Bồi thường thiệt hại khi gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Bồi thường thiệt hại khi gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình tôi ngày hôm nay đã bị 1 người cầm dao sang nhà đe dọa tại cổng nhà. 2 bên giàng có nhau và người đó đã bị chồng tôi cầm viên gạch ném vào đầu và đã phải đi viện khâu. Nhưng công an xã tôi lại bắt gia đình tôi phải lo viện phí thuốc men và ngày công người ta phải nằm viện. Thưa luật sư việc này nhà tôi phải như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
2. Giải quyết vấn đề:
Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật dân sự 2005, công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Theo đó: "Cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.Việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý". Hơn nữa, Bộ luật dân sự 2005 cũng quy định công dân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể tại Điều 32.
Như vậy, việc người khác xâm phạm bất hợp pháp chỗ ở của gia đình bạn và đe dọa gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và thân thể là trái với quy định của pháp luật. Bạn hoàn toàn có quyền tự bảo vệ quyền của mình và gia đình trong trường hợp này.Tuy nhiên ở đây, bạn là người gây thương tích và gây thiệt hại cho người khác. Nếu như hai bên xảy ra tranh chấp bằng vũ lực thì hành vi của bạn là hành vi gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng. Vì thông tin bạn cung cấp chưa cụ thể và rõ ràng nên xét hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Hành động của bạn là phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.
Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:
"1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm"
Như vậy trong trường hợp này nếu hai bên xảy ra xung đột, bạn vì bảo vệ quyền và lợi ích của mình và của người khác mà chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền lợi ích của bạn thì bạn hoàn toàn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, bạn chỉ phải bồi thường thiệt hại trong phạm vi vượt quá giới hạn theo Điều 613 Bộ luật dân sự 2005. Theo đó:
"1. Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
2. Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại".
Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009:
"2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự".
Như vậy trong trường hợp này, hành vi gây thiệt hại của bạn là phòng vệ chính đáng và bạn chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong phạm vi phần vượt quá giới hạn. Bạn có thể căn cứ vào điều này và tình hình thực tế của bạn để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong trường hợp này.
Trường hợp 2: Hành vi gây thương tích cho người khác không thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng.
Điều này có nghĩa, bên kia không hề có hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại, xâm phạm quyền và lợi ích của bạn mà bạn vẫn gây thương tích và gây thiệt hại cho họ. Khi đó lỗi hoàn toàn thuộc về bạn, bạn sẽ bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm trật tự công cộng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Bên cạnh đó, bạn cũng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra theo Điều 604 Bộ luật dân sự 2005:
"1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó".
Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Bộ luật dân sự 2005 quy định tại Điều 605 như sau:
"1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường".
>>> Luật sư tư vấn bồi thường thiệt hại khi gây thiệt hại: 1900.6568
Cụ thể trong trường hợp này, thiệt hại phải bồi thường là thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Điều 609 Bộ luật dân sự 2005 xác định thiệt hại do sức khỏe bị sâm phạm như sau:
"1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định".
Như vậy, tùy vào nguyên nhân và hậu quả thực tế của sự việc mà bạn phải chịu những trách nhiệm khác nhau trong trường hợp này. Bạn hoàn toàn có thể dựa vào những căn cứ trên để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong trường hợp này.