Bỏ sổ bảo hiểm công ty cũ có được cấp sổ bảo hiểm mới? Quy định về vấn đề cấp sổ bảo hiểm mới cho người lao động.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có một câu hỏi về bảo hiểm xã hội rất mong được sự tư vấn của anh (chị). Tôi đang làm việc cho một công ty và được tham gia BHXH, nhưng tôi tự ý thôi việc và chuyển sang làm việc cho một công ty khác. Tôi không lấy được sổ BHXH ở công ty cũ. Tôi muốn hỏi khi tôi sang công ty mới làm việc thì tôi có thể tham gia BHXH từ đầu và được làm sổ mới hay không?
Luật sư tư vấn:
Bạn chưa nói rõ lý do bạn nghỉ việc tại công ty cũ là như thế nào? Vì sao bạn không lấy được sổ bảo hiểm xã hội.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động, dù người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật hay người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người sử dụng lao động đều có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động quy định tại Điều 47 “Bộ luật lao động 2019”: Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:
“1. Ít nhất 15 ngày trước ngày
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.”
Nếu bạn không có nhu cầu lấy sổ bảo hiểm xã hội thì bạn phải làm thủ tục hủy sổ bảo hiểm xã hội cũ, toàn bộ thời gian đã tham gia bảo hiểm xã hội trước đây sẽ bị hủy, không được tính.
Luật sư
Nếu bạn đã làm thủ tục hủy sổ bảo hiểm xã hội, khi tham gia lao động tại công ty khác thì bạn sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định Luật bảo hiểm xã hội 2014, được cấp sổ bảo hiểm xã hội mới.
Mục lục bài viết
- 1 1. Hỏi về mất sổ bảo hiểm xã hội gốc
- 2 2. Có được làm sổ bảo hiểm mới khi nghỉ ngang ở công ty cũ?
- 3 3. Mất sổ bảo hiểm của người lao động có bị phạt không?
- 4 4. Làm sổ bảo hiểm mới khi chưa chốt sổ cũ
- 5 5. Có nên hủy sổ bảo hiểm xã hội ở nơi cũ để cấp sổ bảo hiểm mới không?
- 6 6. Mất sổ bảo hiểm cũ nhưng lại có sổ bảo hiểm mới thì gộp sổ như thế nào?
- 7 7. Mất sổ bảo hiểm xã hội phải làm như thế nào?
- 8 8. Có được cấp sổ bảo hiểm xã hội mới khi đã có sổ bảo hiểm không?
- 9 9. Xin cấp sổ bảo hiểm xã hội mới cho người đã có sổ được không?
1. Hỏi về mất sổ bảo hiểm xã hội gốc
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi Công ty LUẬT DƯƠNG GIA !
Xin luật sư tư vấn giúp tôi. Khi mất sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) gốc thì sổ BHXH công chứng có được tính chế độ về hưu không?
Cảm ơn luật sư !
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của pháp luật, khi mất Sổ BHXH gốc thì Sổ BHXH công chứng không được tính chế độ khi về hưu mà bạn chỉ có thể làm đơn xin cấp lại Sổ BHXH theo quy định.
Điều 32 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành Quy định quản lý thu BHXH, BHYT; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT có quy định như sau: Trong trường hợp người tham gia BHXH làm mất hoặc hỏng sổ BHXH thì phải làm hồ sơ theo quy định nộp cho cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH ( đối với trường hợp đang đóng BHXH tự nguyện) hoặc cơ quan BHXH nơi đóng BHXH cuối cùng trước khi tham gia.
Như vậy, khi bạn làm mất sổ bảo hiểm xã hội thì phải làm hồ sơ theo quy định nộp tới cơ quan bảo hiểm xã hội xin cấp lại sổ bảo hiểm.
2. Có được làm sổ bảo hiểm mới khi nghỉ ngang ở công ty cũ?
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư ơi cho em hỏi em làm ở công ty cũ được 2 tháng mà em nghỉ ngang, giờ công ty cũ không trả sổ bảo hiểm cho em vậy em phải làm như thế nào để có được sổ bảo hiểm. Vậy em có thể làm sổ bảo hiểm mới được không ạ.
Luật sư tư vấn:
Bạn cần lưu ý trong trường hợp của bạn như sau:
Thứ nhất: Về việc trả sổ bảo hiểm xã hội
Theo như nội dung bạn trình bày, bạn làm được 2 tháng và nghỉ ngang và công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội cho bạn. Việc bạn nghỉ ngang và không thông báo là bạn đơn phương chấm dứt trái luật, thời gian thông báo sẽ phụ thuộc vào thời gian mà hợp đồng bạn ký kết.
Đối chiếu quy định tại “Bộ luật lao động 2019” trách nhiệm của bạn trong trường hợp này như sau:
“Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”
Trong đó có quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm hợp đồng như sau:
“3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”
Tuy nhiên bạn cần lưu ý, hiện tại bạn đang chấm dứt trái luật nên bạn cần thỏa thuận cụ thể với người sử dụng lao động về vấn đề sổ bảo hiểm.
Thứ hai: Hỏi về làm sổ bảo hiểm mới
Theo Quyết định 1111/QĐ-BHXH Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mỗi người chỉ được một sổ bảo hiểm, nếu bạn làm sổ mới sau này phải tiến hành gộp sổ, hơn nữa bên sử dụng lao động mới sẽ yêu cầu cung cấp sổ bảo hiểm cũ nếu bạn đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Bạn nên làm thủ tục chấm dứt hợp đồng với bên công ty cũ, nhận sổ bảo hiểm và tham gia quan hệ lao động mới.
3. Mất sổ bảo hiểm của người lao động có bị phạt không?
Tóm tắt câu hỏi:
Bên tôi là xưởng may, có khoảng 20 lao động chính và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Bên tôi có thuê kế toán và quản lý nhân sự, tuy nhiên đến thời điểm này khi tìm sổ sách hồ sơ chuyển giao kiểm tra thì phát hiện là mất khoảng 10 sổ bảo hiểm xã hội. Nếu bị mất sổ như vậy có bị sao không thưa Luật sư, nếu có vi phạm thì vi phạm như thế nào? Mức phạt bao nhiêu? Mong Luật sư tư vấn!
Luật sư tư vấn:
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Tham gia bảo hiểm xã hội là nghĩa vụ của cả người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Ngoài việc tham gia bảo hiểm thì người sử dụng lao động còn phải bảo quản tài liệu này cho người lao động. Nếu trong trường hợp bên bạn làm mất sổ bảo hiểm xã hội bên bạn sẽ bị xử phạt theo Nghị định 95/2013/NĐ – CP. Mức phạt được xác định như sau:
“…2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không trả chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ của người lao động;
b) Không trả chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định chi trả của cơ quan bảo hiểm xã hội;
c) Làm mất mát, hư hỏng, sửa chữa, tẩy xóa sổ bảo hiểm xã hội.”
= > Bên bạn làm mất sổ thì sẽ bị xử phạt, mức phạt xác định đối với mỗi người lao động mức 200.000 đến 500.000 đồng.
4. Làm sổ bảo hiểm mới khi chưa chốt sổ cũ
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, cách đây một năm, em làm việc cho công ty A được 9 tháng nhưng em nghỉ ngang và chưa lấy sổ bảo hiểm. Vậy cho em hỏi:
1. Em không muốn nhận sổ bảo hiểm ở công ty A nữa, thì khi chuyển sang công ty mới em có thể được làm sổ bảo hiểm mới như trường hợp chưa có sổ bảo hiểm không ạ?
2. Giờ em lấy lại sổ bảo hiểm ở công ty A thì em có được hưởng quyền lợi gì của sổ bảo hiểm không ạ?
Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
1. Em không muốn nhận sổ bảo hiểm ở công ty A nữa, thì khi chuyển sang công ty mới em có thể được làm sổ bảo hiểm mới như trường hợp chưa có sổ bảo hiểm không ạ?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 96 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì
Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Mỗi người chỉ được cấp 1 sổ bảo hiểm. Chỉ được cấp lại sổ bảo hiểm trong trường hợp sổ bảo hiểm mất hoặc hư hỏng. Khi sổ bảo hiểm mất hoặc hư hỏng thì người lao động phải nộp hồ sơ gồm đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động, sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị học thì trong thời hạn pháp luật quy định được cấp lại sổ bảo hiểm.
Căn cứ vào khoản 5 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì khi hợp đồng lao động chấm dứt cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Nếu bạn thực hiện nhận bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động sẽ chốt sổ cho bạn.
Còn trong trường hợp bạn muốn có sổ mới thì bạn phải tiến hành hủy thẻ Bảo hiểm xã hội theo Quyết định 959/2015QĐ-BHXH về hủy sổ bảo hiểm xã hội, thẻ y tế. Bạn đến cơ quan bảo hiểm làm đơn và cam kết không thừa nhận quá trình tham gia bảo hiểm của mình do không làm việc tại đơn vị đó nữa thì bạn sẽ hủy 9 tháng đã đóng bảo hiểm trước đó. Và khi làm việc tại công ty mới, bạn sẽ làm sổ bảo hiểm mới.
2. Giờ em lấy lại sổ bảo hiểm ở công ty A thì em có được hưởng quyền lợi gì của sổ bảo hiểm không ạ?
Nếu bạn lấy sổ bảo hiểm thì thời gian mà đóng bảo hiểm được cộng gộp vào thời gian sau này bạn tiếp tục đóng bảo hiểm. Từ đó mà bạn sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm khi xảy ra các điều kiện để được hưởng bảo hiểm. Được nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, được hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp như đang hưởng lương hưu, trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi….được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật bảo hiểm xã hội 2014….(Điều 18 Luật bảo hiểm xã hội 2014).
5. Có nên hủy sổ bảo hiểm xã hội ở nơi cũ để cấp sổ bảo hiểm mới không?
Tóm tắt câu hỏi:
Trước em làm ở cty trên Bắc Ninh,có tham gia bảo hiểm xã hội được hơn 1 năm,sau đó em nghỉ chưa rút sổ bảo hiểm.bây giờ em đang làm ở hưng yên .vậy em có thể làm sổ bảo hiểm mới được không?
Luật sư tư vấn:
Khoản 5 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định pháp luật, mỗi người chỉ được cấp 1 sổ bảo hiểm. Chỉ được cấp lại sổ bảo hiểm trong trường hợp sổ bảo hiểm mất hoặc hư hỏng. Khi sổ bảo hiểm mất hoặc hư hỏng.
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi cho bạn, bạn nên quay lại công ty cũ tiến hành chốt sổ bảo hiểm xã hội, sau đó nộp lại sổ bảo hiểm xã hội cho công ty mới.
Nếu bạn không chốt sổ bảo hiểm xã hội tại công ty cũ, bạn muốn làm sổ bảo hiểm xã hội mới thì bạn phải tiến hành hủy sổ bảo hiểm xã hội theo, quy định tại Mục 5 Công văn số 3663/BHXH-THU, trong trường hợp này thì toàn bộ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội hơn 1 năm trước đây của bạn sẽ không được công nhận.
“Trường hợp NLĐ cam kết không thừa nhận quá trình tham gia BHXH, BHTN thì phải trình bày rõ trong Đơn đề nghị (mẫu D01-TS). Cán bộ xử lý nghiệp vụ khóa dữ liệu quá trình đóng BHXH, BHTN bằng phương án KB, KT và lập biên bản hủy sổ tại mục “Hủy có nhiều sổ”. Đơn đề nghị của NLĐ có phê duyệt của Ban Giám đốc BHXH quận, huyện hoặc Lãnh đạo phòng Thu BHXH thành phố để thay thế cho sổ thu hồi. Trường hợp đặc biệt phải phục hồi lại quá trình đã khóa phương án KB, KT, thì chỉ được thực hiện khi có sự phê duyệt (nơi đã khóa dữ liệu trước đây) của Ban Giám đốc BHXH quận, huyện hoặc lãnh đạo phòng chức năng của thành phố và đúng theo quy trình phục hồi số sổ đã hủy”.
Để cấp sổ bảo hiểm mới, người lao động phải làm thủ tục sau:
– Đơn yêu cầu hủy sổ bảo hiểm xã hội
– Cam kết không thừa nhận quá trình tham gia của mình do không làm việc tại đơn vị đó (mẫu D01-TS)
Như vậy bạn sẽ làm hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm nộp trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi làm việc hoặc nhờ đơn vị sử dụng lao động thực hiện thủ tục này.
6. Mất sổ bảo hiểm cũ nhưng lại có sổ bảo hiểm mới thì gộp sổ như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Dạ chào luật sư, cho em hỏi trường hợp của chị em thế này thì phải làm sao ạ? Chị em đã rút sổ bảo hiểm ở công ty cũ và cũng đã nhận bảo hiểm xã hội 1 lần rồi, chị e vào công ty mới làm do mất sổ nên không nộp sổ để gộp được, nay chị em đã nghỉ việc ở nhà nuôi con nhỏ, liên hệ với công ty mới thôi việc để rút sổ nhưng công ty lại báo phải có sổ cũ mới có thể chốt sổ được. Như vậy chị em phải làm sao ạ??
Luật sư tư vấn:
– Nguyên tắc xử lý liên quan đến gộp sổ Bảo hiểm xã hội được quy định tại Mục I Công văn số 3663/BHXH-THU như sau:
“I. Các nguyên tắc xử lý liên quan đến gộp sổ BHXH:
1. Người lao động nộp sổ BHXH cấp trùng cho đơn vị đang làm việc hoặc đơn vị tham gia BHXH sau cùng đã chốt sổ, để lập hồ sơ và chuyển cho cơ quan BHXH gộp sổ. Trường hợp đơn vị tham gia BHXH cuối cùng giải thể, hoặc NLĐ đã chốt sổ nghỉ việc và hiện tại không tham gia BHXH, thì NLĐ nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH, nơi đơn vị cuối cùng đăng ký tham gia BHXH để gộp sổ.
2. Gộp tất cả dữ liệu đóng BHXH, BHTN chưa hưởng về sổ gốc, là sổ có quá trình tham gia BHXH sớm nhất nhưng chưa hưởng (hoặc chưa hưởng hết) trợ cấp 1 lần, trợ cấp thất nghiệp và giữ lại số sổ đó để tiếp tục tham gia BHXH; thu hồi và hủy các sổ (và số sổ) cấp trùng.
– Nếu quá trình tham gia BHXH đầu tiên được quản lý bằng số sổ tạm, hoặc sổ không được NLĐ thừa nhận thì số sổ BHXH liền kề sau đó là số sổ gốc.
– Trường hợp NLĐ có sổ BHXH đang hưởng trợ cấp thường xuyên thì giữ lại sổ đó làm sổ gốc.
3. Đối với những sổ gộp có thời gian đóng trùng BHXH, khi gộp sổ thì giữ lại sổ có thời gian đóng trùng BHXH theo thứ tự ưu tiên như sau:
– Sổ có thời gian đóng BHXH ở tỉnh thành phố khác, nếu NLĐ muốn giảm trùng quá trình này, thì yêu cầu NLĐ liên hệ BHXH tỉnh thành phố đó để giảm trùng và chốt lại sổ;
– Sổ đang hưởng chế độ hưu trí;
– Sổ đã và đang hưởng chế độ Tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp;
– Sổ đã hưởng trợ cấp 1 lần nhưng còn BHXH thất nghiệp chưa hưởng;
– Sổ đã hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng còn BHXH 1 lần chưa hưởng;
– Sổ có thời gian tham gia BHXH, BHYT, BHTN với mức lương cao hơn.
4. Sổ BHXH mà NLĐ đã hưởng các chế độ trợ cấp, thì xác nhận dữ liệu đã hưởng tương ứng với các phương án theo quy định, quá trình còn lại chưa hưởng chế độ trợ cấp thì vẫn được bảo lưu.
5. Trường hợp NLĐ cam kết không thừa nhận quá trình tham gia BHXH, BHTN thì phải trình bày rõ trong Đơn đề nghị (mẫu D01-TS). Cán bộ xử lý nghiệp vụ khóa dữ liệu quá trình đóng BHXH, BHTN bằng phương án KB, KT và lập biên bản hủy sổ tại mục “Hủy có nhiều sổ”. Đơn đề nghị của NLĐ có phê duyệt của Ban Giám đốc BHXH quận, huyện hoặc Lãnh đạo phòng Thu BHXH thành phố để thay thế cho sổ thu hồi. Trường hợp đặc biệt phải phục hồi lại quá trình đã khóa phương án KB, KT, thì chỉ được thực hiện khi có sự phê duyệt (nơi đã khóa dữ liệu trước đây) của Ban Giám đốc BHXH quận, huyện hoặc lãnh đạo phòng chức năng của thành phố và đúng theo quy trình phục hồi số sổ đã hủy.
6. NLĐ có quá trình tham gia BHXH trùng nhau thì phải giảm quá trình trùng tương ứng, kể cả sổ có thời gian chưa hưởng chế độ mà trùng với sổ có thời gian đã hưởng trợ cấp 1 lần, trợ cấp thất nghiệp cũng phải giảm trùng đến tháng liền kề của sổ đã hưởng trước đó, khi giảm trùng thì phải thu hồi số tiền trợ cấp BHXH đã hưởng (nếu có).
7. Khi gộp sổ BHXH có quá trình tham gia BHXH trùng nhau và đã hưởng trợ cấp BHTN, nếu quá trình đóng BHXH trùng, dùng để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp (3 tháng, 6 tháng hoặc 9 tháng …) thì yêu cầu NLĐ phải nộp trả lại số tiền BHTN đã hưởng trước khi giảm trùng.
8. NLĐ đã dùng hồ sơ của người khác để tham gia BHXH và hưởng các chế độ trợ cấp BHXH, nếu còn quá trình chưa hưởng thì sau khi đơn vị (hoặc NLĐ) nộp hồ sơ điều chỉnh theo đúng quy định, cơ quan BHXH thực hiện điều chỉnh hồ sơ về nhân thân đúng và thông báo cho các nơi đã giải quyết chế độ cập nhật nhân thân đúng thông qua Bộ phận chế độ BHXH.
9. Quá trình tham gia BHXH đã hưởng chế độ, nhưng do quận, huyện khác quản lý thì không nhập dữ liệu đó về. Nếu dữ liệu gốc do đơn vị mình quản lý thì xác nhận dữ liệu theo phương án CT, TT (nếu có).
10. Quá trình tham gia BHXH mà NLĐ cam kết không thừa nhận, nhưng do quận, huyện khác quản lý thì phải nhập dữ liệu đó về để khóa phương án KB, KT.
11. Thời gian đóng trùng BHXH hoặc đóng tiếp BHXH sau khi có quyết định hưởng hưu trí, được giải quyết trên nguyên tắc gộp quá trình về sổ gốc, hoàn trả lại quá trình đóng trùng hoặc quá trình đóng tiếp BHXH, kể từ thời gian NLĐ chính thức hưởng lương hưu trở về sau và tính lại lương hưu.”
– Trong trường hợp của chị bạn, khi gộp sổ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc quy định tại Mục I Công văn số 3663/BHXH-THU, vì chị bạn đã nhận bảo hiểm một lần nên thuộc trường hợp quy định tại Khoản 4, sổ bảo hiểm xã hội mà người lao động đã hưởng các chế độ trợ cấp, thì xác nhận dữ liệu đã hưởng tương ứng với các phương án theo quy định, quá trình còn lại chưa hưởng chế độ trợ cấp thì vẫn được bảo lưu.
Cũng theo Công văn số 3663/BHXH-THUtrình tự giải quyết hồ sơ cấp mất, cấp hỏng sổ BHXH khi NLĐ có nhiều sổ bộ phận cấp sổ thẻ khi giải quyết hồ sơ cấp mất, cấp hỏng sổ BHXH, nếu phát hiện NLĐ có nhiều sổ thì thực hiện:
– Không in lại sổ mất, sổ hỏng chỉ in mẫu 07/SBH và phiếu yêu cầu gộp sổ P01-ĐV (hoặc P02-CN), có ghi chú lên phiếu yêu cầu gộp về tình trạng của sổ đó như: chưa in tờ bìa, tờ rời … để trả lại cho đơn vị (hoặc P02-CN nếu NLĐ nộp hồ sơ).
– Khi NLĐ bổ sung đầy đủ hồ sơ sổ BHXH, kèm theo mẫu 07/SBH và phiếu yêu cầu gộp sổ BHXH, nơi gộp sổ sẽ tiến hành gộp sổ theo quy định.
Chị bạn tiến hành làm thủ tục nêu trên để gộp sổ bảo hiểm của chị bạn.
7. Mất sổ bảo hiểm xã hội phải làm như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
em có tham gia bhxh năm 9/2012 đến tháng 4/2014. em nghĩ làm ở công ty cũ và có lấy sổ bhxh về,em đã lấy bảo hiểm thất nghiệp.em đã làm mất bhxh.bây giờ em làm chỗ mới có đóng bhxh cho em.em muốn đóng tiếp bhxh cũ được không?và làm sao lấy lại sỗ bhxh cũ được??
Luật sư tư vấn:
Trước hết, anh cần thực hiện thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do làm mất sổ bảo hiểm xã hội.
Căn cứ quy định tại Mục 1.1, Khoản 1, Điều 29, Quyết định 959/QĐ-BHXH năm 2015 quy định về Hồ sơ cấp lại sổ Bảo hiểm xã hội bao gồm:
– Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
– CMND
– Sổ hộ khẩu
Cấp lại sổ BHXH do thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; sổ BHXH do mất, hỏng hoặc gộp sổ: không quá 15 ngày làm việc, trường hợp phức tạp cần phải xác minh thì không quá 45 ngày làm việc nhưng phải có văn bản thông báo cho người lao động biết ( Khoản 2, Điều 31, Quyết định 959/QĐ-BHXH năm 2015).
Như vậy, anh có thể đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội nơi anh tham gia bảo hiểm xã hội để thực hiện thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội.
Sau khi được cấp lại sổ bảo hiểm xã hội thì anh nộp sổ bảo hiểm xã hội cho công ty mới để công ty mới thực hiện đóng tiếp bảo hiểm xã hội cho anh.
8. Có được cấp sổ bảo hiểm xã hội mới khi đã có sổ bảo hiểm không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào anh/chị! Em có thắc mắc này muốn được anh, chị giúp đỡ. Hiện nay, em đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu tháng sau thì công ty mới nộp bảo hiểm xã hội cho em, nhưng sổ bảo hiểm của em lại đang ở công ty cũ ở Hà Nội, lúc nghỉ việc em vội bay vào Hồ Chí Minh nên không lấy. Vậy em có thể xin cấp lại sổ bảo hiểm được không vì nếu ra Hà Nội thì xa quá mà em lại không có ai quen để nhờ rút sổ bảo hiểm ở công ty cũ. Mong anh/chị hồi đáp. Em cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Khoản 5 Điều 21
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Công văn 1746/BHXH-QLT thì mỗi người lao động chỉ được cấp một số sổ bảo hiểm xã hội với mã số định danh duy nhất trong toàn bộ quá trình tham gia .Việc cấp số sổ bảo hiểm xã hội mới chỉ được áp dụng khi có yêu cầu cấp mới số sổ bảo hiểm và phải có căn cứ rằng người lao động chưa có bất kỳ số sổ nào. Nếu đã xác định được người lao động đã có một số sổ hợp lệ thì ghi nhận tăng mới bảo hiểm xã hội theo số sổ đã có đó.
Như vậy mỗi cá nhận chỉ được ghi nhận một số sổ bảo hiểm xã hội. Người lao động khi nghỉ việc có thể sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để hưởng các chế độ, bảo lưu hoặc tham gia bảo hiểm tiếp tục ở các đơn vị khác.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 31 Quyết định 959/QĐ-BHXH quy định về cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong các trường hợp:
– Do thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh;
– Sổ bảo hiểm xã hội do mất, hỏng
– Gộp sổ
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã nghỉ việc ở công ty cũ tại Hà Nội, khi nghỉ việc công ty có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm để trả sổ cho bạn và xác nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội cho bạn khi nghỉ việc. Như vậy nếu lý do vì xa nên bạn không rút sổ ở công ty cũ thì bạn không đảm bảo điều kiện để được cấp lại hay cấp mới số bảo hiểm xã hội. Bạn cần liên lạc lại với công ty cũ của bạn tại hà Nội để lấy lại sổ bảo hiểm đã được chốt và tham gia tiếp tại công ty ở thành phồ Hồ Chí Minh hiện nay.
9. Xin cấp sổ bảo hiểm xã hội mới cho người đã có sổ được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin cho em hỏi: Năm 2015 em có đi làm tại 1 công ty ở tỉnh Hải Dương và có đóng bảo hiểm xã hội được 1 tháng thì em xin nghỉ. Đến năm 2016 em làm 1 công ty mới tại Hưng Yên, luật sư cho em hỏi là em đóng tiếp bảo hiểm theo sổ cũ hay sổ mới. Em cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014. Mỗi một người lao động chỉ có một số sổ bảo hiểm. Trong trường hợp bị mất, bị mờ,…có thể làm thủ tục xin cấp lại.
Theo quy định tại Mục II Công văn 3663/BHXH-THU quy định về việc cấp sổ bảo hiểm xã hội như sau:
“II. Trình tự giải quyết hồ sơ liên quan đến gộp sổ BHXH tại các Phòng nghiệp vụ hoặc các Bộ phận (dưới đây gọi tắt là Bộ phận) Thu, Cấp sổ thẻ, Chế độ BHXH, Kế hoạch tài chính:
Để hạn chế tối đa việc cấp số sổ trùng cho NLĐ tham gia BHXH, cán bộ xử lý nghiệp vụ phải căn cứ số chứng minh nhân dân (CMND) của NLĐ, rà soát các kho dữ liệu trong quá trình giải quyết hồ sơ.
1. Trình tự giải quyết hồ sơ cấp số sổ BHXH mới:
Bộ phận Thu tiếp nhận hồ sơ tăng mới của đơn vị, căn cứ CMND để vào chương trình SMS thực hiện rà soát tình trạng cấp số sổ cho NLĐ.
– Chỉ cấp số sổ mới nếu không phát hiện được NLĐ có bất kỳ số sổ nào.
– Trường hợp phát hiện NLĐ đã có 1 số sổ hợp lệ (không tính các số sổ tạm, số sổ không đủ 10 ký tự theo quy định …) thì ghi nhận tăng mới BHXH theo số sổ đó. Nếu phát hiện NLĐ có nhiều số sổ, thì tạm thời lấy số sổ do BHXH thành phố cấp sau cùng và kèm theo phiếu yêu cầu gộp sổ P01-ĐV chuyển đơn vị.
– Trường hợp không phát hiện số sổ nào, nhưng trong phần khai báo tăng mới BHXH, đơn vị có ghi số sổ cũ (kể cả số sổ do tỉnh, thành phố khác cấp), thì dùng số sổ của đơn vị khai báo nhưng phải có sổ photo kèm theo.”
Luật sư tư vấn cấp sổ bảo hiểm xã hội mới cho người đã có sổ được không:1900.6568
Chỉ cấp sổ bảo hiểm xã hội mới trong các trường hợp trên. Bạn đã từng làm việc ở Hải Dương, có đóng bảo hiểm xã hội được 01 tháng thì khi bạn nghỉ việc, công ty ở Hải Dương có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội cho bạn theo quy định tại Điều 47 “Bộ luật lao động 2019”.
Như vậy, khi bạn làm việc ở công ty mới tại Hưng Yên thì bạn sẽ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội trên số sổ bảo hiểm xã hội cũ bởi mỗi người lao động chỉ có một số sổ bảo hiểm xã hội.