Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào là một đoạn trích trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân. Bài viết sau đây chia sẻ đến các em học sinh tổng hợp bộ đề đọc hiểu: Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào... giúp các em hiểu rõ hơn về nội dung và ý nghĩa của đoạn trích và ôn luyện thi đạt điểm cao.
Mục lục bài viết
1. Đọc hiểu Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào ấn tượng:
Đọc đoạn trích sau trả lời câu hỏi:
Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.
Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt sáng lên lấp lánh. Người đàn bà đi sau hắn chừng ba bốn bước. Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn. Mấy đứa trẻ con thấy lạ vội chạy ra đón xem. Sợ chúng nó đùa như ngày trước, Tràng vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng. Mấy đứa trẻ đứng dừng lại, nhìn Tràng, đột nhiên có đứa gào lên:
– Anh Tràng ơi! – Tràng quay đầu lại. Nó lại cong cổ gào lên lần nữa – Chông vợ hài.
Tràng bật cười:
– Bố ranh!
Người đàn bà có vẻ khó chịu lắm. Thị nhíu đôi lông mày lại, đưa tay lên xóc xóc lại tà áo. Ngã tư xóm chợ về chiều càng xác xơ, heo hút. Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết.
Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. Một người thở dài. Người khác khẽ thì thầm hỏi:
– Ai đấy nhỉ?… Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?
– Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu.
– Quái nhỉ?
Im một lúc, có người bỗng lại cười lên rung rúc.
– Hay là vợ anh cu Tràng? Ừ, khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để.
– Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?
Họ cùng nín lặng.
Người đàn bà như cũng biết xung quanh người ta đang nhìn dồn cả về phía mình, thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia. Hắn cũng biết thế, nhưng hắn lại lấy vậy làm thích ý lắm, cái mặt cứ vênh lên tự đắc với mình.
Câu 1. Giới thiệu tác giả Kim Lân.
Kim Lân (1920 – 2007) là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn, thường viết về nông thôn và người nông dân, về phong tục và đời sống làng quê bởi ông hiểu biết sâu sắc về cảnh ngộ và tâm lí người dân quê hương. Năm 2001, Kim Lân được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Tác phẩm tiêu biểu: Nên vợ nên chồng (1955), Con chó xấu xí (1962)…
Câu 2. Đoạn trích ít nhiều đã phản ánh hiện thực khốc liệt của nạn đói khủng khiếp năm 1945 ở nước ta. Nêu hiểu biết của em về nạn đói này?
Đoạn trích đã phản ánh hiện thực khốc liệt của nạn đói khủng khiếp năm 1945 ở nước ta khiến hơn hai triệu đồng bào ta từ Quảng Trị ra Bắc Kì chết đói. Đây là do sự khai thác, vơ vét, bóc lột tàn tệ của bè lũ thực dân, phát xít đối với đồng bào Việt Nam nhằm phục vụ chiến tranh ở Đông Dương.
Câu 3. Việc lặp đi lặp lại chi tiết người bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma có ý nghĩa gì?
Chi tiết lặp đi lặp lại này khắc họa đậm nét sự thê thảm, thê lương của con người trong nạn đói: người sống mà như đã chết, ranh giới giữa sự sống với cái chết chỉ mong manh như sợi chỉ.
Câu 4. Trước sự kiện anh cu Tràng “nhặt” được vợ, những người dân ở xóm ngụ cư đã tỏ thái độ ra sao?
Trước sự kiện anh cu Tràng “nhặt” được vợ, những người dân ở xóm ngụ cư đã thể hiện rất rõ thái độ:
– Họ thấy phấn chấn: Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. Cái gì lạ lùng và tươi mát đó chính là xúc cảm sẻ chia rất tự nhiên của mọi người khi thấy Tràng có vợ.
– Ngay sau đó, họ lo lắng thay cho Tràng: Một người thở dài: “Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”, Họ cùng nín lặng. Thái độ này xuất phát từ chính cái nhìn thực tế của những người lao động nghèo ở xóm ngụ cư. Hơn ai hết, họ thấu hiểu cảnh ngộ tăm tối, cùng cực của mình trong thời kỳ ngặt nghèo này.
Câu 5. Phân tích chi tiết Sợ chúng nó (mấy đứa trẻ con ở xóm ngụ cư) đùa như ngày trước, Tràng vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng.
Chi tiết này chứng tỏ Tràng hoàn toàn rất nghiêm túc trong việc đưa người đàn bà đi bên về nhà làm vợ. Tràng sợ việc mấy đứa trẻ con ở xóm ngụ cư đùa giỡn mình như mọi ngày sẽ khiến cho việc đại sự của Tràng bị lôi ra làm trò đùa, làm người đàn bà đi bên thấy xấu hổ hoặc phải suy nghĩ không hay.
Câu 6. Từ những chi tiết Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn., thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia, hãy nhận xét về nhân vật người “vợ nhặt”.
Những chi tiết này chứng tỏ nhân vật người “vợ nhặt” có ý thức rất sâu sắc về thân phận của mình. Thị có ý thức về nhân phẩm chứ không đến nỗi mất nhân cách hoàn toàn rẻ rúng, rất đáng khinh khi theo không một người đàn ông về nhà.
2. Đọc hiểu Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào hay nhất:
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.
… Ngã tư xóm chợ về chiều càng xơ xác, heo hút. Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết.
Câu 1: Nêu nội dung chính của đoạn văn?
Hình ảnh thê thảm của nguời nông dân Việt Nam trong nạn đói 1945.
Câu 2: Không gian, thời gian, âm thanh, mùi được thể hiện trong đoạn văn như thế nào?
– Không gian: xơ xác, tiêu điều
– Thời gian: về chiều, gợi cảm giác tối tăm, u ám, lạnh lẽo
– Âm thanh: tiếng quạ gào nghe ám ảnh, rợn lạnh
– Mùi: Mùi của rác rưởi và mùi gây của xác người.
Câu 3: Nêu hình ảnh con người được nói đến trong đoạn văn ?
– Người sống: xanh xám như những bóng ma, nằm ngổn ngang khắp lều chợ, bóng những người đói dật dờ đi lại như những bóng ma => Cái đói làm biến đổi hình hài con người, ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh.
– “Người chết như ngả rạ”, “thây xác nằm còng queo bên đường”.
3. Đọc hiểu Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào chi tiết:
Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?
(Trích Vợ nhặt – Kim Lân)
Trả lời các câu hỏi sau đây:
Câu 1: Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt chính nào?
Câu 2: Nội dung chính của đoạn văn bản là gì ?
Câu 3: Xác định thành ngữ dân gian được sử dụng trong đoạn văn và nêu hiệu quả nghệ thuật của các thành ngữ đó ?
Câu 4: Dấu ba chấm (…) trong câu văn Còn mình thì… có ý nghĩa gì?
Đáp án:
Câu 1: Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu cảm
Câu 2: Nội dung chính của đoạn văn trên diễn tả tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ khi biết con trai dẫn người đàn bà xa lạ về nhà và lo lắng cho chúng liệu có hạnh phúc không.
Câu 3: Thành ngữ dân gian được sử dụng trong đoạn văn trên là: dựng vợ gả chồng, ăn nên làm nổi, sinh con đẻ cái→ Ngòi bút sáng tạo của tác giả khi viết văn.
Câu 4: Dấu ba chấm có ý nghĩa: Nhấn mạnh vào lời độc thoại bị đứt đoạn của bà cụ Tứ. Qua đó, cho thấy tình yêu thương vô bờ của người mẹ dành cho con.