Hiện nay, trong quá trình sản xuất và đời sống xã hội của con người, súc vật đã trở thành sản phẩm chăn nuôi hoặc thú nuôi rất phổ biến Thực tế, nhiều trường hợp súc vật có thể gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản cho chính con người. Vậy súc vật là gì, pháp luật quy định cụ thể như thế nào về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra?
Mục lục bài viết
1. Súc vật là gì?
Súc vật hay còn gọi là vật nuôi theo cách hiểu chung nhất là những loài động vật được nuôi trong nhà, chúng có thể được thuần hóa (hoàn toàn) hoặc bán thuần hóa (thuần hóa một phần) hoặc được thuần dưỡng, huấn luyện. Súc vật có thể bao gồm gia súc, gia cầm, thú cưng hoặc vật nuôi khác. Súc vật được nuôi và sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, thể thao, giải trí, bầu bạn và các công việc khác.
2. Quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra:
Theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra có nội dung cụ thể như sau:
“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Như vậy, theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra thì các chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra bao gồm:
– Chủ sở hữu súc vật sẽ có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Đối với trường hợp nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
– Các chủ thể là người chiếm hữu, sử dụng súc vật cũng có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba sẽ có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
– Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì chủ thể là người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật đó phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
– Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó sẽ có trách nhiệm phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Ta nhận thấy, pháp luật hiện hành đã đưa ra những quy định cụ thể về các chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra bao gồm: chủ sở hữu súc vật; Các chủ thể là người chiếm hữu, sử dụng súc vật; người thứ ba có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác; chủ thể là người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật.
3. Phân loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra:
3.1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp súc vật:
Theo quy định của pháp luật thì việc các chủ thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp chiếm hữu, quản lý và sử dụng súc vật là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, nếu trong quá trình chiếm hữu, quản lý và sử dụng súc vật mà gây thiệt hại cho chủ thể khác thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật. Lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể xuất phát từ nhiều hành vi, động cơ khác nhau cụ thể như:
– Lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể xuất phát từ hành vi chăn thả súc vật ở những nơi cấm chăn thả gia súc như là: đường phố, công viên, khu công nghiệp, khu dân cư, trường học và việc chăn thả đã đó đã gây thiệt hại cho chủ thể khác.
– Lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể xuất phát từ hành vi không áp dụng hoặc có áp dụng nhưng không tốt, không đúng kỹ thuật các biện pháp quản lý, cầm giữ súc vật dẫn tới súc vật gây thiệt hại cho các chủ thể khác.
– Lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể xuất phát từ hành vi chuyển giao quyền chiếm hữu, quản lý, sử dụng cho các chủ thể khác không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
– Lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể xuất phát từ hành vi cố ý sử dụng súc vật để gây thiệt hại cho chủ thể khác.
3.2. Trách nhiệm bồi thường của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật:
Dựa theo quy định của pháp luật thì vác chủ thể là người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật được hiểu là những người chiếm hữu, sử dụng súc vật của người khác mà không dựa trên cơ sở các quy định pháp luật về chiếm hữu cũng như sử dụng.
Ngay khi những chủ thể là người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thực hiện hành vi chiếm hữu, sử dụng súc vật của người khác thì đã bị coi là trái pháp luật và theo quy định của pháp luật dân sự thì trách nhiệm dân sự của các chủ thể này đã phát sinh từ thời điểm thực hiện hành vi, kể cả súc vật chưa gây ra thiệt hại.
Trên thực tế, nếu súc vật chưa gây ra thiệt hại thì trách nhiệm của họ đối với chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không phải là trách nhiệm bồi thường, mà có thể là trách nhiệm hoàn trả súc vật và hoa lợi, lợi tức.
Còn trong trường hợp súc vật gây thiệt hại cho người thứ ba thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này không phải là trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật đó với người bị thiệt hại.
Hành vi các chủ thể thực hiện chiếm hữu, sử dụng trái phap luật súc vật không phải nguyên nhân cụ thể dẫn đến thiệt hại nhưng khi các chủ thể thực hiện hành vi chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật có thể coi là đã tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để súc vật gây ra thiệt hại cho người khác. Chính bởi do vậy mà cơ sở chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật chính là hành vi chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật mà các chủ thể này đã thực hiện trong thực tế.
3.3. Trách nhiệm bồi thường của người thứ ba:
Người thứ ba được pháp luật dân sự nhắc đến trong quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra không phải là chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật, cũng không phải là người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật.
Tại thời điểm súc vật gây thiệt hại, người thứ ba không được xác định cụ thể là người đang quản lý, sử dụng súc vật mà người thứ ba chỉ là người thực hiện hành vi tác động, kích động súc vật khiến cho súc vật gây thiệt hại cho người khác.
Như vậy, ta nhận thấy, đối với trường hợp này, súc vật không tự nhiên gây ra thiệt hại mà chúng bởi do có tác động của người thứ ba dẫn đến việc gây thiệt hại, nên việc súc vật gây ra thiệt hại là hoàn toàn bị động. Súc vật không chủ động tấn công người và tài sản, mà chỉ đơn giản là đang thực hiện một hành động tự vệ hoặc chạy trốn khỏi sự tác động của người thứ ba. Chính bởi vì thể, nên sự tác động, kích động của người thứ ba đối với súc vật được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến việc súc vật gây thiệt hại cho người khác.
Chính bởi vì vậy mà người thứ ba phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình đã tác động đến súc vật khiến cho súc vật gây ra thiệt hại trên thực tế. Do đó, cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thứ ba chính là hành vi trái pháp luật mà họ thực hiện.
3.4. Bồi thường thiệt hại do súc vật thả rông theo tập quán gây thiệt hại:
Theo khoản 4 Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại theo tập quán, nếu tập quán đó không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật và trong giải quyết bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
– Thứ nhất: phong tục, tập quán được áp dụng có nội dung không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và các quy định khác có liên quan.
– Thứ hai: chỉ áp dụng những phong tục, tập quán đã trở thành thông dụng, được đông đảo mọi người sinh sống trên cùng địa bàn, cùng dân tộc, cùng tôn giáo tôn trọng và thừa nhận.
– Thứ ba: các phong tục, tập quán chỉ được áp dụng trên địa bàn có thói quen xử sự theo tập quán đó.
– Thứ tư: cần tôn trọng sự thoả thuận của đương sự trong việc áp dụng phong tục, tập quán về dân sự.
– Thứ năm: phát huy vai trò của những người đứng đầu cộng đồng hoặc các chức sắc tôn giáo trong việc áp dụng phong tục, tập quán giải quyết các tranh chấp dân sự nói chung và bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra trên thực tế.’
Trên thực tế thì tập quán rất đa dạng và phong phú. Chính bởi vì vậy, chúng ta cần tuân thủ các nguyên tắc cụ thể được nêu trên trong quá trình giải quyết việc bồi thường thiệt hại do súc vật thả rông theo tập quán gây thiệt hại cho người khác.