Thời Lê sơ là thời kỳ đất nước ổn định, phát triển, đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ và mở rộng biên giới, hạn chế các xu hướng cát cứ, xây dựng Nhà nước tập quyền mạnh, có vị trí và uy tín lớn trong khu vực.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện chính trị – xã hội và pháp luật thời Hậu Lê Về chính trị:
Thời Lê (hay còn gọi là thời Hậu Lê, bao gồm cả giai đoạn Lê sơ và Lê Trung Hưng) – là một trong những thời kỳ có vị trí đặc biệt trong lịch sử hình thành và phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam. Triều Lê là một triều đại phong kiến có lịch sử tồn tại lâu dài (từ năm 1428 đến năm 1788). Trong thời gian đó, triều Lê đã trải qua những biến đổi thăng trầm về chính trị. Thế kỷ XV, với sự tồn tại của triều đại Lê sơ, được coi là một giai đoạn phát triển cao của chế độ phong kiến Việt Nam về nhiều mặt. Đó là thời kỳ đất nước ổn định, phát triển, đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ và mở rộng biên giới, hạn chế các xu hướng cát cứ, xây dựng Nhà nước tập quyền mạnh, có vị trí và uy tín lớn trong khu vực.
Triều Lê sơ trải qua 10 đời vua, khởi đầu là đời vua Lê Thái Tổ (1428 – 1433) và kết thúc là đời vua Lê Cung Hoàng (1522–1527). Đây là thời kỳ các hoàng đế nhà Lê nắm trọn được quyền hành, cũng là thời kỳ vỹ đại, hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Giai đoạn phát triển cường thịnh nhất của thời Lê sơ đồng thời cũng là đỉnh cao của thể chế chính trị pháp lý và đời sống kinh tế – văn hóa của chế độ phong kiến Việt Nam là triều vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497).
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua đánh dấu việc chấm dứt giai đoạn chiến tranh và chuyển sang thời kỳ hòa bình lâu dài của dân tộc. Kinh nghiệm, tri thức thời kì chiến tranh rất lớn nhưng cũng chưa thực sự đủ để đưa đất nước vào con đường thái bình, thịnh trị. Vào những năm cuối đời, Lê Lợi mắc tính đa nghi, hiếu sát nên đã giết hại một số công thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo và đẩy nhà vua đến chỗ phải đối diện với sự bất hợp tác của quần thần cũng như quần chúng.
Lê Lợi chết, Lê Thái Tông (1434 – 1442), con thứ của Lê Lợi lên nối ngôi lúc 11 tuổi. Vị vua với tuổi đời còn quá nhỏ như vậy đã không nhìn thấy được nguy cơ với xã tắc ở thời vua cha. Vào tuổi lớn hơn, Lê Thái Tông mải chìm trong tửu sắc, Ông phế bỏ chính cung là Dương Thị Bí, lập thứ phi Nguyễn Thị Anh làm hoàng hậu, phế bỏ con trưởng Nghi Dân, lập con thứ Bang Cơ là hoàng tử nối ngôi. Chính ông đã gây nên họa tranh giành ngôi báu dẫn đến việc anh giết em để chiếm ngai vàng xảy ra 16 năm sau khi ông chết.
Ở chốn quan trường, trăm quan chia bè kết cánh bức hại lẫn nhau.
Lê Thái Tông chết, con thứ là Bang Cơ, tức Vua Lê Nhân Tông (1433 – 1459) lên ngôi khi mới hai tuổi. Mọi công việc triều chính đều do bà Nguyễn Thị Anh – mẹ Bang Cơ và phe lũ nắm giữ. Nội tình đất nước đã nát nay lại càng nát hơn. Bài Trung hưng Ký năm Quang Thuận viết:
Nhân Tông lên hai tuổi đã sớm nối ngôi vua. Thái hậu Nguyễn Thị Anh thì gà mái gáy sớm. Đô đốc Lê Khuyển như thỏ khôn giữ mệnh. Vua đàn bà mắt quáng buông rèm ngồi chốn thâm khế. Bọn họ ngoài lòng tham, khoác lác, hoành hành khắp cõi. Kẻ thân yếu nắm quyền vị. Nạn hối lộ được công khai. Việc văn giáo lặng lẽ như băng hàn, người hiền từ phải bó cánh. Bậc túc nho như Lý Tử Tấn, Trịnh Thuận Du thì đẩy vào chỗ nhàn, phường dốt đặc như đàn ông nổi dậy, như chó chuột nhe răng. Tể thần như Lê Sủng, Lê Sát thì ngu si không phân biệt được sáu con súc vật. Chưởng binh
Lê Diên, Lệ Luyện thì mù tịt, chẳng hiểu được bốn mùa một năm. Bậc lương thần như Trịnh Khả, Khắc Phục thì kèn cựa mà giết nhau. Người tài sĩ như Nguyễn Mộng Tuân thì bị đẩy vào vòng tai họa. Oan uống không chỉ kêu xin, mọi việc thảy đều đổ nát. Văn giai như công Soạn tuổi gần 80, tể thần như Lê Ê không biết một chữ. Bọn trẻ không biết nghĩ, làm bậy, ngông cuồng, người già chẳng chết đi, trở thành mối họa. Bán quan, mua kiện, ưu giàu, ghét nghèo. Hiền tài là rường cột của triều đình mà sạch không như quét đất. Văn chương là khí vận của nước nhà mà im ắng tựa cỏ khô. Bọn xiểm nịnh được tin dùng, kẻ đao búa được tiến cử....
Tháng 6 năm 1460, xảy ra đảo chính cung đình một lần nữa. Một số đại thần cựu trào như Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm cùng nhiều văn thần, võ tướng khác huy động lực lượng bắt Nghi Dân cùng đồng bọn, bắt Nghi Dân xong, các quan đem xa giá đón Cung vương Khắc Xương, con thứ ba của Lê Thánh Tông lên làm vua. Cung vương Khắc Xương lo sợ, một mực từ chối ngồi vào ngai vàng. Các quan xa giá đi đón Gia vương Tư Thành, con thứ tư của Lê Thái Tông lên làm vua tức vua Lê Thánh Tông sau này.
Khác với vua cha – Lê Thái Tông lên ngôi lúc 11 tuổi, vua anh – Lê Nhân Tông lên ngôi khi mới 2 tuổi, Lê Thánh Tông được tôn lên ngôi vua khi ông tròn 18 tuổi. Lê Thánh Tông nổi tiếng ham học từ nhỏ, ông lại có điều kiện quan sát thời cuộc, hiểu rõ nỗi thống khổ của dân khi cùng mẹ lẩn tránh nơi thôn giã để tránh sự truy lùng, sát hại của nạn tranh giành ngôi báu xảy ra nơi cung đình. Khi được đặt vào ngai vàng, ông đã có đủ bản lĩnh để nhận định, đánh giá tình hình đất nước đang rơi vào tình trạng nước sôi, lửa bỏng.
Ngày 08 tháng 6 năm 1960, vừa làm lễ lên ngôi xong, Lê Thánh Tông làm lễ phát tang cho vua Lê Nhân Tông và Thái hậu bị Nghi Dân giết vào tháng 12 năm trước. Một tháng sau khi lên ngôi, tức vào tháng 7 năm 1960,
Vua lập tức ra Sắc chỉ cho các vệ quân thuộc năm đạo, các phủ, trấn, các Tổng quản, Tổng chi rằng: “Có quốc gia là có võ bị. Nay phải theo trận đồ trong nước đã ban trong địa phận của vệ mình, phải chỉnh đốn đội ngũ, dạy cho quân lính phép đi, đúng, đấm, đánh, hiểu được hiệu lệnh tiếng chuông, tiếng trống khiến cho binh lính tập quen cung tên, không quên võ bị...”.
Với Lê Thánh Tông trước mắt ông có ba mối họa đang đe dọa sự tồn vong của nước nhà do các vua tiền nhiệm để lại:
– Ngoại xâm đã đến tận cửa;
– Bộ máy trị vì của đất nước bất lực, tê liệt. Quan lại tham nhũng. Dân chúng lầm than, đời sống của nhân dân rơi xuống tận đáy khổ cực;
– Kỷ cương phép nước rối bời.
