Có thể nói tranh chấp về hôn nhân gia đình là tranh chấp khác biệt với những tranh chấp khác, bởi chủ thể của những quan hệ này có quan hệ huyết thống, hôn nhân. Vậy hiện nay có những các dạng tranh chấp hôn nhân gia đình và cách giải quyết như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Các dạng tranh chấp hôn nhân gia đình:
Tranh chấp về hôn nhân và gia đình là những tranh chấp về quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Đây là một loại tranh chấp rất đặc biệt và quá trình giải quyết rất khó khăn, bởi lẽ đây là những quan hệ có liên quan đến tình cảm giữa những người trong gia đình, tình cảm vợ chồng, tình cảm giữa cha mẹ và con.
Thông thường, đối với các tranh chấp Nhà nước luôn khuyến khích các bên tự thương lượng, hòa giải, nhất là các bên tranh chấp có quan hệ thân thích trong gia đình thì lại càng phải đề cao hơn sự thỏa thuận giữa các bên. Nếu đã lựa chọn việc khởi kiện ra tòa án nghĩa là mâu thuẫn giữa các bên đã tới mức không thể hòa giải được, và cần có một cơ quan tài phán đứng ra để giải quyết tranh chấp này.
Khi giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình thì có nhiều quan hệ pháp luật đan xen như: quan hệ vợ chồng, quan hệ tài sản, quan hệ cha mẹ và con cái….Tính chất của mối quan hệ hôn nhân quyết định đường lối giải quyết về nội dung tranh chấp của Tòa án trong vụ án hôn nhân và gia đình.
Hiện nay có các dạng tranh chấp hôn nhân và gia đình phổ biến như: Tranh chấp về nuôi con khi ly hôn, chia tài sản khi ly hôn; Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân ; Tranh chấp về thay đôi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha mẹ ; Tranh chấp về cấp dưỡng.
2. Cách giải quyết các tranh chấp hôn nhân gia đình:
Tranh chấp về nuôi con khi ly hôn, chia tài sản khi ly hôn
Có thể nói đây là loại tranh chấp phổ biến nhất trong các tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Giải quyết tranh chấp này chính là giải quyết đồng thời ba mối quan hệ đó là quan hệ vợ chồng, quan hệ về con chung và quan hệ về tài sản.
Khi giải quyết ly hôn thì có các dạng như ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương. Đối với ly hôn thuận tình thì vợ chồng đã thỏa thuận hết được về việc nuôi con cũng như chia tài sản. Còn ly hôn đơn phương có thể đang còn gặp một số vướng mắc mà vợ chồng chưa thể thỏa thuận được với nhau và cần đến sự hỗ trợ của Tòa án. Có thể là vướng mắc về tài sản, nuôi con hoặc cũng có thể là một bên không chấp nhận việc ly hôn mà muốn gia đình đoàn tụ và bên còn lại thì lại muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng.
Tranh chấp về nuôi con có thể hiểu là việc các bên không thống nhất được ai là người có trách nhiệm trực tiếp nuôi con, ai là người có nghĩa vụ cấp dưỡng, mức cấp dưỡng và thời gian cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn.
Tranh chấp về chia tài sản là các bên không có sự thống nhất về phương thức chia tài sản, giá trị tài sản… và có yêu cầu Tòa án giài quyết để phân định tài sản chung, tài sản riêng, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
Trong vụ án xin ly hôn, kèm theo yêu cầu Tòa án giải quyết quan hệ tài sản thì đó là trường hợp chia tài sản khi ly hôn. Có những trường hợp đương sự xin ly hôn nhưng không yêu cầu giải quyết về quan hệ tài sản và sau khi ly hôn xong một thời gian hai bên mới yêu cầu Tòa án chia tài sản chung vợ chồng thì không thể xác định là chia tài sản khi ly hôn.
Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể hiểu là tranh chấp về tài sản phát sinh khi mối quan hệ hôn nhân của vợ chồng vẫn đang tồn lại, họ không yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn mà chỉ yêu cầu phân chia tài sản chung. Việc xuất hiện yêu cầu này xuất phát từ nhu cầu muốn dùng tài sản để thực hiện nghĩa vụ tài sản riêng hoặc trong trường hợp phải thi hành án về tài sản mà tài sản của họ lại là tài sán chung của vợ chồng. Vậy nên chia tài sản chung ở đây là cần xác định quyền sở hữu về tài sản trong khối tài sản chung đó, nhưng giữa họ đã không thỏa thuận được việc phân chia nên đã phát sinh tranh chấp.
