Tranh chấp về pháp luật thừa kế là gì? Các dạng tranh chấp về pháp luật thừa kế. Cách hạn chế tranh chấp về pháp luật thừa kế.
Tranh chấp diễn ra phổ biến ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống như tranh chấp
Căn cứ pháp lý:
Mục lục bài viết
- 1 1. Tranh chấp về pháp luật thừa kế là gì?
- 2 2. Các dạng tranh chấp về pháp luật thừa kế:
- 3 3. Cách hạn chế tranh chấp về pháp luật thừa kế:
1. Tranh chấp về pháp luật thừa kế là gì?
Thừa kế là sự chuyển dịch về tài sản (hay còn gọi là di sản) của người đã chết để lại cho người còn sống. Theo quy định của
– Thừa kế theo di chúc được quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015: người đã chết để lại di sản cho người sống theo sự định đoạt của người đó bằng di chúc khi họ còn sống;
– Thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015: người đã chết không để lại di chúc thì chia di sản của người đó để lại cho những người còn sống được chia theo quy định pháp luật về thừa kế.
Tranh chấp về pháp luật thừa kế hay còn được gọi Tranh chấp về di sản thừa kế được hiểu là mâu thuẫn, không tìm được tiếng nói chung giữa những người được hưởng thừa kế về việc chia, quản lý di sản của người để lại thừa kế. Hay hiểu theo cách phổ biến hơn thì tranh chấp thừa kế là việc mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên trong việc thừa hưởng, nhận di sản mà người chết để lại cho những người thừa kế.
2. Các dạng tranh chấp về pháp luật thừa kế:
Tranh chấp về pháp luật thừa kế hiện nay bao gồm 04 loại, cụ thể như sau:
– Loại tranh chấp thứ nhất: Tranh chấp về di sản thừa kế;
– Loại tranh chấp thứ hai: Tranh chấp về xác nhận quyền thừa kế;
– Loại tranh chấp thứ ba: Tranh chấp về bác bỏ quyền thừa kế;
– Loại tranh chấp thứ tư: Tranh chấp về buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người đã chết để lại và thanh toán về các khoản chi từ di sản thừa kế.
2.1. Tranh chấp về di sản thừa kế:
Tranh chấp về di sản thừa kế được phát sinh từ việc yêu cầu chia di sản thừa kế của người đã mất của các đương sự trong vụ án thừa kế.
Tranh chấp về phân chia di sản thừa kế được hiểu là những xung đột, mâu thuẫn giữa các chủ thể trong việc xác lập quyền sở hữu đối với phần di sản mà người chết đã để lại cho từng người còn sống có quyền hưởng thừa kế trong khối di sản chung sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài sản của người đã chết để lại.
Tranh chấp về di sản thừa kế bao gồm các đặc điểm sau:
– Chủ thể tham gia tranh chấp về di sản thừa kế là người thừa kế hoặc các chủ thể khác;
– Đối tượng của tranh chấp về di sản thừa kế là phần di sản mà người đã chết để lại;
– Tính chất của tranh chấp về di sản thừa kế là tính chất của sự xung đột, mâu thuẫn về quyền và lợi ích giữa những người được thừa kế di sản từ người chết để lại;
– Nguyên nhân của tranh chấp về di sản thừa kế là việc phân chia di sản thừa kế không thống nhất và quá đa dạng.
Ví dụ minh hoạ: Ông A khi còn sống có 02 mảnh đất và 500 triệu đồng tiền tiết kiệm. Vợ ông mất sớm và ông có 2 người con trai. Trước khi mất ông không để lại di chúc nên khi ông mất phần di sản trên được chia đều cho con trai theo quy định của pháp luật, mỗi người một mảnh đất và 250 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ông còn sống anh con trai cả là người trực tiếp ở với ông, chăm sóc ông nên khi nhận phần di sản thừa kế đó anh không chấp nhận và cho rằng mình phải được hưởng cả 500 triệu đồng đó xem như là tiền chăm sóc ông khi về già. Do đó mà xảy ra tranh chấp giữa hai người con trai về di sản thừa kế.
