Bị đánh ghen có kiện được không? Khi bị đánh ghen nên xử lý như thế nào? Hành vi đánh ghen bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Hành vi đánh ghen vẫn còn xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày khi mà phát hiện được người mình yêu, người chồng hay người vợ của mình phản bội, ngoại tình với kẻ thứ ba. Nhiều người không giữ được bình tĩnh đã lựa chọn đánh ghen bằng nhiều cách thức khác nhau. Đôi khi hành vi đánh ghen đó đã trở thành hành vi vi phạm phạm luật. Vậy với người bị đánh ghen có kiện được không? Cách thức xử lý như thế nào khi bị đánh ghen?
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;
– Bộ luật dân sự năm 2015;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Mục lục bài viết
1. Bị đánh ghen có kiện được không?
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi đánh ghen mà có chế tài xử lý vi phạm khác nhau. Đối với những hành vi đánh ghen chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, với những hậu quả của việc gây ra thương tích, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác phải bồi thường thiệt hại cho người đó. Mặc dù người biết rõ một người đã có vợ hoặc đã có chồng mà còn cố tình xen vào cuộc hôn nhân của họ là hành vi vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội nhưng chúng ta không thể lấy hành vi vi phạm pháp luật của bản thân để xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người khác. Như vậy, hành vi đánh ghen có thể bị bên bị đánh ghen khởi kiện đến tòa án để yêu cầu đòi bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra. Cụ thể:
Thứ nhất, khi đánh ghen gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bị đánh ghen thì người bị đánh ghen có thể kiện đòi bồi thường theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015. Các chi phí yêu cầu bồi thường gồm có:
+ Các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị mất hoặc bị giảm sút; nếu thu nhập thực tế không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất mà người thân của người bị thiệt hại chăm sóc người đó trong thời gian điều trị; thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc
+ Tiền bồi thường tổn thất tinh thần là do hai bên tự thỏa thuận, nếu không tự thỏa thuận được thì áp dụng mức tối đa đền bù tổn thất tinh thần không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (Hiện nay mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng, nên mức bồi thường tinh thần không quá 74.500.000 đồng);
+ Ngoài ra còn các khoản chi phí cho thiệt hại khác do luật quy định.
Thứ hai, người bị đánh ghen mà bị xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm như bị mắng chửi, xúc phạm, lột đồ nơi công cộng, … thì có thể yêu cầu bồi thường về danh dự, nhân phẩm theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể gồm các chi phí:
+ Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại do uy tín, danh dự, nhân phẩm bị xúc phạm;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do danh dự, nhân phẩm bị xúc phạm ví dụ bị chấm dứt các hoạt động quảng cáo, dự án phim điện ảnh, ..;
+ Khoản tổn thất về tinh thần thì do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (hiện nay không quá 14.900.000 đồng).
+ Ngoài ra còn có các khoản thiệt hại khác do pháp luật có quy định.
2. Khi bị đánh ghen nên xử lý như thế nào?
Nếu bạn bị đánh ghen nhưng thực sự bạn làm những hành động khiến người khác phải đánh ghen (như có việc ngoại tình, chung sống như vợ chồng với người đã có vợ, chồng) thì thiết nghĩ không nên khởi kiện người đánh ghen mình. Bởi ngoài quy định của pháp luật, mỗi hành vi, xử xự của chúng ta còn bị điều chỉnh bởi các quy định khác như chuẩn mực đạo đức xã hội, phong tục tập quán của địa phương, … Trường hợp khởi kiện người đánh ghen vừa làm cho mọi chuyện trở nên phức tạp hơn vừa làm cho mọi người có cái nhìn xấu về bạn. Hơn nữa, hành vi đánh ghen do xuất phát từ sai lầm của bạn, khởi kiện làm cho vụ việc kéo dài mất thời gian, uy tín, danh dự bị mất, thậm chí bị ghét hơn và còn nhiều lần đánh ghen khác nữa.
Trường hợp nếu bị đánh ghen oan, đánh ghen gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe như bị tạt axit làm hỏng mặt, hay thương tích nặng, … thì trước hết tùy vào mức độ vụ việc bạn nên giải quyết trên phương diện tình cảm trước, tìm đến gặp nói chuyện rõ ràng để hòa giải mâu thuẫn với người đi đánh ghen, nhận mức bồi thường và thông cảm với người đi đánh ghen, không nộp đơn khởi kiện cũng như đơn yêu cầu khởi tố hình sự. Trong trường hợp không thể hòa giải được, khiến cho sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì bạn có quyền khởi kiện ra tòa án quận, huyện có thẩm quyền của người đánh mình hoặc nơi mình cư trú để được giải quyết, hoặc có thể nộp đơn yêu cầu khởi tố hình sự đối với hành vi đánh ghen, yêu cầu đi giám định tỷ lệ tổn thương sức khỏe, lưu giữ những bằng chứng bị đánh, đe dọa từ đối phương.
Với mọi hành vi vi phạm pháp luật thì mọi cá nhân luôn được pháp luật bảo vệ.
Hồ sơ khởii kiện/tố cáo người đánh ghen gồm có:
– Đơn khởi kiện/ đơn tố cáo theo mẫu;
– Các tài liệu kèm theo liên quan đến yêu cầu khởi kiện như các đoạn tin nhắn đe dọa đánh, hình ảnh, video đánh ghen, hình ảnh đăng hình lên mạng xúc phạm danh dự, nhân phẩm, giấy giám định thương tích, …
– Giấy tờ tùy thân: căn cước công dân, sổ hộ khẩu (bản sao chứng thực)
– Ngoài ra còn kèm theo các tài liệu giấy tờ khác có liên quan như biên bản, quyết định xử phạt của cơ quan công an, …
3. Xử lý Hành vi đánh ghen theo quy định của pháp luật:
3.1. Xử lý vi phạm hành chính:
Việc đánh ghen gây ồn ào, mất trật tự công cộng có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Mức xử phạt cụ thể như sau:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi:
+ Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác trừ trường hợp gây rối có sử dụng chất kích thích, rượu bia hoặc mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương;
+ Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Gây rối trật tự công cộng mà có sử dụng rượu, bia, các chất kích thích;
+ Gây mất trật tự công cộng mà có tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng;
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, lăng mạ, xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp hành vi xúc phạm, lăng mạ người thân trong gia đình thì mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
+ Có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bằng cách tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Gây rối trật tự công cộng bằng cách tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác;
+ Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, đồ vật, phương tiện giao thông hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương nhằm mục đích cố ý gây thương tích cho người khác, gây rối trật tự công cộng;
+ Hành vi gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức;
+ Tham gia tập trung đông người trái pháp luật tại cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước hoặc các địa điểm, khu vực cấm;
+ Có hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi sản xuất, kinh doanh, nơi làm việc, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu;
+ Sử dụng các hình ảnh, bài viết có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng chưa đến mực bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Mang theo các loại vũ khí thô sơ công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương nhằm gây rối trật tự công cộng;
+ Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm cấm tại các khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh;
Ngoài việc chịu phạt tiền theo quy định như trên thì người có hành vi đánh ghen còn buộc phải cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm; buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm.
3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Hành vi đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc các trường hợp sau:
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như dùng vũ khí nguy hiểm, dùng axit nguy hiểm, thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, … thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.