Ngày 07 tháng 04 năm 2016, Tổng cục thuế đã ban hành Công văn số 4769/BTC-TCT làm rõ vấn đề chính sách thuế đối với hoạt động đầu tư thường xuyên.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là hoạt động đầu tư thường xuyên?
Căn cứ khoản 2 Công văn số 4769/BTC-TCT quy định hoạt động đầu tư thường xuyên là hoạt động thực hiện từ 1 trong 3 nguồn độc lập với mục đích để đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên cho dự án đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể gồm:
– Sử dụng lợi nhuận sau thuế tái đầu tư.
– Sử dụng lợi nhuận sau thuế tái đầu tư.
– Sử dụng vốn trong phạm vi vốn đầu tư đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Lưu ý: việc đầu tư với mục đích bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên từ các nguồn trên phải đảm bảo được điều kiện là không tăng công suất sản xuất kinh doanh theo đề án kinh doanh đã đăng ký hoặc được phê duyệt của dự án đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Các chính sách thuế đối với hoạt động đầu tư thường xuyên:
Căn cứ Công văn số 4769/BTC-TCT quy định:
Trường hợp có ghi nhận quy mô của dự án trên Giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư thì việc đầu tư thường xuyên có tăng quy mô so với giấy chứng nhận đầu tư đã cấp sẽ không được coi là đầu tư thường xuyên, và đồng thời sẽ không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp không ghi nhận quy mô của dự án trên Giấy chứng nhận đầu tư hay giấy phép đầu tư hoặc các đơn vị chỉ bổ sung, thay thế máy móc thiết bị thường xuyên và không thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì sẽ không áp dụng theo tiêu chí trên.
Sẽ không áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ phần vượt so với công suất sản xuất kinh doanh của dự án ghi trên Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư khi doanh nghiệp có hoạt động đầu tư thường xuyên làm tăng công suất sản xuất kinh doanh so với giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư.
Đồng thời căn cứ theo khoản 4 Điều Thông tư số 96/2015/TT-BTC quy định về đầu tư mở rộng như sau:
Đầu tư mở rộng được hiểu là doanh nghiệp có dự án đầu tư nhằm phát triển dự án đầu tư đang hoạt động như mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất cũng như đổi mới công nghệ sản xuất nằm trong lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó gồm:
– Khu kinh tế.
– Khu công nghệ cao.
– Khu công nghiệp, ngoại trừ khu công nghiệp nằm trên địa bàn các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và Khu công nghiệp nằm trên địa bàn các đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
đáp ứng đủ các tiêu chí sau sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp:
– Nguyên giá tài sản cố định tăng thêm khi dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động đạt tối thiểu:
+ Đối với dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định: 20 tỷ đồng.
+ Đối với các dự án đầu tư mở rộng thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn: 10 tỷ đồng.
– Tỷ trọng nguyên giá tài sản cố định: đảm bảo tăng thêm ở mức tối thiểu từ 20 % so với tổng nguyên giá tài sản cố định trước khi đầu tư.
– Công suất thiết kế: tăng thêm tối thiểu từ mức 20% so với công suất thiết kế theo luận chứng kinh tế kĩ thuật trước khi đầu tư ban đầu.
Mức áp đãi này sẽ áp dụng cho thời gian còn lại của dự án đang hoạt động gồm thuế suất, thời gian miễn giảm (nếu có) hoặc sẽ được áp dụng hưởng thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa bàn hoặc lĩnh vực ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về vấn đề hoạch toán chi phí:
+ Đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng được hạch toán riêng trong trường hợp doanh nghiệp lựa chọn hưởng ưu đãi theo diện đầu tư mở rộng.
+ Nếu doanh nghiệp không hạch toán riêng được phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại: khoản thu nhập từ hoạt động đầu tư mở rộng xác định theo tỷ lệ giữa nguyên giá tài sản cố định đầu tư mới đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh trên tổng nguyên giá tài sản cố định của doanh nghiệp.
3. Thời gian được hưởng ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư thường xuyên:
Theo quy định, thời gian được hưởng miễn thuế, giảm thuế sẽ được tính bắt đầu từ năm dự án đầu tư mở rộng hoàn thành đưa vào sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư phát sinh doanh thu áp dụng trong trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mở rộng.
Đối với doanh nghiệp đang có dự án đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi thuế, nếu trong giai đoạn năm 2009 – năm 2013 có đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên trong quá trình sản xuất, kinh doanh không thuộc dự án đầu tư mở rộng: thời gian còn lại tính từ kỳ tính thuế năm 2014 phần thu nhập tăng thêm do việc đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên này cũng được hưởng ưu đãi thuế theo mức mà dự án đang áp dụng.
4. Vướng mắc về việc áp dụng ưu đãi thuế đối với đầu tư thường xuyên và kiến nghị:
Thực tế dưới góc độ pháp luật về thuế, vẫn có những cách hiểu khác nhau về hoạt động đầu tư mở rộng và hoạt động đầu tư thường xuyên bởi trước đó trong các văn bản pháp luật về đầu tư hay về thuế chưa có tiêu chí xác định cụ thể dẫn đến việc phát sinh những bất đồng giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế trong việc xác định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ đầu tư thường xuyên.
Để tháo gỡ nút thắt, gần đây, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đầu tư thường xuyên giai đoạn 2009 – 2013, trong đó có tiêu chí xác định đầu tư thường xuyên và cách thức thực hiện được quy định tại Công văn số 4769/BTC-TCT. Trong công văn đã phần nào giải đáp rõ hoạt động đầu tư thường xuyên trong giai đoạn từ năm 2009 – 2013 không phải là hoạt động đầu tư mở rộng và được hưởng ưu đãi thuế theo dự án đang áp dụng, đồng thời Công văn cũng đưa ra các tiêu chí xác định đầu tư thường xuyên và cách thức thực hiện hồi tố cho giai đoạn 2009-2013.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc như sau:
Theo quy định hiện hành, tiêu chí xác định hoạt động đầu tư thường xuyên chỉ áp dụng từ giai đoạn 2009 trở đi. Vậy thời gian trước 2009 chính sách sẽ áp dụng như thế nào vẫn chưa có giải đáp.
Chính sách thuế trước năm 2009 cho phép hoạt động đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng được điều kiện ưu đãi. Do vậy ưu đãi thuế của hoạt động đầu tư thường xuyên của dự án gốc sẽ khác với ưu đãi thuế của hoạt động đầu tư mở rộng.
Vấn đề phân định hoạt động đầu tư thường xuyên và hoạt động đầu tư mở rộng cần được làm rõ hơn.
Một số kiến nghị được đặt ra như sau:
– Tổng cục Thuế và các cục thuế địa phương nên đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Công văn 4769 tới doanh nghiệp vì Công văn hướng dẫn thường không được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
– Bộ Tài chính nên tiếp tục có hướng dẫn cụ thể theo hướng cho phép áp dụng tiêu chí xác định đầu tư thường xuyên cho giai đoạn trước năm 2009.
– Phải có quy định rõ các tiêu chí xác định thế nào là đầu tư thường xuyên, tránh trường hợp bị nhầm lẫn với hoạt động đầu tư mở rộng, dẫn đến việc áp dụng luật chồng chéo và không có cơ chế xử lý.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Thông tư số 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại nghị định số 12/2015/nđ-cp ngày 12/2/2015 của chính phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số
Thông tư số 151/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành nghị định số 91/2014/nđ-cp ngày 01 tháng 10 năm 2014 của chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định quy định về thuế.
Công văn số 4769/BTC-TCT quy định chính sách thuế đối với hoạt động đầu tư thường xuyên.