2.2. Tranh chấp về xác nhận quyền thừa kế:
Tranh chấp về xác nhận quyền thừa kế là loại tranh chấp phát sinh từ yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của một hoặc một số người trong quan hệ thừa kế.
Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền thừa kế bao gồm các quyền như sau: quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho những người khác khi mình mất và quyền được hưởng phần di sản của người để lại di sản theo di chúc hoặc theo quy định về pháp luật thừa kế hiện hành.
Tranh chấp về xác nhận quyền thừa kế là loại tranh chấp thường xuyên xảy ra trong cuộc sống bởi có một số điểm không đồng nhất giữa quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành. Tranh chấp về xác nhận quyền thừa kế thường xảy ra ở 02 trường hợp sau:
2.2.1. Tranh chấp giữa những người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc và những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc:
Người lập di chúc lập di chúc theo tâm nguyện của mình. Trong di chúc người có di sản để lại muốn để cho ai thì xác định những người được hưởng di sản thừa kế trong di chúc đó. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về những trường hợp vẫn được hưởng di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật như: Cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.
Tuy nhiên, việc xác định 2/3 một suất thừa kế không hề đơn giản vì phải xác định được chính xác những người được thừa kế theo pháp luật. Do đó vì sự khó xác định và không thống nhất này nên dẫn đến tranh chấp về xác nhận quyền thừa kế.
Ví dụ minh hoạ: Ông A có một căn nhà tại thành phố T, tỉnh T. Ông có một người vợ và 2 người con trai (một người 10 tuổi và một người 20 tuổi không có khả năng lao động). Ông có để lại di chúc thừa kế, trong di chúc ghi rõ để lại căn nhà tại thành phố T cho vợ mình và người con trai 10 tuổi, không để lại di sản nào cho người con trai 20 tuổi vì cho rằng người con này không có khả năng lao động và ốm yếu nên cũng không cần thiết hưởng di sản thừa kế. Khi ông A mất thì xảy ra tranh chấp giữa mẹ và con trai lớn 20 tuổi do theo di chúc để lại thì anh con trai này không được hưởng di sản nhưng theo quy định tại Điều 644 nêu trên thì anh này được hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.
2.2.2. Tranh chấp giữa những người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật:
Trường hợp này thường xảy ra khi người mất không để lại di chúc mà chỉ để lại di sản thừa kế hoặc có để lại di chúc nhưng di chúc bị xem là vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Nguyên nhân xảy ra tranh chấp trong trường hợp này là do không có di chúc để lại nên những người được thừa kế thừa phát sinh tranh chấp trong việc xác định người thừa kế và xác định người bị truất quyền thừa kế. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì nếu người chết không để lại di chúc thì di sản để lại sẽ được chia và chia thừa kế theo hàng thừa kế. Tại Điều 651 Bộ luật Dân sự hiện hành có quy định 03 hàng thừa kế, những người được hưởng thừa kế cùng hàng thì được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau. Người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế trong trường hợp nếu không có ai ở hàng thừa kế trước nhận di sản thừa kế (do chết, do thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản, do bị truất quyền thừa kế hoặc từ chối nhận di sản thừa kế).
Bên cạnh đó, việc quy định con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi ở hàng thừa kế thứ nhất rất khó xác nhận nếu không có căn cứ rõ ràng. Liệu những người đến nhận là con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi thì thừa nhận như thế nào? Hay họ chỉ cần đến xác nhận là cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi.
Ví dụ minh hoạ: Ông B khi sống có nhận nuôi 1 người con nuôi là cháu T (hiện nay 20 tuổi) có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền. Ông B có 1 căn nhà và 250 triệu đồng tiền tiết kiệm nhưng khi mất ông không để lại di chúc chia di sản thừa kế. Vì không có di chúc nên khi ông B mất, gia đình ông B có vợ và các con đẻ của ông B tiến hành họp để khai nhận di sản thừa kế. Khi đó T cũng đến và yêu cầu được chia di sản thừa kế của ông B vì là con nuôi của ông B. Do vợ và các con đẻ của ông B không biết về việc ông nhận con nuôi ở bên ngoài nên đã xảy ra tranh chấp giữa những người hưởng di sản thừa kế.
2.3. Tranh chấp về bác bỏ quyền thừa kế:
Tranh chấp về bác bỏ quyền thừa kế là loại tranh chấp phát sinh từ yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của các đương sự trong vụ tranh chấp thừa kế. Việc bác bỏ quyền thừa kế là việc những người được hưởng di sản thừa kế do người chết để lại nhưng lại bị nhưng lại bị người khác yêu cầu Toà án xác định là người được thừa kế di sản đó không được quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, pháp luật Dân sự có quy định về những trường hợp không được hưởng di sản thừa kế do người chết để lại tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên những người này vẫn được hưởng di sản thừa kế khi người để lại di sản biết rõ hành vi của người đó nhưng vẫn để cho họ được hưởng di sản thừa kế theo di chúc.
Vì những quy định không thống nhất như vậy nên dễ xảy ra những tranh chấp về bác bỏ quyền thừa kế.
Ví dụ minh hoạ: Ông A có 01 vợ, 01 người con trai và 01 người em gái. Khi mất, ông A để lại di chúc chia đều di sản của mình cho 03 người đó. Tuy nhiên, người con trai của ông A lại là người không được quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định tại Điều 621 nêu trên. Khi còn sống ông A vẫn biết rõ hành vi của người con nhưng vì là đứa con trai duy nhất nên ông A vẫn viết di chúc để lại di sản cho người con trai đó. Do đó xảy ra tranh chấp, người em gái của ông cho rằng con trai ông A không được hưởng di sản thừa kế và yêu cầu Toà án bác bỏ quyền thừa kế của người con trai ông A.
2.4. Tranh chấp về buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người đã chết để lại và thanh toán về các khoản chi từ di sản thừa kế:
Theo quy định tại Điều 615 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những người hưởng di sản thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp di sản để lại đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 658 của Bộ luật Dân sự thì người thừa kế di sản phải thực hiện một số các nghĩa vụ tài sản và thanh toán, trong đó có các khoản nợ mà người chết để lại. Như vậy, đối với các khoản nợ của người vay tiền chết để lại thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Và người thừa kế không được quyền từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Do phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản này nên tranh chấp về việc buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại thường xuyên xảy ra trong cuộc sống.
Ví dụ minh hoạ: Ông A mất có lập di chúc để lại di sản thừa kế cho vợ và 03 người con của mình. Tuy nhiên mảnh đất ông để lại cho 03 người con trai đang trong diện thế chấp vay ngân hàng. Vì phải thực hiện nghĩa vụ tài sản với mảnh đất đó nên một người con trai của ông đã từ chối nhận phần di sản thừa kế. Tuy nhiên vì muốn cả 03 chịu chung nghĩa vụ tài sản đối với mảnh đất đó nên 02 người con trai còn lại có xảy ra tranh chấp với người từ chối nhận di sản thừa kế để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
3. Cách hạn chế tranh chấp về pháp luật thừa kế:
Qua những phân tích và tìm ra nguyên nhân của những tranh chấp về pháp luật thừa kế nêu trên, dưới đây là đề xuất một số biện pháp nhằm hạn chế tranh chấp về pháp luật thừa kế như sau:
– Xác định rõ nguồn tài sản, số lượng tài sản và các giấy tờ có liên quan để lập di chúc;
– Người để lại di sản khi lập di chúc cần phải xác định rõ đâu là phần di sản để chia thừa kế, đâu là phần di sản để thờ cúng và giao trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho người nhận di sản thừa kế;
– Tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật về chia di sản thừa kế hoặc lựa chọn văn phòng công chứng uy tín để hỗ trợ soạn thảo di chúc.