Khái quát về quyền dân sự? Các căn cứ xác lập quyền dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự?
Quyền dân sự là thuật ngữ được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau, được các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý tìm hiểu và xem đây là vấn đề quan trọng, bởi quyền dân sự cực kỳ thiết thực và tác động tới người mang quyền. Trên tinh thần nắm bắt được cơ bản quy định của pháp luật, cũng như tìm thấy được nhiều điều thú vị trong vấn đề này, trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ nêu khái quát về quyền dân sự, tập trung phân tích các căn cứ xác lập quyền dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành.
Tổng đài Luật sư
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về quyền dân sự?
Quyền dân sự là nội dung của quan hệ pháp luật dân sự, trong mối tồn tại tương quan với nghĩa vụ dân sự, hay nói cách khác, nội dung của quan hệ pháp luật dân sự là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào quan hệ đó. Quyền của một bên tương ứng với nghĩa vụ của bên kia để tạo thành mối liên hệ biện chứng, mâu thuẫn và thống nhất trong một quan hệ dân sự cụ thể. Nếu không có quyền của một bên thì cũng không có nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.
Có thể hiểu, quyền dân sự là cách xử sự được phép của người có quyền năng. Trong khao học pháp lý tồn tại khái niệm quyền chủ quan và quyền khách quan. Trong đó, quyền chủ quan là quyền dân sự của chủ thể trong một quan hệ dân sự cụ thể đã được xác lập; còn quyền khách quan là quyền dân sự được pháp luật quy định cho các chủ thể, là nội dung năng lực pháp luật của chủ thể (khả năng có thể có của chủ thể). Trong mối quan hệ giữa hai loại quyền, quyền chủ quan phải phù hợp với quyền khách quan mà pháp luật đã quy định.
2. Các căn cứ xác lập quyền dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự?
Căn cứ xác lập quyền dân sự được quy định cụ thể tại Điều 8 Bộ luật dân sự, cụ thể như sau:
“Quyền dân sự được xác lập từ các căn cứ sau đây:
1. Hợp đồng.
2. Hành vi pháp lý đơn phương.
3. Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật.
4. Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
5. Chiếm hữu tài sản.
6. Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
7. Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật.
8. Thực hiện công việc không có ủy quyền.
9. Căn cứ khác do pháp luật quy định.”
2.1. Hợp đồng.
Khái niệm về hợp đồng được giải thích tại Điều 385 là “sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” Hợp đồng mang những đặc điểm cơ bản sau:
– Phạm vi chủ thể của hợp đồng rất rộng lớn. Tùy từng lĩnh vực và ngành nghề khác nhau mà pháp luật giới hạn phạm vi chủ thể cho phù hợp để nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Thông thường, chủ thể của hợp đồng là các cá nhân, pháp nhân hay các tổ chức khác.
– Trong hợp đồng, ý chí của một bên đòi hỏi sự đáp lại của bên kia, tạo thành sự thống nhất ý chí của các bên, từ đó mới hình thành được hợp đồng. Ý chí đó phải xuất phát từ sự tự nguyện.
– Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng luôn ngang bằng và bình đẳng nhau. Trong hợp đồng, quyền lợi của bên này có nghĩa đó là nghĩa vụ của bên còn lại và ngược lại nghĩa vụ của bên này chính là quyền của bên còn lại.
– Hợp đồng có thể tồn tại dưới nhiều hình thức như văn bản ( bao gồm cả văn bản buộc công chứng, chứng thực); lời nói.
Hợp đồng là hình thức pháp lý phổ biến đầu tiên được quy định trong căn cứ xác lập quyền dân sự, điều này xuất phát từ việc, hợp đồng là giao dịch dân sự phổ biến nhất trong đời sống hàng ngày. Quyền dân sự được xác lập thông qua hợp đồng được biểu thị một cách rõ ràng và được bảo đảm bởi nghĩa vụ đối xứng của bên còn lại. Quyền dân sự trong hợp đồng là quyền chủ quan khi xác lập một quan hệ cụ thể, ví dụ: Đối với
2.2. Hành vi pháp lý đơn phương.
Bộ luật dân sự không có giải thích thế nào là hành vi pháp lý đơn phương, tuy nhiên dựa trên góc độ khoa học và theo quy định của Điều 116 về “Giao dịch dân sự” thì có thể hiểu hành vi pháp lý đơn phương là hoạt động thể hiện ý chí của một bên nhằm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự mà không phụ thuộc vào ý chí của bên kia. Hành vi pháp lý đơn phương chỉ được coi là giao dịch dân sự khi chủ thể của hành vi đó chấm dứt quyền dân sự của mình đồng thời lại nhằm phát sinh quyền dân sự hoặc nghĩa vụ dân sự ở chủ thể khác mà có mối liên hệ nhân quả đến hành vi pháp lý đơn phương đó.
