Mọi doanh nghiệp đều có bí mật thương mại. Một số doanh nghiệp nhận thức rõ được tầm quan trọng của bí mật thương mại và đã xây dựng các chính sách chặt chẽ để bảo đảm sự bảo hộ bí mật thương mại của mình chống lại việc bộc lộ có thể gây tổn hại cho công ty.
Mục lục bài viết
1. Bí mật thương mại là gì?
Bí mật kinh doanh (hay bí mật thương mại, viết tắt: BMTM) là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật thương mại được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật nó.
Chủ sở hữu bí mật kinh doanh có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Bí mật mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Nói một cách chung nhất, thông tin kinh doanh bí mật bất kỳ tạo cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh có thể được coi là bí mật kinh doanh. Việc sử dụng trái phép những thông tin đó bởi người khác ngoài chủ sở hữu được coi là hành vi không lành mạnh và xâm phạm bí mật thương mại.
Bí mật thương mại cần phải được bảo vệ vì nó là một loại tài sản đặc biệt mang lại lợi nhuận cho công ty. Nếu bí mật thương mại bị tiết lộ sẽ dẫn đến hậu quả làm mất lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh của công ty.
Vì thế, người lao động trực tiếp liên quan đến bí mật thương mại (những nhân viên kĩ thuật cao cấp, những người làm việc trong bộ phận nghiên cứu và phát triển) có nghĩa vụ bảo mật không được tiết lộ hay sử dụng thông tin tích lũy được trong quá trình làm việc.
Bí mật thương mại trong tiếng Anh là Trade secret.
Bí mật thương mại là những thông tin được sử dụng trong quá trình tiến hành hoạt động kinh doanh không được nhiều người biết tới nhưng lại có thể tạo cơ hội cho người sở hữu nó có một lợi thế so với những đối thủ cạnh tranh không biết hoặc không sử dụng những thông tin đó.
Bí mật thương mại bao gồm công thức, thành phần một sản phẩm, thiết kế một kiểu máy móc, công nghệ và kĩ năng đặc biệt, các đề án tài chính, qui trình đấu thầu các dự án có giá trị lớn,…
Bí mật thương mại được hiểu trong tiếng Anh như sau:
” Business secret is information obtained from financial and intellectual investment, which has not been disclosed and can be used in business. Industrial property rights to a trade secret are established on the basis of legally acquiring the trade secret and exercising its confidentiality.”
2. Các đối tượng bí mật thương mại:
Các đối tượng có thể được coi là bí mật thương mại:
– Quy trình, kỹ thuật và bí quyết kỹ thuật trong sản xuất;
– Bộ sưu tập dữ liệu, ví dụ, danh sách khách hàng;
– Kiểu dáng, hình vẽ, kế hoạch và bản đồ;
– Các thuật toán, quy trình được thực hiện trong chương trình máy tính và bản thân chương trình máy tính;
– Công thức để sản xuất sản phẩm;
– Chiến lược kinh doanh,
– Thông tin tài chính;
– Hồ sơ cá nhân;
– Tài liệu hướng dẫn;
– Nguyên liệu;
– Thông tin về các hoạt động nghiên cứu và triển khai.
Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. BÍ mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Sử dụng bí mật kinh doanh là việc thực hiện các hành vi sau đây:
– Áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hóa;
– Bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh;
Chủ sở hữu bí mật kinh doanh không có quyền cấm người khác thực hiện các hành vi sau đây:
– Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp;
– Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Luật sở hữu trí tuệ;
– Sử dụng dữ liệu bí mật quy định tại Điều 128 Luật Sở hữu trí tuệ không nhằm mục đích thương mại;
– Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập;
– Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thỏa thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.
3. Điều kiện bảo hộ bí mật thương mại:
Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
- Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ;
- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để không bị lộ hoặc không để người khác không dễ dàng tiếp cận được.
Các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật thương mại:
- Bí mật về nhân thân;
- Bí mật về quản lý nhà nước;
- Bí mật về quốc phòng, an ninh;
- Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.
