“Những ngôi sao xa xôi” kể về cuộc sống, chiến đấu của ba cô thanh niên xung phong thuộc tổ trinh sát mặt đường: Phương Định, Nho và chị Thao. Họ sống trong một cái hang, dưới chân cao điểm. Để làm được các dạng bài tập về tác phẩm này, mời các bạn tham khảo bài viết Các dạng đề về Những ngôi sao xa xôi kèm đáp án chi tiết
Mục lục bài viết
1. Dạng đề đề về Những ngôi sao xa xôi kèm đáp án chi tiết:
Đề 1: Giải thích nhan đề Những ngôi sao xa xôi.
Trả lời:
– Thoạt đầu, có vẻ như không có gì thật gắn bó với nội dung của truyện. Và chỉ gần đến cuối câu chuyện, hình ảnh những ngôi sao mới xuất hiện trong những cảm xúc hồn nhiên, mơ mộng của Phương Định, ngôi sao trên bầu trời thành phố.
– Ánh đèn điện như những vì sao lung linh trong xứ sở thần thiên của những câu chuyện cổ tích.
+ Biểu hiện cho những tâm hồn hết sức hồn nhiên, mơ mộng, lãng mạn của những cô gái thành phố.
+ Biểu hiện cho những khát vọng, ước mơ trong tâm hồn thiếu nữ về một cuộc sống thanh bình, êm ả giữa những gì gần gũi khốc liệt của chiến tranh, không khí bàng hoàng của bom đạn, tất cả như trở nên xa vời.
+ Ánh sáng của các vì sao thường nhỏ bé, không dễ nhận ra, không rực rỡ chói loà như mặt trời, và cũng không bàng bạc, thấm đẫm bao phủ như mặt trăng. Nhiều khi nhìn lên bầu trời, ta phải thật chăm chú mới phát hiện ra những ngôi sao ấy.
– Và phải chăng vẻ đẹp của các cô thanh niên xung phong ấy cũng như vậy. Và chúng lại “xa xôi”, vì thế phải thật chăm chú mới nhìn thấy được, mới yêu và quý trọng những vẻ đẹp như thế.
Đề 2: Tóm tắt nội dung cốt truyện và nêu ý nghĩa của truyện:
Trả lời:
Ba nữ thanh niên xung phong làm thành một tổ trinh sát mặt đường tại một địa điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Họ gồm có: hai cô gái rất trẻ là Định và Nho, còn tổ trưởng là chị Thao lớn tuổi hơn một chút. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom địch gây ra, đánh dấu vị trí các trái bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm vì luôn phải đối mặt với thần chết trong mỗi lần phá bom và phải làm việc giữa ban ngày dưới bom đạn của quân thù trên một tuyến đường ác liệt. Tuy vậy, họ vẫn lạc quan yêu đời, vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản, mơ mộng và đặc biệt họ rất gắn bó, yêu thương nhau trong tình đồng đội, dù mỗi người một cá tính. Cái hang đá dưới chân cao điểm là “ngôi nhà” của họ đã lưu giữ biết bao kỉ niệm đẹp của ba cô gái mở đường trong những tháng ngày gian khổ mà anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mĩ.
Ý nghĩa của truyện:
Trả lời:
– Làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tình thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu vô cùng gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó chính là hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.
Đề 3: Truyện được trần thuật từ nhân vật nào? Việc chọn vai kể như vậy có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung truyện?
Trả lời:
Truyện được trần thuật từ ngôi thứ nhất và những người kể chuyện cũng là nhân vật chính. Sự lựa chọn ngôi kể như vậy phù hợp với nội dung tác phẩm và tạo thuận lợi để tác giả miêu tả, biểu hiện thế giới tâm hồn, những cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật. Để cho nhân vật là người trong cuộc kể lại thì câu chuyện sẽ thật hơn, cụ thể và sinh động hơn, tạo cho người đọc cảm giác tin vào câu chuyện hơn. Và ở đây, truyện viết về chiến tranh, tất nhiên phải có bom đạn, chiến đấu, hi sinh, nhưng trong truyện này, hiện lên khá rõ là thế giới nội tâm của các cô gái thanh niên xung phong với vẻ đẹp tâm hồn của một thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mĩ. Đó cũng là do cách lựa chọn và kể của tác giả – nhất là vai kể ở đây lại là một cô gái trẻ Hà Nội có cá tính nhiều mộng mơ với những kỉ niệm đẹp của thời thiếu nữ.
Đề 4: Tìm hiểu những nét chung và những nét riêng của ba nhân vật cô gái thanh niên xung phong trong truyện.
Trả lời:
Nét chung:
– Họ đều thuộc thế hệ những cô gái thanh niên xung phong thời kì kháng chiến chống Mĩ mà tuổi đời còn rất trẻ (như Phương Định vốn là một cô học sinh thành phố), có lí tưởng, đã tạm xa gia đình, xa mái trường, tự nguyện vào chiến trường tham gia một cách vô tư, hồn nhiên. Việc họ lấy hang đá làm nhà, coi cao điểm đầy bom đạn là chiến trường hàng ngày đối mặt với cái chết trong gang tấc đã nói lên tất cả. Nét chung này không chỉ có ở đây mà còn được nói đến ở nhiều tác phẩm khác như “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của Phạm Tiến Duật, “khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ và truyện ngắn “mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu… Tạo thành biểu tượng gương mặt đẹp và đáng yêu của những cô gái mở đường thời kháng chiến chống Mĩ.
– Họ đều có những phẩm chất chung của những chiến sĩ thanh niên xung phong ở chiến trường: tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ, lòng dũng cảm không sợ hi sinh, tình đồng đội gắn bó. Có lệnh là lên đường, bất kể trong tình huống nào, nguy hiểm không từ nan dù phải đối mặt với máy bay và bom đạn quân thù, và đã lên đường là hoàn thành nhiệm vụ ( dẫn chứng – sgk). Khi đồng đội gặp tai nạn thì khẩn trương cứu chữa và tận tình chăm sóc (câu chuyện Nho bị thương khi phá bom). Cuộc sống và chiến đấu ở chiến trường thật gian khổ, nguy hiểm và luôn căng thẳng nhưng họ vẫn bình tĩnh, chủ động, luôn lạc quan yêu đời, trong hang vẫn vang lên tiếng hát của ba cô gái.
– Cùng là ba cô gái trẻ với cuộc sống nội tâm phong phú đáng yêu: dễ cảm xúc, nhiều mơ ước, hay mơ mộng, dễ vui, dễ buồn. Họ thích làm đẹp cho cuộc sống của mình, ngay cả trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt. Nho thích thêu thùa, chị Thao chăm chép bài hát, Định thích ngắm mình trong gương, ngồi bó gối mơ mộng và hát… Cả ba đều chưa có người yêu, đều sống hồn nhiên tươi trẻ (chi tiết trận mưa đá bất chợt đến và niềm vui trẻ trung của ba cô gái khi được “thưởng thức” những viên đá nhỏ.
Nét riêng:
– Nho là một cô gái trẻ, xinh xắn, “trông nó nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng”, có “cái cổ tròn và những chiếc cúc áo nhỏ nhắn” rất dễ thương khiến Phương Định “muốn bế nó lên tay”. Nho lại rất hồn nhiên – cái hồn nhiên của trẻ thơ: “vừa tắm ở dưới suối lên, cứ quần áo ướt, Nho ngồi, đòi ăn kẹo” ; khi bị thương nằm trong hang vẫn nhổm dậy, xoè tay xin mấy viên đá mưa, nhưng khi máy bay giặc đến thì chiến đấu rất dũng cảm, hành động thật nhanh gọn: “Nho cuộn tròn cái gối, cất nhanh vào túi, Nho quay lưng lại chúng tôi, chụp cái mũ sắt lên đầu” … Và trong một lần phá bom, cô đã bị sập hầm, đất phủ kín lên người.
– Phương Định cũng trẻ trung như Nho là một cô học sinh thành phố, nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng và hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư về gia đình và về thành phố của mình. Ở đoạn cuối truyện, sau khi trận mưa đá tạnh, là cả một dòng thác kỉ niệm về gia đình, về thành phố trào lên và xoáy mạnh như sóng trong tâm trí cô gái. Có thể nói đây là những nét riêng của các cô gái trẻ Hà Nội vào chiến trường tham gia đánh giặc, tuy gian khổ nhưng vẫn giữ được cái phong cách riêng của người Hà Nội, rất trữ tình và đáng yêu.
– Còn Thao, tổ trưởng, ít nhiều có từng trải hơn, mơ ước và dự tính về tương lai có vẻ thiết thực hơn, nhưng cũng không thiếu những khát khao và rung động của tuổi trẻ. “Áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu”.Chị lại hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm. Nhưng trong công việc, ai cũng gờm chị về tính cương quyết, táo bạo. Đặc biệt là sự “bình tĩnh đến phát bực” : máy bay địch đến nhưng chị vẫn “móc bánh quy trong túi, thong thả nhai”. Có ai ngờ con người như thế lại sợ máu và vắt : “thấy máu, thấy vắt là chị nhắm mắt lại, mặt tái mét”. Và không ai có thể quên được chị hát : nhạc sai bét, giọng thì chua, chị không hát trôi chảy được bài nào. Nhưng chị lại có ba quyển sổ dày chép bài hát và rỗi là chị ngồi chép bài hát.
⇒ Những nét riêng đó đã làm cho các nhân vật sống hơn và cũng đáng yêu hơn.
Đề 5: Viết một đoạn văn quy nạp (12 câu): “Những ngôi sao xa xôi” đã khắc hoạ vẻ đẹp tâm hồn của thanh niên Hà Nội qua hình ảnh Phương Định dũng cảm gan dạ mà cũng thật trong trẻo, mộng mơ.
Trả lời:
– Đoạn văn giàu chất thơ (tâm trạng trước trận mưa đá) ⇒ cảm xúc bâng khuâng xao xuyến, niềm vui nỗi buồn chợt đến, chợt đi.
– Niềm tin ấy cứ lấp lánh mãi như ánh sáng của những ngôi sao xa xôi mà không gì, không một thế lực tàn bạo, khắc nghiệt nào có thể dập tắt được.
– Trong cảm xúc bâng khuâng, xao động, thoáng qua của Phương Định, hình ảnh ngôi nhà, người mẹ, những gì thân thuộc gần gũi đến hình ảnh lung linh của những ngôi sao mà tác giả đã hơn một lần nhắc đến, ánh sáng của đèn điện ngỡ là thực mà như là ảo. Tất cả hiện lên trong ánh sáng lung lính của kí ức mộng mơ, rất thiếu nữ, rất dung dị của người Hà Nội.
Đề 6: Trong truyện “Những ngôi sao xa xôi” có đoạn: “Không hiểu vì sao mình gắt nữa…. Đang bắn”. Những câu văn trên đã thể hiện hiện thực như thế nào? Nhận xét về hiệu quả diễn đạt của những câu văn ấy?
Trả lời:
– Nhịp điệu dồn dập của những câu văn như những đợt bom đang liên tiếp dội xuống, như khói đang dồn vào hang ⇒ Góp phần tô đậm hiện thực.
– Sợ + lo lắng → “gắt”
– “Trên cao điểm vắng vẻ, chỉ có…” ⇒ Vẫn tiếp tục bằng những câu văn ngắn, rất ngắn, một loạt các câu đặc biệt diễn tả sự cách biệt của con người trên cao điểm.
– Câu văn “và bom” đặt giữa hai câu ⇒ dường như quả bom ngăn cách Định và đồng đội của cô. Từ “và” liên kết câu tựa như những ý nghĩ, những suy nghĩ tình cảm gắn kết Phương Định với Nho và Thao. Nhưng đồng thời chính ý nghĩ về đồng đội lại khiến cho Phương Định bớt sợ, bớt cô đơn. Cô gái Hà Nội ấy cảm thấy vững lòng hơn khi thấy “Cao xạ đặt bên kia quả đồi”. Tiếng súng cao xạ – tiếng của những người đồng chí khiến cô vững tâm hơn.
