Hiện nay, vấn đề bị lừa qua điện thoại hay qua mạng xã hội đã và đang là vấn đề nan giải của các ban ngành cũng như là mối lo của người dân. Thực tế đã và đang xảy ra rất nhiều vụ việc lừa đảo qua điện thoại và nạn nhân bị mất lên đến hàng trăm, hàng tỷ đồng bởi các hành vi rất tinh vi, xảo quyệt.
Mục lục bài viết
1. Các chiêu thức lừa đảo qua điện thoại?
Điện thoại là một công cụ, phương tiện hữu hiệu trong xã hội hiện đại ngày nay. Ngoài những công dụng mang tính tích cực thì những đối tượng có mục đích lừa đảo lợi dụng điểm đó để tiến hành việc lừa đảo người dân với mục đích chiếm đoạt tài sản. Và dạo gần đây, lợi dụng tình hình dịch covid, người dân ở nhà nên các đối tượng lừa đảo tấn công trong khoảng thời gian đó cho đến nay vẫn diễn ra rất nhiều các vụ lừa đảo với những thủ đoạn vô cùng tinh vi. Dưới đây là một số chiêu thức lừa đảo qua điện thoại phổ biến hiện nay:
Thứ nhất, Giả danh bên công an, bên viện kiểm sát, Tòa án, Cảnh sát giao thông… gọi điện khiến người dân hoang mang, ví dụ như gọi điện tự xưng bên Cảnh sát giao thông nói rằng người dân đi xe gây tai nạn giao thông tại một địa điểm (ví dụ như Đà Nẵng) và rồi bỏ trốn, gây hoang mang, lo sợ cho người dân. Sau đó, yêu cầu người dân chuyển tiền để xử lý nếu không sẽ gửi cáo trạng của bên Viện kiểm sát về và tiến hành truy tố.
Hoặc mục đích khác, khi gọi cho người dân sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân trên Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân để lấy cắp thông tin mang đi
Thứ hai, lấy danh nghĩa các tổ chức tín dụng hợp pháp hay danh nghĩa ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn hay quảng cáo các đường link trên mạng xã hội facebook, zalo… để người dân đang có nhu cầu vay vốn tìm đến. Sau khi mời chào được người dân, những đối tượng sẽ liên kết nhắn tin qua zalo, hoặc messenger trên facebook để hướng dẫn người dân kê khai đầy đủ thông tin qua đường link mà chúng cung cấp. Khi người dân kê khai cung cấp thông tin số tài khoản ngân hàng cũng như số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân thì chúng liên hệ lại nói rằng số tài khoản hoặc số chứng minh nhân dân bị sai một số và phải đóng tiền từ 5-10% chuyển khoản để chỉnh sửa lại thông tin do tài khoản bị đóng băng vì kê khai sai (nhưng thực chất thông tin khách hàng cung cấp là đúng, các đối tượng vay lừa đảo tự chỉnh sửa thông tin sai). Sau đó khi người dân chuyển khoản tiền cho chúng thông qua số tài khoản cá nhân của đối tượng lừa đó, số tiền khách hàng vay có hiện trên ví qua đường link của chúng nhưng vẫn không hề rút được tiền. Và chúng cứ yêu cầu người dân chuyển tiền hết lần này đến lần khác bảo đó là phí giải ngân… cứ thế “tiền mất – tật mang”.
Chiêu thức lừa đảo này diễn ra rất là nhiều, đặc biệt diễn ra trong thời điểm dịch bệnh Covid bùng phát, người dân trì trệ việc làm không có lương, gặp khó khăn về kinh tế và cần tiền, nên việc vay online là rất cần thiết tại lúc đó.
Thứ ba, giả danh các sàn thương mại điện tử như shopee, lazada, sendo… để thực hiện làm nhiệm vụ mua bán đơn hàng để được ăn hoa hồng chiết khấu, hay như làm việc trên nền tảng tiktok công việc đơn giản chỉ vào các bài viết người nổi tiếng thả tim hay like để tăng tương tác rồi được trả tiền. Và cứ thế, các đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân phải nạp tiền để mua đơn hàng, sau đó sẽ được chiết khấu hoa hồng cao, những đơn hàng đầu tiền với mức giá mua 300 nghìn đồng hay 500 nghìn đồng sẽ nhận được tiền chuyển về, về sau các đơn hàng với giá tiền càng cao, người dân với tâm lý tin tưởng đã chuyển tiền hết đơn hàng này đến đơn hàng khác với mục đích lấy lại được số tiền đã chuyển. Thực tế, đã có rất nhiều người bị lừa với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí là vài tỷ đồng…
Thứ tư, chiêu thức giả mạo là nhân viên cửa hàng, công ty xổ số… gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà là nước hoa hay phần thưởng mang giá trị cao của một chương trình nào đó đã và đang diễn ra. Và sau đó, họ đánh vào tâm lý tò mò của người dân, yêu cầu muốn nhận phần thưởng đó phải mua một sản phẩm có giá trị tương đương hoặc cao hơn và phải chuyển trước số tiền đó cho họ và bị chiếm đoạt.