Nếu phát sinh tranh chấp trong trường hợp này thì vợ hoặc chồng làm đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án.
Tuy nhiên, nếu giữa họ không có tranh chấp về tài sản chung cúa vợ chồng mà đã tự nguyện, thống nhất phân chia bằng văn bản thì cần hướng dẫn cho họ liên hệ với các tổ chức hành nghề công chứng để xác nhận việc thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Câu hỏi đặt ra là đối với
Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Có thể hiểu sau ly hôn ở đây nghĩa là đã có một bản án hoặc quyết định có hiệu lực về việc chấm dứt hôn nhân và các bên đã thỏa thuận được việc nuôi con, hoặc Tòa giao con cho một bên có đủ điều kiện theo quy định trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con. Nhưng sau đó, phát sinh một trong các căn cứ làm thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đó là: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích cúa con; Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Không còn đủ điều kiện ở đây có thể hiểu là điều kiện về vật chất và tinh thần. Khi một bên cha hoặc mẹ không còn đủ một trong hai điều kiện này thì bên còn lại có thể giành lại quyền nuôi con chẳng hạn như bên đang nuôi dưỡng con không có đủ thu nhập để nuôi dưỡng con, thường xuyên đánh đập con, chửi mắng con, bỏ bê hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của con.
Căn cứ Khoản 3 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Vậy nên các chủ thể sau có thể làm đơn thay đổi người trực tiếp nuôi con khi thấy có những dấu hiệu theo quy định của pháp luật:
– Cha, mẹ
– Người giám hộ
– Người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quán lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có căn cứ cho rằng người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con để bảo đảm quyền lợi của con.
Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha mẹ
Trong thực tiễn cuộc sống, có nhiều lý do mà người cha, người mẹ không thừa nhận người nào đó là con của họ sinh ra hoặc người con không thừa nhận một người nào đó là cha, là mẹ của mình hoặc muốn công nhận người đó là cha, là mẹ của họ nếu trong trường hợp này có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
Nếu việc xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ không có tranh chấp, các bên tự nguyện thỏa thuận thì thuộc thẩm quyền cùa ủy ban nhân dân.
Tranh chấp về cấp dưỡng
Tranh chấp về cấp dưỡng có thể là các trường hợp như: người có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh nghĩa vụ khi vẫn có đủ điều kiện cấp dưỡng, thay đổi mức cấp dưỡng chính là nguyên nhân phát sinh tranh chấp. Nếu không thể đạt được thỏa thuận về mức cấp dưỡng, thời gian cấp dưỡng, cấp dưỡng một lần hay theo định kỳ thì Tòa án sẽ thụ lý giải quyết.
Người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ theo quy định tại Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó cho người được cấp dưỡng.
Như vậy, có thể thấy hầu như những tranh chấp về hôn nhân và gia đình đều thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và giải quyết những tranh chấp này thì có thể làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
3. Một số điểm lưu ý về tranh chấp hôn nhân gia đình:
– Giải quyết tranh chấp về ly hôn, pháp luật không cho phép ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng: Tranh chấp về ly hôn với đặc thù là giải quyết mối quan hệ tình cảm giữa vợ, chồng. Tình cảm gắn liền với nhân thân, chỉ những người trong cuộc mới có thể hiểu và quyết định về quan hệ tình cảm của mình mà không ai thay thế được.
– Vấn đề về thời hiệu khởi kiện không áp dụng đối với các quan hệ pháp luật về hôn nhân và gia đình: Quan hệ hôn nhân và gia đình được pháp luật điều chỉnh luôn hướng tới mục tiêu xây dựng chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam hạnh phúc, bền vững, lâu dài. Vậy nên pháp luật cũng tôn trọng ý kiến của mỗi cá nhân, chủ yếu trên tinh thần tự giác, tự nguyện, duy trì hạnh phúc gia đình truyền thống từ ngàn xưa, vậy nên không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Luật Hôn nhân gia đình năm 2014