Biên bản vi phạm luật giao thông là gì? Thẩm quyền lập biên bản vi phạm giao thông?Thời hạn, hiệu lực của biên bản vi phạm luật giao thông?
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu đi lại, di chuyển của con người ngày càng cao; do đó, số lượng các phương tiện lưu thông ngày càng nhiều. Điều này không chỉ là bài toán cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn là vấn đề lớn trong việc vận hành, điều chỉnh luật giao thông, bởi số lượng vi phạm giao thông mỗi ngày tương đối lớn. Khi vi phạm giao thông, người tham gia giao thông sẽ bị lập văn bản xử phạt. Vậy biên bản vi phạm giao thông sẽ có hiệu lực trong thời hạn bao lâu? Luật Dương gia sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu vấn đề này.
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Khái niệm vi phạm giao thông:
-Vi phạm pháp luật giao thông là hành vi trái pháp luật, có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý xâm hại tới trật tự an toàn giao thông và các nội dung khác thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật giao thông.
– Dấu hiệu vi phạm an toàn giao thông: Hành vi vi phạm an toàn giao thông có các dấu hiệu cơ bản sau đây:
+ Hành vi của con người gồm hành vi hành động và hành vi không hành động: thực hiện các hành vi pháp luật giao thông cấm; Không thực hiện các yêu cầu, nghĩa vụ khi tham gia giao thông.
+ Là hành vi trái quy định của pháp luật giao thông.
Tính trái pháp luật của hành vi thể hiện ở chỗ không tuân theo quy định của pháp luật. Hay nói cách khác, hành vi trái quy định của pháp luật là hoạt động của cá nhân xâm phạm đến những quy định, nguyên tắc mà pháp luật đề ra hoặc không làm hoặc làm không đầy đủ điều pháp luật bắt buộc phải làm hoặc làm điều mà pháp luật cấm. Đây chính là biểu hiện của việc không tuân thủ pháp luật.
+ Là hành vi có chứa đựng lỗi của chủ thể: Tức trong quá trình tham gia giao thông, chủ thể bằng ý chí chủ quan của mình đã thực hiện hành vi trái pháp luật. Nói cách khác, tại thời điểm xảy ra chủ thể có lỗi, chủ thể đang không tuân thủ quy định, trách nhiệm cần có của người tham gia giao thông bằng phương tiện tương ứng.
+ Là hành vi do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện: Hành vi vi phạm giao thông phải được thực hiện bởi chủ thể đủ độ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý theo luật định. Bên cạnh đó, chủ thể của hành vi không mắc các bệnh tâm thần, tức họ hoàn toàn có khả năng nhận thức được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và hậu quả pháp lý của nó.
Khi một chủ thể đảm bảo được một trong các dấu hiệu nêu trên thì sẽ được xem là vi phạm giao thông. Thực tế, hành vi vi phạm giao thông diễn ra ngày càng nhiều. Dấu hiệu vi phạm cũng được thể hiện tương đối rõ, điều này giúp việc xác định hành vi vi phạm và chủ thể vi phạm được dễ dàng hơn.
2. Biên bản vi phạm giao thông có hiệu lực trong thời hạn bao lâu?:
2.1. Biên bản vi phạm giao thông là gì?
– Biên bản vi phạm giao thông có thể được hiểu là văn bản ghi nhận lại diễn biến, thời gian, địa điểm, đối tượng thực hiện, trình tự, nội dung,…. của một hành vi vi phạm pháp luật giao thông đã được diễn ra trên thực tiễn. Đây được xem là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt.
Khi một chủ thể tham gia giao thông có hành vi vi phạm giao thông, cán bộ công an sẽ lập biên bản vi phạm giao thông. Trong biên bản sẽ ghi rõ thời gian, địa điểm, lỗi mà chủ thể mắc phải và diễn biến của hành vi vi phạm đó.
Biên bản vi phạm giao thông được lập một cách công khai, khách quan, dựa trên lỗi của hành vi mà chủ thể tham gia giao thông phạm phải.
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn B tham gia giao thông. Tại ngã ba, khi đang có đèn xanh dành cho người đi bộ, do vội nên anh phóng xe vượt qua. Hành vi này của anh đã được cán bộ chức năng ghi nhận. Sau khi yêu cầu anh dừng xe, cán bộ chức năng đã kiểm tra giấy tờ xe, giấy phép lái xe, giấy tờ tùy thân (căn cước công dân) và lập biên bản xử phạt về hành vi vượt đèn đỏ của anh Nguyễn Văn B. Trong biên bản ghi rõ lỗi mà anh B phạm phải, diễn biến của hành vi vi phạm, căn cứ xử phạt và mức phạt dành cho anh B. Việc lập biên bản xử phạt diễn ra một cách khách quan, công minh, dưới sự theo dõi, quan sát của chủ thể vi phạm.
-Thông thường, một biên bản vi phạm giao thông sẽ có nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản;
+ Họ, tên, chức vụ người lập biên bản;
+ Họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm;
+ Giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm;
+ Hành vi vi phạm;
+ Tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ;
+ Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ;
+ Quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm;
+ Cơ quan tiếp nhận giải trình;
+ Biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý.
– Biên bản vi phạm giao thông phải được lập thành ít nhất 02 bản, giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản và phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký vào.
– Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm giao thông:
Khoản 1 Điều 79 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm c khoản 33 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm giao thông như sau:
“Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bao gồm:
a) Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại các Điều 75, 76 và 77 của Nghị định này;
b) Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tuần kiểm có quyền lập biên bản đối với các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ;
c) Công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi quản lý của địa phương;
d) Công chức thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của Thanh tra Sở Giao thông vận tải;
đ) Công chức, viên chức thuộc Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 28 Nghị định này khi xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của cảng vụ.”
2.2. Hiệu lực của biên bản vi phạm giao thông:
Biên bản vi phạm giao thông là một loại hình văn bản ghi chép lại hành vi vi phạm của chủ thể tham gia giao thông, nó không thể hiện quyết định xử phạt. Biên bản vi phạm giao thông là cơ sở để đưa ra quyết định xử phạt. Do đó thời gian hiệu lực của biên bản vi phạm giao thông sẽ phụ thuộc vào thời gian có hiệu lực của quyết định xử phạt.
Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định cụ thể về vấn đề này như sau:
“Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra
Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày”.
Như vậy, thời hạn có hiệu lực của biên bản vi phạm giao thông sẽ phụ thuộc vào thời gian có hiệu lực của biên bản xử phạt, thông thường là 07 ngày, tối đa là 30 ngày đối với những vụ việc có tình tiết phức tạp, tối đa 60 ngày đối với những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.
Sau khi cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định xử phạt và quyết định này có hiệu lực, biên bản vi phạm giao thông sẽ hết hiệu lực.
Biên bản vi phạm giao thông được xem là văn bản ghi lại quá trình vi phạm của chủ thể tham gia giao thông mắc lỗi, là căn cứ để cán bộ, cơ quan chức năng có thẩm quyền dựa vào nhằm để ra những hình thức, chế tài xử phạt cho người vi phạm. Đồng thời, biên bản vi phạm giao thông thể hiện tính khách quan, công minh trong quá trình làm việc giữa cán bộ chức năng và chủ thể phạm lỗi. Điều này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh giao thông, cũng như thay đổi tư duy khi tham gia giao thông của người dân.