Trong tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện khi muốn chuyển hướng phải có tín hiệu báo trước (bật xi nhan). Vậy, trong trường hợp người điều khiển phương tiện bật xi nhan nhưng không rẽ hoặc xi nhan nhầm hướng rẽ có bị xử phạt không?
Mục lục bài viết
1. Quy định chung khi tham gia đường bộ:
Theo quy định, về quy tắc chung, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ theo quy định tại Điều 11 Luật giao thông đường bộ năm 2008 như sau:
– Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
– Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
– Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.
– Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.
Thứ hai, khi sử dụng làn đường phải đảm bảo tuân thủ quy định sau:
– Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
– Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
– Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
Thứ ba, khi chuyển hướng xe, người điều khiển phương tiện phải đảm bảo thực hiện các quy định sau:
– Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
– Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
– Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.
– Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.
2. Mức phạt đối với hành vi không có tín hiệu báo rẽ khi chuyển hướng:
2.1. Quy định về mức xử phạt người điều khiển phương tiện vi phạm là ô tô:
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi chuyển hướng rẽ không có tín hiệu báo trước sẽ bị xử phạt như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước, trừ các hành vi vi phạm không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc
Thứ hai, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức).
Thứ ba, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc
2.2. Quy định về mức xử phạt người điều khiển phương tiện vi phạm là xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi chuyển hướng rẽ không có tín hiệu báo trước sẽ bị xử phạt như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước
Thứ hai, phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức)
Lưu ý:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
3. Thủ tục xử phạt đối với hành vi chuyển hướng không có tín hiệu báo rẽ:
3.1. Xử phạt hành chính không lập biên bản:
– Theo quy định tại Điều 56
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
– Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.
3.2. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản:
Đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp xử phạt không lập biên bản thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản. Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.
Theo quy định tại Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, việc lập biên bản được xác định như sau:
– Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình.
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.
– Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.
Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.
3.3. Quy định về quyết định xử phạt vi phạm hành chính:
Thứ nhất, về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Lưu ý:
Quá thời hạn quy định, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, ra quyết xử phạt vi phạm hành chính
– Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 01 quyết định xử phạt, trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính.
– Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức.
– Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức.
– Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định quy định ngày có hiệu lực khác.
4. Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị xử phạt không?
4.1. Bật xi nhan nhưng không rẽ có bị xử phạt không?
Đối chiếu theo các quy định trên, không có lỗi nào là bật tín hiệu báo trước mà không chuyển hướng hoặc bật tín hiệu báo trước mà không chuyển làn. Nghị định 100 chỉ có các lỗi chuyển hướng, chuyển làn không có tín hiệu báo trước (xi nhan). Như vậy, hiện nay bật xi nhan mà không rẽ không bị phạt.
4.2. Bật xi nhan nhầm hướng có bị xử phạt không?
việc xi nhan trái nhưng rẽ phải hoặc ngược lại không hề có tác dụng báo hiệu hướng rẽ mà còn gây nguy hiểm cho những phương tiện đi sau. Vì thế, hành vi xi nhan nhầm hướng vẫn có thể bị xử phạt như trường hợp chuyển hướng mà không có tín hiệu báo trước.