Các loại mã ngạch, chức danh Kiểm toán viên Nhà nước? Ngạch Kiểm toán viên? Ngạch Kiểm toán viên chính? Ngạch Kiểm toán viên cao cấp?
Hoạt động trong Kiểm toán nhà nước đó chính là các Kiểm toán viên nhà nước. Đây là các chủ thể trực tiếp thực hiện các hoạt động kiểm toán. Hiện nay, chức danh kiểm toán trong Kiểm toán viên nhà được phân chia và có các mã ngạch khác nhau và nội dung này được quy định trong Luật Kiểm toán nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về các chức danh và các mã ngạch của Kiểm toán viên nhà nước.
Luật sư
* Cơ sở pháp lý:
– Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019;
– Quyết định số 1731/QĐ-KTNN ngày 13 tháng 10 năm 2016 do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy chế thi ngạch Kiểm toán viên nhà nước.
– Quyết định 1950/QĐ-KTNN ngày 26 tháng 12 năm 2019 do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch Kiểm toán viên nhà nước.
1. Các loại mã ngạch, chức danh Kiểm toán viên Nhà nước
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định về các ngạch kiểm toán viên nhà nước như sau:
“1. Kiểm toán viên nhà nước gồm các ngạch sau đây:
a) Kiểm toán viên;
b) Kiểm toán viên chính;
c) Kiểm toán viên cao cấp.”
Như vậy, theo quy định này thì có ba mã ngạch của Kiểm toán viên, bao gồm: Kiểm toán viên; Kiểm toán viên chính và Kiểm toán viên cao cấp. Cơ sở phân ngạch này dựa trên quy định chung của pháp luật công chức, khi trong pháp luật công chức quy định về phân chia ngạch công chức, mà bản thân các Kiểm toán viên nói chung là những công chức, do đó, Kiểm toán nhà nước cũng phải tiến hành phân ngạch Kiểm toán viên, đảm bảo sự phù hợp với pháp luật công chức. Hiện nay phân ngạch Kiểm toán viên nhà nước được quy định tại Quyết định 1950/QĐ-KTNN ngày 26 tháng 12 năm 2019 do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch Kiểm toán viên nhà nước. Tại Điều 2 của Quyết định này quy định về chức danh và mã ngạch của Kiểm toán viên nhà nước như sau:
– Ngạch Kiểm toán viên cao cấp – Mã số ngạch: 06.041
– Ngạch Kiểm toán viên chính- Mã số ngạch: 06.042
– Ngạch Kiểm toán viên – Mã số ngạch: 06.043
Tại Luật Kiểm toán nhà nước cũng như pháp luật công chức quy định thì các cá nhân là Kiểm toán viên có thể tham gia thi nâng ngạch. Điều kiện để thi nâng ngạch là: “Công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn thì được đăng ký dự thi nâng ngạch. Việc nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thông qua thi tuyển. Kỳ thi nâng ngạch được tổ chức theo nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.” Như vậy, các cá nhân là Kiểm toán viên có thể thi nâng ngạch lên Kiểm toán viên chính, Kiểm toán viên chính có thể thi nâng ngạch lên Kiểm toán viên cao cấp. Để được tham dự thi nâng ngạch thì các Kiểm toán viên cũng phải đáp ứng các điều kiện luật định về thi nâng ngạch. Quy định về điều kiện thi ngạch kiểm toán viên cũng được quy định cụ thể trong Quyết định 1950/KTNN.
2. Ngạch Kiểm toán viên
Tại Khoản 1 Điều 4 Quyết định 1950/QĐ-KTNN quy định về ngạch kiểm toán viên như sau:
“1. Chức trách
Kiểm toán viên là công chức chuyên môn nghiệp vụ của Kiểm toán nhà nước, thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và các nhiệm vụ khác của Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán viên được giao thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán chi tiết, tổng hợp. Khi tiến hành kiểm toán, kiểm toán viên phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật, Tổng Kiểm toán nhà nước và Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về nhiệm vụ được giao.”
Như vậy, Kiểm toán viên nhà nước là công chức. Theo pháp luật Việt Nam về công chức thì có thể hiểu Kiểm toán viên chính là đó, là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch Kiểm toán viên, có chức vụ tương ứng với vị trí việc làm của Kiểm toán nhà nước, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Để được tuyển dụng, bổ nhiệm vào vị trí Kiểm toán viên thì các cá nhân phải đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Theo quy định Tại Quyết định 1731/KTNN quy định thì cá nhân thi vào ngạch Kiểm toán viên là công chức giữ ngạch chuyên viên và tương đương, cá nhân này phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên trở lên, khi đáp ứng các điều kiện tuyển dụng thì được tham gia thi vào ngạch.
Quy định này đã xác định rõ phạm vi nhiệm vụ của Kiểm toán viên đó chính là “các nghiệp vụ kiểm toán chi tiết, tổng hợp”. Kiểm toán viên nhà nước sẽ tuân theo mệnh lệnh của chủ thể lãnh đạo kiểm toán nhà nước để thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán chi tiết, tổng hợp đó.
