường hợp nạn nhân bị giết đang mang thai và bản thân người phạm tội khi thực hiện hành vi giết người đã nhận thức được điều đó (không kể nạn nhân có thai bao lâu). Cũng áp dụng tình tiết này nếu người phạm tội tưởng nhầm một người phụ nữ đang có thai dù thực tế người này không đang có thai. Ngược lại, nếu giết phụ nữ có thai nhưng người phạm tội không nhận thức được thì không áp dụng tình tiết này. Ví dụ: A và B là hàng xóm của nhau, do có mâu thuẫn nên hai bên cãi nhau rồi lao vào đánh nhau, A dùng cây đánh vào bụng và đầu chị B nên chị B chết sau đó vài giờ. Khi khám nghiệm tử thi mới biết bị B có thai hơn hai tháng (chưa có biểu hiện ra bên ngoài là đang mang thai). Giết phụ nữ mà biết là có thai thì dấu hiệu thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội. Tình tiết này khác với tình tiết tăng nặng (tại Khoản 1 Điều 52) “người bị hại là phụ nữ có thai”. Đối với tình tiết tăng nặng, chỉ cần nạn nhân là phụ nữ có thai thì có thể áp dụng, không cần biết người phạm tội có biết dấu hiệu này hay không.
4. Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân:
Giết người đang thi hành công vụ là trường hợp giết người mà nạn nhân là người đang thi hành công vụ. Người đang thi hành công vụ có thể đang thực hiện một công việc đương nhiên theo quy định của nghề nghiệp (chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ; Thẩm phán đang xét xử tại phiên tòa; thầy thuốc đang chữa bệnh; thầy giáo đang giảng bài; cán bộ kiểm lâm làm nhiệm vụ; cán bộ thuế đang thu thuế; thanh niên cờ đỏ, dân quân tự vệ đang làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự nơi công cộng …), cũng có thể là người tình nguyện đang tham gia bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong một số trường hợp nhất định như: Đuổi bắt người phạm tội bỏ trốn; can ngăn hòa giải những vụ đánh nhau ở nơi công cộng…). Nạn nhân bị chết phải đang làm nhiệm vụ và nhiệm vụ đó phải hợp pháp thì tình tiết “giết người đang thi hành công vụ” mới được viện dẫn.
Giết người vì lý do công vụ của nạn nhân là trường hợp giết người mà động cơ của hành vi giết người gắn liền với việc thi hành công vụ của nạn nhân; giết nạn nhân để không cho nạn nhân thi hành công vụ hay giết nạn nhân để trả thù việc nạn nhân đã thi hành công vụ. Trường hợp này, người phạm tội giết nạn nhân không phải đang thi hành công vụ mà có thể trước hoặc sau khi thi hành công vụ. Công vụ ở đây được hiểu là những công việc mà việc thực hiện những công việc đó đòi hỏi người thi hành công vụ phải có những quyền hành nhất định với những công dân khác. Tính nguy hiểm của hành vi giết người này là ở chỗ nó không chỉ xâm phạm đến tính mạng của con người mà đồng thời còn xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự công cộng, cản trở đến hoạt động chung của xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an.
5. Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình:
Đây là trường hợp giết người mang tính chất vô đạo đức, bội bạc, giết người mà người bị giết đáng lẽ phải kính trọng. Việc nhà làm luật coi trường hợp này là trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự là xuất phát từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo.
Giết ông, bà: có thể là ông bà nội hay ông, bà ngoại của người phạm tội:
Giết cha, mẹ: Cha mẹ ruột hay
Giết thầy cô giáo của mình: Là những người đã hoặc đang dạy dỗ mình theo quy định của
6. Giết người mà liền trước đó hoặc ngày sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng:
Đây là trường hợp giết người mà liền trước hoặc ngay sau hành vi giết người, kẻ giết người đã phạm thêm một hoặc nhiều tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác tức là tội có mức hình phạt tối thiểu của khung hình phạt phạm phải là trên 7 năm tù. Với việc liên tiếp phạm tội như vậy chứng tỏ kẻ phạm tội là phần tử nguy hiểm, có ý thức phạm tội sâu sắc. Điều đó làm tăng tính nguy hiểm của hành vi phạm Tội giết người, cũng như phản ánh khả năng khó cải tạo, giáo dục người phạm tội. Không có văn bản xác định như thế nào là “liền trước” hoặc “liền sau”. Tuy nhiên, theo thực tiễn xét xử, “liền trước” hoặc “liền sau” được xác định là trong khoảng thời gian vài giờ hoặc hai hành vi được thực hiện liền ngay sau hành vi giết người. Nếu thời gian dài hơn thì không áp dụng tình tiết này. Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác.
