Ngay tại các nút giao nhau với đường sắt, giao thông rất phức tạp mà nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Nhiều người dân hiện nay vẫn chưa hiểu rõ về các biển báo cảnh báo nguy hiểm tại các nút giao nhau với đường sắt. Vậy ” biển nào báo hiệu nguy hiểm giao nhau với đường sắt” là gì?
Mục lục bài viết
1. Biển báo hiệu nguy hiểm giao nhau với đường sắt là gì?
Căn cứ theo quy chuẩn số 41/2019 của Bộ giao thông vận tải, thì biển báo hiệu nguy hiểm giao nhau với đường sắt gồm có hai biển báo là biển “Giao nhau với đường sắt có rào chắn (kí hiệu là biển số W.210) và biển số “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn” (kí hiệu là biển số W.211a).
Biển số W.210 ” Giao nhau với đường sắt có rào chắn”: Để báo trước sắp đến chỗ giao nhau giữa đường bộ và đường sắt có rào chắn kín hay rào chắn nửa kín và có nhân viên ngành đường sắt điều khiển giao thông, đặt biển số W.210 “Giao nhau với đường sắt có rào chắn”.
Biển số W.211a “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn”: Để báo trước sắp đến chỗ giao nhau giữa đường bộ và đường sắt không có rào chắn, không có người điều khiển giao thông, đặt biển số W.211a “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn”. Trong trường hợp có từng đoạn đường bộ và đường sắt cùng đi chung với nhau, như cầu đi chung, đặt một trong hai biển số W.210 hoặc W.211a cho phù hợp với thực tế có hay không có rào chắn.
Lưu ý: Nơi đặt biển số W.211a, đặt thêm biển số W.242(a, b) “Nơi đường sắt giao nhau vuông góc với đường bộ” đặt cách ray ngoài cùng của đường sắt là 10 m.
Như vậy, có thể hiểu biển báo hiệu nguy hiểm giao nhau với đường sắt là các biển thuộc nhóm biển nguy hiểm và mang tính chất cảnh báo, có giá trị trên các làn đường của chiều xe chạy. Về mặt cấu trúc, đặc điểm chung của cả hai loại biển số “Giao nhau với đường sắt có rào chắn” hay biển số “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn” à có hình tam giác đều, viền đỏ, nền màu vàng, trên có hình vẽ màu đen mô tả sự việc cần báo hiệu.
2. Quy định chung khi đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt:
Căn cứ theo Điều 25
– Trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước
– Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua
– Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua
– Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi
– Những người có mặt tại nơi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có trách nhiệm giúp đỡ người điều khiển phương tiện đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt
– Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt hoặc trong phạm vi an toàn đường sắt thì người điều khiển phương tiện phải bằng mọi cách nhanh nhất đặt báo hiệu trên đường sắt cách tối thiểu 500 mét về hai phía để báo cho người điều khiển phương tiện đường sắt và tìm cách báo cho người quản lý đường sắt, nhà ga nơi gần nhất, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt
3. Những điều cần lưu ý khi gặp biển báo hiệu nguy hiểm giao nhau với đường sắt:
Thứ nhất, không được vượt xe:
Tại Khoản 5 Điều 14 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định các trường hợp không được vượt xe, trong đó có quy định “Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt”.
Chế tài xử phạt nếu vi phạm như sau:
– Đối với xe ô tô: Phạt tiền từ “4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng” đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt (đối với loại phương tiện đang điều khiển)
+ Không có báo hiệu trước khi vượt
+ Vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép, trừ trường hợp tại đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái (Điểm d Khoản 5 Điều 5
Bên cạnh đó sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01-03 tháng (điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP)
– Đối với xe máy: Phạt tiền từ “800.000 đồng đến 1.000.000 đồng” đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, đối với loại phương tiện đang điều khiển vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt (điểm c Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP)
Thứ hai, không được lùi xe:
Khoản 2 Điều 16 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, đường cao tốc.
Chế tài xử lý vi phạm:
– Đối với xe ô tô: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Hành vi lùi xe ở đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất; lùi xe không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước (điểm o Khoản 3 Điều 5
– Đối với xe máy: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi lùi xe mà gây tai nạn:
Hành vi lùi xe không chú ý quan sát, điều khiển xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông (điểm b Khoản 7 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP)
Thứ ba, không được quay đầu xe:
Khoản 4 Điều 15 Luật giao thông đường bộ quy định không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.
Chế tài xử phạt:
– Đối với ô tô: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi thực hiện hành vi:
+ Quay đầu xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt
+ Quay đầu xe tại nơi đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm quay đầu đối với loại phương tiện đang điều khiển (điểm k Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP)
– Đối với xe máy: phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng (Điểm p khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Thứ tư, không được dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt:
Khoản 4 Điều 18 Luật giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt
Chế tài xử phạt nếu vi phạm :
– Đối với xe ô tô: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng
(Điểm d khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
– Đối với xe máy: Phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng
(Điểm h khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
Thứ năm, xe bị hư hỏng trên đoạn đường giao với đường sắt phải đặt cảnh báo
Theo khoản 5 Điều 25 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 người điều khiển phương tiện phải bằng mọi cách nhanh nhất đặt báo hiệu trên đường sắt cách tối thiểu 500 mét về hai phía để báo cho người điều khiển phương tiện đường sắt và tìm cách báo cho người quản lý đường sắt, nhà ga nơi gần nhất, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt trong trường hợp phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt hoặc trong phạm vi an toàn đường sắt.