Khi tham gia giao thông, chủ phương tiện cần phải nắm rõ những biển báo cấm để có những kiến thức tránh bị vi phạm pháp luật và mất tiền. Trọng tải là một thông số kỹ thuật cực kỳ quan trọng khi điều khiển tham gia giao thông. Vậy biển báo 10t là gì? Cùng tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Biển báo 10t là gì?
Biển báo 10t là một biển báo ký hiệu là P.115, là biển báo mang hàm ý “Hạn chế trọng tải toàn bộ xe”.
Căn cứ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT quy định biển số P.115 mục đích để báo đường cấm các xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định, có trọng tải toàn bộ xe (trọng tải bản thân xe cộng với khối lượng người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe) vượt quá trị số ghi trên biển đi qua.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Khoản 10, Khoản 11 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định trọng tải thiết kế của xe ô tô là số người và khối lượng hàng hóa tối đa mà xe ô tô đó được chở theo quy định của nhà sản xuất. Và trọng tải được phép chở của xe ô tô là số người và khối lượng hàng hóa tối đa mà xe ô tô đó được phép chở, nhưng không vượt quá trọng tải thiết kế của phương tiện, khi hoạt động trên đường bộ theo quy định.
Như vậy, trọng tải được hiểu là khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở, được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Và các thông số kỹ thuật về trọng tải được ghi nhận cụ thể trên giấy đăng kiểm xe do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.
Theo quy định của pháp luật, kí hiệu “t” được hiểu là tổng trọng tải, tức là xác xe là tự trọng của xe (trọng lượng bản thân) + hàng hóa.
Hiện nay, nếu như lưu thông trên đường, đoạn đường có cắm biển báo 10t thì nghĩa là các phương tiện, kể cả xe ưu tiên (xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe cảnh sát,…) mà có trọng tải toàn bộ xe vượt quá 10 tấn thì không được phép đi vào đoạn đường đó.
Mục đích việc cấm các xe có trọng tải trên 10 tấn đi vào những đoạn đường để hạn chế việc nguy cơ gây hại cho cầu, đường bộ, và hạn chế mất an toàn giao thông trên đoạn đường đó. Bởi nếu như xe cộ chở quá tải thường xuyên rất dễ dẫn đến việc hệ lụy như xe nhanh bị hao mòn; cầu đường xuống cấp nghiêm trọng; rất dễ xảy ra tai nạn giao thông;…
2. Phân biệt ‘trọng tải” và “tải trọng”:
Giữa trọng tải với tải trọng là hai khái niệm gần giống nhau nhưng bản chất có sự khác biệt và thường bị gây nhầm lẫn. Cụ thể:
– Trọng tải như trên đã phân tích là khả năng chuyên chở hàng hóa tối đa mà phương tiện được phép vận chuyển theo đúng chuẩn an toàn kỹ thuật được cấp phép.
– Còn tải trọng là khối lượng hàng hóa thực tế mà phương tiện vận tải đang chở hoặc vận chuyển. Như vậy, tải trọng chỉ là tính khối lượng hàng hóa mà xe đang vận chuyển.
3. Mức xử phạt khi vi phạm đi vào đường vượt quá trọng tải:
Trường hợp xe có tổng trọng tải vượt quá 10 tấn cố tình đi vào đoạn đường cắm biển báo 10t là hành vi vi phạm được quy định tại
– Điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 10% đến 20%: xử phạt từ 4 triệu đến 6 triệu đồng (quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
– Điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 50%: xử phạt từ 13 triệu đến 15 triệu đồng (điểm a khoản 4 Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
– Điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50%: xử phạt từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng (điểm a khoản 5 Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
– Bên cạnh việc bị phạt tiền người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung:
+ Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng (lỗi vi phạm điểm a khoản 4 Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
+ Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 03 tháng đến 05 tháng (lỗi vi phạm điểm a khoản 5 Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Lưu ý: Mức phạt với chủ xe nêu trên là mức phạt đối với chủ xe là cá nhân. Nếu chủ xe là tổ chức mức phạt gấp đôi so với mức phạt dành cho cá nhân.
Nếu chủ xe đồng thời là người trực tiếp điều khiển phương tiện thì bị xử phạt theo mức phạt đối với chủ xe.