⇒ Đoạn văn vừa gợi được sự khốc liệt của chiến tranh, vừa diễn tả được tâm trạng lo lắng bồn chồn của Phương Định đồng thời cũng thể hiện những tình cảm, suy nghĩ về tình đồng đội rất ấm áp.
2. Dạng đề đọc hiểu về tác phẩm Những ngôi sao xa xôi:
Dưới đây là đoạn trích trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê:
“… Vắng lặng đến đáng sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụng trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống dòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”
1. Tác phẩm Những ngôi sao xa xôi được sáng tác trong hoàn cảnh nào?
2. Điều gì khiến nhân vật “tôi” đến gần quả bom lại cảm thấy không sợ nữa?
3. Từ đoạn trích trên và những hiểu biết về xã hội, em hãy viết một đoạn văn (khoảng nửa trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về thái độ của mỗi người trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể.
Hướng dẫn giải:
1. Tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” ra đời vào năm 1971, một thời kỳ đặc biệt đầy khốc liệt trong lịch sử Việt Nam – thời điểm mà cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất. Trên bầu trời, máy bay Mỹ ngày đêm ném bom, băm nát tuyến đường Trường Sơn – tuyến huyết mạch giao thông quan trọng, là lối đi chính để miền Bắc chi viện sức người, sức của cho miền Nam trong cuộc chiến chống Mỹ.
Những ngày tháng ấy, cả nước Việt Nam đang chịu trận, với hàng triệu con người đang hy sinh và chiến đấu để bảo vệ tổ quốc khỏi sự xâm lược của quân địch. Trên mỗi con đường, trong mỗi ngôi nhà, cảm xúc của người dân và lý tưởng chiến đấu vì tự do và độc lập rực cháy mãnh liệt.
Trong bối cảnh này, tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” như là một bức tranh sống động về tinh thần và lòng dũng cảm của những người con Hà Nội, đang chiến đấu với sự quyết tâm và sự hy sinh không biết mệt mỏi. Đó là câu chuyện về những cô gái thanh niên xung phong, những chiến sĩ trẻ tuổi đang đối mặt với nguy cơ tử thần hàng ngày, nhưng vẫn không ngừng chiến đấu, không ngừng hy vọng và mơ mộng về một tương lai tự do và hạnh phúc.
Đây là tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, rút từ tập truyện ngắn cùng tên.
2. Điều khiến nhân “tôi” đến gần quả bom lại thấy không sợ nữa chính là nhân vật “tôi” cảm thấy ánh mắt của các chiến sĩ đang dõi theo mình. Đây chính là tâm trạng của nhân vật Phương Định – một nữ trinh sát mặt đường, trong một lần phá bom. Chi tiết này đã cho người đọc thấy lòng quả cảm, sự tự trọng của người nữ chiến sĩ anh hùng. Chính điều này giúp cô vượt qua nỗi sợ hãi, dũng cảm chiến đấu. Trong tình huống nguy hiểm đó, khi một quả bom đang đe dọa tính mạng của mọi người xung quanh, ánh mắt của những chiến sĩ đồng đội không chỉ là sự quan sát mà còn là nguồn động viên, sự ủng hộ vô hình cho Phương Định. Những ánh mắt ấy chứa đựng tinh thần đoàn kết, sự tin tưởng vào khả năng và quyết tâm của nhau, làm cho Phương Định cảm thấy không đơn độc, không bỏ rơi giữa cuộc chiến ác liệt.
3. Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là một khía cạnh quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người, và nó đóng vai trò quyết định đến sự thành công và hạnh phúc của cả cá nhân và cộng đồng.
Khẳng định rằng mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là cần thiết và quan trọng là không thể phủ nhận. Con người không tồn tại độc lập, mà họ là tổng hòa của những mối quan hệ xã hội, gắn kết với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng. Nếu mỗi người không biết hòa mình vào tập thể, không tạo ra một cộng đồng, xã hội có sự đoàn kết và hỗ trợ, thì cuộc sống sẽ trở nên cô đơn và khó khăn hơn.