Thứ năm, một chiêu thức đang diễn ra rất phổ biến là nhận quà từ bạn bè bên nước ngoài gửi về. Một bên có thông tin cá nhân và tạo mối quan hệ qua mạng xã hội quen thân nhắn tin, xong sau đó nói rằng muốn gửi quà cho nạn nhân trong đó là gửi tiền, gửi vàng, gửi quà mang giá trị lớn. Sau đó, có một bên sẽ liên hệ cho nạn nhân tự xưng là hải quan nói rằng có bưu kiện bên nước ngoài gửi về, trong đó có tiền hoặc vàng nên bị giữ lại phải nộp tiền thuế, phí, cước vận chuyển… vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo sau đó mới được nhận quà.
Tham khảo quy định về: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015
2. Cách kiểm tra dấu hiệu lừa đảo qua điện thoại:
Thực tế lừa đảo diễn ra ngày càng phổ biến, vấn đề người dân quan tâm đó là làm sao để kiểm tra được là có phải lừa đảo hay không? Dưới đây, là một số cách kiểm tra dấu hiệu lừa đảo qua điện thoại như sau:
– Khi bị số điện gọi lạ gọi điện đến tự xưng là Cảnh sát giao thông gọi điện đến thì có thể tra cứu số điện của cảnh sát giao thông trên google, thông thường số điện thoại của cơ quan nhà nước sẽ là số điện thoại bàn chứ không phải số điện thoại di động của cá nhân.
– Tra cứu thông tin của đối tượng nghi ngờ lừa đảo trên google: trường hợp nhận được cuộc gọi hay tin nhắn của đối tượng tự xưng là cửa hàng thông báo trúng thưởng, trước khi làm theo yêu cầu của đối phương thì nên tra cứu thông tin cửa hàng, đơn vị đó hoặc tìm hiểu kĩ về chương trình đó. Hoặc tốt nhất, người dân nên yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin trụ sở chính, cửa hàng chính để kiểm tra, xem xét và đến trực tiếp giải quyết.
3. Người dân cần phải làm gì khi bị lừa đảo?
Với những trường hợp khi có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo, người dân cần phải nâng cao cảnh giác và tự chủ động bảo vệ mình:
– Không được cung cấp thông tin cá nhân trên chứng minh thư hay căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng cho bất kể ai
– Không được cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của tài khoản ngân hàng cho các đối tượng khác
– Không đăng nhập vào các đường link do người lạ gửi đến
– Không cho mượn tài khoản ngân hàng hay tài khoản thanh toán tiền khác như ví điện tử momo, zalo pay…
Nếu như đã chuyển tiền và thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân phải làm đơn trình báo cho
Thủ tục hồ sơ cần chuẩn bị để đi tố cáo gồm những giấy tờ sau:
– Đơn tố giác tội phạm (trong đó trình bày đầy đủ thông tin mình biết từ bên lừa đảo, tường trình cụ thể sự việc bị lừa đảo như thế nào, số tiền bị lừa là bao nhiêu)
– Giấy tờ tùy thân (Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân)
– Giấy tờ kèm theo: bằng chứng về việc chuyển tiền thông qua các sao kê giao dịch ngân hàng, ảnh chụp tin nhắn qua lại với các đối tượng lừa đảo hay những bản ghi âm cuộc trao đổi, nói chuyện giữa hai bên…
Thực tế, nhanh nhất nạn nhân có thể liên hệ qua các đường dây nóng của Bộ công an để trình báo một cách nhanh nhất, cụ thể qua hotline:
– Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại TP Hà Nội: 069.2342431
– Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại TP. HCM: 069.3336310
hoặc thông qua các số hotline công an tại địa phương nơi mình đang cư trú trên các trang thông tin của cơ quan công an quận/huyện, tỉnh đó.
(Mẫu đơn này chỉ mang tính chất tham khảo)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
….., ngày ….. tháng …. năm…..
ĐƠN TỐ GIÁC TỘI PHẠM
(Về hành vi………) (1)
Kính gửi:Cơ quan điều tra, Công an quận/huyện (2) ………
Tôi tên là:…………Sinh năm:………
CMND số:……..do:……..cấp ngày:……
Hộ khẩu thường trú:………
Hiện đang cư ngụ tại:………
Nay tôi làm đơn này kính mong quý cơ quan tiến hành điều tra làm rõ hành vi vi phạm của đối tượng:
Họ và tên:……
Hiện đang cư ngụ tại:..……
Đối tượng này đã có hành vi (3)………
Chứng cứ chứng minh (nếu có) (4):……
Từ vụ việc xảy ra nêu trên, tôi cho rằng cá nhân này đã có hành vi vi phạm pháp luật. Kính đề nghị quý cơ quan điều tra làm rõ hành vi trên để đảm bảo tình hình an ninh, xã hội trên địa bàn.
Tôi xin cam kết những gì tôi vừa trình bày là sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì tôi vừa nêu.
Xin chân thành cảm ơn./.
Người làm đơn
(ký và ghi rõ họ tên)
Hướng dẫn viết đơn:
(1) Nêu rõ hành vi vi phạm, ví dụ: cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
(2) Công an quận/huyện nơi cư trú của đối tượng vi phạm
(3) Trình bày rõ tại sao cho rằng đối tượng vi phạm pháp luật.
(4) Trình bày chứng cứ chứng minh nếu có.