Luật kinh doanh bảo hiểm hiện nay đã và đang bộc lộ những bất cập trong quy định và thực hiện. Những quy định này được coi là cơ sở quan trọng để đưa ra đề xuất góp phần hoàn thiện pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Dưới đây là một số bất cập của pháp luật điều chỉnh về bảo hiểm nhân thọ.
Mục lục bài viết
1. Các bất cập của pháp luật điều chỉnh về bảo hiểm nhân thọ:
Bảo hiểm nhân thọ là một trong những hình thức bảo hiểm được ưa chuộng trong đời sống hiện nay, đây là một hình thức chuyển rủi ro và cũng là một trong những hình thức đầu tư tài sản có phát sinh lợi nhuận. Mục tiêu của bảo hiểm nhân thọ là đảm bảo cho các khả năng chi trả tài chính của người tham gia bảo hiểm nhân thọ khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trong quan hệ bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm thường sẽ ở vị trí ưu tiên hơn so với người mua bảo hiểm, hay nói cách khác, người mua bảo hiểm nhân thọ thường có vị thế bất lợi hơn trong quá trình thỏa thuận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, từ đó dẫn đến nguy cơ từ chối chi trả bảo hiểm nhân thọ rất cao trên thực tế. Các quy định của pháp luật cũng trở thành yếu tố quan trọng chi phối hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, một số quy định của bảo hiểm nhân thọ đã bộc lộ những bất cập nhất định, không còn phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và xu hướng phát triển chung của thế giới. Các bất cập của pháp luật điều chỉnh bảo hiểm nhân thọ đã trở thành một rào cản rất lớn cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng. Có thể kể đến một số bất cập trong pháp luật điều chỉnh về bảo hiểm nhân thọ như sau:
Thứ nhất, bất cập trong trường hợp giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết. Mục đích của việc ký kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho trường hợp chết của người khác là nhằm thực hiện nghĩa vụ của người được bảo hiểm đối với người được nuôi dưỡng, người được cấp dưỡng. Do đó người được bảo hiểm phải biết người thụ hưởng là ai và số tiền bảo hiểm là bao nhiêu tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Xét dưới góc độ đạo đức thì quy định này đảm bảo cho người mua bảo hiểm không trục lợi cá nhân từ các sự kiện chết của người được bảo hiểm. Tuy nhiên trên thực tế, căn cứ theo quy định tại Điều 38 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có quy định, mọi trường hợp thay đổi người thụ hưởng cần phải có sự đồng ý bằng văn bản của người mua bảo hiểm. Đây được coi là một bất cập của pháp luật trong quá trình điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Thay đổi người thụ hưởng là việc thay đổi nội dung chủ yếu trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đương nhiên phải được người mua bảo hiểm đồng ý, tuy nhiên quy định này là không phù hợp vì bên mua bảo hiểm hoàn toàn có thể tự Ý thay đổi người thụ hưởng mà không cần phải có ý kiến của người được bảo hiểm. Đây là một trong những nội dung đang xung đột và cần được phục của khoản 1 Điều 38 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Thứ hai, về vấn đề chi trả tiền bảo hiểm. Căn cứ theo quy định tại Điều 39 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có quy định, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải có nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm trong trường hợp người được bảo hiểm chết xuất phát từ lý do tự tử trong thời hạn 02 năm được tính kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc được tính kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực trên thực tế. Đây là một trong những quy định nhằm mục đích loại bỏ tình trạng trục lợi bảo hiểm trái quy định của pháp luật. Khoảng thời gian 02 năm được xác định là khoảng thời gian cần thiết để cho những đối tượng là người được bảo hiểm quên đi ý định tự tử, nhằm mục đích trục lợi bảo hiểm hình thành vào ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc vào ngày đóng phí gia hạn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Xét dưới góc độ tâm lý, trừ những người bị tâm thần phân liệt, tự tử được xem là hành vi bộc phát mang tính chất ngắn hạn trên thực tế, nó nảy sinh khi con người xuất hiện các trạng thái tiêu cực. Vì vậy cho nên khoảng thời gian bị loại trừ bảo hiểm đến 02 năm là quá dài so với các trạng thái tâm lý như vậy. Khoảng thời gian khá dài này làm cho hành vi tự tử và ý thức trục lợi cá nhân từ hoạt động bảo hiểm đã không còn mối quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy cho nên, đây được xem là quy định gây bất lợi cho người thụ hưởng khi người được bảo hiểm không có hành vi trục lợi bảo hiểm và không có ý thức trục lợi bảo hiểm.
Thứ ba, về hình thức khôi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Căn cứ theo quy định tại Điều 34 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có quy định, các bên có thể thỏa thuận với nhau để khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm khi đã bị đơn phương đình chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật. Như vậy có thể nói, pháp luật hiện nay không có quy định chi tiết về trình tự và thủ tục, cách thức để khôi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi bị đơn phương đình chỉ, mà pháp luật chỉ quy định chung chung là các bên có quyền thỏa thuận với nhau để khôi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm. Thực tiễn cho thấy, do khó khăn về mặt tài chính chỉ mang tính chất ngắn hạn, khi bị trễ hạn đóng bảo hiểm thì người mua bảo hiểm thông thường sẽ lựa chọn giải pháp đó là đóng phí bù cho khoảng thời gian nợ, mặc nhiên xem như hoàn thành nghĩa vụ. Khi thực hiện việc đóng bù phí, người mua bảo hiểm nhân thọ không nhận bất cứ phản hồi nào từ doanh nghiệp bảo hiểm về vấn đề trình tự và thủ tục khôi phục lại hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, trong nội bộ quy tắc bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thông thường ghi nhận việc khôi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phải dựa trên sự thỏa thuận giữa người mua bảo hiểm và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Như vậy trong trường hợp này, sự im lặng của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khi nhận phí thanh toán bù của người mua bảo hiểm không được coi là sự đồng ý khôi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Vì vậy cho nên, người mua bảo hiểm vẫn tiếp tục đóng phí nhưng sẽ không được trả tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra do các bên chưa coi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, sẽ không tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ mà các bên đã cam kết trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đó. Điều này vô hình chung đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của bên mua bảo hiểm nhân thọ.
2. Kiến nghị khắc phục các bất cập của pháp luật điều chỉnh về bảo hiểm nhân thọ:
Với mục tiêu bảo vệ quyền lợi đồng đều của người mua bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và người được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, cần phải đề xuất một số kiến nghị khắc phục các bất cập của pháp luật điều chỉnh quan hệ bảo hiểm nhân thọ như sau:
Thứ nhất, cần phải sửa đổi Điều 38 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 sao cho bảo vệ tối đa quyền lợi của người được bảo hiểm. Có thể sửa đổi theo hướng “mọi trường hợp thay đổi người thụ hưởng và thay đổi số tiền bảo hiểm cần phải có sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm”.
Thứ hai, sửa đổi Điều 34 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 theo hướng ghi nhận việc khôi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đó là dựa trên sự tự do thỏa thuận, không đi kèm theo các điều kiện khác. Đồng thời cần phải xác định nguyên tắc doanh nghiệp bảo hiểm im lặng khi đã nhận tiền và thu phí đóng bù của người bảo hiểm chính là sự đồng ý khôi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Thứ ba, sửa đổi Điều 39 của Luật kinh doanh bảo hiểm nhân thọ năm 2022 theo hướng giảm thời gian 02 năm xuống còn 01 năm, khoảng thời gian này được coi là vừa đủ để loại bỏ mối quan hệ giữa hành vi mua bảo hiểm và ý định tự tử để trục lợi bảo hiểm cá nhân.
3. Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phải đảm bảo những nội dung gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có quy định về nội dung của hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, hợp đồng bảo hiểm cần phải có những nội dung cơ bản sau:
– Thông tin của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng, thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
– Đối tượng bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản bảo hiểm, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;
– Phạm vi quyền lợi bảo hiểm, quy tắc bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, các điều khoản bảo hiểm;
-Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm;
– Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm, mức phí bảo hiểm;
– Phương thức bồi thường, phương thức trả tiền, phương thức giải quyết tranh chấp.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022;
– Bộ luật Dân sự năm 2015.