4. Cách tính % quá tải của xe:
Như trên phân tích, có thể đưa ra cách tính % quá tải của xe như sau:
% quá tải = Khối lượng quá tải : Khối lượng chuyên chở x 100%
Trong đó:
Khối lượng quá tải = Khối lượng toàn bộ xe khi kiểm tra thực tế – Khối lượng xe – Khối lượng hàng hóa được phép chở
Ví dụ: Xe có khối lượng hàng chuyên chở ghi trong đăng kiểm là 10 tấn, xác xe là 2,5 tấn. Xe chở hàng bị Cảnh sát giao thông cân được tổng trọng lượng là 27 tấn. Vậy % quá tải của xe được tính như sau:
[(27 – 2,5 – 10) : 10] x 100% = 145%
5. Phân biệt biển báo cấm tải trọng và tổng tải trọng thường gây nhầm lẫn:
Hiện nay, nhóm biển cấm tải trọng gồm có 4 nhóm biển chính, cụ thể bao gồm: Biển số 106a, Biển báo cấm 106b, biển báo cấm P.115 và biển P.116
Đặc điểm của các loại biển cấm tải trọng thường có hình tròn, viền màu đỏ tươi, nền trắng. Bên trong nền sẽ là hình biểu thị mô tả điều cấm/quy định về tải trọng cho các phương tiện giao thông. Đối với loại biển mang tính chất “cấm” sẽ có thêm đường gạch chéo đỏ ở giữa; biểu thị sự “không được phép”. Người tham gia giao thông buộc phải chấp hành mệnh lệnh quy định tại các biển báo này khi tham gia giao thông, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.
– Biển số 106a “Cấm ô tô tải”: cấm tất cả các loại xe tải có trọng tải từ 1,5 tấn trở lên (bao gồm cả xe máy kéo và xe chuyên dùng khác) trừ các xe được ưu tiên theo quy định. Theo đó, khối lượng chuyên chở là tổng khối lượng của tất cả hàng hóa và người cùng đồ vật trên xe mà không tính khối lượng riêng của xe tải đó.
– Biển báo cấm 106b “Cấm ô tô tải”: Là biển báo đường cấm tất cả các loại xe ôtô tải (bao gồm cả xe máy kéo và xe chuyên dùng khác) có khối lượng chuyên chở (theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật) lớn hơn một giá trị nhất định được ghi trên biển.
Như vậy, căn cứ vào khối lượng chuyên chở theo Giấy chứng nhận kiểm định của xe:
+ Nếu lớn hơn giá trị ghi trên biển thì bạn không được đi vào đoạn đường có biển này
+ Nếu nhỏ hơn hoặc bằng giá trị ghi trên biển thì bạn được đi vào đoạn đường này
– Biển P.115 như trên đã phân tích ý nghĩa “Hạn chế tải trọng toàn bộ xe“: Để báo đường cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định, có tổng tải trọng vượt quá trị số ghi trên biển đi qua
Ví dụ: đoạn đường đặt biển báo cấm tải trọng toàn bộ xe từ 3,5 tấn trở lên. Xe có tải trọng vượt quá 3,5 tấn, nếu đi vào đoạn đường đó sẽ bị vi phạm pháp luật.
– Biển số P.116 mang ý nghĩa “Hạn chế tải trọng trên trục xe”: cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định, có tải trọng toàn bộ xe (cả xe và hàng) phân bổ trên một trục bất kỳ của xe (tải trọng trục xe) vượt quá trị số ghi trên biển đi qua. Trong đó tải trọng trục xe được hiểu là phần của trọng tải toàn bộ xe phân bổ trên mỗi trục xe ; bao gồm: trục đơn, cụm trục kép, cụm trục ba.
Biển báo cấm được xác định là nhóm biển báo giao thông quan trọng, vì nó liên quan trực tiếp đến tính tuân thủ pháp luật an toàn giao thông và còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của chính người tham gia giao thông trên tuyến đường đó. Đây là lý do vì sao đòi hỏi người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông phải nắm bắt và hiểu được ý nghĩa của những loại biển báo cấm này thì mới có thể được cấp giấy phép lái xe.