Quyền dân sự được biểu hiện ở căn cứ xác lập “hành vi pháp lý đơn phương” thể hiện như sau: Người có hành vi pháp lý đơn phương phải là người có quyền nào đó, và khi thực hiện hành vi của mình là đang trao cho người khác quyền dân sự của mình và cũng làm phát sinh nghĩa vụ của người được nhận. Ví dụ, một cá nhân khi chết có để lại di chúc, họ có quyền định đoạt số tài sản mà mình có, tức là cá nhân một chuyển giao một phần quyền sở hữu tài sản cho một đứa con và đứa con có quyền nhận hoặc từ chối. Hành vi pháp lý đơn phương chỉ làm phát sinh quyền dân sự khi ý chí thể hiện trong đó không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
2.3. Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật.
Đây là căn cứ xác lập quyền dân sự khá đặc trưng, bởi quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật không mang tính chất phổ biến, thường xuyên như hợp đồng hay hành vi pháp lý đơn phương, đó là kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp, yêu cầu của đương sự,…Ví dụ: Trong bản án của Tòa án yêu cầu A trả cho B 500 triệu đồng, thì nghĩa vụ của A là nghĩa vụ trả tiền và quyền của B là được nhận 500 triệu đồng, đây là quyền ấn định, không ai có quyền tước đoạt. Điểm tích cực trong việc xác lập quyền dân sự cho cá nhân, pháp nhân đối với căn cứ này là tính chắc chắn, quyền không thể thay đổi và được bảo vệ một cách triệt để.
2.4. Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ vừa là khách thể của giao dịch dân sự, vừa là căn cứ xác lập quyền dân sự. Con người cần tạo ra của cải vật chất để thỏa mãn các nhu cầu của mình, bên cạnh đó cũng tạo ra các giá trị tinh thân, các sản phẩm trị tuệ để phục vụ nhu cầu tinh thần cũng như phục vụ cho quá trình sản xuất vật chất.
Khoa học, kỹ thuật, công nghệ là thành tố của lực lượng sản xuất, trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, là động lực quan trọng của sản xuất xã hội. Lao động sáng tạo là lao động đặc biệt và kết quả của quá trình sáng tạo được thể hiện dưới các dạng như các tác phẩm văn học, các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,…
Căn cứ xác lập này chủ yếu là xác lập quyền của chủ sở hữu đối với tài sản mình làm ra, đó là các quyền được pháp luật ghi nhận về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Đây là căn cứ xác lập quyền dân sự điển hình và ít khả năng tranh chấp (trừ quyền sở hữu trí tuệ).
2.5. Chiếm hữu tài sản.
Chiếm hữu tài sản làm phát sinh quyền dân sự chỉ áp trong trường hợp chiếm hữu hợp pháp, đối với chiếm hữu không có căn cứ pháp luật hoặc chiếm hữu bất hợp pháp thì cá nhân chiếm hữu phải thực hiện nghĩa vụ thay vì có quyền.
Chiếm hữu tài sản được giải thích tại Khoản 1, Điều 179 là “việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản”. Việc chiếm hữu hợp pháp và có căn cứ pháp luật là căn cứ để xác lập quyền sở hữu đối với chủ sở hữu.
Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây: (Theo Điều 165)
– Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
– Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
– Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
– Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;…
Thông thường, người chiếm hữu tài sản có căn cứ pháp luật sẽ được hưởng các quyền từ tài sản mang lại, như quyền được sử dụng, khai thác để sản sinh hoa lợi, lợi tức.
2.6. Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
Đối với việc sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, đây là căn cứ điển hình để phát sinh nghĩa vụ dân sự, người chiếm hữu, sử dụng tài sản có nghĩa vụ phải trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp. Nghĩa vụ hoàn trả do được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật phát sinh từ khi người được lợi có khoản lợi đó trong tay, hoặc từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc được lợi thì phải hoàn trả khoản lợi mà mình thu được.
Tuy nhiên, điều này không loại trừ hoàn toàn quyền của người sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, theo đó tại Điều 236 quy định, người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
2.7. Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật.
Nếu như khi một người thực hiện một hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người khác thì người gây thiệt hại có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho phía bên kia, thì người nhận bồi thường là người có quyền trong một quan hệ pháp luật dân sự.
Về mặt nội dung, quan hệ bồi thường thiệt hại được xác định là một nghĩa vụ dân sự vì trong đó có thể hiện quá trình dịch chuyển lợi ích vật chất từ chủ thể này sang chủ thể kia. Căn cứ xác lập quyền của người bị thiệt hại trong mối tương quan với nghĩa vụ bồi thường của bên gây thiệt hại, tức là người bị thiệt hại sẽ được nhận một khoản vật chất từ phía người gây thiệt hại.
2.8. Thực hiện công việc không có ủy quyền.
Thực hiện công việc không có ủy quyền theo giải thích tại Điều 574 như sau: “Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.”
Thực hiện công việc không có ủy quyền là căn cứ làm phát sinh quyền dân sự giữa người thực hiện công việc với người được thực hiện công việc, trong đó, người thực hiện công việc được thanh toán các chi phí hợp lí mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc, đồng thời cũng có quyền được trả thù lao khi mình thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho người được thực hiện công việc, nếu đã là quyền thì người thực hiện công việc có quyền từ chối.
Bên cạnh đó, căn cứ xác lập quyền còn được pháp luật dự trù và mở rộng “Căn cứ khác do pháp luật quy định”.