3. Ngạch Kiểm toán viên chính
Tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định 1950/QĐ-KTNN quy định về ngạch kiểm toán viên chính như sau:
“1. Chức trách
Kiểm toán viên chính là công chức chuyên môn nghiệp vụ của Kiểm toán nhà nước, thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và các nhiệm vụ khác của Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán viên chính được giao thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán chi tiết, tổng hợp, lập biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán theo sự phân công; khi tiến hành kiểm toán phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật, Tổng Kiểm toán nhà nước và Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về nhiệm vụ được giao.”
Tương tự như Kiểm toán viên, thì Kiểm toán viên chính cũng là công chức nhà nước. Tại Quyết định số 1731/KTNN quy định thì cá nhân là công chức giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương sẽ là các cá nhân thi vào ngạch Kiểm toán viên chính, mà cụ thể thì Quyết định 1950/KTNN đã xác định rõ các cá nhân này phải là Kiểm toán viên. Quyết định 1950/KTNN đã quy định về điều kiện thi nâng ngạch là cá nhân có thời gian giữ ngạch kiểm toán viên đủ 05 năm trở lên hoặc có tổng thời gian giữ ngạch kiểm toán viên và tương đương đủ 08 năm trở lên, trong đó thời gian giữ ngạch kiểm toán viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng). (điểm e, Khoản 3 Điều 5)
Quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định 1950/KTNN cũng quy định về phạm vi trách nhiệm của Kiểm toán viên chính bao gồm: “…được giao thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán chi tiết, tổng hợp, lập biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán theo sự phân công”. So sánh với phạm vi trách nhiệm của Kiểm toán viên chính và Kiểm toán viên thì dễ dàng nhận thấy rằng phạm vi nhiệm vụ của Kiểm toán viên chính rộng hơn hẳn Kiểm toán viên, ngoài những nhiệm vụ tương tự như Kiểm toán viên thì Kiểm toán viên chính còn có trách nhiệm thực hiện hoạt động lập biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán. Hoạt động lập biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán là hoạt động vô cùng phức tạp, do đó, chỉ các kiểm toán viên chính mới có thẩm quyền lập biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán.
4. Ngạch Kiểm toán viên cao cấp
Kiểm toán viên cao cấp là ngạch cao nhất trong hệ thống phân ngạch Kiểm toán viên. Quy định về Kiểm toán viên cao cấp được thể hiện trong Khoản 1 Điều 6 Quyết định 1950/KTNN như sau:
“1. Chức trách
Kiểm toán viên cao cấp là công chức chuyên môn nghiệp vụ của Kiểm toán nhà nước, thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và các nhiệm vụ khác của Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán viên cao cấp thực hiện xây dựng các đề án, kế hoạch kiểm toán hàng năm; chủ trì, hướng dẫn các cuộc kiểm toán có độ phức tạp cao, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều đối tượng trong nhiều lĩnh vực; khi tiến hành kiểm toán phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật, Tổng Kiểm toán nhà nước và Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về nhiệm vụ được giao.”
Tương tự như Kiểm toán viên và Kiểm toán viên chính, thì Kiểm toán viên cao cấp cũng là công chức nhà nước. Và để thi vào ngạch Kiểm toán viên cao cấp thì cá nhân phải là công chức giữ ngạch chuyên viên cao cấp, tức cá nhân là Kiểm toán viên chính thi nâng ngạch lên Kiểm toán viên cao cấp.
Trong quy định trên, chúng ta đã thấy rõ sự khác biệt giữa phạm vi trách nhiệm của Kiểm toán viên cao cấp với Kiểm toán viên chính, Kiểm toán viên. Nếu như Kiểm toán viên chính, Kiểm toán viên thực hiện các hoạt động nghiệp vụ kiểm toán, lập biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán, thì Kiểm toán viên cao cấp lại không thực hiện các hoạt động này. Quy định trên đã chỉ ra trách nhiệm của Kiểm toán viên cao cấp đó là: “… thực hiện xây dựng các đề án, kế hoạch kiểm toán hàng năm; chủ trì, hướng dẫn các cuộc kiểm toán có độ phức tạp cao, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều đối tượng trong nhiều lĩnh vực”. Các Kiểm toán cao cấp là các cá nhân mang thực hiện các hoạt động mang tính định hướng về hoạt động kiểm toán khi xây dựng các đề án, kế hoạch về hoạt động kiểm toán, trình lên chủ thể có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, các Kiểm toán viên cao cấp sẽ chủ trì, hướng dẫn các Kiểm toán viên chính, Kiểm toán viên thực hiện nghiệp vụ kiểm toán trong các cuộc kiểm toán có tính chất phức tạp, hoặc cuộc kiểm toán có phạm vi rộng. Các Kiểm toán viên cao cấp là những người dày dặn kinh nghiệm, trình độ, chuyên môn, do đó, những cá nhân không trực tiếp thực hiện hoạt động kiểm toán, mà sẽ là người xây dựng, định hướng hoạt động kiểm toán.