Chất làm gỉ là một văn bản thuộc thể loại truyện ngắn rất đặc sắc trong chương trình ngữ văn phổ thông. Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn đọc hiểu chi tiết về văn bản và những ý nghĩa tác giả muốn truyền đạt.
Mục lục bài viết
1. Giới thiệu tác giả và tác phẩm:
– Ray Bradbury Douglas (22 tháng 8 năm 1920 — 5 tháng 6 năm 2012) là một nhà văn chuyên về sáng tác các tác phẩm kinh dị, khoa học viễn tưởng, và bí ẩn người Mỹ. Ông nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết 451 độ F (Fahrenheit 451, 1953) và tập hợp những câu chuyện khoa học viễn tưởng như The Martian Chronicles (1950) và Người minh họa (The Illustrated Man, 1951), Ray Bradbury là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thế kỷ 20 và 21 của nước Mỹ. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim và chương trình truyền hình.
Ray Bradbury Douglas là một nhà văn chuyên về sáng tác các tác phẩm kinh dị, khoa học viễn tưởng người Mỹ với nhiều tiểu thuyết nổi tiếng. Trong đó, Chất làm gỉ là một tác phẩm đặc biệt của ông, thoát ly ra khỏi những cái đáng sợ mà còn chạm đến lòng người đọc. Tác phẩm còn đi sâu vào đề tài chiến tranh, một đề tài nóng và ý tưởng tác phẩm khiến nhiều đọc giả bất ngờ.
– Tác phẩm chất làm gỉ thuộc thể loại: Truyện ngắn, nói về ý tưởng vô hiệu hóa những vũ khí và các loại công cụ nhằm phục vụ cho chiến tranh của viên trung sĩ trẻ tuổi.
Nội dung lấy bối cảnh một cuộc chiến tranh nóng vô cùng ác liệt. Trước viễn cảnh máu chảy nơi tiền tuyến, một trung sĩ trẻ tuổi chán ghét hoàn cảnh này. Trong đầu anh nảy lên một ý tưởng, đó chính là vô hiệu hóa những vũ khí giết người đó và các công cụ khác bằng chất làm gỉ. Thông qua đó, chúng ta thấy được một con người với nhân cách cao đẹp, cũng thể hiện ước mơ hướng tới hòa bình của tác giả. Không những vậy, tác giả lên án và phê phán những cuộc chiến tranh vô nghĩa.
2. Bố cục văn bản Chất làm gỉ:
Chia văn bản làm 2 đoạn:
– Đoạn 1: Từ đầu đến “Tạm biệt đại tá”: Cuộc trò chuyện về chất làm gỉ của đại tá và trung sĩ trẻ tuổi.
– Đoạn 2: Còn lại: Chất làm gỉ của viên trung sĩ phát huy tác dụng
3. Nội dung chính tác phẩm Chất làm gỉ
3.1. Nhân vật anh trung sĩ:
Lí tưởng, khát vọng
– Tôi muốn sống không có chiến tranh.
– Tôi muốn biết làm cách nào đó để trong một đêm những cỗ đại bác trên toàn thế giới biến thành sắt gỉ, những vi khuẩn trong ruột các quả bom trở thành vô hại, những chiếc xe tăng bỗng đổ rụi, chui qua mặt đường nhựa, và giống như những con quái vật thời tiền sử, chúng nằm im trong các hố có lấp đầy nhựa đường. Đó, mơ ước của tôi là như vậy đó.
Hành động, việc làm
– Anh trung sĩ đã nghiên cứu rất lâu về “chất làm gỉ
– Phát minh của anh ta rất có cơ sở và liên quan tới kiến thức khoa học “Phát minh này dựa trên cơ sở cấu trúc của các nguyên tử xác định. …các nguyên tử của loại thép vũ khí được sắp đặt theo một trật tự nhất định.”
à Anh trung sĩ là người có trí tuệ thông minh và có tấm lòng tốt bụng, cao cả. Đại diện cho những con người yêu hòa bình.
3.2. Nhân vật viên đại úy:
– Viên đại úy là đại diện cho những kẻ thám kiến trong những cuộc chiến tranh
– Hành động và việc làm của ông ta đã đi ngược lại ý muốn, khát khao hòa bình của anh trung sĩ.
→ Một con người xấu xa, độc ác, không cảm nhận được những mất mát, hậu quả của nhân loại mà chiến tranh gây ra.
3.3. Ý tưởng “Chất làm gì”:
Là một ý tưởng thể hiện khát vọng hòa bình của nhân loại, xây dựng một thế giới cùng chung sống hạnh phúc, bình đẳng.
3.4. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật văn bản:
– Ca ngợi trí tuệ thông minh và tấm lòng tốt bụng cao cả của người trung sĩ
– Thể hiện ước mơ về một thế giới hòa bình của tác giả
– Đồng thời lên án những cuộc chiến tranh phi nghĩa, những cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt giữa các đế chế bạo tàn.
– Cốt truyện độc đáo hấp dẫn, thu hút người đọc
4. Phân tích văn bản Chất làm gỉ:
“Chất làm gỉ” là một trong những truyện ngắn hay và đặc sắc của tác giả Rây Brét-bơ-ry. Truyện đã đề cập đến vấn đề nóng hổi, mang tính thời đại của nhân loại là chiến tranh và hòa bình. Đọc truyện ngắn, độc giả không khỏi trầm trồ, thán phục trước hiểu biết sâu rộng và trí tưởng tượng phong phú của nhà văn.
Tác phẩm kể về sự kiện viên trung sĩ phát minh ra chất làm gỉ các loại vũ khí để chấm dứt chiến tranh nhưng không ai tin vào điều đó cho đến khi anh biến nó thành sự thật. Lòng yêu con người, khát khao về một cuộc sống hòa bình, không khói súng ở nhân vật trung sĩ cũng chính là chủ đề của toàn bộ tác phẩm.
Khát vọng ấy được thể hiện chủ yếu qua ý tưởng về chất làm gỉ. Chất làm gỉ trong suy nghĩ của viên trung sĩ có khả năng làm mòn kim loại. Nó được phát minh dựa trên cơ sở cấu trúc nguyên tử xác định. Trong lời trình bày với viên đại tá, ta có thể thấy chất làm gỉ được hình thành dựa trên nghiên cứu, tìm tòi về chất gây ra sự mòn, gỉ trong khí quyển là nước. Anh muốn tìm một cách thức “nào đó để “gây ra ở thép một hiệu ứng “sốc thần kinh””. Khi ấy, hơi nước sẽ phát huy tác dụng và phá vỡ cấu trúc của bề mặt kim loại. Mặc dù chi tiết chất làm gỉ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng và sự hư cấu nhưng nó hoàn toàn có giá trị về mặt khoa học. Nó thể hiện lí tưởng, khát vọng và ước muốn về một cuộc sống không có chiến tranh của anh trung sĩ.
Mục đích của việc phát minh, chế tạo ra chất làm gỉ chính là khả năng vô hiệu hóa các loại súng, đạn, xe tăng, máy bay chiến đấu, tàu chiến. Trong suy nghĩ của anh, anh muốn nó trở thành công cụ hữu hiệu để lập lại hòa bình trên thế giới. Viên đại tá cho rằng anh là một kẻ ngớ ngẩn, hoang tưởng và hão huyền. Ông ta lấy bút viết vào tờ giấy với dòng chữ: “Tôi muốn sau bữa trưa nay, anh đến gặp bác sĩ Mét-thiu để ông ta khám cho anh. Tôi không muốn nói là anh bị ốm nắng, nhưng tôi cảm thấy anh cần có sự giúp đỡ của bác sĩ”. Dẫu vậy, anh vẫn kiên nhẫn chứng minh ý tưởng của mình là đúng đắn và nói ra dự định, kế hoạch trong tương lai. Viên đại tá gạt phắt sang một bên và yêu cầu anh đến gặp bác sĩ Mét-thiu để được khám chữa. Để chứng minh quyết định của ông ta là một sai lầm, sau khi rời khỏi văn phòng, viên trung sĩ đã kích hoạt chất làm gỉ khiến nó có tác động vô cùng mạnh mẽ đối với mọi thứ xung quanh. Nó biến chiếc bút làm bằng vỏ đạn của đại tá biến thành một thứ bột rơi lả tả xuống giấy. Đồng thời, tạo ra một cảnh tượng kinh hoàng, choáng ngợp trước mắt của người lính gác: “khẩu súng đang biến thành vụn sắt gỉ màu vàng, những chiếc máy bay thì tan vụn ra thành đám bụi màu xám bị gió cuốn đi lả tả”, “những chiếc xe tải biến thành những đám mây màu da cam, chỉ còn lại những chiếc lốp”. Tác động của chất phá hủy vũ khí chiến tranh đã làm thay đổi suy nghĩ và cách nhìn nhận của đại tá đối với viên trung sĩ. Đồng thời, thể hiện bản lĩnh dám ước mơ, dám thực hiện của anh trung sĩ ngay cả khi không được người khác đồng tình, ủng hộ.
Để làm nên thành công cho tác phẩm, ngoài nét đặc sắc về mặt nội dung, ta không thể nào bỏ qua một số yếu tố độc đáo về mặt nghệ thuật. Đó là trí tưởng tượng phong phú, đa dạng của nhà văn về hợp chất có khả năng phá hủy cỗ máy chiến tranh và các chi tiết về tác động của nó. Biện pháp tu từ so sánh “giống như những con quái vật thời tiền sử”, “như những con quái vật thời tiền sử một thời bị rơi vào những cái hố nhựa đường” càng làm nổi bật và nhấn mạnh sức tàn phá của chất làm gỉ. Ngoài ra, nhân vật được tác giả khắc họa chủ yếu thông qua lời nói, hành động cụ thể. Ngôn ngữ đối thoại góp phần thúc đẩy cốt truyện và bộc lộ phẩm chất, tính cách nhân vật.
Qua tác phẩm, tác giả muốn ca ngợi lòng dũng cảm, yêu chuộng hòa bình của anh trung sĩ. Đồng thời, bày tỏ mong muốn về một loại chất hóa học có khả năng phá hủy các cỗ máy và vũ khí chiến tranh. Từ đó, thể hiện khát khao, ước mơ về cuộc sống hòa bình và lên án, phản đối tình trạng bạo lực, chạy đua vũ trang của một số nước trên thế giới. Đặc biệt hơn, chúng ta cần dành lời khen và sự thán phục trước trí tưởng tượng và sự hiểu biết sâu rộng về khoa học của nhà văn.
Như vậy, qua ý tưởng về chất làm gỉ, tác giả đã cho ta thấy khát vọng về một cuộc sống yên bình, không chiến tranh của anh trung sĩ nói riêng và toàn nhân loại nói chung. Những vấn đề nhân văn, nhân đạo sâu sắc mà ông gửi gắm vẫn luôn có ý nghĩa trong xã hội ngày nay.