Trong lịch sử nước ta, đã có nhiều bộ sử khác như “Sử ký” của Đỗ Thiện thời Lý. “Việt Chí” của Trần Chu Phổ thời nhà Trần. “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu và “Đại Việt sử ký tục biên” của Phan Phu Tiên thời nhà Lê. Vậy Bộ quốc sử tiêu biểu của nước ta dưới thời Lê sơ là gì?
Mục lục bài viết
1. Bộ quốc sử tiêu biểu của nước ta dưới thời Lê sơ là?
A. Đại Việt sử ký.
B. Đại Việt sử ký toàn thư.
C. Đại Nam thực lục.
D. Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
Đáp án đúng là: B
Thời Lê sơ, việc chép sử được triều đình đặc biệt coi trọng, với nhiều sử gia nổi tiếng như Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh,… Bộ quốc sử tiêu biểu thời kì này là Đại Việt sử ký toàn thư (SGK – Trang 120).
2. Sự ra đời của bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư:
Trước khi có Đại Việt Sử ký Toàn thư đã có nhiều bộ sử khác như “Sử ký” của Đỗ Thiện thời Lý; “Việt chí” của Trần Chu Phổ thời nhà Trần; “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu và “Đại Việt sử ký tục biên” của Phan Phu Tiên thời nhà Lê.
Sau này, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần nhưng lại không thể chống nổi sự xâm lược của quân Minh. Năm 1407, sau khi đánh bại nhà Hồ, tướng nhà Minh là Trương Phụ cho đốt nhiều nguồn sử liệu, các sách quý bị lấy hết chở về thành Nam Kinh bên Trung Quốc.
Đến thời vua Lê Thánh Tông, Vua quan tâm đến giáo dục và phát triển văn hóa, mong muốn khôi phục lại các sách sử đã bị mất. Ngô Sỉ Liên đang đảm nhận chức Hữu Thị lang bộ Lễ, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, được Vua cho kiêm thêm chức Tu soạn ở Sử quán để biên soạn quốc sử cho Triều đình từ tháng 1/1479.
Vì nhiều nguồn sử đã bị mất do quân Minh lấy đưa về nước, Ngô Sĩ Liên phải tìm tòi lại các sách sử còn giữ được, phải lấy cả nguồn theo dân gian, có nhiều lúc phải dựa thêm cả sử sách của Trung Quốc. Ngô Sĩ Liên dựa vào nhiều nhất là 2 cuốn “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu và “Đại Việt sử ký tục biên” của Phan Phu Tiên. Chính vì thế mà sau khi hoàn tất việc soạn bộ quốc sử, tên tác giả chính là Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên.
Cuốn “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu gồm 30 quyển ghi chép từ thời Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng. Cuốn “Đại Việt sử ký tục biên” của Phan Phu Tiên là tiếp theo cuốn của Lê Văn Hưu bị thất lạc, viết từ thời vua Trần Thái Tông cho đến khi đánh thắng quân Minh.
Giải thích cho việc mình chọn 2 cuốn sách này để soạn thành bộ quốc sử, Ngô Sĩ Liên nói chúng “rõ ràng, có thể xem được” nhưng “ghi chép còn có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đáng, văn tự còn có chỗ chưa ổn, người đọc không khỏi có chỗ còn chưa vừa ý” vì thế mà “có việc nào sót quên thì bổ sung thêm vào, có lệ nào chưa đúng thì cải chính lại, văn có chỗ nào chưa ổn thì đổi đi, gián hoặc có việc hay dở có thể khuyên răn được thì góp thêm ý kiến quê mùa ở sau”.
Cuốn quốc sử được hoàn thành vào tháng 12/1479 được gọi là “Đại Việt Sử ký Toàn thư” gồm 15 quyển ghi chép từ năm 2.879 TCN khi Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ đến năm 1427 khi nhà Hậu Lê thành lập. So với cuốn “Đại Việt Sử ký” thì có thêm phần từ thời Kinh Dương Vương năm 2.879 TCN đến khi Triệu Đà lập nước Nam Việt. Chính vì phần này không xuất hiện trong chính sử trước đó, mà có nguồn gốc từ những tư liệu dân gian, nên đại đa số phần này được coi là huyền sử.
Sau khi hoàn thành cuốn sách, Ngô Sĩ Liên tiếp tục làm quan và soạn cuốn “Tam triều bản kỷ” ghi lại sự kiện lịch sử ba triều vua Lê Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông của nhà Hậu Lê.
Sau này đến đời chúa Trịnh Tạc, Chúa tập hợp nhóm quan văn đứng đầu là Tham tụng Phạm Công Trứ sửa chữa bộ “Đại Việt Sư ký Toàn thư”, đồng thời bổ sung tiếp vào phần lịch sử thời Hậu Lê từ năm 1428 thời Lê Thái Tổ đến năm 1662 đời vua Lê Thần Tông. Phần bổ sung thêm có sử dụng tài liệu từ cuốn “Tam triều bản kỷ” của Ngô Sĩ Liên.
Đến thời chúa Trịnh Căn, Chúa lại lệnh cho nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Lê Hy khảo đính bộ sử của Phạm Công Trứ, đồng thời bổ sung tiếp vào phần sử từ năm 1663 đời vua Lê Huyền Tông đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông.
Đến nay cuốn “Đại Việt Sử ký Toàn thư” là bộ sử cổ xưa nhất còn lại nguyên vẹn cho đến ngày nay, là tài liệu vô giá cho những nhà nguyên cứu lịch sử. Các bộ sử sau này như “Đại Việt sử ký tiền biên”, “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục” cũng được biên soạn dựa theo cở sở là cuốn “Đại Việt Sử ký Toàn thư”.
3. Khám phá nội dung của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:
Sách ghi chép sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của các triều đại phong kiến Việt Nam. Tác phẩm này cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quan về quá trình lịch sử của đất nước, từ sự hình thành và phát triển của các vương quốc đến quá trình thống nhất và xây dựng đất nước.
3.1. Lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam:
Cuốn sách Đại Việt sử ký toàn thư là một tài liệu quan trọng giúp chúng ta hiểu về tổ chức chính trị và hoạt động của các triều đại cuối thời Hậu Lê. Ví dụ, vào năm 1028, triều đại Lý đã thành lập 10 đội vệ điền tiền cấm quân như Quảng Thánh, Quảng Vũ, Ngự Long, Bổng Nhật và Trừng Hải. Các đội vệ này được chia thành nhóm tuần tra và bảo vệ bên trong thành cấm. Tương tự như vậy, các triều đại khác cũng có tổ chức quân đội tương tự và được ghi lại trong sách sử.
Sách cũng đề cập đến các chức vụ quan trọng trong triều đình như Thái sư, Thái phó, Thái Bảo và Tả khu mật. Ví dụ, Lương Nhậm Văn được bổ nhiệm làm Thái sư, Ngô Thượng Đinh làm Thái phó, Đào Xử Trung làm Thái Bảo và Lý Đạo Kỷ làm Tả khu mật. Cuốn sách cũng ghi lại các cuộc họp bàn giữa vua và các đại thần để thảo luận về công việc quốc gia, bao gồm chỉ định quan viên trên các tuyến đường và quan trấn thủ các địa điểm quan trọng, cũng như việc ban hành luật lệ và quy định về kiện tụng và chức tước.
Qua đó ta có thể thấy được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã không còn chỉ là một cuốn sách lịch sử lâu đời. Nó là một tác phẩm sử học kinh điển, là “chứng nhân lịch sử” của một thời cha ông ta dựng nước.
3.2. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội:
Sách ghi chép tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam dưới thời các triều đại phong kiến, bao gồm các thông tin về chế độ ruộng đất, thuế khóa, sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, giáo dục, y tế và phong tục tập quán. Tác phẩm này cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quan về cuộc sống của người dân Việt Nam trong suốt hơn 4000 năm lịch sử.
Tác phẩm cũng đề cập đến việc ngoại giao, ví dụ như việc nhà Tống gửi quân đến và trao tặng ấn báu và sắc vàng cho vua Lý Thần Tông. Nó cũng mô tả các hoạt động như đúc tiền, mô tả phong cảnh và các quy định về các chức vụ và phục vụ trong triều đình.
Ngoài ra, sách còn ghi lại những thay đổi và biến động trong các lĩnh vực này qua từng thời kỳ, giúp người đọc hiểu rõ hơn về sự phát triển và tiến bộ của đất nước.
3.3. Các mục nội dung tác phẩm Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:
Từ thời Hậu Lê, cuốn sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã được chia thành 33 quyển phân thành ba loại sách khác nhau: sách Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư (5 quyển), sách Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư (9 quyển) và bản kỷ thực lục (19 quyển). Sách ngoại kỷ toàn thư nói về giai đoạn từ nhà Ngô trở về trước, sách Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư nói về thời kỳ từ nhà Đinh đến thời thuộc Minh, và bản kỷ thực lục nói về thời kỳ Hậu Lê cho đến năm 1765.
Kể từ khi được xuất bản, cuốn sách đã trải qua nhiều phiên bản khác nhau và có những lần được phân thành 2 hoặc 3 tập. Vào năm 2013, Nhà xuất bản Thời Đại đã phát hành một phiên bản của cuốn sách, bao gồm cả ba loại sách này với tổng cộng 1059 trang.
4. Tầm quan trọng của giá trị Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:
Đại Việt sử ký toàn thư là một trong những tài liệu lịch sử quan trọng nhất về quá trình hình thành và phát triển của quốc gia Việt Nam từ thời kỳ cổ đại đến thời kỳ Trung đại. Nó cung cấp thông tin chi tiết về các triều đại, vị vua, sự kiện lịch sử và các tình huống chính trị, quân sự, xã hội trong suốt quá trình lịch sử nên đây là nguồn tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu, học giả và những ai quan tâm đến lịch sử Việt Nam.
Ngoài ra với những người yêu văn học thì tác phẩm còn là một kho tàng phong phú với nhiều thể loại văn học như tiểu luận, diễn văn, bài thơ, sử thi… được thể hiện bằng ngôn ngữ trau chuốt và tinh tế, thể hiện sự khéo léo trong việc sắp xếp từ ngữ, câu chữ và cấu trúc văn bản. Tác phẩm mang đậm nét văn học cổ điển và thể hiện sự tinh hoa của văn chương Việt Nam.
Bác Hồ đã dạy “Dân ta phải biết sử ta”, vì thế nên Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chính là nguồn tài liệu quý giá cung cấp cho dân ta kiến thức về lịch sử Đại Việt, giúp họ hiểu rõ hơn về nguồn gốc, phát triển và diễn tiến của quốc gia Việt Nam. Điều này giúp xây dựng và làm giàu kiến thức lịch sử của các thế hệ sau này.
THAM KHẢO THÊM: