Ở nước ta trong những năm gần đây hoạt động buôn lậu diễn biến rất phức tạp với quy mô ngày càng rộng lớn, các vụ buôn lậu bị phát hiện ngày càng nhiều. Vì vậy, việc nghiên cứu làm rõ về loại tội phạm nguy hiểm và chuyên nghiệp này là rất cần thiết, mời bạn đọc đi vào bài viết cụ thể dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Buôn lậu là gì?
Thuận ngữ buôn lậu được sử dụng với những ý nghĩa khác nhau. Theo Từ Điển Tiếng Việt “buôn” được hiểu là việc mua đi bán lại một loại hàng hóa nào đó nhằm kiếm lợi nhuận. “Lậu” chỉ sự không chính đáng, lén lút, trái pháp luật. “Buôn lậu” là buôn bán hàng hóa trốn thuế hoặc hàng quốc cấm. Như vậy nếu hiểu theo nghĩa thông thường chúng ta nhận thấy Ià buôn lậu chỉ đơn giản là hành vi buôn bán những mặt hàng cấm hoặc những hàng hóa trốn đóng thuế theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó cuốn Từ Điển Bách Khoa Việt Nam cũng giải thích về khái niệm buôn lậu cụ thể, rõ ràng hơn cách giải thích nói trên, có nghĩa là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới những loại hàng hóa hoặc ngoại tệ, kim khí và đá quý, những vật phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa, mà nhà nước cấm xuất khẩu hay nhập khẩu hoặc buôn bán hàng hóa nói chung qua biên giới mà trốn thuế và trốn sự kiểm tra của Hải quan.
Tuy nhiên cách giải thích này vẫn chưa đúng hoàn toàn với kiểu của luật hình sự Việt Nam về hành vi buôn lậu. Đây là một khái niệm kế thừa những hiểu biết xưa nay của cụm từ này và khá phù hợp với quan niệm phổ thông hiện nay. Từ năm 1985 Bộ Luật Hình sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời đã chính thức ghi nhận tội danh buôn lậu “Người nào buôn bán trái phép hoặc vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý hoặc vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa thì bị phạt…” Bắt đầu từ đây, tội danh buôn lậu đã được xác định với 4 yếu tố cấu thành tội phạm và những dấu hiệu pháp lý đặc trưng nên đã có tác dụng hướng dẫn nhận thức cũng như chỉ đạo thực thi pháp luật.
Buôn lậu trong tiếng anh được dịch là “Smuggle”.
Tội buôn lậu trong tiếng anh tạm dịch là “Crime of smuggling”;
Hành vi buôn lậu được tạm dịch là “Smuggling behavior”;
2. Nguyên nhân buôn lậu là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân làm phát sinh, phát triển buôn lậu nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do động cơ hám lợi thúc đẩy. Một số nhà kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, dù ở mức độ khác nhau cũng tìm đủ mọi cách luồn lách để thắng trong cuộc chạy đua “một vốn bốn lời”. Do chạy theo lối sống giàu sang và quá sủng bái đồng tiền nhưng lại không đủ khả năng làm giàu hợp pháp mà gian thương đã kinh doanh một cách hợp pháp để kiếm lời nhanh và rõ ràng. Lợi ích cá nhân của họ đặt lên quá cao mà không nghĩ đến lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia mà trong đó họ có phần. Bên cạnh đó, công tác chống buôn lậu cũng còn nhiều hạn chế.
Ví dụ như: Các văn bản xử lý của Chính phủ đưa xuống chưa kịp thời, rõ ràng một số cán bộ Hải quan, cảnh sát…tiếp tay, bao che cho tệ nạn buôn lậu. Những chính sách thuế khóa cũng như pháp luật kinh doanh của Việt Nam còn nhiều khe hở. Nhiều ngành nhiều cấp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề chống buôn lậu, gian lận thương mại nên sự phối hợp còn thiếu chặt chẽ.
3. Cấu thành tội phạm của tội buôn lậu:
a) Chủ thể
Để trở thành chủ thể của một tội phạm cần có 2 điều kiện về độ tuổi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Với tội buôn lậu, chủ thể phạm tội phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên với đủ năng lực hành vi. Người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội này.
b) Khách thể
Khách thể của tội phạm này không phải là an ninh kinh tế mà là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý việc xuất, nhập khẩu hàng hóa, tiền tệ, kim khí đá quý, di vật, cổ vật, vật phẩm thuộc di tích lịch sử.
Đối tượng tác động của tội buôn lậu là hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa và hàng cấm. Khi xác định đối tượng tác động, nếu cần phải trưng cầu giám định của cơ quan chuyên môn thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định.
– Hàng hóa là vật phẩm được làm ra trong qua trình sản xuất, có giá trị và được đem trao đổi trong thị trường.
– Tiền Việt Nam là tiền, ngân phiếu, trái phiếu và các loại thẻ tín dụng hoặc giấy tờ khác có giá trị thanh toán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
– Kim khí quý là các loại kim khí thuộc loại quý hiếm dạng tự nhiên hoặc các chế phẩm làm từ kim khi quý theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành như: Vàng, bạc, bạch kim…
– Đá quý là các loại đá tự nhiên và các thành phẩm từ đá quí theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành như: Kim cương, Rubi, Saphia, Emôrot và những đá quý tự nhiên khác có giá trị tương đương.
– Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa do Nhà nước quy định.
– Hàng cấm là hàng hóa mà Nhà nước cấm buôn bán trên lãnh thổ Việt Nam và cấm nhập, cấm xuất.
c) Mặt chủ quan
Người thực hiện hành vi buôn lậu là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới, thấy trước được hậu quả của của hành vi buôn bán trái phép qua biên giới và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Không có hành vi buôn lậu nào được thực hiện do cố ý gián tiếp. Mục đích của người phạm tội là thu lợi. Biểu hiện của mục đích thu lợi là người phạm tội tìm cách trốn thuế xuất nhập khẩu.
d) Mặt khách quan:
Hành vi khách quan là hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý. Buôn lậu là hành vi buôn bán trái phép để kiếm lời. Ngoài hành vi khách quan, có một số dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội buôn lậu như giá trị hàng phạm pháp, số lượng hàng phạm pháp, địa Điểm phạm tội.
Hậu quả của hành vi buôn lậu là những thiệt hại đến tính mạng, tài sản và những thiệt hại khác do hành vi buôn lậu gây ra. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, nếu hậu quả do hành vi buôn lậu gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt có mức cao hơn. Thiệt hại trực tiếp do hành vi buôn lậu gây ra là Nhà nước không kiểm soát được hàng hóa xuất nhập khẩu, gây thất thóat thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu hàng hóa.
4. Mức xử phạt đối với hành vi buôn lậu:
Tội phạm buôn lậu xử phạt theo khung hình phạt cơ bản được quy định tại Điều 188
“1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: (
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
(g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, h và i Khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.” (Điều 188 BLHS năm 2015).”
Theo đó, đối với hành vi buôn lậu theo quy định tại BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì được xác định mức xử phạt đối với 2 loại chủ thể đó là cá nhân và pháp nhân.
a) Đối với cá nhân
+ Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: người phạm tội bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
+ Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm ( Khoản 2) hoặc bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm( Khoản 3) hoặc bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm,
+ Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
b) Đối với pháp nhân
+ Đối với trường hợp cấu thành cơ bản: Pháp nhân sẽ bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
+ Đối với trường hợp cấu thành tình tiết tăng nặng: pháp nhân sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng ( Điểm b Khoản 6) hoặc bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng ( Điểm c Khoản 6) hoặc bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm ( Điểm d Khoản 6 ) hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn ( Điểm đ Khoản 6)
+ Ngoài ra pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
* Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
–
– Luật Tố tụng hình sự 2015;