Bài thơ Nắng mới của tác giả Lưu Trọng Lư được trích trong tập thơ "Tiếng thu" là kỉ niệm kí ức của tác giả về mẹ đầy xúc động, gắn liền với sự biết ơn, tình yêu tha thiết của tác giả đối với người mẹ của mình. Cùng bài viết này tìm hiểu nhé:
Mục lục bài viết
1. Bố cục bài thơ Nắng mới:
Bài thơ Nắng mới có thể chia thành bố cục 2 phần như sau:
– Phần 1: Khổ 1: Miên tả bức tranh thiên nhiên với “nắng mới”
– Phần 2: Khổ 2+3: Diễn tả nỗi nhớ mẹ của nhân vật trữ tình
2. Tóm tắt nội dung chính bài thơ Nắng mới:
2.1. Tóm tắt nội dung chính bài thơ Nắng mới ngắn gọn:
Bài thơ Nắng mới của tác giả Lưu Trọng Lư là kỉ niệm kí ức của tác giả về mẹ đầy xúc động, gắn liền với sự biết ơn, tình yêu tha thiết đối với mẹ. Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên nắng mới được tác giả vẽ lên bằng những tia nắng hắt trên sông và tiếng gà xao xác. Những hình ảnh này của hiện tại làm sống dậy kí ức với những kỉ niệm đẹp của tác giả thủa xa xưa khi mà người mẹ vẫn còn đó. Nắng mới gắn liền với người mẹ qua chiếc áo đó được mang ra phơi sau những ngày đông, qua vụ cười sau tay áo của mẹ. Bài thơ thể hiện sự bồi hồi, biết ơn, sự nhớ nhung và tình yêu da diết của tác giả đối với người mẹ của mình.
2.2. Tóm tắt nội dung chính bài thơ Nắng mới đầy đủ:
Trong bài thơ Nắng mới, tác giả đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên mang tên “nắng mới”, đưa chúng ta vào hồi tưởng với một không gian đầy những kỷ niệm ngọt ngào, xúc động. Mở đầu của không gian đó là những tia nắng mới hắt trên sông, sau đó là tiếng gà trưa “xao xác” khiến những tia ánh nắng ấy soi rọi thẳng vào tiềm thức của tác giả, gợi lại biết bao kỷ niệm của một thời tươi đẹp ngày xưa. Nắng trong bức tranh ấy không chỉ đơn thuần là ánh nắng mặt trời mủa mùa mới, mà còn là sức mạnh ánh sáng gắn kết quá khứ và hiện tại. Với sự hiện diện của nắng mới, tác giả cảm thấy nó như điều đã đánh thức một thời quá khứ trong mình tưởng như đã phai nhòa, lại lung linh trong màu nắng mới.
Trong kí ức dần hiện lên trước mắt tác giả ấy là hình ảnh người mẹ với một tình cảm vô hạn. Hình ảnh ấy ban đầu còn mờ nhạt, dần dần nó lại tràn ngập tâm trí tác giả và khiến những ký ức đầy nhớ thương cùng lúc trào dâng. Đối với nhà thơ, “nắng mới” là cái nắng mỗi dịp xuân về, khi đó người mẹ sẽ mang áo ra phơi, để chiếc áo được “tẩm” mùi thơm của nắng mới. Nắng của quá khứ khi còn có mẹ thật tràn đầy sức sống và niềm vui, nó khác biệt so với nắng của hiện tại. Hình ảnh của người mẹ của tác giả vẫn luôn hiện hữu ở mọi nơi, từ đồng nội đến nơi hiên nhà và song cửa. Sau đó, nhà thơ đã sực tỉnh và quay trở về hiện tại, nhưng vẫn cảm thấy bồi hồi.
Bài thơ kết thúc bằng “nét cười đen nhánh” của người mẹ và đó là một nốt trầm lắng đọng trong bài. Nét cười đen nhánh sau tay áo, hình ảnh “tay áo” đã đẩy “nét cười” ra phía sau, khiến cho bức tranh ký ức về mẹ tăng thêm về chiều sâu, tăng thêm phần duyên dáng. Mặc dù chỉ hiện diện qua bằng những hình ảnh thường ngày nhất là “nắng mới”, “áo đỏ” và “nét cười”, nhưng những hình ảnh này đã khắc sâu vào tâm trí người đọc, thể hiện sự biết ơn, nhớ nhung và tình yêu sâu sắc về người mẹ.
3. Tìm hiểu chung bài thơ Nắng mới:
3.1. Nội dung tác phẩm:
Tặng hương hồn thầy mẹ.
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác, gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.
Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.
3.2. Tác giả, tác phẩm:
– Tác giả: Lưu Trọng Lư (1911-1991). Quê quán: Hà Nội. Ông có phong cách nghệ thuật độc đáo với giọng thơ trong trẻo, ý thơ tinh tế. Một số tác phẩm chính tiêu biểu có thể kể đến của ông như: Tiếng thu, Khói lam chiều, …
– Thể loại của tác phẩm: thơ thất ngôn
– Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Trích từ tập thơ “Tiếng thu”
– Phương thức biểu đạt: Miêu tả kết hợp biểu cảm
– Bố cục:
+ Khổ 1: Bức tranh thiên nhiên “nắng mới”
+ Khổ 2+3: Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình
– Giá trị nội dung: Bài thơ là kỉ niệm kí ức của tác giả về mẹ đầy xúc động, gắn liền với sự biết ơn, tình yêu tha thiết đối với mẹ.
– Giá trị nghệ thuật: Tác giả sử dụng thành công thể thơ thất ngôn với giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết cùng với việc sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ.
4. Tìm hiểu chi tiết bài thơ Nắng mới:
a. Bức tranh thiên nhiên “nắng mới”:
– Trong tiếng gà trưa xao xác, những kỷ niệm não nùng chợt ùa về, đong đầy nỗi nhớ
– Từ “nắng mới” được sử dụng đế mở đầu bài thơ như một sợi dây kết nối hiện tại về quá khứ xa xưa.
– Hai từ láy “xao xác”, “não nùng” gợi âm nhiều hơn là gợi tả .
– Lời thơ viết giản dị, tự nhiên, không một chút phô trương, cầu kỳ.
– “Những ngày không” phải chăng là những ngày ấu thơ, khi tác giả còn nhỏ, lòng chưa vướng bận điều gì. “Những ngày không” ấy đã in dấu một kỷ niệm hay hình ảnh một người nào?
=> Dưới con mắt tinh tế của tác giả Lưu Trọng Lư, nắng chỉ là một ảnh hình quen thuộc thường ngày nhưng soi rọi thẳng vào tiềm thức nhà thơ, gọi về những kỷ niệm xa xưa của một thời tươi đẹp. Hình ảnh ấy cộng hưởng với một âm thanh của tiếng gà trưa cũng quen thuộc và buồn não nùng không kém. Những kỷ niệm được đánh thức dậy trong tâm hồn nhà thơ cả một thời dĩ vãng tưởng đã nhạt nhòa.
b. Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình:
– Hình ảnh người mẹ thân yêu của tác giả hiện lên, “tôi nhớ mẹ tôi” đầy xúc động, người mẹ lúc đầu hiện lên từ từ còn mờ nhạt nhưng càng về sau càng rõ nét và đầy trong tâm trí.
=> Dường như tác giả đang cố kìm nén lại niềm thương nhớ chỉ chực dâng trào, ta chợt hiểu ra và đồng cảm sâu sắc với nỗi buồn của tác giả: người mẹ ấy chỉ còn trong quá khứ, hiện tại đã không còn nữa.
– Từ “nắng mới” là cái nắng mỗi độ xuân về, đố với tác giả đây là khi mẹ thường mang áo ra phơi để áo thơm mùi nắng sau những ngày đông rét mướt.
– Cũng là “nắng mới” nhưng cái nắng của quá khứ của tác giả không phải là ánh nắng “hắt bên song” buồn bã mà là ánh nắng tràn đầy sức sống, niềm vui “reo ngoài nội” vì đó là nắng của những ngày còn mẹ.
– Từ “reo” như một nốt nhạc lảnh lót, tươi vui khiến câu thơ bùng lên sức sống.
=> Hình ảnh người mẹ trong hồi ức của tác giả chưa hiện lên trực tiếp mà mới chỉ thấp thoáng, lung linh sau chi tiết màu áo đỏ, sau lưng giậu nhưng đã gây một ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc. Đó có lẽ cũng là hình ảnh đời thường thân thương nhất, trìu mến thương yêu nhất mà nhà thơ còn lưu giữ, khắc sâu trong tâm trí.
– Mạch thơ lại quay về hiện tại khi nhà thơ sực tỉnh nhưng vẫn chưa hết thổn thức, bồi hồi. Dường như đâu đâu cũng in bóng dáng mẹ nơi đồng nội, giậu phơi, nơi hiên nhà, song cửa… những nơi bình dị nhất đều vương hơi ấm của mẹ.
– Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh “nét cười đen nhánh”, như một nốt lặng của bài thơ mang dư vị của ý thơ lan tỏa mãi trong lòng người đọc. Hình ảnh “tay áo” đã đẩy “nét cười” ra phía sau, tạo nên độ sâu cho bức tranh, đồng thời tăng thêm sức duyên dáng, gợi cảm cho “nét cười”.
=> Hình ảnh người mẹ quá cố của nhà thơ từ đầu đến cuối chỉ được phác họa qua ba chi tiết đời thường nhất đó là “nắng mới”, “áo đỏ” và “nét cười” nhưng được thi sĩ Lưu Trọng Lư để lại một ấn tượng đẹp và sâu sắc. Bởi đây có lẽ là hình ảnh gắn liền với tất cả những người phụ nữ Việt Nam thầm lắng hy sinh, thương yêu, chăm sóc chồng con suốt cả cuộc đời.