Sức mạnh của mỗi cá nhân khi hợp lại sẽ tạo ra một sức mạnh tập thể lớn lao. Điều này đã được thấy rõ trong lịch sử, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh. Sức mạnh của nhân dân đã đánh tan quân xâm lược và bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước. Trong thời bình, khi mỗi người dân chung tay góp sức xây dựng đất nước, sức mạnh tập thể đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và xã hội.
Ngược lại, sức mạnh của tập thể cũng giúp mỗi cá nhân có thêm động lực và năng lượng để vượt qua khó khăn. Sự đoàn kết và hỗ trợ từ tập thể sẽ giúp mỗi người có niềm tin vào bản thân và định hình mục tiêu trong cuộc sống.
Tóm lại, mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là không thể thiếu trong cuộc sống. Việc nhận thức và hành động dựa trên sự nhất quán và tương hỗ giữa cá nhân và tập thể sẽ giúp mỗi người đạt được thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
3. Dạng đề trắc nghiệm về tác phẩm Những ngôi sao xa xôi:
Câu 1: Tác phẩm những ngôi sao xa xôi do ai sáng tác?
A. Hữu Thỉnh
B. Nguyễn Thành Long
C. Nguyễn Minh Châu
D. Lê Minh Khuê
Chọn đáp án: D
Câu 2: Truyện ngắn những ngôi sao xa xôi ra đời vào năm nào?
A. Năm 1970
B. Năm 1971
C. Năm 1976
D. Năm 1975
Chọn đáp án: B
Câu 3: Nội dung chính được thể hiện trong truyện Những ngôi sao xa xôi là gì?
A. Cuộc sống gian khó ở Trường Sơn trong những năm tháng chống Mĩ
B. Vẻ đẹp của những người chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn
C. Vẻ đẹp của những người lính công binh trên con đường Trường Sơn
D. Vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn
Chọn đáp án: D
Câu 4: Nhân vật chính Phương Định được khắc họa ở những phương diện nào?
A. Ngoại hình
B. Tâm trạng
C. Hành động
D. Cả 3 phương diện
Chọn đáp án: D
Câu 5: Văn bản được viết theo phương thức biểu đạt nào chính?
A. Tự sự
B. Miêu tả
C. Nghị luận
D. Hành chính công vụ
Chọn đáp án: A
Câu 6: Người kể trong đoạn trên là ai?
A. Phương Định
B. Tác giả
C. Cả ba cô gái
D. Những người cùng đơn vị
Chọn đáp án: A
Câu 7: Đoạn trích trên cho thấy phẩm chất gì của nhân vật?
A. Hồn nhiên và mơ mộng
B. Chín chắn và già dặn
C. Tinh nghịch và thích hài hước
D. Thông minh, thích khám phá
Chọn đáp án: A
Câu 8: Điểm đặc sắc nhất trong nghệ thuật trong đoạn văn trên là gì?
A. Sử dụng các kiểu câu linh hoạt, có giá trị biểu cảm
B. Sử dụng các biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hóa
C. Cách kể chuyện tự nhiên, sinh động
D. Cách xây dựng tình huống truyện hấp dẫn
Câu 9: Những cụm từ được gạch chân trong câu “Mà tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố” liên hệ với từ ngữ trước đó theo kiểu quan hệ nào?
A. Quan hệ bổ sung
B. Quan hệ thời gian
C. Quan hệ nghịch đối
D. Quan hệ nguyên nhân
Chọn đáp án: A
Câu 10: Trong đoạn văn “Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó. Những cái đó ở thiệt xa…Rồi bỗng chốc, sau một cơn mưa đá, chúng xoáy mạnh như sóng trong tâm trí tôi…” từ “chao ôi” là thành phần gì?
A. Thành phần tình thái
B. Thành phần gọi- đáp
C. Thành phần phụ chú
D. Thành phần cảm thán
Chọn đáp án: D
THAM KHẢO THÊM: