Hiện nay, việc bình luận mang tính chất xúc phạm trên mạng xã hội xảy ra tràn lan và gây ảnh hưởng rất nhiều đến người bị xúc phạm và môi trường an ninh mạng. Vậy hành vi bình luận xúc phạm Công an trên mạng có bị phạt không?
Mục lục bài viết
1. Bình luận xúc phạm Công an trên mạng có bị phạt không?
Thông thường, mọi người sẽ nhận định việc bình luận (comment) trên mạng xã hội là việc thể hiện quan điểm cá nhân của mình đối với những thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên nhiều người đã không biết điểm dừng, có những bình luận mang tính chất xúc phạm người khác, đặc biệt hiện nay rất nhiều người xúc phạm đến cả cơ quan chức năng (cụ thể là công an). Đây là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người bị xúc phạm mà còn ảnh hưởng đến cả danh dự của lực lượng cơ quan nhà nước.
Do đó, đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm tương ứng với hành vi và hậu quả gây ra. Cụ thể như sau:
Căn cứ điểm a khoản 2 và điểm b khoản 14 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt cụ thể như sau:
– Cá nhân có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
– Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là bắt buộc phải cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
Ngoài ra, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định đối tượng nào có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân: mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Tùy từng vào hành vi sẽ bị xử phạt mức phạt như trên.
2. Bình luận xúc phạm công an trên mạng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả mà hành vi đó gây ra, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sau: Tội vu khống (Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017); Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể như sau:
(1) Tội làm nhục người khác:
– Khung 1: phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
Đối tượng có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
– Khung 2: phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
+ Thực hiện hành vi phạm tội 02 lần trở lên.
+ Thực hiện hành vi phạm tội đối với 02 người trở lên.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội.
+ Thực hiện hành vi với người đang thi hành công vụ.
+ Thực hiện hành vi với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
– Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
+ Gây hậu quả làm nạn nhân tự sát.
– Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
(2) Tội vu khống:
– Khung 1: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
+ Có hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
+ Có hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
– Khung 2: phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
+ Thực hiện hành vi vi phạm có tổ chức.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi vi phạm.
+ Thực hiện hành vi phạm tội đối với 02 người trở lên.
+ Thực hiện hành vi phạm tội đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình.
+ Thực hiện hành vi vi phạm đối với người đang thi hành công vụ.
+ Thực hiện hành vi vi phạm thông qua việc sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
+ Gây hậu quả làm rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
+ Gây hậu quả làm cho nạn nhân tự sát.
– Ngoài việc bị xử phạt như trên, người phạm tội còn có thể bị phạt mức tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
3. Biện pháp ngăn chặn văn hóa bình luận không đúng quy định trên mạng xã hội:
Mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của con người như là một kênh cập nhật thông tin nhanh chóng; một phương tiện liên hệ cho mọi người nhanh chóng và tiết kiệm thời gian như gọi video; nhắn tin;… thậm chí còn là nơi để con người khai thác kinh doanh mang lại lợi nhuận rất cao,…
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm ưu việt như vậy, mạng xã hội cũng có những mặt trái nhất định. Rất nhiều người đã lợi dụng mạng xã hội để nhằm thực hiện những mục đích xấu, tư thù cá nhân, cụ thể là đăng bài hoặc bình luận khiếm nhã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Đó là hành vi vi phạm quy định pháp luật về an ninh mạng.
Trên tình hình này, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có những biện pháp và hành vi đúng mực để xây dựng mạng xã hội một cách văn minh như:
– Để có văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, trước tiên mỗi người dân chúng ta phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật, cụ thể như:
– Mỗi cá nhân phải tự nâng cao ý thức học tập và rèn luyện cách ứng xử trên mạng xã hội, tiết chế lại cảm xúc để tránh có những hành vi hay lời nói không đúng mực trên mạng xã hội.
– Cá nhân khi xem thông tin trên mạng xã hội sẽ phải biết cách chọn lọc thông tin; phân biệt thông tin thật, giả để tránh bị lừa.
– Cơ quan ban ngành phải xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
– Các cơ quan chức năng cũng cần thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sử dụng MXH theo quy định pháp luật. Ngăn chặn mọi thông tin xấu, độc hại, sai sự thật, phản cảm trên mạng xã hội.
– Với những hành vi vi phạm trên mạng xã hội như xúc phạm cá nhân (đặc biệt xúc phạm đến cơ quan chức năng) phải xử phạt thật nghiêm để mang tính răn đe.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021.
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử.
Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.