Truyện thần thoại “Lúa và cỏ” là một câu chuyện dân gian Việt Nam. Câu chuyện chủ yếu xoay quanh việc giáo huấn về tầm quan trọng của lao động, chăm chỉ và siêng năng. Dưới đây là Bố cục, tóm tắt truyện thần thoại Lúa và cỏ ngắn gọn nhất. Xin mời bạn đọc cùng đón xem.
Mục lục bài viết
1. Bố cục truyện thần thoại Lúa và cỏ:
– Phần 1: Từ đầu đến “…tiếp rước hạt ngọc của Trời lăn đến cửa”: Trời ban cho loài người gạo từ hạt lúa.
– Phần 2: Tiếp theo đến “….Từ đó loài người mới bắt đầu trồng lúa”: Khởi nguyên việc trồng lúa của loài người.
– Phần 3: Còn lại: Nguyên nhân cỏ và trâu cày nông xuất hiện trên thế gian cùng sự ra đời nghề nông của loài người.
2. Tóm tắt truyện thần thoại Lúa và cỏ:
Trời ban cho loài người có hạt lúa khổng lồ lăn qua khắp các cửa nhà như họ cầu xin. Nhờ đó mà loài người có gạo ăn uống đầy đủ trong ngày. Điều kiện là phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để tiếp rước hạt ngọc của Trời. Tuy nhiên, có một người đàn bà lười biếng và ngỗ nghịch trong làng không làm theo lời dạy của Trời nên hạt lúa không vào trong nhà. Vì vậy người đàn bà tức giận cầm chổi đuổi theo, đập cho khiến hạt ngọc vỡ tan thành từng mảnh. Từ đó loài người không có gạo để ăn, bèn kêu van Trời. Trời bảo loài người phải đi tìm các mảnh vỡ của hạt ngọc, hốt đem về, xới đất, tưới nước, săn sóc cho đến khi nó trổ bông sinh hạt. Loài người bắt đầu trồng lúa. Lúc ấy, Trời sai một thiên thần đem các hạt giống lúa và hạt giống cỏ vãi xuống hạ giới. Nhưng vì gieo hết hạt giống cỏ mà cỏ phát triển nhanh, không còn mảnh đất cho lúa nên đó là lí do vì sao trên mặt đất cỏ mọc nhiều mà lại rất khỏe còn lúa thì ít lại mọc rất khó khăn, nếu không chăm bón, làm cỏ thì bị cỏ át mất. Trời trừng phạt thần làm con trâu suốt đời ăn cỏ và cày cấy làm nông cho loài người. Trời cũng đặt ra một vị thần để trông nom về lúa.
3. Đọc hiểu truyện thần thoại Lúa và cỏ:
LÚA VÀ CỎ
Một hôm Trời ngự giữa lưng trời, phán hỏi loài người muốn điều gì trước nhất. Tổ tiên chúng ta xin một ngày hai bữa cơm.
Trời bèn hóa phép cứ mỗi ngày có một hạt lúa khổng lồ lăn qua khắp các cửa nhà. Các bà chỉ việc đưa tay ra hứng tất nhiên thấy có số gạo đủ ăn trong ngày. Sau mỗi ngày làm xong phận sự, hạt lúa được Trời hóa phép trở lại lớn như cũ. Người ta chỉ cần quét dọn nhà cửa sạch sẽ để tiếp rước hạt ngọc của Trời lăn đến cửa.
Có một người đàn bà kia tính tình lười biếng và ngỗ nghịch, không nghe lời dặn của Trời. Khi hạt lúa lăn đến cửa, không thấy chủ nhà quét dọn tiếp rước mình, bèn quay vào nhà khác. Người chủ nhà tức giận cầm chổi rượt theo, đập một cái thật mạnh làm cho hòn ngọc vỡ tan từng mảnh. Từ đó loài người phải nhịn đói một thời gian. Loài người bèn đi thưa với Trời. Trời bảo rằng: “Các ngươi không kính nể hạt ngọc của ta. Từ đây các ngươi phải làm hết sức mình để cho hạt ngọc được sống dậy. Mỗi người phải đi tìm mảnh gạo vỡ của ta, hốt đem về, xới đất, tưới nước, săn sóc cho đến khi nó trổ bông sinh hạt. Ta sẽ giúp các ngươi làm việc, ta sẽ làm mưa và nắng.”
Từ đó loài người mới bắt đầu trồng lúa.
Cũng vào lúc chế tạo ra lúa, Trời sai một thiên thần đưa xuống hạ giới một số hạt giống lúa và một số hạt giống cỏ vãi ra khắp mặt đất để nuôi người và vật. Ban đầu thần gieo tất cả hạt giống cỏ ở trong tay trái. Cỏ mọc rất nhanh, chỉ trong một đêm đã lan tràn khắp cả mặt đất. Đến khi thần gieo hết một nửa số hạt giống lúa ở trong tay phải thì không còn một mảnh đất nào để gieo nữa. Thần đành đem nửa số hạt giống lúa về Trời. Do đó mà trên mặt đất cỏ mọc nhiều mà lại rất khỏe còn lúa thì ít lại mọc rất khó khăn, nếu không chăm bón, làm cỏ thì bị cỏ át mất.
Khi biết rõ việc ấy Trời liền nổi giận đày thần xuống trần hóa làm con trâu, ăn cỏ đời này qua đời khác và phải kéo cày cho loài người trồng lúa. Trời đặt ra một vị thần để trông nom về lúa. Thần lúa là một ông cụ già râu tóc bạc phơ, thường hay chống gậy đi đó đây.
Câu hỏi 1: Chủ thể chính được xoay quanh trong truyện thần thoại “Lúa và cỏ” là gì?
A. Con trâu
B. Cây cỏ
C. Cây lúa
D. Tất cả đều đúng
Đáp án: D. Tất cả đều đúng
Giải thích: Trong câu chuyện trên, ta có thể thấy được các chủ đề sáng tạo đi theo mạch truyện bao gồm cỏ, lúa và con trâu.
Câu hỏi 2: Truyện thần thoại “Lúa và cỏ” được viết theo thể loại nào?
A. Nghị luận
B. Miêu tả
C. Tự sự
D. Thuyết minh
Đáp án: C. Tự sự
Câu hỏi 3: Theo như truyện thần thoại, tại sao loài người phải nhịn đói một thời gian?
A. Do hạt ngọc bị vỡ tan tành.
B. Do trời giận không ban hạt ngọc.
C. Do có người đàn bà lười biếng ngỗ nghịch không quét dọn nhà cửa.
D. Tất cả phương án trên đều đúng.
Đáp án: C. Do có người đàn bà lười biếng ngỗ nghịch không quét dọn nhà cửa.
Giải thích: Chúng ta có thể thấy từ đoạn “Có một người đàn bà kia tính tình lười biếng…từ đó loài người phải nhịn đói một thời gian), tiền căn hậu quả là do có một người đàn bà lười biếng không chịu quét dọn nhà cửa nên mới gây ra chuyện hạt ngọc vỡ tan, loài người phải chịu đói. Thế nên nguyên nhân chủ yếu sẽ do người đàn bà này, nguyên nhân thứ yếu là hạt ngọc vỡ.
Câu hỏi 4: Nội dung chủ yếu của truyện thần thoại “Lúa và cỏ” là:
A. Lí giải về nguồn gốc các loài động vật, thực vật.
B. Lí giải về các anh hùng thời khuyết sử, các anh hùng văn hóa, tổ sư các nghề.
C. Lí giải về nguồn gốc con người và nguồn gốc các dân tộc ở Việt Nam.
D. Lí giải về nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên.
Đáp án: A. Lí giải về nguồn gốc các loài động vật, thực vật.
Câu hỏi 5: Hạt lúa được Trời hóa phép có những đặc điểm gì?
A. Hạt lúa khổng lồ, tự nhiên mọc lên, loài người chỉ cần ra ruộng mang về đủ số gạo ăn, sau mỗi ngày làm xong phận sự, hạt lúa lại lớn trở lại như cũ.
B. Hạt lúa nhỏ, loài người phải tự mình cày cấy, vun xới, gặt hái và mang về nhà, nếu không chăm bón tốt, cỏ sẽ mọc át hết lúa.
C. Hạt lúa nhỏ, loài người phải tự mình cày cấy, vun xới, gặt há, hạt lúa tự lăn về nhà, nếu không chăm bón tốt, cỏ sẽ mọc át hết lúa.
D. Hạt lúa khổng lồ, lăn qua các cửa nhà, chỉ cần đưa tay ra hứng là có đủ số gạo ăn trong ngày, sau mỗi ngày làm xong phận sự, hạt lúa lại lớn trở lại như cũ.
Đáp án: D. Hạt lúa khổng lồ, lăn qua các cửa nhà, chỉ cần đưa tay ra hứng là có đủ số gạo ăn trong ngày, sau mỗi ngày làm xong phận sự, hạt lúa lại lớn trở lại như cũ.
Câu hỏi 6: Theo truyện thần thoại “Lúa và cỏ”, vì sao sau này hạt lúa lại có kích thước nhỏ đi?
A. Vì Thiên thần làm ăn tắc trách, nhầm lẫn giữa cỏ và lúa.
B. Vì người chủ nhà cầm chổi đập mạnh làm cho hạt ngọc vỡ tan thành từng mảnh.
C. Vì người chủ nhà thờ ơ, lười biếng đã không chịu nghe lời dặn của Trời
D. Vì lúa giận người chủ nhà không tiếp đón mình chu đáo cẩn thận.
Đáp án: B. Vì người chủ nhà cầm chổi đập mạnh làm cho hạt ngọc vỡ tan thành từng mảnh.
Câu hỏi 7: Nêu các biện pháp tu từ có trong văn bản.
Hướng dẫn trả lời:
Các biện pháp tu từ: Nhân hóa
– Nhân hóa Trời thành hình tượng một nhân vật, vị thần cao quý, biết nói biết suy nghĩ như con người, dùng từ tôn xưng và gọi là “ông Trời”.
– Nhân hóa hình tượng hạt lúa biết lăn, biết suy nghĩ giận dỗi như con người.
Câu hỏi 8: Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa đoạn thứ ba của văn bản (từ “Có một người đàn bà….”đến “…Ta sẽ làm mưa làm nắng”.
Hướng dẫn trả lời:
Các thông điệp được gửi gắm trong đoạn văn:
– Con người nếu ăn ở sung sướng trong thời gian dài sẽ đâm ra lười nhác, không chịu làm việc.
– Phải trân trọng cơm gạo, vì nó là hạt ngọc của ông trời – sự ví von dành cho hạt lúa, bởi nó được tạo nên bởi mồ hôi công sức của rất nhiều người nông dân.
– Chỉ khi tạo ra được việc làm thì mới là cách giúp người ta tốt nhất. Trời ban gạo nhưng không ban việc đâm ra con người thảnh thơi, chỉ cần ngồi không là có ăn. Nhưng khi Trời bắt con người gieo trồng lúa, tuy rằng đó là hình phạt cực nhọc nhưng lại tạo điều kiện cho con người tự làm việc và nuôi sống bản thân.
Câu hỏi 9: Chi tiết trên mặt đất, cỏ mọc nhiều mà lại rất khỏe, còn lúa thì ít lại mọc rất khó khăn, nếu không chăm bón làm cỏ thì bị cỏ át mất có ý nghĩa gì?
Hướng dẫn trả lời:
Chi tiết đó như một cách giải thích cho nghề trồng lúa bây giờ: rất vất vả cực nhọc vì phải chịu nắng chịu mưa và phải chăm làm cỏ. Muốn lúa phát triển tốt thì phải diệt cỏ, vì cỏ phát triển mạnh mẽ, sống dai nên nếu không xử lý khéo thì cỏ sẽ chiếm hết đất của lúa.
Câu hỏi 10: Hai câu đầu của văn bản thể hiện điều gì của tổ tiên ta từ xưa?
Hướng dẫn trả lời:
Hai câu đầu tiên của văn bản thể hiện mong ước khát vọng cơm no áo ấm của người dân Việt Nam xưa.