Đứng trước những mối họa đó, trong suốt 38 năm trị vì, Vua Lê Thánh Tông luôn canh cánh trong lòng, ông ngày đêm suy nghĩ, thúc dục trăm quan luôn tận tâm, tận lực tìm ra trăm kế, ngàn sách hay để giải trừ ba mối họa đó. Ông đã tạo ra một khí thế hừng hực, trên hết là vua, dưới là trăm quan, bá tính, mọi người luôn chăm lo suy nghĩ tìm ra các chủ trương, đường lối trị nước, an dân một cách có kết quả nhất.
Bởi vậy, trong QTHL bên cạnh những điều luật bảo vệ quyền lợi của hệ thống quan lại, quý tộc còn có nhiều điều khoản nhằm hạn chế thế lực ảnh hưởng, hạn chế sự lạm quyền của các quan đại thần nhằm buộc họ phải tuyệt đối trung thành, tận tụy với nhà vua. Bên cạnh đó, để đề phòng nguy cơ tái xâm lược của nhà Minh, nhằm bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ, an ninh quốc gia trong hoàn cảnh vừa giành được độc lập nên các điều luật nói về các tội xâm phạm an ninh quốc gia cũng được đề cao.
Về xã hội
Thời Lê sơ, xã hội được chia thành hai giai cấp cơ bản là địa chủ và nông dân, ngoài ra còn có các tầng lớp thợ thủ công, thương nhân và nô tì.
Giai cấp địa chủ phong kiến bao gồm những địa chủ – quan lại giữ những trọng trách trong bộ máy thống trị, đứng đầu là vua và các địa chủ bình dân vừa và nhỏ. Giai cấp địa chủ phong kiến thời Lê làm giàu nhờ một phần dựa vào việc bóc lột địa tô nhưng phần lớn dựa vào bóc lột thuế thông qua nhà nước. Chính vì vậy, quyền lợi của giai cấp địa chủ gắn liền với quyền lợi của nhà nước phong kiến.
Giai cấp nông dân có số lượng đông đảo nhất trong xã hội Lê sơ. Họ là lực lượng sản xuất chính để tạo ra của cải vật chất nuôi sống xã hội, là điều kiện đảm bảo cho sự phát triển và phồn vinh của đất nước. Chính vì vậy họ được nhà nước phong kiến hết sức quan tâm bảo vệ.
Tầng lớp thủ công, thương nhân là tầng lớp thị dân ít ỏi sống ở Thăng Long, do tính chất của nền kinh tế, những người này không trở thành lực lượng xã hội riêng, có khả năng xây dựng một nền kinh tế riêng biệt.
Tầng lớp nô tì – Đây là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội, họ không được hưởng quyền lợi của một người dân, không được pháp luật bảo vệ. Phần lớn nô tì được dùng vào việc phục dịch trong nhà, trong dinh thự, cung điện, ít dùng trong sản xuất. Nhà nước Lê sơ hạn chế việc nuôi nô tì, mua bán nô tì nên đã giảm nhiều số lượng nô tì. Nhưng phải đến đầu thế kỉ XV, chế độ nô tì mới được xóa bỏ.
Do chính sách độc tôn Nho giáo của triều Lê sơ đã dẫn đến một thực trạng là tầng lớp Nho sĩ ngày càng phát triển đông đảo và chiếm vị trí quan trọng góp phần tạo ra một diện mạo mới cho xã hội Lê sơ. Nho học và thi cử để tuyển chọn nhân tài bổ sung cho bộ máy nhà nước ngay từ thời Lê Thái Tổ đã được coi trọng. Tuy nhiên, giai đoạn này vị trí của nho quan nói chung còn thấp kém hơn so với đội ngũ công thần rất nhiều. Theo thời gian, tầng lớp Nho quan trong bộ máy nhà nước ngày càng đông đảo. Đặc biệt, đến Lê Thánh Tông đã lấy trình độ học vấn hơn hẳn các quan chức, song nếu không đỗ đạt thì không được làm quan. Đội ngũ Nho sĩ nếu đỗ đạt trở thành quan lại trong bộ máy nhà nước sẽ góp phần luật hóa các quan hệ xã hội cơ bản thời Lê sơ theo tư tưởng nho giáo.
Về kinh tế
Trước vương triều Lê sơ chế độ phong kiến quân chủ tập quyền đã được xác lập và phát triển dựa trên nền tảng của loại hình kinh tế đại điền trạng thái ấp mang nặng đặc trưng của phương thức sản xuất Châu Á” và một quá trình phong kiến hóa xã hội còn thấp. Nền kinh tế điền trang thái ấp cơ bản đã bị thủ tiêu từ triều đại nhà Hồ sau một loạt chính sách cải cách của Hồ Qúy Ly. Hòa bình lập lại, nhà nước Lê sơ có điều kiện nắm trong tay số ruộng đất khá lớn của các quan chức, các nhà quyền thế tiền triều, của nguy quan, của những người tuyệt tự, hay của dân li tán... và yêu cầu lúc này được đặt ra là nhà nước phải có các biện pháp nhằm khôi phục hệ thống nông nghiệp bị tàn phá trong chiến tranh. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà nước tiến hành một cuộc cải cách ruộng đất theo tinh thần gắn quyền lợi về ruộng đất với nghĩa vụ của người dân đối với dân tộc và triều đại. Tinh thần này đã được quán triệt trong quá trình chia lại ruộng đất cho nông dân và trả công cho các công thần thời kháng chiến qua chính sách lộc điền và quân điền.
Tình hình kinh tế xã hội nói trên là bối cảnh cơ sở cho sự gia tăng vai trò của pháp luật. Đòi hỏi nhà vua cần phải xây dựng hệ thống pháp luật nhằm duy trì trật tự, kỷ cương và củng cố chế độ phong kiến tập quyền quan liêu, bảo đảm quyền lợi của giai cấp thống trị.
Tình hình pháp luật thời Lê sơ
Sự phát triển cao độ của chế độ phong kiến tập quyền thời Lê sơ đã đề ra yêu cầu một bộ pháp luật hoàn chỉnh để cố định những trật tự xã hội có lợi ích cho giai cấp thống trị, để bảo vệ nền chuyên chế chính của giai cấp phong kiến. Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, QTHL đã ra đời. QTHL là Bộ luật quan trọng nhất và chính thống của triều đại này đã đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tiêu biểu có nền pháp quyền sơ khởi vào loại sớm trên thế giới. Hơn thế, với tầm vóc lớn lao và ý nghĩa đặc biệt của mình QTHL còn được coi là bộ luật tiêu biểu nhất của hệ thống pháp luật phong kiến Việt Nam, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa pháp lý và tính nhân văn của dân tộc Việt Nam.
Có nhiều ý kiến khác nhau về lịch sử ra đời của Luật Hồng Đức. Có quan điểm cho rằng bộ luật này được ban hành dưới triều vua Lê Thánh Tông, bởi tên của luật gắn liền với niên hiệu thứ hai của vị vua này. Tuy nhiên, quan điểm chung của giới khoa học Việt Nam hiện nay cho rằng “QTHL (luật Hồng Đức) là kết quả của quá trình lập pháp liên tục của các triều vua Hậu Lê, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Thái Tổ và đóng góp lớn lao của Thánh Tông – những vị vua anh minh vào bậc nhất của chế độ phong kiến Việt Nam”.
Theo các tài liệu chính sử, sau cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược (1418 – 1428), Lê Lợi lên ngôi vua (Lê Thái Tổ), lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt quan chế, xây dựng bộ máy quan lại, ban hành pháp luật cai trị đất nước. Lê Thái Tổ cho rằng: “Từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, người mà không có pháp để trị thì loạn. Cho nên, bắt chước đời xưa đặt ra pháp luật để dạy các quan, dưới đến nhân dân cho biết thế nào là thiện, ác, điều thiện thì làm, điều ác thì tránh, chớ có phạm pháp”.
Ngay sau khi lên ngôi vua, trong năm 1428, Lê Lợi đã cùng các đại thần biên soạn một số luật lệ về kiện tụng, về phân chia ruộng đất của thôn xã. Những loại hình phạt, những lễ ân giảm trong QTHL (49 điều thuộc chương Danh lệ) phần lớn đều được quy định trong thời vua Lê Thái Tổ. Ba mươi hai điều luật trong chương Điền sản để pháp chế hóa các thể lệ quân điền cũng được quy định chặt chẽ trong những năm Thuận Thiên (1428 –1433) và được thực hiện suốt trong thời Lê sơ. Tuy vậy, do đây mới chỉ là bước đầu xây dựng nên pháp luật thời vua Lê Thái Tổ còn nhiều thiếu sót, nhất là về phương diện tư hữu tài sản.
Từ thời Lê Thái Tổ đến Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, các triều vua đã dày công xây dựng hệ thống pháp luật phong kiến Việt Nam ngày càng phong phú và hoàn thiện, thể hiện trong hàng loạt các luật (bộ luật) được ban hành và thi hành.
Trong thời vua Lê Thái Tông (1434 – 1442), một số nguyên tắc xét xử các vụ kiện cáo về một số điều luật nghiêm cấm nạn hối lộ, hành động giao thiệp với người nước ngoài được xây dựng thêm. .
Thời vua Nhân Tông (1422 – 1497), do việc thi hành những chính sách ruộng đất tích cực nên nền kinh tế nông nghiệp đã phát triển nhanh chóng với sự mở rộng của các hình thức sở hữu vừa và nhỏ nên việc mua bán, chuyển nhượng ruộng đất diễn ra rất phổ biến. Để hạn chế những tranh chấp phát sinh, đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp, Nhân tông đã bổ sung vào bộ luật chương Điền sản gồm 14 điều khẳng định về bảo vệ quyền tư hữu ruộng đất, quy định nguyên tắc xét xử những hành động xâm phạm đến quyền tự hữu ruộng đất. Theo nhà sử học Phan Huy Chú thì “từ đó về sau các vụ tranh kiện về phân chia tài sản trong dân gian mới có tiêu chuẩn” (Hình luật chí trong Lịch triều hiến chương loại chí).
Sang thời Thánh Tông (1460 – 1497), triều đình liên tiếp ban bố nhiều điều lệ về kế thừa hương hỏa, về việc bảo vệ tôn ti trật tự về đạo đức phong kiến, về việc trấn áp mọi hành vi chống đối hay làm nguy hại đến địa vị thống trị của giai cấp phong kiến. Sách Hồng Đức thiện chính thư và Thiên Nam dư hạ tập còn ghi chép lại nhiều điều luật ban bố về thi hành trong thời vua Lê Thánh Tông theo thứ tự từng năm. Riêng trong bộ luật Thiên Nam dư hạ tập còn ghi lại 40 điều luật thi hành trong năm Quang Thuận (1460 – 1469) và 61 điều trong năm Hồng Đức (1470 – 1497).
Năm 1983, vua Lê Thánh Tông sai các triều thần sưu tập tất cả các điều luật, các pháp lệnh đã ban bố và thi hành trong các triều vua thời Lê sơ, tập hợp lại, xây dựng thành một bộ pháp điển hòa chỉnh. Đó là QTHL, mà người ta thường gọi là Bộ Luật Hồng Đức, để đề cao vai trò xây dựng của vua Lê Thánh Tông.
Bộ luật này được thi hành trong suốt thời nhà Lê từ Lê sơ đến Lê Trung Hưng (1533 – 1789), nghĩa là từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII, dĩ nhiên là các triều vua sau đó có sửa đổi, bổ sung ít nhiều. Toàn văn bộ luật này còn được bảo tồn đến nay dưới tên QTHL hay Lê triều hình luật và còn được ghi chép lại trong Hình luật chí của Lịch triều hiến chương loại chí do Phan Huy Chú biên soạn.
QTHL là một bộ luật điển hình, hoàn thiện nhất trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam. Bộ luật chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ, nhân văn sâu sắc, kỹ thuật pháp lý hoàn thiện hơn so với các bộ luật cùng thời, có những điểm tiếp cận gần với kỹ thuật pháp lý hiện đại.
2. Điều kiện chính trị – xã hội và pháp luật thời nhà Nguyễn:
Về điều kiện chính trị– xã hội
Triều Nguyễn tồn tại trong giai đoạn từ (1802 – 1945). Bắt đầu từ khi Nguyễn Ánh đánh đổ nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Gia Long (1802) đến khi vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại thoái vị (1945) – triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, với hơn một thế kỷ tồn tại (143 năm), trải qua 13 đời vua.
Nhà Nguyễn được thành lập đứng trước những thời cơ và thách thức mang tính lịch sử và thời đại (tiếp quản một lãnh thổ đất nước thống nhất dài rộng từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, xây dựng bộ máy chính quyền mới sau một thời gian dài các thế lực tranh chấp quyền lực, phong trào nông dân cuộc đấu tranh giai cấp liên tiếp xảy ra từ thế kỉ XVIII). Nó đặt ra vấn đề đòi hỏi người cai trị đất nước lúc đó phải có những việc làm phù hợp trong việc xây dựng, sử dụng pháp luật một cách hiệu quả để quản lý đời sống xã hội, để phát huy những lợi thế và khắc phục những khó khăn. Nếu không sẽ đưa đất nước ngày càng rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Về mặt kinh tế, Nhà nước vẫn duy trì phương thức sản xuất phong kiến trên cơ sở chế độ sở hữu tư nhân như dưới triều Lê sơ và ngày càng mở rộng, có chính sách tích cực trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là việc quản lý và mở rộng đất đai (nhiều nhất là quai đê, lấn biển lập làng). Nông nghiệp vẫn chú trọng, nhưng công thương nghiệp vẫn bị hạn chế nhiều. Dưới triều Nguyễn, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của chế độ sở hữu và chiếm hữu tư nhân về ruộng đất.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm phát triển nền kinh tế nông nghiệp, nhưng do không hài hòa, không phù hợp với quy luật khách quan của xã hội nên các chính sách kinh tế chung của triều Nguyễn đã kìm hãm nền kinh tế phát triển theo xu hướng kinh tế – hàng hóa. Đồng thời do thiên tai liên tục ở phía Bắc, chính sách thuế nông bất hợp lý nền kinh tế nông nghiệp thời Nguyễn vẫn đình trệ và rơi vào tình trạng khủng hoảng, bế tắc.
Nền kinh tế hàng hóa đã có sự phát triển mạnh mẽ, một số mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện, đòi hỏi chính quyền thống trị phải có sự quan tâm để thúc đẩy kinh tế tiếp tục phát triển, nhất là trong bối cảnh đứng trước nguy cơ bị chủ nghĩa Tư bản phương Tây đe dọa xâm lược.
Về mặt xã hội, Nhà nước vẫn chú trọng và duy trì chế độ học hành, thi cử để tuyển dụng quan lại, tiếp tục đề cao Nho giáo, quan tâm và khuyến khích sự phát triển của các loại hình văn hóa dân tộc khác như văn học, sử học, nghệ thuật … triều Nguyễn cũng lập Quốc Tử Giám, mở khoa thi Hương và thi Hội để đào tạo nhân tài. Từ khoa thi Hội đầu tiên năm 1822 đến khoa thi cuối cùng năm 1919, triều Nguyễn tổ chức được 39 khoa thi Hội, lấy đỗ 292 Tiến sĩ và 266 Phó bảng, cộng 558 người. Khu Văn Miếu tại kinh đô Huế còn lưu giữ 32 tấm bia Tiến sĩ thời Nguyễn. Công việc biên soạn Quốc sử, các bộ chính sử của vương triều, các bộ tùng thư và địa chỉ được đặc biệt quan tâm và để lại một di sản rất đồ sộ. “Có thể nói, trong thời quân chủ, chưa có Quốc Sư Quán của vương triều nào hoạt động có hiệu quả và để lại nhiều công trình biên soạn đến như thế”.
Bên cạnh những cống hiến tích cực thì vẫn còn hạn chế về kinh tế xã hội thời kỳ này. Những năm đầu nắm chính quyền, vua Gia Long đã cho thi hành chính sách hà khắc, mở rộng phạm vi trừng trị hình sự, củng cố sự bất bình đẳng xã hội và không quan tâm nhiều đến chính sách xã hội, bảo đảm đời sống cho người dân. Đây cũng là nguyên nhân pháp luật dân sự ít được đề cập đến ở triều vua Gia Long, là sự thiếu sót ban đầu trong chính sách dân luật nhất là pháp luật hôn nhân gia đình của thời nhà Nguyễn. Vương triều Nguyễn dù ban hành nhiều chính sách khẩn hoang tích cực, kể cả một số chính sách giảm nhẹ tô thuế, nhưng xã hội thời Nguyễn không ổn định. Gần như trong suốt thời Nguyễn, khởi nghĩa nông dân nổ ra triền miên và triều Nguyễn không thể nào giải quyết nổi. Từ triều Tự Đức (1848– 1883), vương triều Nguyễn càng ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập làm cho thế nước ngày càng suy yếu và cuối cùng thất bại trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Những vấn đề chính trị – xã hội xét cả trên phương diện thành tựu và hạn chế đều là cơ sở quan trọng cho việc đánh giá khách quan về nền pháp luật (nhất là pháp luật hôn nhân gia đình) thời kỳ nhà Nguyễn.
Về bộ HVLL dưới triều vua Gia Long
HVLL là một trong hai bộ luật lớn nhất của Việt Nam, cũng là bộ luật hoàn chỉnh nhất xét trên phương diện lập pháp. Nhà Nguyễn, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long liền lệnh cho biên soạn một bộ luật nhằm làm công cụ cho công cuộc trị nước lâu dài.
Sau khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long đã ra Chỉ Dụ cho các quan đại thần tham chước lại luật Hồng Đức và luật Đại Thanh để soạn một bột luật thích hợp. Năm 1812, bộ HVLL (còn gọi là Bộ luật Gia Long) được ban hành và năm 1815 được in thành sách để phân phát cho các quan cai trị.
HVLL là sản phẩm lập pháp dưới triều Gia Long – triều đại đầu tiên của vương triều Nguyễn – ra đời trong bối cảnh chính trị hết sức phức tạp. Trong những năm đầu nắm quyền thống trị, đất nước không ổn định sau thời gian nội chiến kéo dài, mối quan hệ nặng về thù hận với những người lãnh đạo của phong trào Tây Sơn nhất là nghĩa quân Tây Sơn vẫn còn rải rác trong nhân dân, phạm vi biên giới mở rộng không tránh khỏi sự dòm ngó của phong kiến phương Bắc, sự tác động mạnh mẽ của Chủ Nghĩa Tư Bản phương Tây.... Chính trong hoàn cảnh chính trị đặc biệt này nên HVLL tất nhiên ra đời nhằm giải quyết các vấn đề trước mắt của xã hội đương thời nên nặng về hình luật. Tình hình đất nước chưa ổn định nên vua Gia Long chưa thể tập trung đến các quan hệ dân sự, trong đó có quan hệ hôn nhân và gia đình mà chỉ đặc biệt chú ý đến vấn đề thuế ruộng, thuế thân. Như vậy, sẽ là khập khiễng khi các nhà nghiên cứu đặt HVLL (ra đời trong bối cảnh chính trị – xã hội đang nhiều biến động của triều Nguyễn để so sánh với QTHL (ra đời trong giai đoạn thịnh vượng của nhà nước phong kiến) dưới triều Lê sơ. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho ban đầu dưới triều Nguyễn, trong HVLL còn nhiều thiếu sót về mặt pháp luật nhất là thiếu sót về các chế định dân luật và hôn nhân gia đình.