Các chế độ của viên chức khi thôi việc. Là viên chức từ 2004 đến nay, đã đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội nếu nghỉ việc thì được hưởng những quyền lợi gì?
Các chế độ của viên chức khi thôi việc. Là viên chức từ 2004 đến nay, đã đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội nếu nghỉ việc thì được hưởng những quyền lợi gì?
Tóm tắt câu hỏi:
Em là viên chức giáo viên biên chế từ 2004 đến nay và đã đóng các loại bảo hiểm: Y Tế, thất nghiệp, BHXH theo lương hàng tháng. Nếu nay em muốn nghỉ việc để đi xin làm trong công ty. Vậy em sẽ được hưởng những quyền lợi gì theo quy định? Cảm ơn luật sư.
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật bảo hiểm y tế 2006;
– Luật việc làm 2013;
– Nghị định 29/2012/NĐ-CP.
2. Luật sư tư vấn:
Vì bạn không nói rõ, bạn tham gia bảo hiểm từ thời điểm nào nên coi như bạn bắt đầu tham gia bảo hiểm khi công tác tại đơn vị. Khi bạn nghỉ việc, bạn sẽ được hưởng các chế độ sau:
– Về bảo hiểm y tế:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật bảo hiểm y tế:
"1. Hàng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế."
Như vậy, khi bạn xin nghỉ việc, cơ quan bạn làm việc có trách nhiệm báo giảm với cơ quan bảo hiểm xã hội và thu lại thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp, cơ quan bạn không báo giảm và thu hồi thì thẻ bảo hiểm y tế của bạn vẫn còn giá trị sử dụng đến hết hạn và cơ quan bạn có trách nhiệm chi trả tiền đóng bảo hiểm y tế cho bạn đến khi hến thời hạn sử dụng.
– Về bảo hiểm thất nghiệp:
Theo quy định tại Điều 140 Luật bảo hiểm xã hội 2006, các quy định về bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Nghĩa là từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến nay, đơn vị bạn đang công tác có trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho bạn. Do vậy, khi thôi việc bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Về mức và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, khoản 1 và khoản 2 Điều 50 Luật việc làm 2013 quy định:
"1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của
Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứthợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng."
Giả sử bạn làm hết tháng 5/2016 rồi nghỉ việc thì tính đến lúc nghỉ, bạn tham gia bảo hiểm thất nghiệp được 7 năm 5 tháng. Do đo bạn được hưởng 7 tháng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 53 Luật việc làm 2013, trường hợp bạn đã tìm được việc làm bạn sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
– Trợ cấp thôi việc:
Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 39
"1. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước được tính như sau:
a) Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
b) Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng;
c) Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.
d) Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008."
Bạn không nói rõ bạn bắt đầu công tác từ thời điểm nào nên giả sử bạn bắt đầu làm việc từ tháng 1/2004. Như vậy tính đến ngày 31/12/2008 bạn đã làm việc liên tục trong 5 năm, theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 39 Nghị định 29/2012/NĐ-CP trên, bạn sẽ được trợ cấp thôi việc bằng 2,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội qua tổng đài: 1900.6568
– Bảo hiểm xã hội một lần:
Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13:
"1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi."
Từ tháng 1/2004 đến hết tháng 5/2016, bạn tham gia bảo hiểm xã hội được 12 năm 5 tháng. Do đó, nếu sau 1 năm nghỉ việc và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, bạn có thể thực hiện các thủ tục để hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của bạn được tính như sau:
– Từ tháng 1/2004 đến hết tháng 12/2013 (tương ứng với thời gian 10 năm): bạn được hưởng 10×1,5 = 15 tháng tiền lương
– Từ tháng 1/2014 đến hết tháng 5/2016 (tương ứng với thời gian 2 năm 5 tháng): bạn được hưởng 2,5×2 = 5 tháng tiền lương
Như vậy tổng cộng bạn được 20 tháng tiền lương trung bình tháng đóng bảo hiểm xã hội.