Bình đẳng giới về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Bình đẳng giới về tiền lương trong lĩnh vực lao động và việc làm.
Mục lục bài viết
1. Bình đẳng giới về tiền lương:
Bình đẳng giới trong lĩnh vực tiền lương được thể hiện ở trong cơ cấu trả lương cho người lao động và lương hưu.
Tiền lương đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực lao động, tiền lương vừa là thước đo giá trị sức lao động đồng thời là động lực thúc đẩy người lao động tham gia vào quá trình tái sản xuất sức lao động, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đảm bảo được bình đẳng giới về tiền lương không những thúc đẩy lao động, tạo nên môi trường lành mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trái lại, bất bình đẳng giới về tiền lương là sự khác biệt giữa mức tiền lương của lao động nam và lao động nữ trong cùng một công việc có cùng các đặc tính năng lực và năng suất lao động. Bất bình đẳng giới về tiền lương là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây ra đói nghèo, vừa là yếu tố cản trở đối với việc phát huy nguồn lực phát triển xã hội.
Theo quy định tại bộ luật lao động: Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Đồng thời ghi nhận nguyên tắc: “Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau”.
Bình đẳng về tiền lương còn ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong đó có thể kể tới sự phân hoá về lao động theo các nhóm các ngành nghề. Phụ nữ thường tập trung ở các nhóm ngành truyền thống, dệt may, các ngành này có mức thu nhập và trả lương thấp hơn; ảnh hưởng từ việc đào tạo chuyên môn, các cơ hội tham gia các khóa học, bồi dưỡng cho nữ giới thấp hơn so với nam giới…
Mặc dù tổ chức lao động quốc tế đã nhiều lần đưa ra khuyến nghị về việc nên bỏ khoảng cách chênh lệch về độ tuổi nghỉ hưu ở hai giới. Tuy nhiên cho đến nay, pháp luật Việt Nam vẫn quy định độ tuổi nghỉ hưu của nam giới là 62 tuổi và độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi. Mặc dù
Ngoài ra, việc quy định phụ nữ phải nghỉ hưu sớm hơn cũng đồng nghĩa với tổng thu nhập của họ sẽ thấp hơn so với nam giới có cùng thời điểm ký hợp đồng lao động, cùng mức độ, tính chất công việc.
2. Bình đẳng giới về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:
– Bình đẳng về thời gian làm việc, chế độ nghỉ ngơi: Giới hạn về số giờ làm việc là thành tựu to lớn và quan trọng nhất trong cuộc cách mạng giải phóng lao động trên thế giới, đây được coi là quyền cốt lõi của người lao động. Giới hạn về thời gian làm việc cũng là một thước đo về bình đẳng giới do nó tác động đến sự phân bổ thời gian của người lao động ở cả hai giới trong việc chăm sóc con cái, thực hiện trách nhiệm gia đình. Đối với người lao động ở Việt Nam, thời gian làm việc được quy định như sau:
Đối với người lao động cả nam và nữ, thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Người sử dụng lao động có thể rút ngắn thời gian làm việc của người lao động, xuống mức còn 40 giờ. Một ngày làm việc từ 06 giờ trở lên thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục. Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc. Ngoài thời gian trên, người sử dụng lao động có thể bố trí cho người lao động nghỉ thêm vào các đợt nghỉ giải lao và điều này phải được ghi vào nội quy lao động.
Pháp luật cũng khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà. Điều này để đảm bảo người lao động có thể cân bằng giữa công việc và trách nhiệm chăm sóc gia đình. Đây cũng là một điểm mới tiến bộ của Bộ luật lao động năm 2019 so với các quy định cũ. Với quy định như hiện nay, về cơ bản, không có sự khác biệt về thời gian làm việc đối với lao động nam và lao động nữ.
Tuy nhiên quy định trên còn phần nào bất cập, làm việc theo ca có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe và sự an toàn của người lao động ở cả hai giới, đặc biệt là những công việc ban đêm. Do vậy quy định này cần phải được bổ sung thêm việc trên cơ sở tham vấn ý kiến của người lao động để đảm bảo họ sẽ không bị lạm dụng vào những công việc làm theo ca. Giao việc ở nhà cũng sẽ gây gánh nặng về thời gian cho những người lao động có trách nhiệm gia đình (hiện nay chủ yếu vẫn là phụ nữ) khi họ phải chia nhỏ thời gian chăm sóc cho con cái để hoàn thành công việc. Việc đưa ra quy định nhưng chưa kèm với cơ chế giám sát thực hiện sẽ gây ra khe hở trong pháp luật, để các hành vi vi phạm quyền bình đẳng giới trong thời giờ nghỉ ngơi nói riêng và quyền lao động nói chung xảy ra.
– Đối với trường hợp nghỉ thai sản, theo quy định của luật quốc tế, nghỉ thai sản là thời gian nghỉ việc mà người phụ nữ được hưởng để thời kỳ trước và sau khi sinh nở. Nội dung quan trọng trong vấn đề nghỉ thai sản đó là quyền trở lại làm công việc như cũ hoặc một ở một vị trí khác cùng một mức lương. Theo quy định của công ước bảo vệ thai sản, nghiêm cấm hành vi sa thải lao động trong thời gian nghỉ thai sản. Nếu có, người sử dụng lao động phải chứng minh lý do sa thải không liên quan đến việc mang thai hoặc sinh con.
Theo pháp luật Việt Nam, quy định về thai sản có một số điểm tích cực hơn so với tiêu chuẩn sàn của điều ước quốc tế, cụ thể:
Thứ nhất, mở rộng nhóm đối tượng được hưởng chế độ nghỉ thai sản.
+ Lao động nữ mang thai;
+ Lao động nữ sinh con;
+ Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
+ Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
+ Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
+ Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Trước khi
Tuy nhiên, chế độ nghỉ thai sản với nam và nữ là không giống nhau, cụ thể đối với lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội thì được hưởng:
+ 05 ngày làm việc nếu vợ sinh thường;
+ 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi:
+ 10 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
+ 14 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
Ngoài ra, lao động nam được nghỉ với thời gian dài hơn trong trường hợp người vợ qua đời.
Đây không phải là sự ưu tiên thừa thãi mà là một đòi hỏi khách quan của thực tiễn. Bởi lẽ việc sinh con không phải là trách nhiệm riêng của người mẹ, mà người cha cũng phải đóng góp về thời gian, sức khỏe, tiền bạc. Khi quy định cho lao động nam được hưởng chế độ nghỉ thai sản thì đồng thời cũng phải đảm bảo công việc cũng như vị trí việc làm cho họ sau khi họ thụ hưởng quyền lợi mà Nhà nước quy định cho mình.
Thứ hai, kéo dài thời gian nghỉ thai sản đối với người lao động
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng và quay trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất 04 tháng (thời gian nghỉ thai sản tối thiểu cao hơn so với mức 14 tuần mà công ước 183 đưa ra). Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Nếu hết thời gian nghỉ thai sản mà pháp luật quy định, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ thêm và không hưởng lương trong thời gian đó.
Thứ ba, người lao động được nghỉ để hưởng chế độ khám thai
Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai. Thời gian nghỉ để hưởng chế độ khám thai không được tính vào thời gian nghỉ thường niên theo chế độ mà pháp luật quy định.
Thứ tư, ngoài thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ còn được nghỉ thêm trong khi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trong thời gian hành kinh. Thời gian nghỉ vẫn được tính vào thời gian làm việc và được hưởng lương theo hợp động lao động Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động. Chế độ nghỉ ngơi cụ thể như sau:
Trường hợp lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì mỗi ngày được nghỉ ít nhất 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi.
Trường hợp nghỉ trong thời gian hành kinh, số ngày được hưởng thời gian nghỉ khi hành kinh tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng hoặc có thể kéo dài hơn trên cơ sở thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng sẽ do người lao động thông báo với người sử dụng lao động.
Đây đều là những quy định mới xuất hiện trong Bộ luật lao động năm 2019, nó đã cho thấy những phấn đấu của Việt Nam trong việc nâng cao việc hưởng thụ các quyền hơn mức tiêu chuẩn mà công ước quốc tế đặt ra.