Bình luận ưu, nhược điểm của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và liên hệ với Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA). Bài tập học kỳ Pháp luật cộng đồng ASEAN 8 điểm.
MỞ ĐẦU
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới hiện nay, hội nhập kinh tế là một xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Những năm gần đây, khi mà vòng đàm phán đa phương trong khuôn khổ GATT/WTO lâm vào tình trạng bế tắc trước những vấn đề mở rộng tự do thương mại thì các quốc gia đang có xu hướng coi việc kí kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) là một cứu cánh. FTA có vai trò ngày càng quan trọng đối với các hoạt động thương mại và sự phát triển kinh tế. Vậy FTA mang lại những ưu điểm gì? hạn chế của nó nằm ở đâu? Để làm rõ vấn đề này, sau đây em xin được trình bày đề tài: “Bình luận ưu, nhược điểm của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và liên hệ với Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).” cho bài tập lớn của mình.
NỘI DUNG
I. Khái quát về hiệp định thương mại tự do
Khu vực thương mại tự do hay còn gọi là khu vực mậu dịch tự do, được hình thành khi hai hay nhiều nước thực hiện việc bãi bỏ tất cả thuế xuất nhập khẩu và các hạn chế phi thuế quan đối với thương mại hàng hóa qua lại giữa các nước này nhưng vẫn giữ nguyên thuế quan đối với nước khác. Các quốc gia tham gia kí kết các hiệp định thương mại tự do để được hưởng ưu đãi này. Nội dung cơ bản của các hiệp định thương mại tự do bao gồm: Tự do hóa thương mại hàng hóa; tự do hóa thương mại dịch vụ; tự do hóa đầu tư; thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước tham gia kí kết hiệp định và một số cam kết khác về sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường, bí mật, bản quyền…
Tùy vào từng căn cứ khác nhau mà FTA được phân thành nhiều lọai khác nhau. Căn cứ vào quy mô số lượng thành viên tham gia gồm có: FTA song phương (BFTA), FTA khu vực và FTA hỗn hợp. Dựa vào mức độ tự do hóa thì FTA được chia thành: FTA kiểu Mỹ, FTA kiểu Châu Âu và FTA kiểu các nước đang phát triển.
II. Ưu, nhược điểm của các Hiệp định thương mại tự do (FTA)
1. Ưu điểm
Thứ nhất, các hiệp định thương mại tự do tạo ra các tác động tích cực về mặt kinh tế. Nhờ vào việc cam kết dỡ bỏ các rào cản thương mại, doanh nghiệp các nước thành viên được phép tự do trao đổi buôn bán hàng hóa, không bị đánh thuế, không bị áp hạn ngạch và một số thủ tục phức tạp khác mà các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau có thể tự do trao đổi buôn bán hợp tác. Kim ngạch xuất khẩu từ đó cũng tăng lên kéo theo sự thu nhập và phát triển GDP của các nước này, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Ngoài ra, việc xóa bỏ các hàng rào này cũng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong một thị trường rộng lớn hơn. Để cạnh tranh các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy mở rộng quy mô, cắt giảm chi phí, tăng doanh số, đa dạng hóa sản phẩm, cắt bỏ những hoạt động kém hiệu quả, xây dựng một hệ thống nhân công làm việc nghiêm túc, hiệu quả. Từ đó, không những làm cho doanh nghiệp phát triển mà còn mang lại cho chúng ta một thị trường tấp nập, sự lựa chọn đa dạng và tốt nhất cho người tiêu dùng. Một FTA khi hình thành có thể thúc đẩy các dòng đầu tư nội địa và cả nước ngoài,dòng đầu tư giữa các thành viên FTA cũng như bên ngoài FTA đó. Ngoài ra FTA còn tạo ra cơ hội cho các nước thành viên chia sẻ và chuyển giao công nghệ cho nhau thuận lợi hơn. Cũng thông qua việc trở thành đối tác của nhau sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia học hỏi, rút ra kinh nghiệm, phát triển hiệu quả, nâng cao năng suất và lợi nhuận.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568