7. Giết người để thực hiện hoặc che dấu tội phạm khác:
Là những trường hợp giết người mà động cơ thúc đẩy người phạm tội có hành vi giết người là việc thực hiện một tội phạm khác (ví dụ, muốn trốn khỏi nơi giam nên đã giết người canh gác). Tội phạm khác là bất kỳ tội phạm nào được quy định trong BLHS. Khác với tình tiết “giết người mà liền sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” ở chỗ: Thời gian giết người và sau đó phạm tội khác có thể có khoảng thời gian dài nhất định; vả lại, hành vi giết người có mối quan hệ mật thiết và là tiền đề của “tội phạm khác”.
Trường hợp trước khi giết người, người có hành vi giết người đã thực hiện một tội phạm và để che giấu tội phạm đó nên người phạm tội đã giết người. Thông thường sau khi phạm một tội có nguy cơ bị lộ, người phạm tội cho rằng chỉ có giết người thì tội phạm này đã thực hiện mới không bị phát hiện, người bị giết trong trường hợp này thường là người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội hoặc cùng thực hiện tội phạm.
Giữa hành vi giết người của người phạm tội với tội phạm mà y đã thực hiện phải có mối quan hệ với nhau. Nhưng mối liên hệ ở đây không phải là tiền đề hay phương tiện như trường hợp giết người để thực hiện tội phạm khác mà chỉ là thủ đoạn để che giấu tội phạm.
Về thời gian: tội phạm mà người có hành vi giết người muốn che giấu có thể xảy ra liền ngay trước đó một thời gian nhất định. Nếu xảy ra liền trước đó lại là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác và không có mối liên hệ với tội giết người thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà thuộc trường hợp giết người mà liền trước đó phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác.
8. Giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân:
Do sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong thời đại hiện nay, một số bộ phận trong cơ thể con người có thể cấy, ghép, thay thế được như gan, tim, thận, mắt Do nhu cầu cần thay thế thì nhiều mà các bộ phận cơ thể để thay thế thì rất hạn chế, một số người có rất nhiều tiền nhưng không thể mua được các bộ phận cơ thể để thay thế, do đó không loại trừ khả năng giết người chỉ lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân. Trong những trường hợp này thường có sự thông đồng với bác sĩ phẫu thuật. Cần xác định rằng, nếu người phạm tội giết người không phải vì lý do để lấy các bộ phận cơ thể của người đó, song vì quá căm tức nên đã lấy bộ phận cơ thể người đó ném đi hoặc cho thú ăn thì không áp dụng tình tiết này.
9. Thực hiện tội phạm một cách man rợ:
Là trường hợp giết người một cách đặc biệt tàn ác, dã man làm cho nạn nhân đau đớn rất nhiều trước khi chết (giết bằng cách hành hạ, tra tấn cho đến chết …); hoặc gây ra cho người khác sự khủng khiếp, rùng rợn vì căm tức nạn nhân hay nhằm che giấu tội phạm (sau khi giết người chặt rời chân tay, đầu nạn nhân ra thành từng mảng và vứt ở những nơi khác nhau). Đây là trường hợp giết người một cách đặc biệt tàn ác, dã man, làm cho nạn nhân đau đớn, quằn quại trước khi chết như: mổ bụng, moi gan, khoét mắt, chặt chân tay, xẻo thịt, tra tấn cho đến chết… hoặc gây cho người khác sự khủng khiếp, rùng rợn vì căm tức nạn nhân hay nhằm che giấu tội phạm như: Chặt rời chân tay, đầu nạn nhân ra thành từng mảng và vứt ra ở những nơi khác nhau. Các hành vi trên người phạm tội thực hiện trước khi phạm tội hoàn thành, tức là trước khi nạn nhân bị chết. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng đã coi các hành vi nêu trên là những hành vi có tính man rợ, nhưng không phải là thực hiện tội phạm mà là để che giấu tội phạm, là trường hợp “thực hiện tội phạm một cách man rợ”. Ví dụ: sau khi nạn nhân đã chết, người phạm tội cắt xác nạn nhân ra thành nhiều phần đem vứt ra khắp nơi để phi tang. Đây là vấn đề lý luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nếu coi cả những hành vi có tính chất man rợ nhằm che giấu Tội giết người cũng là “thực hiện tội phạm một cách man rợ” thì nên quy định trường hợp phạm tội này là “phạm tội một cách man rợ” vì phạm tội bao hàm cả hành vi che giấu tội phạm, còn thực hiện tội phạm mới chỉ mô tả những hành vi khách quan và ý thức chủ quan của cấu thành Tội giết người.
10. Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp:
Là trường hợp người phạm tội bằng cách lợi dụng nghề nghiệp của mình để có thể dễ dàng thực hiện hoặc che giấu hành vi giết người. Ví dụ: Bác sĩ lợi dụng nghề nghiệp để giết người là bệnh nhân của mình, bảo vệ bắn chết người khác rồi vu cho là kẻ cướp… Tuy nhiên, phải xác định rõ người phạm tội đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để giết người thì mới thuộc trường hợp này. Có khi người phạm tội không có nghề nghiệp này nhưng lợi dụng người có nghề nghiệp đó rồi thông qua người này thực hiện ý đồ của mình thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: A có mâu thuẫn với B, nhân cơ hội B đang nằm điều trị tại bệnh viện nên A đã đánh tráo ống thuốc tiêm của y tá điều trị, thay vào đó một ống thuốc giả có nhãn hiệu như ống thuốc thật nhưng có độc tố mạnh để mượn tay người y tá giết chết bệnh nhân vì thù oán.
11. Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người:
Là trường hợp người phạm tội đã sử dụng những công cụ, phương tiện cũng như những thủ đoạn phạm tội mà những công cụ, phương tiện, thủ đoạn phạm tội này đặt trong hoàn cảnh cụ thể có khả năng làm chết người mà người phạm tội mong muốn nhưng cũng có thể là người khác. Có thể chết nhiều người và cũng có thể không ai bị chết. Tuy nhiên, nếu không có ai bị chết thì người phạm tội được áp dụng Điều 15 BLHS về trường hợp “giết người chưa đạt”.
12. Thuê giết người hoặc giết người thuê:
Thuê giết người: Là trường hợp người phạm tội trả cho người khác một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất khác để người này giết người mà người phạm tội mong muốn. Người thuê là chủ mưu, người trực tiếp giết người trong trường hợp này là người giết thuê.
Giết người thuê: Là trường hợp người phạm tội nhận tiền hoặc một khoản lợi ích vật chất khác để giết người theo ý muốn của người khác này. Trước đây, những hành vi phạm tội thuê giết người hoặc giết người thuê bị coi là phạm tội có động cơ đê hèn, nhưng nay, BLHS 2015 quy định hành vi này nên chúng ta không coi trường hợp này là giết người có động cơ đê hèn nữa mà chỉ coi là trường hợp thuê giết người hoặc giết người thuê. Thông thường, thuê giết người hoặc giết người thuê được xem là giết người có tổ chức. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hành vi này chỉ xem là đồng phạm bình thường. Ví dụ: Phạm V đến nhà người yêu là Nguyễn Thị D chơi, tại đây V gặp Hoàng Văn H là anh họ của X và Bùi Công Q đang nói chuyện với D. V biết H rủ Q đến nhà H chơi là để giới thiệu D cho Q. V giả vờ xin phép về, trên đường về V gặp Bùi Công Đ và Lê Văn B. V nói với Đ và B: “Chúng mày làm việc hai thằng trong nhà H cho tao, xong việc tao sẽ thưởng”. Đ và B nhận lời, còn V về nhà đợi kết quả. Đ và B đã chuẩn bị một đoạn tre dài 1m có đường kính 3cm ngồi phục sẵn ở gốc cây trước cổng nhà D đi ra. B bấm đèn pin còn Đ dùng đoạn tre vụt một cái thật mạnh biết là đã đánh một đứa gục rồi, V đưa cho Đ và B mỗi tên 500 nghìn và bảo chúng trốn đi một thời gian, bao giờ tình hình âm thì hãy về.
13. Giết người có tính chất côn đồ:
Là trường hợp phạm tội mà tất cả các tình tiết của vụ án thể hiện người phạm tội là người có tính hung hãn cao độ, rất coi thường tính mạng của người khác mà sẵn sàng giết người vô cớ hoặc vì những nguyên cớ nhỏ nhặt. Tuy nhiên, việc xác định trường hợp có tính chất côn đồ không phải bao giờ cũng dễ dàng như các trường hợp giết người khác được quy định tại Khoản 1 Điều 123 BLHS. Thực tiễn xét xử không ít trường hợp giết người không thuộc các trường hợp khác quy định tại Khoản 1 Điều 123 BLHS thì các
14. Giết người có tổ chức:
Là trường hợp đồng phạm giết người một cách chặt chẽ, ở hình thức có tổ chức, có sự sắp xếp, bàn bạc, thỏa thuận trước về việc giết người.
Giết người thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm: Là những trường hợp phạm Tội giết người mà người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích hoặc đã tái phạm, chưa xóa được án tích.
15. Giết người thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm:
Giết người thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm: Là những trường hợp phạm Tội giết người mà người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội hoặc đã tái phạm, chưa xóa được án tích mà lại phạm tội.
Trường hợp trước khi giết người, người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý (khoản 2 Điều 53 BLHS). Ví dụ: A đã bị kết án 10 năm tù về tội cố ý gây thương tích nhưng chưa được xóa án tích lại phạm tội giết người.
16. Giết người vì động cơ đê hèn:
Là những trường hợp giết người mà tính chất của động cơ phạm tội đã làm mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm tăng lên một cách đáng kể so với những trường hợp bình thường khác. Qua tổng kết công tác xét xử, những hành vi giết người vì động cơ sau đây sẽ bị xem là động cơ đê hèn:
+ Giết vợ hoặc chồng để tự do lấy vợ hoặc chồng khác;
+ Giết vợ hoặc chồng để lấy chồng hoặc vợ nạn nhân;
+ Giết người để cướp tài sản;
+ Giết ân nhân của mình;
+ Giết người tình mà biết là có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm;
+ Giết chủ nợ để trốn nợ
Những trường hợp giết người không thuộc khoản 1 thì sẽ rơi vào Khoản 2 Điều 123 BLHS và có thể bị phạt tù từ 07 đến 15 năm, đây là trường hợp giết người thông thường, không có các tình tiết tăng nặng, định khung tăng nặng.
17. Quy định về chuẩn bị phạm tội:
Người chuẩn bị hành vi phạm tội thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: theo quy định Khoản 3 Điều 123 BLHS, Người chuẩn bị phạm tội giết người, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Chuẩn bị phạm tội giết người là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm giết người. Khoản 3 Điều 123 là cách quy định mới của BLHS năm 2015. Bởi lẽ, trong BLHS năm 1999, hành vi chuẩn bị phạm tội giết người chỉ được quy định chung (với nội dung là: Chỉ người nào chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện) trong phần chung của BLHS, không được quy định trong một khoản của từng tội phạm, phần các tội phạm của BLHS. Cách quy định mới này tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và áp dụng quy định của BLHS nói chung và quy định của BLHS về Tội giết người nói riêng.
18. Quy định về hình phạt bổ sung:
Khoản 4 Điều 123 BLHS quy định về hình phạt bổ sung đối với tội giết người: Người phạm tội giết người, ngoài các hình phạt chính như đã nêu trên, còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Đây là những hình phạt bổ sung có thể được áp dụng kèm theo hình phạt chính trong những trường hợp cần thiết.
Đối với Tội giết người, nếu Toà án áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội thì không thể áp dụng hình phạt bổ sung vì các hình phạt bổ sung là hình phạt phải thi hành sau khi chấp hành xong hình phạt tù, một người đã bị kết án tử hình thì không có việc chấp hành xong hình phạt tù, nếu áp dụng hình phạt bổ đối với người bị án tử hình sẽ trở thành vô nghĩa. Riêng đối với hình phạt tù chung thân cũng có ý kiến cho rằng, Toà án có thể áp dụng hình phạt bổ sung, vì người bị phạt tù chung thân có thể được giảm thời hạn tù và trên thực tế chưa có người nào bị phạt tù chung thân lại ở tù suốt đời. Vì vậy, việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ là cần thiết và như vậy mới bảo đảm tính công bằng với người bị phạt tù có thời hạn.
Tuy nhiên, hình phạt tù chung thân là hình phạt tù không có thời hạn, nếu Toà án áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội thì khi tuyên án, Toà án không thể quyết định cấm cư trú hoặc quản chế người phạm tội mấy năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù, quyết định như vậy xét về góc độ pháp lý là không chính xác, vì không ai biết khi nào người phạm tội bị phạt tù chung thân chấp hành xong hình phạt. Trừ trường hợp BLHS quy định “người bị phạt tù chung thân nếu được giảm hình phạt xuống tù có thời hạn thì Tòa án sẽ áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ hoặc nếu áp dụng hình phạt bổ sung đối với người bị phạt tù chung thân thì hình phạt bổ sung sẽ được thi hành nếu người bị kết án tù chung thân được giảm hình phạt xuống tù có thời hạn theo quy định của BLHS”.
Việc quy định hình phạt bổ sung có thể áp dụng đối với người phạm Tội giết người không những hỗ trợ cho hình phạt chính, tăng khả năng cá thể hóa hình phạt, mà còn giúp đạt được mục đích của hình phạt là không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục học ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm nói chung và Tội giết người nói riêng.