Quang Trung đại phá quân Thanh là một hồi trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí được sáng tác bỏi nhóm tác giả Ngô gia văn phái. Văn bản ghi chép lại sự kiện lịch sử có thật dựa trên lời văn tự sự. Để biết thêm kiến thức, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chia bố cục, tóm tắt nội dung Quang Trung đại phá quân Thanh và cung cấp một số thông tin liên quan đến tác giả, tác phẩm.
Mục lục bài viết
1. Bố cục, tóm tắt nội dung văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh:
1.1. Bố cục văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh:
– Phần thứ nhất: là từ đầu cho đến ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân 1788 nội dung phần này là khi nghe tin quân Thanh đã đóng chiếm thành Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã lên ngôi hoàng đế rồi thân chinh cầm quân dẹp giặc.
– Phần thứ hai: Tiếp theo đến tiến binh đến Thăng Long rồi kéo vào thành nội dung của phần này kể về cuộc hành quân thần tốc cùng chiến thắng lẫy lừng mà nghĩa quân Tây Sơn đã giành được.
– Phần thứ ba: các đoạn còn lại kể lại sự thất bại của quân Thanh và tình trạng thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.
1.2. Tóm tắt nội dung văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh:
– Tháng 11 năm 1788, quân thanh kéo vào Thăng Long. Đến ngày 25 tháng chạp năm 1788 thì Bắc Bình Vương lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung và trực tiếp chỉ huy tiến quân ra Bắc. Dọc suốt chặng đường tiến đánh thì vua Quang Trung cùng các quần thần cho tuyển thêm binh lính mở cuộc duyệt binh lớn chia thành các nhà để tiến ra Bắc.
– Ngày 30, quân của Quang Trung ra đến Tam Điệp, hội cùng Sở và Lân. Quang Trung khẳng định : “Chẳng quá mười ngày có thể đuổi được người Thanh“. Cũng trong ngày 30, giặc giã chưa yên, binh đao hãy còn mà ông đã nghĩ đến kế sách xây dựng đất nước mười năm sau chiến tranh. Ông còn mở tiệc khao quân, ngầm hẹn mùng 7 sẽ có mặt ở thành Thăng Long mở tiệc lớn. Ngay đêm đó, nghĩa quân lại tiếp tục lên đường. Khi quân Tây Sơn ra đến sông Thanh Quyết gặp đám do thám của quân Thanh, Quang Trung ra lệnh bắt hết không để sót một tên.
– Rạng sáng ngày mùng 3 Tết năm Kỷ Dậu tức là năm 1789 thì bao vây đồn Hà Hồi giặc đầu hàng và đến ngày mùng 5 Tết thì tiến công ra đồn Ngọc Hồi thái thú Điền châu Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử. Trưa mùng 5 Tết, Quang Trung chỉ huy đầu đoàn quân thắng trận tiến vào Thăng Long. Đám tàn quân của giặc chạy về phía đê Yên Duyên gặp phục binh của ta, trốn theo đường Vịnh Kiều lại bị quân voi ở Đại Áng dồn xuống đầm Mực giày xéo, hơn vạn tên bị xóa sổ. Một số chạy lên cầu phao, cầu phao đứt, xác người ngựa chết làm tắc cả khúc sông Nhị Hà. Hay tin quân Tây Sơn tấn công vào mùng 4 Tết, Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống đã hốt hoảng tháo chạy biên giới phía bắc. Khi gặp lại nhau, Nghị có vẻ xấu hổ nhưng vẫn huênh hoang. Cả hai thu nhặt tàn quân, kéo về đất Bắc.
2. Đôi nét về nhóm tác giả Ngô gia văn phái:
– Nhóm tác giả Ngô gia văn phái có tổng cộng là 15 người trong đó đứng đầu là Ngô Thị Ức tác giả cuối cùng là Ngô Thị Giang. Bên cạnh đó, không thê không nhắc đến các tác giả tiêu biểu của nước ta như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Ức….Dới đây là thông tin về một vài tác giả tiêu biểu trong nhóm tác giả Ngô gia văn phái:
– Ngô Thì Ức (1709 – 1736) hiệu là Tuyết Trai. Năm 24 tuổi, ông thi đỗ Hương Cống, đỗ Á nguyên. Năm 1733 đi thi Hội nhưng bị hỏng. Sau đó, ông tập trung vào sáng tác văn chương nên sớm có tác phẩm Nam trình Liên Vịnh tập gồm 37 thơ Ngâm; Nghi vịnh thi tập gồm 90 bài thơ. Bản thân Ngô Thì Ức là một con người tài hoa, ưa thích cuộc sống tiêu da nhàn tản, thoát khỏi mọi công danh tục lụy, bài thơ Tiêu Dao ngâm của ông được đánh giá là một bản quan niệm sống phóng khoáng cao thượng thể hiện chính con người ông.
– Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) hiệu là Ngọ Phong, tự là Thế Lộc. Ông là con trai của Ngô Thì Ức, sau nổi danh là nhà thơ nhà sử học danh tiếng của Việt Nam thế kỷ 18. Ông thi đỗ Hương tiến, được chọn làm tùy tùng cho thế tử Trịnh Sâm . Ngô Thì Sĩ là danh nhân kiệt xuất với học vấn sâu làm rạng rỡ tông phái. Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm danh tiếng như Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Việt sử ký tục biên, Việt sử tiêu án,… Ngoài việc để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm lớn Ngô Thì Sĩ còn có những người con trai sau này trở thành những anh hùng lớn tiêu biểu là Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí,…
– Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803)tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên. Ông thi đỗ Tiến sĩ năm 1775. Ông từng đảm nhiệm vai trò là thầy dạy Chúa Trịnh Khải rồi làm quan. Năm 1782 ông bị nghi ngờ là người tố giác Trịnh Khải nên phải bỏ trốn về quê vợ ở Bách Tính Nam Định. Đến năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai ông cùng nhiều kẻ sĩ Bắc Hà theo Tây Sơn. Trong trận tiến công thần tốc đánh quân Thanh, Ngô Thì Nhậm là người đề ra chủ trương rốt lối chiến lược về Tam Điệp tạo điều kiện cho Quang Trung nhanh chóng tiêu diệt 29 vạn quân Thanh giải phóng Thăng Long. Ngô Thì Nhậm còn nổi tiếng trong sự nghiệp văn chương, ông để lại cho đời sau hơn 20 tác phẩm có giá trị tiêu biểu.
3. Tác phẩm Hoàng Lê nhất thống trí – Quang Trung đại phá quân Thanh:
3.1. Tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí:
– Hoàng Lê nhất thống chí là cuốn tiểu thuyết lịch sử, viết bằng chữ Hán theo lối chương hồi, gồm 17 hồi với phương thức biểu đạt chính là tự sự. Văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh thuộc hồi thứ 14 của tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí đây là phần nói về sự kiện Quang Trung đại phá quân Thanh.
– Hoàng Lê nhất thống chí ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê và thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh trả lại Bắc Hà cho vua Lê. Khởi đầu là sự sa đọa thối nát đến cực độ của của các triều đại vua thời Lê Mạc. Vua Lê Hiển Tông chỉ còn biết làm ông vua bù nhìn bạc nhược, chỉ lo hưởng thụ niềm vui. Lê Chiêu Thống thì đê hèn khuất phục trước quân Mãn Thanh mong vớt lấy ngai vàng sắp sụp đổ và ông vua cuối cùng là Lê Duy Mạnh chỉ là một cục thịt trong cái túi da mà thôi. Bên phủ chúa thì Trịnh Sâm hoang dâm vô độ u mê Đặng Thị Huệ bỏ con trường lập con thứ gây nên loạn từ trong nhà anh em đánh giết lẫn nhau rồi thì kiêu binh ỷ thế lộng hành. Sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái phong kiến đẩy đến hồi quyết liệt dữ dội. Trong bối cảnh đó thì cuộc nổi dậy khí thế của phong trào nông dân Tây Sơn do Quang Trung lãnh đạo đã đánh tan giặc xâm lược Mãn Thanh lập nên triều đại Tây Sơn. Nhưng cơ nghiệp nhà Tây Sơn thì ngắn ngủi Chúa Nguyễn lại dần dần khôi phục thế lực dẹp Tây Sơn lập vương triều mới vào năm 1802 và kết thúc tác phẩm là tình cảnh thảm bại nhục nhã của vua tôi Lê Chiêu Thống khi phải chôn thân ở nước ngoài.
3.2. Nội dung chính và các yếu tố nghệ thuật của văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh:
– Văn bản đã phản ánh sự sụp đổ của triều đại Lê Trịnh và sự hỗn loạn của Đàng Ngoài cuối thế kỷ 18. Đồng thời, ca ngợi khí thế của phong trào nông dân Tây Sơn và tài trí xuất chúng của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ với chiến công thần tốc đại phá quân Thanh. Qua đó, cũng phê phán tố cáo những kẻ cướp nước và bán nước
– Được viết dưới dạng tiểu thuyết lịch sử, tác phẩm đã tái hiện những sự kiện những nhân vật ở một thời kỳ giai đoạn lịch sử, cốt truyện được xây dựng trên cơ sở các sự kiện đã xảy ra nhằm thể hiện Chủ đề của tác phẩm và nhân vật thì được khắc họa phong phú sinh động rõ nét từ vua Quang Trung đến quân tướng nhà Thanh đến vô tôi Lê Chiêu Thống,.. Ngôn ngữ nhân vật phù hợp với thời đại được miêu tả thể hiện vị thế xã hội và mang tính cách riêng
– Về nghệ thuật kể chuyện lịch sử ở trong văn bản nghệ thuật được thể hiện thứ nhất là ở lối văn trần thuật có sự kết hợp giữa miêu tả chân thực sinh động đầy cảm xúc. Ngoài ra, có những chi tiết được chọn lọc tinh tế và gợi cảm và đặc biệt là cảm xúc được bộc lộ qua những hình ảnh nghệ thuật do đó mà gây ấn tượng mạnh với người đọc.
– Nói tóm lại văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh thể hiện rất nhiều giá trị cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Về giá trị nội dung, văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh đã tái hiện xây dựng hình ảnh của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống. Để làm nên thành công của văn bản, yếu tố về mặt nghệ thuật cũng đóng góp một phần không nhỏ. Lối kể chuyện xen kẽ miêu tả sinh động cụ thể gây ấn tượng mạnh. Sự tương phản độc đáo trong khắc họa khí thế của quân Tây Sơn và quân Thanh, hình ảnh vua Quang Trung và vua tôi Lê Chiêu Thống. Nghệ thuật miêu tả nhân vật thông qua hành động lời nói và xây dựng nhân vật trên quan điểm tôn trọng sự thật lịch sử và đặc biệt đó là nghệ thuật thay đổi giọng điệu linh hoạt của tác giả. Tất cả những đều trên đã góp phần tạo nên một tác phẩm tiêu biểu cho đời sau được học hỏi, tiếp thu và kế thừa, phát triển đất nước.