Ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, tuân thủ pháp luật trở thành một nét văn minh không thể thiếu. Tại Việt Nam, từ những bộ luật đầu tiên ra đời, vẫn còn đó bài học trị nước - xuất phát từ văn hóa khoan dung, tinh thần nhân văn của người Việt. Vậy Bộ luật nào được ban hành dưới thời Trần?
Mục lục bài viết
1. Bộ luật nào được ban hành dưới thời Trần?
A. Hình thư
B. Hình luật
C. Luật Hồng Đức
D. Hoàng Việt luật lệ
Chọn đáp án: B
Giải thích: Năm 1341, vua Trần Dụ Tông sai Nguyễn Trung Ngạn và Trương Hán Siêu biên soạn và ban hành bộ Hình luật. Bộ luật này cũng giống như bộ luật thời Lý nhưng được bổ sung thêm.
2. Đôi nét về pháp luật thời Trần:
So với triều Lý, công việc pháp điển hóa, tập hợp hóa pháp luật ở triều Trần được chú trọng hơn. Triều Trần đã ban hành bộ Hình thư (năm 1341), cùng nhiều văn bản tập hợp hóa như: Quốc triều thông chế (1230), Quốc triều thường lễ (1230), Hoàng triều đại điển (1341), Hoàng triều Ngọc điệp (1267), Công văn cách thức (1290) cùng nhiều văn bản đơn hành của nhà vua như đạo, chiếu, lệnh quy định về các lĩnh vực hành chính, hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, tố tụng, kinh tế…
Pháp luật triều Trần, dù chịu ảnh hưởng của pháp luật Trung Hoa, nhưng trong quá trình lập pháp, đã thể hiện sự sáng tạo, tự chủ và tinh thần độc lập dân tộc. Điều này được minh chứng một phần từ chỉ dụ của vua Trần Nghệ Tông: “Triều trước dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống. Là vì Nam, Bắc; nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau”. Hay trong một Chiếu tháng 10/1374, nhà Trần đã cấm quân và dân không được mặc áo, chải đầu theo người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của người các nước Chiêm Thành, Lào để giữ gìn bản sắc dân tộc.
Tư tưởng cai trị khoan hòa, lấy dân làm gốc từ thời nhà Lý, cũng như tư tưởng “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” của Trần Quốc Tuấn được nhà Trần tiếp tục xem là “thượng sách giữ nước”, được vận dụng trong quá trình xây dựng pháp luật và quản lý xã hội của mình.
Pháp luật triều Trần đã kế thừa các lĩnh vực điều chỉnh cơ bản của pháp luật triều Lý, đồng thời có sự phát triển đặc biệt về lĩnh vực pháp luật dân sự. Những quy định cụ thể về cách thức thiết lập di chúc, văn khế liên quan đến mua bán ruộng đất hoặc vay mượn đã được bổ sung, phát triển. Pháp luật thời này là công cụ hữu dụng bảo vệ sở hữu tư nhân và giải quyết các tranh chấp ngày càng gia tăng trong xã hội.
Để pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, các vi phạm được xét xử kịp thời, việc giám sát, trách nhiệm của quan lại trong việc bảo vệ pháp luật được đề cao, nhà Trần đã lập ra hệ thống các cơ quan pháp luật mang tính chuyên trách ở trung ương, như: Thẩm hình viện, Tam ty viện giữ chức năng của cơ quan tòa án, kiểm sát. Cụ thể, Thẩm hình viện có chức năng xem xét các vụ kiện tụng thành án rồi cùng với Tam ty viện định tội. Đăng văn viện (sau đổi thành Đình úy ty) là cơ quan xét xử những án tình ghi tội nặng nhằm đảm bảo sự chính xác, khách quan trong quá trình áp dụng pháp luật; Ngự sử đài là cơ quan giữ phong hóa, pháp độ, giám sát quan lại trong việc thi hành pháp luật để tránh hiện tượng lạm dụng quyền lực nhà nước. Năm 1244, Chiếu quy định cách thức thi hành các luật hình đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm công vụ được đề cao đối với cả dân chúng và quan lại. Nếu như nhà Lý quy định trách nhiệm liên đới, kiểm soát đối với 1 bảo là 3 gia đình, thì đến nhà Trần mở rộng thành 10 gia đình, thậm chí còn rộng đến cả một phường, xã (như đối với tội hàng giặc mà dân hai phường Bà Điểm và Băng Hà đã phải chịu – làm lang mộc binh và suốt đời không được thi cử làm quan). Đối với hệ thống quan lại quản lý nhà nước, bên cạnh trách nhiệm công vụ, quy định quan chế (chiến năm 1246) phải gánh vác, còn phải tuân thủ Hoàng pháp của triều đình, dòng họ, để có những ứng xử phù hợp với đòi hỏi của lễ giáo phong kiến (quan lại phải tham dự đầy đủ các lễ hội thề đền Đồng Cổ: tận trung với Vua, với xã tắc).
Có thể thấy rằng, điểm nổi bật nhất trong tư tưởng chính trị pháp lý của nhà Trần là đề cao tính nghiêm minh của pháp luật. Pháp luật với hệ thống hình phạt nặng, đa dạng, mang tính răn đe cùng quá trình thực thi pháp luật nghiêm khắc sẽ quyết định trật tự, sự vững mạnh của xã hội, củng cố mô hình trung ương tập quyền.
3. Nền tảng tư tưởng đề cao pháp luật của các triều đại phong kiến Việt Nam:
Việc nhận thức, đề cao vai trò của pháp luật trong các triều đại phong kiến Việt Nam không phải trong một sớm một chiều, mà được bồi đắp, tác động từ không ít các yếu tố mang tính nền tảng như:
– Bối cảnh chính trị, kinh tế – xã hội Đại Việt sau khi giành chính quyền độc lập, tự chủ và yêu cầu khách quan trong quản lý, phát triển đất nước của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy năm 938 đã mở ra cho dân tộc Việt Nam một thời kỳ mới: thời kỳ xây dựng, bảo vệ và phát triển chính quyền phong kiến tự chủ, độc lập. Tuy nhiên, sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, di sản để lại cho Đại Việt không chỉ là sự lạc hậu, kém phát triển về kinh tế, sự phức tạp, lai nhập về văn hóa, nguy cơ ngoại xâm vẫn luôn rình rập mà còn là cả hệ thống các quan hệ xã hội đa dạng, mâu thuẫn, xu hướng cát cứ phát triển.
Công việc trọng đại mà các nhà nước buổi đầu tự chủ phải gánh vác là bằng mọi giá giữ vững độc lập, tự chủ, từng bước xây dựng nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, xây dựng nền văn hóa mang tính dân tộc. Các lĩnh vực quan hệ xã hội cần được điều chỉnh theo hướng tăng cường sự thống nhất, đoàn kết các thành phần dân cư trong xã hội, nhằm tập trung và phát huy được cao nhất sức mạnh toàn dân trong việc giành và giữ chính quyền. Kế đó, quyền lực nhà nước phải được duy trì trên cơ sở tập trung sức mạnh vào Nhà vua và chính quyền triều đình trung ương, nhằm từng bước trấn áp và hạn chế các thế lực phong kiến cát cứ, xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân – những con người vốn đã cùng các triều đại nếm mật, nằm gai trong quá trình đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Bên cạnh đó, là áp lực trong việc thực hiện các chức năng xã hội của Nhà nước như đắp đê, trị thủy, khắc phục những hạn chế do yếu tố địa hìnhven biển, dốc, nhiều sông ngòi mang lại. Theo đó, công việc đắp đê trị thủy và chống giặc ngoại xâm là những chức năng thường xuyên và đặc biệt quan trọng của Nhà nước Việt Nam. Muốn thực hiện được các chức năng xã hội quan trọng này, phải tập hợp được sức mạnh của đông đảo quần chúng. Nhà nước phải trở thành một chủ thể thay mặt xã hội, đại diện cho toàn thể xã hội để giải quyết các vấn đề trọng đại đó trên cơ sở sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân. Vậy nên, nhiều nhà nước phong kiến đã lấy việc đảm bảo sự đồng thuận, niềm tin trước Nhân dân thành một mục tiêu của Nhà nước. Nhân dân trở thành chủ thể để đánh giá về hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Việc hiện thực hóa các chức năng xã hội trở thành một áp lực lên Nhà nước. Do đó, Nhà nước không thể không tính đến các cách thức để tăng cường hiệu quả hoạt động đồng thời kiểm soát và hạn chế sự lạm dụng quyền lực.
Và chỉ có pháp luật, với các đặc trưng vốn có của nó, mới thực sự là công cụ cơ bản giúp các triều đại tổ chức lại xã hội, đồng thời giải quyết tất cả các yêu cầu khách quan của xã hội Đại Việt những ngày đầu dựng nước, bảo vệ chính quyền.
– Sự thấm nhuần lý thuyết Đức trị và Pháp trị trong quá trình cai trị của các triều đại phong kiến
Nho giáo (đức trị), với các tư tưởng dân vi bản, tôn quân quyền, pháp tiên vương, hay chính danh đã là những tiền đề quan trọng cho tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Pháp giáo (pháp trị) là tư tưởng cai trị, quản lý nhà nước bằng pháp luật, pháp luật là công cụ làm nên trật tự và bình đẳng trong xã hội. Bậc làm vua phải thâu tóm quyền lực nhà nước bằng các thuật của mình trong các lĩnh vực như tổ chức bộ máy nhà nước, kiểm tra giám sát, thưởng phạt, dùng người… để có thể đảm bảo cho pháp luật được thi hành trong cuộc sống.
Quá trình vận dụng các lý thuyết Đức trị và Pháp trị của Trung Quốc đã cho thấy những hạn chế của chính chúng nếu vận dụng đơn lẻ, máy móc vào xã hội. Nho giáo với chủ trương đức trị đã không thể điều hòa nổi những mâu thuẫn khốc liệt trong xã hội Tây Chu do phân phong ruộng đất và cát cứ; ngược lại, sự tàn bạo, hà khắc của lý thuyết pháp trị được vận dụng triệt để trong nhà Tần đã làm cho nhà Tần nhanh chóng bị diệt vong, lý thuyết pháp trị bị nghi ngờ. Điều này được nhà Đông Hán, và hầu hết các triều đại tiếp sau của Trung Quốc rút kinh nghiệm, tiến hành chính sách cai trị mềm dẻo, có sự kết hợp cả hai yếu tố Đức trị và Pháp trị.
Dân tộc Đại Việt nằm dưới ách cai trị của các triều đại Trung Quốc hơn 10 thế kỷ, nên đã vừa thụ động, vừa chủ động tiếp nhận các lý thuyết cai trị này. Và theo thời gian, sự kết hợp Đức trị với Pháp trị trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước đã được thấm nhuần, vận dụng đầy sáng tạo, linh hoạt trong đời sống pháp lý của các vương triều phong kiến Việt Nam. Có thể thấy, đặc biệt là ở triều Hậu Lê, triều Nguyễn, Đức trị và Pháp trị đã trở thành nền tảng tư tưởng của nhà nước trong quá trình quản lý xã hội, chi phối mọi quan hệ cơ bản trong xã hội, từ cách thức tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, tiêu chuẩn, đến cơ chế chịu trách nhiệm của những người thừa hành công vụ,… Đây cũng chính là yếu tố tác động đến quan niệm về nội dung cũng như cách thức vận hành, sử dụng pháp luật trong thực tiễn của pháp luật phong kiến Đại Việt.
– Sự ảnh hưởng mạnh mẽ của các phong tục, tập quán, truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong đời sống pháp lý.
Dễ nhận thấy, nội dung của pháp luật phong kiến Việt Nam không chỉ là các quy tắc, mà còn thể hiện sự kết hợp, tôn trọng, phát huy tác dụng điều chỉnh của các phong tục, tập quán, truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Điều này do chính yếu tố sự ảnh hưởng của các phong tục, tập quán, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam đem đến cho pháp luật.
Sở dĩ có yếu tố nền tảng này là vì: làng, xã Việt Nam là những đơn vị tụ cư tự nhiên được hình thành trong quá trình phát triển của công xã thị tộc huyết thống. Sự cố kết làng xã đã trở thành truyền thống do đặc thù sản xuất nông nghiệp lúa nước và yêu cầu khách quan của lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam. Các phong tục, truyền thống của làng xã mang lại đã giúp giải quyết được một phần không nhỏ các quan hệ trong xã hội, đồng thời tạo thành nét riêng khác cho pháp luật Việt Nam. Do đó, việc pháp luật phong kiến Việt Nam chứa đựng và phát huy vai trò của phong tục, tập quán là một cách để giai cấp thống trị nâng cao chất lượng của pháp luật. Đồng thời, thông qua đó, chính quyền phong kiến muốn kiểm soát, hạn chế quyền lực nhà nước, đặc biệt ở cấp xã nhằm thay đổi thực tế này.
THAM KHẢO THÊM: