Pháp luật hiện nay đang được cải cách để phù hợp với xã hội và một trong số những cải cách pháp luật đó là những quy định về biện pháp cưỡng chế. Bài viết dưới đấy sẽ đi vào phân tích cụ thể những quy định về áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự.
Mục lục bài viết
- 1 1. Biện pháp cưỡng chế là gì?
- 2 2. Phân loại các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự:
- 3 3. Quy định về áp dụng biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự:
- 3.1 3.1. Quy định áp dụng áp giải, dẫn giải:
- 3.2 3.2. Quy định áp dụng kê biên tài sản:
- 3.3 3.3. Quy định áp dụng phong tỏa tài khoản:
- 3.4 3.4. Quy định áp dụng tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án:
1. Biện pháp cưỡng chế là gì?
Biện pháp cưỡng chế là một thuật ngữ đã tồn tại từ lâu trong khoa học pháp lý. Về mặt thuật ngữ pháp lý, theo cuốn Từ điển Luật học, khái niệm này được định nghĩa là: “Biện pháp bắt buộc cá nhân hay tổ chức phải thực hiện một nghĩa vụ, trách nhiệm theo quyết định đã có hiệu lực của một cá nhân, tổ chức có thẩm quyền”. Theo đó, để bảo đảm thực thi pháp luật, ngoài phương thức giáo dục, thuyết phục mọi chủ thể tự giác tuân thủ, bất kỳ Nhà nước nào cũng sử dụng sức mạnh cưỡng chế bằng pháp luật, Biện pháp cưỡng chế là khái niệm thuộc phạm trù Nhà nước và pháp luật, là một hiện tượng gắn liền với Nhà nước.
Tố tụng hình sự là một trong những lĩnh vực hoạt động quan trọng của Nhà nước. So với các lĩnh vực hoạt động khác thì tố tụng hình sự là lĩnh vực trong đó việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế là cần thiết, khách quan và có nguy cơ xâm phạm nhiều nhất đến tự do cá nhân, hạn chế một số quyền con người, nhân thân theo hiến định. Điều này xuất phát từ nhiệm vụ của tố tụng hình sự là phát hiện tội phạm và kẻ phạm tội. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự cần thiết áp dụng các biện pháp cưỡng chế can thiệp vào tự do cá nhân, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền hiến định khác của công dân.
Mặc dù biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự là một vấn đề trong truyền thống khoa học pháp lý. Tuy nhiên, biện pháp cưỡng chế với tư cách là một thuật ngữ pháp lý lại chưa hề được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự thực định. Với sự ra đời của
“Điều 126. Các biện pháp cưỡng chế
Để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.”
Với việc đầu tiên quy định về pháp nhân và trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cũng đưa ra quy định về biện pháp cưỡng chế áp dụng với pháp nhân, theo đó theo Điều 436 Luật này quy định
“Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau đây đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử:
a) Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
b) Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
c) Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
d) Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.”
Như vậy, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 lần đầu tiên được nhắc đến thuật ngữ “Biện pháp cưỡng chế” mặc dù chưa đưa ra được khái niệm nhưng đã ghi nhận và liệt kê được những biện pháp được coi là biện pháp cưỡng chế bào gồm: áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động và buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án. Trong đó có 4 biện pháp áp dụng cho cá nhân bao gồm: áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và 4 biện pháp áp dụng cho pháp nhân bao gồm: kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động, buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.
Biện pháp cưỡng chế tiếng Anh dịch là “Coercive measures “
2. Phân loại các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự:
Căn cứ vào mục đích áp dụng, biện pháp cưỡng chế trong TTHS có thể được chia thành 3 nhóm chính như sau:
– Nhóm 1 gồm các biện pháp nhằm ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn người có hành vi bỏ trốn hoặc gây khó khăn cho hoạt động giải quyết vụ án như bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh và đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm hoặc hoãn xuất cảnh.
– Nhóm 2 gồm những biện pháp bảo đảm cho việc thu thập chứng cứ như khám xét, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra, nhận dạng…
– Nhóm 3 gồm những biện pháp bảo đảm thuận lợi cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án như kê biên tài sản, áp giải, dẫn giải…
3. Quy định về áp dụng biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự:
Từng biện pháp cưỡng chế luôn được áp dụng theo nguyên tắc phụ thuộc vào 5 yếu tố sau về căn cứ áp dụng, thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục và thời hạn tiến hành. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế chỉ đặt ra trong trường hợp thật sự cần thiết, đáp ứng đầy đủ căn cứ, điều kiện luật định và nếu không áp dụng thì sẽ gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, thậm chí vụ án sẽ đi vào bế tắc. Dưới đây là những biện pháp cưỡng chế cụ thể được quy định trong tố tụng hình sự.
3.1. Quy định áp dụng áp giải, dẫn giải:
Áp giải có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội.
Dẫn giải có thể áp dụng đối với:
– Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
– Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
– Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
– Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải.
– Quyết định áp giải, quyết định dẫn giải phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị áp giải, dẫn giải; thời gian, địa điểm người bị áp giải, dẫn giải phải có mặt
– Người thi hành quyết định áp giải, dẫn giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải, dẫn giải. Cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định áp giải, dẫn giải.
– Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.
3.2. Quy định áp dụng kê biên tài sản:
– Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.
– Những người có thẩm quyền ra lệnh kê biên tài sản. bao gồm
+Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
+ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
+ Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
+ Thẩm phán chủ tọa phiên tòa
Lệnh kê biên phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
– Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
– Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt những người:
+ Bị can, bị cáo hoặc người đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình hoặc người đại diện của bị can, bị cáo;
+ Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên;
+ Người chứng kiến.
Người tiến hành kê biên phải lập biên bản, ghi rõ tên và tình trạng từng tài sản bị kê biên. Biên bản được lập theo quy định đọc cho những người có mặt nghe và cùng ký tên. Ý kiến, khiếu nại liên quan đến việc kê biên được ghi vào biên bản, có chữ ký xác nhận của họ và của người tiến hành kê biên.
Biên bản kê biên được lập thành bốn bản, trong đó một bản được giao ngay cho người được quy định tại điểm a khoản này sau khi kê biên xong, một bản giao ngay cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên, một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản đưa vào hồ sơ vụ án.
3.3. Quy định áp dụng phong tỏa tài khoản:
– Phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.
– Những người có thẩm quyền như đã quy định ở quy định trên có quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản. Lệnh phong tỏa tài khoản của những người được quy định của Bộ luật này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
– Chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại. Người được giao thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong tỏa mà giải tỏa việc phong tỏa tài khoản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
– Khi tiến hành phong tỏa tài khoản, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải giao quyết định phong tỏa tài khoản cho tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị buộc tội hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội. Việc giao, nhận lệnh phong tỏa tài khoản phải được lập thành biên bản theo quy định.
Ngay sau khi nhận được lệnh phong tỏa tài khoản, tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản và lập biên bản về việc phong tỏa tài khoản.
Biên bản về việc phong tỏa tài khoản được lập thành năm bản, trong đó một bản được giao ngay cho người bị buộc tội, một bản giao cho người khác có liên quan đến người bị buộc tội, một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, một bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản lưu tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Ngoài ra, biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp:
– Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án;
– Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;
– Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội;
– Bị cáo không bị phạt tiền, tịch thu tài sản và bồi thường thiệt hại.
Khi đó, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi thấy không còn cần thiết. Đối với biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong giai đoạn điều tra, truy tố thì việc hủy bỏ hoặc thay thế phải thông báo cho Viện kiểm sát trước khi quyết định.
3.4. Quy định áp dụng tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án:
– Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân chỉ áp dụng khi có căn cứ xác định hành vi phạm tội của pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội. Người có thẩm quyền theo quy định trên của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân. Quyết định tạm đình chỉ hoạt động của pháp nhân của những người quy định của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thời hạn tạm đình chỉ hoạt động của pháp nhân không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn tạm đình chỉ đối với pháp nhân bị kết án không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm pháp nhân chấp hành án.
– Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Chỉ buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án tương ứng với mức có thể bị phạt tiền hoặc để bồi thường thiệt hại.
Người có thẩm quyền quy định của Bộ luật này có quyền ra quyết định buộc pháp nhân phải nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án. Quyết định buộc pháp nhân phải nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án của những người quy định của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp.
Căn cứ pháp lý sử dụng trong bài viết:
–
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
–