Biểu thuế đối với hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú. Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi ở Chùa Bà, Châu đốc An giang. Nhà tôi làm nghề nhà trọ cho khách đi cúng Bà nghỉ. Nhà tôi có 9 phòng: 5 phòng 1 giường,4 phòng chứa từ 6-15 người. Từ năm 2012: có cán bộ thuế đến thu thuế môn bài 750k, thuế hàng tháng: thì có tháng cán bộ thu đem giấy báo vào thu 100K, có tháng thì 50K, ... Đến 2013, 2014, 2015: thì cán bộ đến chỉ thu thuế môn bài là: 1 triệu, ngoài ra không thu thuế gì nữa. Bỗng dưng đến 2016, thì có cán bộ đến thu thuế môn bài của năm 2016 là: 1 triệu và đưa kèm theo tờ Thông Báo : Tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp: 18.048.757₫ tính đến ngày 31.01.2016. Sau đó em được mời ra phường hợp với nội dung về nợ thuế từ 2013 đến nay. Các cán bộ thuế đưa ra bản chi tiết chi chít số liệu... Cuối cùng ý kiến của em là cho em đóng thuế môn bài 2016 và thuế thu nhập 6 tháng đầu năm với mỗi tháng gồm có: thuế GTGT 525k cộng với thuế TNCN 210k. Các cán bộ thuế nói với em và các hộ kinh doanh khác là: chỉ lấy thuế 6 tháng đầu năm và thuế môn bài, còn 6 tháng còn lại thì làm giấy ngưng hoạt động vì đặc thù ở Chùa bà này chỉ có khách mấy tháng đầu năm mà thôi, mấy tháng cuối năm cũng có nhưng rất rất ít. Thậm chí cả mấy tháng mà nhà em không có một người ở trọ. Các cán bộ thuế dạy em làm giấy ngưng hoạt động nhà trọ, nhưng khi đưa mẫu đơn ra thì em đọc là: Văn bản đề nghị miễn (giảm) thuế , phần lí do: thì bảo là để "sửa nhà". Các ổng nói là nếu em không có tiền trả nợ cũ thì trả từ tháng, mỗi tháng là 500k thì mấy ổng mới chịu nhận tờ đơn xin giảm thuế. Lòng em thật là bức xúc, không biết cầu cứu đến ai, em viết thư này mong Luật sư tư vấn và hướng dẫn em phải làm sao mới đúng và em không bị xử ép. 1. Em có đọc về Theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC có quy định về biểu thuế suất thuế GTGT và thuế TNCN như sau: *Thuế suất 2% áp dụng trong trường hợp sau: - Dịch vụ lưu trú gồm: Hoạt động cung cấp cơ sở lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch, khách vãng lai khác;... => vậy thuế GTGT của em như vậy là đúng không? (theo em biết với số tiền 525k là tính tới 5% ) 2. Em hiện giờ đang có 2 con nhỏ học lớp 4 và lớp chồi , vậy em có được giảm thuế thu nhập cá nhân nữa không? 3. Em có đọc Đối với hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu của hàng hóa, dịch vụ hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Khoản 12, Điều 3 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ. => Theo thu nhập một năm của em( trừ tiền điện tiền nước và tiền người làm thì không thể nào đạt mức 80triệu/ năm) , vậy em có thuộc vào trường hợp này không? 4. Em phải đến gặp ai để giải quết vụ này? Xin Luật sư làm ơn hướng dẫn giúp em!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Nghị định 65/2013/NĐ – CP ngày 27 tháng 06 năm 2013
Thông tư 92/2015/TT- BTC ngày 15 tháng 06 năm 2015
Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng năm 2013
Nghị định 209/2013/NĐ – CP ngày 18 tháng 12 năm 2013
Nghị định 12/2015/NĐ -CP ngày 12 tháng 02 năm 2015
2. Nội dung tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn là hộ gia đình kinh doanh dịch vụ lưu trú, với ngành nghề kinh doanh cho thuê nhà trọ, nhà nghỉ cho khách du lịch đi chùa với quy mô 9 phòng. Năm 2012, cán bộ thuế đến thu thuế môn bài của gia đình bạn là 750.000 đồng; đồng thời hàng tháng thu thuế với giấy báo khi thì 100.000 đồng, khi thì 50.000 đồng. Đến năm 2013, năm 2014 thì cán bộ thuế đến chỉ thu thuế môn bài là 1.000.000 đồng mà không thu thuế nào khác. Năm 2016, cán bộ thuế đến thu thuế môn bài năm 2016 là 1.000.000 đồng, kèm theo tờ
Dựa trên những thông tin bạn cung cấp thì để giải quyết các vấn đề của bạn thì cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về việc xác định biểu thuế suất giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Dựa trên những thông tin bạn cung cấp thì gia đình bạn được xác định là hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú. Tuy nhiên, hộ gia đình bạn chỉ cung cấp nhà nghỉ, nhà trọ (cơ sở lưu trú) ngắn hạn cho khách du lịch, khách vãng lai cho khách đi lễ chùa Bà vào nghỉ, chứ không phải là cho thuê lâu dài theo hình thức cho thuê căn hộ hàng tháng, hay hàng năm, được coi như cơ sở thường trú. Trong trường hợp này căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT – BTC, hộ gia đình bạn sẽ thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán.
Đối với phương pháp nộp thuế khoán thì tại Điều 2 Thông tư 92/2015/TT – BTC có quy định:
“Điều 2. Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
1. Nguyên tắc áp dụng:
…b) Đối với cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: cá nhân mới ra kinh doanh; cá nhân kinh doanh thường xuyên theo thời vụ; cá nhân ngừng/nghỉ kinh doanh thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp, nếu kinh doanh không trọn năm thì cá nhân được giảm thuế khoán phải nộp tương ứng với số tháng ngừng/nghỉ kinh doanh trong năm.
…
c) Trường hợp cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất trong năm tính thuế.
…”
Trong đó, căn cứ tính thuế đối cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. Cụ thể xác định số thuế phải nộp đối với cá nhân, hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn hạn như sau:
Số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp = doanh thu tính thuế GTGT x tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp = doanh thu tính thuế TNCN x tỷ lệ thuế TNCN.
Trong đó: doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ.
Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Còn tỷ lệ thuế tính trên doanh thu được xác định theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT – BTC. Theo đó, dịch vụ lưu trú gồm hoạt động cung cấp cơ sở lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch, khách vãng lai khác; hoạt động cung cấp cho cơ sở lưu trú dài hạn cho sinh viên, công nhân và những đối tượng tương tự, hoạt động cung cấp cả cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống và/hoặc các phương tiện giải trí sẽ áp dụng tỷ lệ tính thuế giá trị gia tăng là 5%, và thuế suất thuế thu nhập cá nhân là 2%.
Xem xét trong trường hợp của bạn, bạn đóng thuế 6 tháng đầu năm với mỗi tháng gồm có thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 525. 000 đồng, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 210.000 đồng. Theo thông tin, bạn tính ra, thuế suất giá trị gia tăng áp dụng với gia đình bạn được tính là 5%, hoàn toàn phù hợp với quy định tại phụ lục 01 Ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT – BTC được trích dẫn ở trên.
Ngoài ra, việc nộp thuế theo các hình thức khoán đối với hộ gia đình, cá nhân còn phải đáp ứng các nguyên tắc được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT – BTC được trích dẫn ở trên. Bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế của mình để có sự xác định cụ thể.
Thứ hai, về việc xác định thu nhập từ hoạt động kinh doanh của bạn có thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 5
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT – BTC được trích dẫn ở trên cũng có quy định cụ thể: Đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn hạn, nộp thuế theo hình thức thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống thì được xác định không phải nộp thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống thì cũng là căn cứ để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng cho một người đại diện duy nhất trong năm tính thuế.
Trong đó, doanh thu tính thuế được xác định theo điểm khoản 2 Điều 2 Thông tư 92/2015, cụ thể:
“Điều 2. Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.
…2. Căn cứ tính thuế
Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
a) Doanh thu tính thuế
a.1) Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.
a.2) Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.”
Xem xét trong trường hợp của bạn, nếu như xác định được doanh thu tính thuế của bạn thấp hơn 100 triệu đồng thì sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Thứ ba, bạn có được giảm thuế thu nhập cá nhân khi đang có con nhỏ không.
Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện tại bạn đang nuôi hai con nhỏ: một con đang học lớp 4 và một con đang học lớp chồi (học mẫu giáo). Để xác định bạn có được giảm thuế thu nhập cá nhân hay không thì căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 65/2013/NĐ – CP thì người nộp thuế sẽ được xét giảm thuế thu nhập cá nhân nếu thuộc trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế. Do vậy, trường hợp bạn đang nuôi con nhỏ không phải là căn cứ để giảm thuế thu nhập cá nhân cho bạn.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 12 Nghị định 65/2013/NĐ – CP, và quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định 12/2015/NĐ – CP, thì trong trường hợp của bạn, mặc dù bạn đang nuôi con nhỏ – người phụ thuộc mà bạn có nghĩa vụ nuôi dưỡng, nhưng bạn vẫn không thuộc trường hợp được giảm trừ gia cảnh vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế thu nhập cá nhân cho bạn bởi vì thu nhập của bạn có được từ hoạt động kinh doanh
Như vậy, qua phân tích ở trên, việc bạn đang nuôi con nhỏ không phải là căn cứ giảm thuế thu nhập cá nhân hay giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Từ những căn cứ pháp lý được trích dẫn ở trên, bạn cần căn cứ vào tình huống thực tế của mình để có sự xác định cụ thể. Trong trường hợp, bạn thấy việc xác định mức thuế mà gia đình bạn phải đóng không hợp lý, và việc xác định khoản nợ thuế không phù hợp khi việc nộp thuế hoàn toàn được thực hiện theo thông báo thu thuế của cán bộ thuế thì bạn hoàn toàn có quyền đề nghị hoặc làm đơn khiếu nại lên cơ quan thuế để có sự xác định cụ thể về vấn đề này.