Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm, để thực hiện hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm, thì các cơ quan có thẩm quyền này sẽ tiến hành ra Quyết định kiểm tra an toàn thực phẩm.
Mục lục bài viết
1. Quyết định kiểm tra an toàn thực phẩm là gì?
An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Do đó, kiểm tra an toàn thực phẩm là là hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành thực hiện đối với các loại thực phẩm để kiểm tra thực phẩm đó có gây hại đến sức khỏe, tính mạnh của con người hay không?
Quyết định kiểm tra an toàn thực phẩm là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm.
Quyết định kiểm tra an toàn thực phẩm được sử dụng để cơ quan có thẩm quyền quyết định tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm đối với một cơ quan, tổ chức nhất định.
Trong quyết định kiểm tra an toàn thực phẩm thể hiện các thông tin như chủ thể ra quyết định, hình thức kiểm tra, thời hạn kiểm tra, thời điểm kiểm tra, chủ thể tiến hành kiểm tra
2. Chủ thể ra quyết định kiểm tra an toàn thực phẩm:
Tại Điều 68 Luật An toàn thực phẩm quy định thì chủ thể có trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm đó là:
“1. Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Bộ quản lý ngành thực hiện việc kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại các điều 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
2. Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ quản lý ngành và sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Trong trường hợp kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm có liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều ngành hoặc địa phương, cơ quan chủ trì thực hiện kiểm tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hữu quan thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan để thực hiện….”
Và tại
“a) Cục An toàn thực phẩm thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước.
b) Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.
c) Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là cấp huyện), Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện
d) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), Trạm Y tế xã chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn xã.”
Như vậy, cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm chính là cơ quan ra quyết định kiểm tra an toàn thực phẩm, bao gồm các cơ quan: Cục An toàn thực phẩm; Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Trạm Y tế xã. Các cơ quan này sẽ tiến hành ra quyết định kiểm tra an toàn thực phẩm khi có các căn cứ tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm.
Các căn cứ để tiến hành kiểm tra bao gồm các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm thực phẩm; quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực phẩm; các tiêu chuẩn có liên quan đến an toàn thực phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực phẩm; các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; quy định về quảng cáo, ghi nhãn đối với thực phẩm; quy định về kiểm nghiệm thực phẩm; quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm.
3. Mẫu quyết định kiểm tra an toàn thực phẩm và soạn thảo quyết định:
Quyết định kiểm tra an toàn thực phẩm được quy định trong Phụ lục được ban hành kèm theo Thông tư số 48/2015/TT-BYT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Mẫu quyết định như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
…….., ngày …. tháng …. năm …..
QUYẾT ĐỊNH
Kiểm tra an toàn thực phẩm .…….
THẨM QUYỀN BAN HÀNH VĂN BẢN (1)
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ …….. (Luật và Nghị định liên quan);
Căn cứ Thông tư số ……/………/TT-BYT ngày tháng năm …….. của Bộ Y tế quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế;
Căn cứ (2) …
Căn cứ kế hoạch … (yêu cầu quản lý hoặc chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên) (3);
Theo đề nghị của ………
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Kiểm tra an toàn thực phẩm ….
Hình thức kiểm tra: (Định kỳ hoặc đột xuất)
Thời hạn kiểm tra: (ghi số ngày kiểm tra kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra)
Thời kỳ kiểm tra: (ghi từ ngày … tháng … năm đến thời điểm kiểm tra)
Điều 2. Thành lập đoàn kiểm tra gồm các thành viên sau:
1. Họ tên và chức vụ: ……. Trưởng đoàn
2 Họ tên và chức vụ: …… Thành viên
3. ……
Điều 3. Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ:
(Ghi nhiệm vụ của đoàn kiểm tra)
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Ghi các đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
Nơi nhận:
– Như Điều ….;
– Lưu: VT, ….
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
Soạn thảo quyết định
(1) Thủ trưởng cơ quan ra quyết định;
(2) Văn bản quy phạm pháp luật quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan ra quyết định.
(3) Ghi kế hoạch kiểm tra được phê duyệt nếu là kiểm tra theo kế hoạch; nếu là kiểm tra đột xuất thì ghi lý do theo Khoản 1 Điều 8 Thông tư này.
4. Nội dung kiểm tra an toàn thực phẩm:
Nội dung kiểm tra an toàn thực phẩm được quy định rất chi tiết trong Thông tư số 48/2015/TT-BYT. Hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm được chia ra thành hai nhóm chủ thể được kiểm tra đó chính là kiểm tra đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Do đặc thù kinh doanh cũng như tính chất kinh doanh mà nội dung kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mỗi chủ thể được kiểm tra có nội dung khác nhau.
Về nội dung kiểm tra an toàn thực phẩm đối với kiểm tra đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thì hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm bao gồm các nội dung
Thứ nhất, kiểm tra hồ sơ hành chính, pháp lý của cơ sở bao gồm kiểm tra Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Giấy chứng nhận cơ sở đạt ISO, HACCP (Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) và tương đương;
Thứ hai, kiểm tra hồ sơ đối với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo
Thứ ba, đó là tiến hành kiểm tra hồ sơ, tài liệu và chấp hành của chủ cơ sở về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến; vận chuyển và bảo quản thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng của nguyên liệu, phụ gia và thành phẩm thực phẩm; các quy định khác có liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực phẩm;
Thứ tư, tiến hành kiểm tra nội dung ghi nhãn sản phẩm thực phẩm: kiểm tra việc thực hiện kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm; kiểm tra việc thực hiện các quy định về quảng cáo thực phẩm nếu cơ sở được kiểm tra có quảng cáo thực phẩm;
Và thực hiện hoạt động kiểm tra các giấy tờ liên quan đến việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu; và tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm trong trường hợp cần thiết.
Còn về nội dung kiểm tra an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, thì các chủ thể có thẩm quyền cũng thực hiện hoạt động kiểm tra hồ sơ hành chính, pháp lý của cơ sở như đối với hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. đó là tiến hành kiểm tra Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở thuộc diện cấp giấy, Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.
Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó là thực hiện kiểm tra hồ sơ, tài liệu và chấp hành của chủ cơ sở về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến; thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm của nhân viên; vận chuyển và bảo quản thực phẩm; nguồn nước; nguồn gốc xuất xứ đối với thực phẩm và nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm; lưu mẫu; các quy định khác có liên quan. Và chủ thể có thẩm quyền có thể lấy mẫu thức ăn, nguyên liệu thực phẩm để kiểm nghiệm trong trường hợp cần thiết.
Như vậy, đối với chủ thể được kiểm tra an toàn thực phẩm là chủ thể nào đi chăng nữa, thì các cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra về mặt giấy tờ pháp lý về hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kiểm tra các điều kiện về cơ sở vật chất xem có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không, tiến hành kiểm tra về thực phẩm như về nguồn gốc xuất xứ; tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm,… Hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm là hoạt động vô cùng quan trọng, đặc biệt trong tình trạng chạy theo lợi nhuận như ngày nay, lấy thực phẩm kém chất lượng để thu lại lợi nhuận cao hơn. Do vậy, hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm giúp kịp thời kiểm tra và xử lý nghiêm các chủ thể có hành vi vi phạm.