Đơn đăng ký nhãn hiệu của người nộp đơn có thể bị từ chối vì nhiều lý do. Vậy người nộp đơn cần làm gì trong trường hợp này để bảo vệ quyền lợi của mình? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
- 1 1. Xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối ở giai đoạn thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu:
- 2 2. Xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối ở giai đoạn thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu:
- 3 3. Xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối ở giai đoạn nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu:
1. Xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối ở giai đoạn thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu:
1.1. Nguyên nhân đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối ở giai đoạn này:
Theo quy định tại Điều 109 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2022) được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN quy định về thẩm định hình thức đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, theo đó đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định hình thức để đánh giá tính hợp lệ của đơn. Giai đoạn này sẽ diễn ra trong khoảng từ 01 đến 03 tháng. Đơn đăng ký nhãn hiệu bị coi là không hợp lệ và có thể bị ra thông báo dự định từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu trong các trường hợp sau đây:
– Có cơ sở để khẳng định rằng người nộp đơn không có quyền đăng ký;
– Đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp trái với cách thức sau:
+ Đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp dưới hình thức văn bản ở dạng giấy cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến;
+ Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam;
+ Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký nhãn hiệu thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
– Có cơ sở để khẳng định ngay rằng đối tượng nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu là đối tượng không được Nhà nước bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
– Người nộp đơn không nộp đủ phí và lệ phí (bao gồm cả trường hợp chưa nộp đủ lệ phí nộp đơn, phí công bố đơn, phí thẩm định đơn và phí tra cứu thông tin phục vụ thẩm định, trừ phí tra cứu thông tin phục vụ thẩm định và phí thẩm định nội dung đối với đơn đăng ký sáng chế nếu trong đơn không có yêu cầu thẩm định nội dung);
– Không đáp ứng các yêu cầu về hình thức như sau:
+ Đơn không đáp ứng các yêu cầu về số lượng bản của một trong số các loại tài liệu bắt buộc phải có;
+ Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức trình bày;
+ Đơn đăng ký nhãn hiệu không ghi rõ loại nhãn hiệu được đăng ký, thiếu phần mô tả nhãn hiệu;
+ Đơn không phân loại sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, hoặc phân loại không chính xác mà người nộp đơn không nộp phí phân loại;
+ Đơn thiếu bản dịch tài liệu chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên (nếu cần), bản dịch tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;
+ Thông tin về người nộp đơn tại các tài liệu không thống nhất với nhau hoặc bị tẩy xóa hoặc không được xác nhận theo đúng quy định, về người nộp đơn, về người đại diện, không có chữ ký và/hoặc con dấu (nếu có) của người nộp đơn hoặc của người đại diện;
+ Không có văn bản ủy quyền hợp lệ (nếu đơn nộp thông qua đại diện);
+ Thuật ngữ dùng trong đơn không phải thuật ngữ phổ thông. Các ký hiệu, đơn vị đo lường, quy tắc chính tả trong đơn không tuân theo tiêu chuẩn Việt Nam;
+ Mẫu nhãn hiệu không đáp ứng về kích thước, cách trình bày;
+ Bản dịch tiếng Việt của tài liệu đơn không phù hợp với bản gốc;
…
– Thiếu tài liệu xác nhận việc cho phép đăng ký và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý và/hoặc tài liệu đó không đáp ứng yêu cầu theo quy định.
– Thiếu quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và/hoặc quy chế chưa đáp ứng yêu cầu về nội dung bắt buộc theo quy định.
– Thiếu tài liệu chứng minh quyền sử dụng/đăng ký nhãn hiệu chứa các dấu hiệu đặc biệt (địa danh, danh nhân, cờ, huy hiệu, biểu tượng…).
Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu của người nộp đơn bị phát hiện có 1 trong những thiếu sót trên, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận hợp lệ đơn đăng ký và có yêu cầu người nộp đơn phải bổ sung, khắc phục các thiếu sót đã nêu trong thông báo dự định từ chối trong vòng 1 tháng.
1.2. Cần làm gì khi đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối ở giai đoạn này?
Trong trường hợp người nộp đơn nhận được thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ thì cần xem kỹ trong thông báo đó lý do Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra khi dự định từ chối là gì để có phương án khắc phục, bổ sung, hoàn thiện cụ thể. Người nộp đơn cần khắc phục theo yêu cầu trong thông báo của Cục SHTT trong thời hạn 01 tháng.
Ngoài ra, người nộp đơn cũng cần lưu ý 2 vấn đề đó chính là các thông tin trong tờ khai đăng ký nhãn hiệu cần phải khai đúng quy định và đảm bảo rằng đã nộp phí, lệ phí đăng ký đầy đủ.
2. Xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối ở giai đoạn thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu:
2.1. Nguyên nhân đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối trong giai đoạn thẩm định nội dung:
Đơn đăng ký nhãn hiệu có thể bị từ chối trong giai đoạn này bởi các lý do sau đây:
– Nhãn hiệu là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, huy hiệu, cờ, tên đầy đủ, tên viết tắt của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, bút danh, biệt hiệu, hình ảnh của anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, công dụng, tính năng, giá trị, chất lượng hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu kiểm tra, dấu chứng nhận, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc huy, quốc kỳ của các nước;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ có thể bị hiểu nhầm khi sử dụng dấu hiệu đó;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được thừa nhận rộng rãi và được sử dụng với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ;
– Nhãn hiệu là biểu tượng quy ước, dấu hiệu, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào được nhiều người biết đến và đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên;
– Nhãn hiệu là chữ số, hình và hình học đơn giản, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, chữ cái, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu mô tả lĩnh vực kinh doanh, hình thức pháp lý của chủ thể kinh doanh;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu chỉ địa điểm, thời gian, chủng loại, phương pháp sản xuất, chất lượng, giá trị, số lượng, thành phần, tính chất, công dụng hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa do việc sử dụng dấu hiệu đó;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm.
– Nhãn hiệu là dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu mạnh, rượu vang nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu mạnh, rượu vang không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.
2.2. Cần làm gì khi đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối trong giai đoạn thẩm định nội dung đơn?
Trong trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối thì người nộp đơn cần xem xét kỹ trong đơn lý do mà Cục Sở hữu trí tuệ từ chối để tìm giải pháp khắc phục phù hợp. Trong trường hợp có cơ sở và căn cứ để phản đối dự định từ chối thì người nộp đơn cần soạn thảo công văn phúc bao gồm những nội dung như đưa ra lập luận, căn cứ để khẳng định khả năng phân biệt của nhãn hiệu, đưa ra căn cứ để phản đối với thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ. Người nộp đơn nêu rõ các thông tin sau về số đơn, chủ đơn, ngày nộp đơn, nhóm hàng hoá dịch vụ và nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Nếu ý kiến phản đối xác đáng thì Cục sẽ ra thông báo dự định cấp văn bằng còn nếu ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục sẽ ra Thông báo từ chối cấp văn bằng.
3. Xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối ở giai đoạn nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu:
Người nộp đơn cũng có thể bị từ chối cấp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu do quá thời hạn nộp phí, lệ phí cấp văn bằng bảo hộ.
Thời gian đăng ký nhãn hiệu có thể kéo dài từ 02 đến 03 năm. Điều này có thể khiến cho người nộp đơn không phải lúc nào cũng theo dõi được tính trạng đơn đăng ký nhãn hiệu của mình, đặc biệt là trong trường hợp tự nộp đơn đăng ký. Khi Cục Sở hữu trí tuệ gửi thông báo về việc nộp phí cấp văn bằng bảo hộ, có thể xảy ra trường hợp chủ đơn đã thay đổi địa chỉ so với khi đăng ký ban đầu hoặc thông tin về địa chỉ của chủ đơn không rõ ràng. Điều này dẫn đến việc không nhận được thông báo về việc cấp văn bằng và không thực hiện nộp phí đăng ký, từ đó đơn đăng ký bị từ chối. Trong trường hợp này, người nộp đơn có thể tìm đến các đơn vị tư vấn để tìm cách giải quyết phù hợp.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi qua các năm 2009, 2019, 2022;
– Thông tư 23/2023/TT-BKHCN quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp.