Trong chiến lược cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta thường đề cập trong giai đoạn hiện nay, chúng ta hay được nghe đến vấn đề nâng cao chất lượng của bổ trợ tư pháp.
Mục lục bài viết
1. Bổ trợ tư pháp là gì?
Về cơ bản, bổ trợ tư pháp là các hoạt động song hành, tạo điều kiện cho hoạt động tư pháp được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng, chính xác bằng cách cung cấp hồ sơ, chứng cứ, phản biện cho các giai đoạn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời giúp cho người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bổ trợ tư pháp liên quan mật thiết với hoạt động tư pháp, có tính chất tư pháp nhưng không lẫn lộn với hoạt động tư pháp mang quyền lực nhà nước.
Trước đây, Việt Nam ta sử dụng thuật ngữ “hỗ trợ tư pháp” song cùng với sự phát triển của xã hội, từ “bổ trợ tư pháp” đã được sử dụng để thay thế do có phạm vi sử dụng được mở rộng hơn.
Hiện tại, chưa có một văn bản luật chuyên biệt nào quy định chi tiết, giải thích cụ thể khái niệm “bổ trợ tư pháp”. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 1 của
Bổ trợ tư pháp tiếng anh là: “Judicial supplement”.
2. Vai trò của bổ trợ tư pháp:
Mặc dù chỉ đóng vai trò bổ trợ, nhưng có thể khẳng định các hoạt động bổ trợ, trong đó nổi bật có thể kể đến là luật sư, công chứng, giám định tư pháp đóng vai trò rất quan trọng trong cải cách tư pháp nói chung và hoạt động tố tụng, xét xử nói riêng. Khi các hoạt động bổ trợ tư pháp được triển khai nghiêm túc, hiệu quả sẽ giúp nâng cao chất lượng của nền tư pháp Việt Nam và giảm tải được nhiều áp lực công việc cho các cơ quan Nhà nước.
Theo Khoản 20 Điều 2 Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thì bổ trợ tư pháp bao gồm luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại. Với góc độ bổ trợ cho hoạt động tố tụng thì bổ trợ tư pháp được hiểu một cách đơn giản là các hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp nhằm mục đích giúp cho cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo vệ pháp luật và cũng là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của tổ chức.
Với cách hiểu trên đã hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đề cao và khẳng định vai trò các hoạt động bổ trợ tư pháp. Với Tòa án là trung tâm của cải cách tư pháp, còn bổ trợ tư pháp có quan hệ và tác động trực tiếp đến chất lượng xét xử của Tòa án, là công cụ không thể thiếu để hỗ trợ người dân và các cơ quan tiến hành tố tụng trong một nền tư pháp dân chủ, pháp quyền.
3. Các tổ chức bổ trợ tư pháp theo quy định của pháp luật:
3.1. Tổ chức luật sư:
Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng). Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Về các dịch vụ pháp lý của luật sư sẽ bao gồm: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác.
Về hình thức hành nghề của luật sư, mỗi luật sư có thể lựa chọn hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách là cá nhân.
Về tổ chức hành nghề luật sư sẽ bao gồm: văn phòng luật sư hoặc công ty luật (công ty luật hợp danh hoặc công ty luật trách nhiệm hữu hạn).
Hiện nay, trong thời buổi kinh tế thị trường, nhu cầu sử dụng dịch vụ của luật sư ngày càng gia tang, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nghề luật sư ngày càng được mở rộng mà vẫn đảm bảo được chất lượng.
3.2. Tổ chức hành nghề công chứng:
Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Người hành nghề công chứng được gọi là Công chứng viên. Người này có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Công chứng, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Sau khi được bổ nhiệm, công chứng viên sẽ tham gia cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế – xã hội.
Về tổ chức hành nghề công chứng sẽ bao gồm: Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Phòng công chứng sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập còn Văn phòng công chứng do các Công chứng viên có nguyện vọng đăng ký thành lập theo mô hình tổ chức của công ty hợp danh.
Liên quan đến hoạt động công chứng, nhiều khách hàng của Luật Dương Gia có sự hiểu nhầm với hoạt động chứng thực. Đôi khi khách hàng có thói quen đến Ủy ban nhân dân nơi mình sinh sống để thực hiện hoạt động chứng thực đối với các loại giấy tờ như: sổ hộ khẩu, các loại giấy khen, các loại giấy tờ tùy thân,… nhưng lại nói rằng “đi công chứng”. Về cơ bản, nói như vậy là sai do hai hoạt động này có sự khác biệt khá rõ rệt về độ phức tạp thực hiện.
Đối với chứng thực, khách hàng khi thực hiện hoạt động này sẽ nhận được sự chứng nhận rằng các bản sao có hình thức giống hệt bản chính. Các bản sao sẽ có giá trị hiệu lực giống với bản chính và có thể sử dụng thay thế bản chính trừ khi có yêu cầu bắt buộc phải nộp bản chính. Còn đối với công chứng, hoạt động này nhắm hướng tới tính hợp pháp của tài liệu, hợp đồng,… .
Những chủ thể thực hiện hoạt động công chứng sẽ phải tốn nhiều thời gian hơn so với thực hiện hoạt động chứng thực để đảm bảo từng nội dung của tài liệu, hợp đồng là phù hợp với ý chí nguyện vọng của các bên và tuân thủ quy định của pháp luật. Hiểu một cách đơn giản nhất, chứng thực là hướng tới “tính chính xác” còn công chứng là hướng tới “tính hợp pháp”.
3.3. Tổ chức bán đấu giá tài sản:
Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật này, trừ trường hợp đấu giá chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá.
Người hành nghề đấu giá được gọi là đấu giá viên. Đấu giá viên có thể hành nghề tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản; doanh nghiệp đấu giá tài sản; hoặc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Về các tổ chức đấu giá tài sản thì cụ thể trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập còn doanh nghiệp đấu giá tài sản do các thành viên có nguyện vọng đăng ký thành lập theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh.
3.4. Tổ chức giám định tư pháp:
Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Người hành nghề giám định tư pháp được gọi là giám định viên tư pháp, nơi làm việc của họ là các tổ chức giám định tư pháp hoặc được chỉ định cá nhân giám định tư pháp theo vụ việc.
Về tổ chức giám định tư pháp, pháp luật chia thành tổ chức công lập và ngoài công lập, cụ thể:
– Tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập trong các lĩnh vực khác sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Cụ thể theo chuyên môn nghiệp vụ, các tổ chức công lập bao gồm:
Về pháp y: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm pháp y cấp tỉnh; Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an.
Về pháp y tâm thần: Viện pháp y tâm thần trung ương thuộc Bộ Y tế; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế. Căn cứ yêu cầu giám định pháp y tâm thần của hoạt động tố tụng và điều kiện thực tế của các khu vực, vùng miền trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định thành lập Trung tâm pháp y tâm thần khu vực sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Về kỹ thuật hình sự: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
– Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập được gọi là các văn phóng giám định tư pháp, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.
3.5. Trọng tài thương mại:
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại.
Người hành nghề trong lĩnh vực này được gọi là các trọng tài viên, làm việc tại các trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tài có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế và hỗ trợ trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài.
Ví dụ một số trung tâm trọng tài ở Việt Nam: Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), trung tâm Trọng tài Thương mại Phía Nam (STAC), Trung tâm trọng tài thương mại Á Châu (ACIAC)…
Trọng tài là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp rất được ưa chuộng ở nhiều nước do tính bảo mật thông tin và thời gian giải quyết có phần nhanh chóng hơn so với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì phương thức này chưa được thực sự coi trọng do pháp luật hiện tại chưa thực sự tạo điều kiện cho trọng tài phát triển khi còn lệ thuộc nhiều việc vào Tòa án (biện pháp khẩn cấp tạm thời,…) và thông thường chi phí phải trả cho một vụ việc giải quyết bằng trọng tài cũng có phẩn nhỉnh hơn.
Căn cứ pháp lý sử dụng trong bài viết:
– Luật Luật sư 2006;
– Luật Công chứng 2014;
– Luật Đấu giá tài sản 2016;
–
–
– Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;
– Nghị định 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ tư pháp;