Hợp đồng gia công là hợp đồng thông dụng trong giao kết dân sự hiện nay. Với bản chất tự do thỏa thuận của hợp đồng, thì các bên của hợp đồng có quyền thỏa thuận về việc giao kết, thực hiện, chấm dứt, thanh lý hợp đồng. Khi thực hiện thanh lý hợp đồng, các bên thường sử dụng biên bản thanh lý hợp đồng gia công.
Mục lục bài viết
1. Biên bản thanh lý hợp đồng gia công là gì?
Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công. (Điều 542
Thanh lý hợp đồng gia công là hoạt động các bên hoàn tất các thủ tục hoàn tất việc kết thúc hợp đồng, chấm dứt sự ràng buộc với nhau.
Biên bản thanh lý hợp đồng gia công là văn bản được lập ra khi các bên của hợp đồng gia công thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng.
Biên bản thanh lý hợp đồng gia công giúp ghi lại quá trình các bên thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng gia công. Biên bản này chính là căn cứ phòng những tranh chấp không đáng có giữa các bên sau này.
2. Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng gia công:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—o0o—
THANH LÝ HỢP ĐỒNG GIA CÔNG
Số: ……./TLHĐ
Căn cứ ……..
Hôm nay, ngày ……. tháng ……. năm …….
1. BÊN NHẬN GIA CÔNG
CÔNG TY…….
Địa chỉ: ……
Số điện thoại: ….. Mã số thuế: …..
Đại diện: …… Chức vụ: …..
(Sau đây gọi là bên A)
2. BÊN GIAO GIA CÔNG
CÔNG TY ……
Địa chỉ: ……
Số điện thoại: ……. Mã số thuế: …..
Đại diện: …… Chức vụ: ……
(Sau đây gọi là bên B)
Sau khi bàn bạc, hai bên thỏa thuận đồng ý thanh lý hợp đồng gia công số ….. ký ngày …… như sau:
Bên B đã giao cho bên A số lượng nguyên vật liệu:
Tên nguyên vật liệu: ….. Số lượng: …..
Bên A đã hoàn thành theo đúng yêu cầu và bàn giao cho bên B số lượng thành phẩm:
Tên thành phẩm: ….. Số lượng: ……
Số lượng nguyên bật liệu còn thừa sau khi gia công là: ….
Bên A xuất hóa đơn GTGT số ….. ngày ….. cho bên B trị giá:
Tổng tiền hàng: ….
Thuế GTGT: …….
Tổng thanh toán: ….
(Viết bằng chữ: ….. )
Bên B thanh toán cho bên A số tiền ……bằng ….. trong …
Thanh lý hợp đồng này được lập thành 04 (bốn) bản gốc, mỗi bên giữ 02 bản có giá trị như nhau.
ĐẠI DIỆN BÊN A
ĐẠI DIỆN BÊN B
3. Hướng dẫn viết biên bản thanh lý hợp đồng gia công:
Ghi số biên bản thanh lý hợp đồng
Phần căn cứ ghi cơ sở pháp lý mà các bên căn cứ, có thể là Bộ luật Dân sự năm 2015 hoặc Luật Thương mại năm 2005,…
Ghi ngày tháng năm lập biên bản thanh lý hợp dồng gia công
Phần thông tin của các bên công ty thì:
– Tên công ty ghi đầy đủ, chính xác tên của công ty.
– Địa chỉ ghi địa chỉ nơi đặt trụ sở của công ty, ghi rõ số nhà, tên đường, tổ dân phố, phường/xã/thị trấn, quận/huyện/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố.
– Ghi số điện thoại công ty sử dụng. Ghi mã số thuế công ty
– Ghi đại diện theo pháp luật của công ty, và chức vụ của họ.
Ghi tên nguyên liệu, thành phẩm và số lượng mà hai bên đã giao cho nhau, số lượng nguyên vật liệu còn thừa/
Ghi số hóa đơn Giá trị gia tăng, tổng tiền hàng, tiền thuế giá trị gia tăng
4. Quy định pháp luật về hợp đồng gia công, thanh lý hợp đồng gia công:
Theo pháp luật thương mại, thì gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao. (Điều 178 Luật Thương mại năm 2005).
Tất cả các loại hàng hóa đều có thể được gia công, trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh. Trường hợp gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài thì hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu có thể được gia công nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. (Điều 179 Luật Thương mại năm 2005).
Còn trong Bộ luật dân sự năm 2015 quy định việc thanh lý nguyên vật liệu khi hợp đồng gia công chấm dứt như sau: “Khi hợp đồng gia công chấm dứt, bên nhận gia công phải hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” (Điều 553)
5. Thanh lý hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài:
Thương nhân Việt Nam được nhận gia công hàng hóa hợp pháp cho thương nhân nước ngoài, trừ hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với hàng hóa thuộc danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện, chỉ các thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định về sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó mới được gia công xuất khẩu cho nước ngoài. Đối với các mặt hàng nhập khẩu theo hình thức chỉ định thương nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc gia công hàng hóa thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài sau khi được Bộ Công Thương cấp Giấy phép. (Điều 38 Nghị định số 69/2018/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương)
Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của Luật thương mại và phải tối thiểu bao gồm các điều khoản sau: Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp; Tên, số lượng sản phẩm gia công; Giá gia công; Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán; Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công; Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có); Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công; Địa điểm và thời gian giao hàng; Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa; Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.(Điều 40 Nghị định số 69/2018/NĐ- CP).
Nghị định số 69/2018/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương quy định về việc thanh lý, quyết toán hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài tại Điều 44 như sau
– Khi kết thúc hợp đồng gia công hoặc hợp đồng gia công hết hiệu lực, các bên ký kết hợp đồng gia công phải thanh lý hợp đồng và thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, sản phẩm xuất khẩu định kỳ với cơ quan Hải quan.
– Căn cứ để thanh lý hợp đồng gia công là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu, lượng sản phẩm xuất khẩu theo định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, định mức tiêu hao vật tư và tỷ lệ hao hụt đã được thỏa thuận tại hợp đồng gia công.
Căn cứ để thanh khoản hợp đồng gia công là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tái xuất, lượng sản phẩm xuất khẩu theo định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, định mức tiêu hao vật tư và tỷ lệ hao hụt phù hợp với thực tế thực hiện hợp đồng.
– Máy móc, thiết bị thuê, mượn theo hợp đồng; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu, phế thải được xử lý theo thỏa thuận của hợp đồng gia công nhưng phải phù hợp với luật pháp Việt Nam.
– Việc tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có) chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của Sở Tài nguyên – Môi trường và phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trường hợp không được phép hủy tại Việt Nam thì phải tái xuất theo chỉ định của bên đặt gia công.
– Việc tặng máy móc thiết bị, nguyên, phụ liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm được quy định như sau:
+ Bên đặt gia công phải có văn bản tặng, biếu.
+ Bên được tặng, biếu phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định về nhập khẩu; phải nộp thuế nhập khẩu, thuế khác (nếu có) và đăng ký tài sản theo quy định hiện hành.
+ Phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức sử dụng, tỷ lệ hao hụt nếu thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu thì không phải làm thủ tục hải quan; được miễn thuế nhập khẩu; phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thời hạn xử lý nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị khi hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực đó là
– Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực thực hiện, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục quyết toán phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn; phế liệu, phế phẩm theo mẫu số 17/XL-HĐGC/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này;
– Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày thông báo phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn, phế liệu, phế phẩm, tổ chức, cá nhân phải thực hiện xong thủ tục hải quan để giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn, phế liệu, phế phẩm (nếu có). (Khoản 1 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT- BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 25 tháng 03 năm 2015 Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.