4. Thủ tục bảo hộ bí mật thương mại:
Không giống với sáng chế, bí mật thương mại được bảo hộ mà không cần phải đăng ký- nghĩa là không cần thực hiện bất kỳ thủ tục nào. Theo đó, bí mật thương mại có thể được bảo hộ vô thời hạn hoặc cho đến khi thông tin vẫn còn tính bí mật. Vì một số lý do, việc bảo hộ thương mại có thể là đặc biệt hấp dẫn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, có một số điều kiện đối với thông tin được coi là bí mật thương mại. Việc tuân thủ các điều kiện đó có thể làm cho việc bảo hộ thương mại khó khăn và tốn kém hơn so với ban đầu. Trong khi các điều kiện đó có thể là khác nhau giữa các nước thì vẫn có một số tiêu chuẩn chung được quy định tại Điều 39 Hiệp định TRIPS của Tổ chức thương mại thế giới là:
– Thông tin phải là bí mật (nghĩa là không được biết đến một cách rộng rãi hoặc được tiếp cận một cách dễ dàng bởi những người xử lý thông tin đó một cách thông thường);
– Phải có giá trị thương mại vì nó là bí mật;
– Phải được chủ sở hữu áp dụng những biện pháp thích hợp để giữ bí mật cho thông tin đó (ví dụ, thông qua các điều khoản bảo mật trong hợp đồng sử dụng lao động, các hợp đồng cam kết giữ bí mật, …)
Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh:
– Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
– Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó.
– Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh.
– Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền.
– Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi được Luật Sở hữu trí tuệ liệt kê.
– Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật thông tin.
5. Một số vấn đề còn tồn đọng trong bảo hộ bí mật thương mại:
Việc ngăn chặn nhân viên sử dụng kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc có thể lại là hành vi vi phạm quyền tự do và quyền sở hữu trí tuệ. Các công ty yêu cầu người lao động kí
Việc này dẫn đến những trở ngại cho việc khai thác năng lực tốt nhất của người lao động, vì thực tế người lao động cũng có quyền thay đổi công việc hay khởi sự công việc kinh doanh của riêng bản thân, họ có sử dụng một số kiến thức và kĩ năng tích lũy được trong quá trình lao động cho người chủ cũ.
Các chủ công ty thường lập luận rằng người làm công đã tìm ra bí mật thương mại bằng việc sử dụng thời gian, vật tư và thiết bị công ty đã cung cấp, vì thế công ty có quyền sở hữu và quyền sử dụng phát minh đó mà không phải trả tiền thêm cho người làm công.
Tuy nhiên, trên thực tế, bí mật thương mại không thể tách khỏi trí tuệ của người lao động, người lao động là người đồng sở hữu, nắm giữ những tài sản trí tuệ này, là người ít có khả năng hoặc không có chủ định sử dụng tài sản này vào việc làm lợi cho mình.
Khi người lao động bị đối xử một cách không bình đẳng sẽ có thể dẫn đến họ tiết lộ bí mật thương mại cho các công ty đối thủ để nhận phần tiền thêm hoặc họ sẽ sử dụng bí mật thương mại vào việc tách ra lập công ty riêng. Khi đó hoạt động kinh doanh của công ty sẽ gặp khó khăn.
Giải pháp khắc phục
Chìa khóa để giải quyết vấn đề bảo vệ bí mật thương mại nằm ở việc cải thiện mối quan hệ với người lao động, mà yếu tố then chốt là tạo ra một bầu không khí đạo đức trung thực. Ở đó, người chủ đối xử đàng hoàng với nhân viên, xác định đúng mức độ đóng góp, xác định đúng chủ quyền đối với các ý tưởng sẽ mang lại sự bảo vệ các bí mật thương mại có kết quả hơn là dựa vào pháp luật.
Ở đó, người lao động thực sự cảm thấy rằng những tài sản của doanh nghiệp cũng là của họ chứ không phải là của riêng ông chủ, như vậy họ sẽ tự giác có ý thức bảo mật thông tin của doanh nghiệp.
Kết luận: Bí mật thương mại là chìa khóa, là mấu chốt để xác định đến sự kinh doanh và phát triển của một doanh nghiệp. Vì vậy các điều kiện liên quan đến bảo hộ thương mại cần được quy định chặt chẽ và rõ ràng, hạn chế rủi ro về mặt pháp lý sau này.