Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua tác nhân gây bệnh cho người một cách cố ý và làm xâm phạm đến chế độ bảo vệ môi trường của Nhà nước ta.
Mục lục bài viết
1. Bệnh truyền nhiễm là gì:
Để xác định được khái niệm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì trước hết cần hiểu được khái niệm “bệnh truyền nhiễm”, “dịch bệnh truyền nhiễm” trong mối liên hệ với khái niệm “tội phạm”.
Về khái niệm “bệnh truyền nhiễm”, khái niệm này đã được nhắc đến ngay từ thời Hypocrates (Theo Biography, bác sĩ Hypocrates sinh ra trên đảo Aegean, Hy Lạp, khoảng giữa thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Ông được coi là bác sĩ đầu tiên của y học hiện đại, người đã bác bỏ quan niệm chữa trị bằng những hiện tượng siêu nhiên thần bí và xem y học là ngành khoa học). Theo đó, bệnh truyền nhiễm đã được biết đến với tên gọi là “bệnh dịch” để nói lên tính chất nặng và phát triển rộng của bệnh và được coi như “khí độc” lúc bấy giờ. Vào thế kỷ XVI đã ra đời học thuyết về “lây lan” thay cho quan niệm “khí độc”. Đầu thế kỷ XIX, cùng với sự ra đời của kính hiển vi, những căn cứ khoa học về bệnh truyền nhiễm mới được chứng minh bởi việc tìm ra một số vi khuẩn mà công đóng góp thuộc về các nhà bác học đi đầu như L. Pasteur, R. Koch, I. Mechnhicốp, G. Minx, D. Ivanopski... Sự phát sinh và phát hiện ngày càng nhiều các vi sinh vật gây bệnh làm cho các mặt bệnh truyền nhiễm ngày càng phong phú. Nhìn chung, khái niệm “bệnh truyền nhiễm” là loại bệnh nhiễm trùng có khả năng lây lan từ người hay động vật sang người hay động vật khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua môi trường trung gian (như thức ăn, đường hô hấp, dùng chung đồ dùng, máu, da, niêm mạc...) và có khả năng phát triển thành bệnh dịch.
Theo Bệnh học Truyền nhiễm và nhiệt đới của TS. Hoàng Vũ Hùng, định nghĩa “bệnh truyền nhiễm” là “bệnh lây bệnh thường gặp ở tất cả các châu lục nhưng đặc biệt là ở các nước có khí hậu nóng ẩm (nhiệt đới). Căn nguyên bệnh truyền nhiễm do vi sinh vật gây ra gọi là mầm bệnh, bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và nhiều khi trở thành các vụ dịch với số lượng người mắc rất lớn. Bệnh thường diễn biến theo các giai đoạn”. Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), “Bệnh truyền nhiễm hay bệnh lây là bệnh phát sinh do sự lan truyền của một tác nhân bệnh đặc thù tới cơ thể cảm nhiễm. Các tác nhân truyền nhiễm có thể truyền sang người trực tiếp, từ người hay động vật bị nhiễm khác, hoặc gián tiếp, thông qua véc–tơ (véc tơ là những côn trùng hay động vật mang tác nhân truyền nhiễm từ người này sang người khác. Vật chuyên chở là những đồ vật hay phần tử trong môi trường bị nhiễm (chẳng hạn như quần áo, dao kéo, nước, sữa, thức ăn, máu, huyết thanh, dịch ruột hay các dụng cụ phẫu thuật), các vật thể trong không khí hay vật chuyên chở” . Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, bệnh truyền nhiễm là “bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm”. Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản “bệnh truyền nhiễm” là bệnh do vi sinh vật gây ra (được gọi là mầm bệnh) và có khả năng lây truyền từ cơ thể mang bệnh sang cơ thể khoẻ bằng một hay nhiều đường khác nhau.
2. Dịch bệnh truyền nhiễm là gì:
Về khái niệm “dịch bệnh truyền nhiễm”, căn cứ theo Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007: “Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định”. Định nghĩa trên này dựa theo tiêu chí về số lượng người bị mắc những bệnh gây ra bởi vi sinh vật truyền nhiễm, bởi lẽ một khi đã xuất hiện trong cộng đồng cảm nhiễm, vi sinh vật truyền nhiễm như virus, vi khuẩn có thể lây lan từ người này sang người khác và số ca bệnh được truyền từ người này sang người kia sẽ tăng theo cấp số nhân dẫn đến sự lây lan mạnh đặc trưng một bệnh dịch. Một dịch bệnh có thể được giới hạn trong một không gian; tuy nhiên, nếu nó lây lan sang các quốc gia hoặc châu lục khác và ảnh hưởng đến số lượng lớn người dân mắc bệnh, nó có thể được gọi là một đại dịch.
Để làm rõ hơn về dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 02/2016/QĐ–TTg ngày 28/01/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm. Theo đó, việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện sau:
(i) Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A: Có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định.
(ii) Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C: Một xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã) được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 03 năm gần nhất; Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là huyện) được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên; Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh) được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.
Quyết định cũng quy định rõ trình tự công bố dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B, C của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế và các cơ quan khác có liên quan đến công tác điều tra xác minh, báo cáo về tình hình dịch bệnh.
Nói tóm lại, “dịch bệnh truyền nhiễm” có thể hiểu là sự xuất hiện của loại bệnh do vi sinh vật gây ra, có khả năng lây truyền từ cơ thể mang bệnh sang cơ thể khỏe mạnh một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua tác nhân gây bệnh với số lượng người mắc bệnh trong một không gian được xác định vượt quá dự tính bình thường.
3. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là gì:
Về khái niệm “tội phạm”, tội phạm nói chung và tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người nói riêng là một hiện tượng tiêu cực của xã hội mà nguồn gốc của nó là từ xã hội và sự phát triển của nó gắn liền với sự phát triển của xã hội. Ngay từ BLHS năm 1985 đã ghi nhận khái niệm tội phạm và được kế thừa, phát triển qua từng giai đoạn lập pháp, theo đó đến nay được quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực TNHS hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.
Khái niệm trên được xây dựng trên cơ sở tiêu chí là dấu hiệu cơ bản của tội phạm bao gồm: (i) tính nguy hiểm cho xã hội; (ii) tính có lỗi của tội phạm; (iii) tính trái pháp luật hình sự và (iv) tính có năng lực chịu TNHS. Đây cũng là khuôn mẫu cho việc xây dựng các khái niệm về một tội phạm cụ thể trong Phần các tội phạm của BLHS nước ta. Các hành vi thỏa mãn các yếu tố được quy định trong Điều 8 nêu trên mới được coi là tội phạm. Chính vì lí do đó, | hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người cũng phải thỏa mãn các dấu hiệu quy định tại Điều 8.
Trên cơ sở quy định tại Điều 8 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cùng với các khái niệm “bệnh truyền nhiễm”, “dịch bệnh truyền nhiễm” đã phân tích nêu trên, có thể rút ra khái niệm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là hành vi được liệt kê cụ thể trong Bộ luật hình sự, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua tác nhân gây bệnh cho người, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt từ đủ 16 tuổi trở lên thực hiện một cách cố ý và làm xâm phạm đến chế độ bảo vệ môi trường của Nhà nước ta.